7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CHÚ EM THẮNG LỚN



A BIG WIN FOR THE LITTLE GUY


(Nguyên bản tiếng Anh của Christina Capecchi đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 4 tháng 5 năm 2017)

 


Art Cullen có niềm xót xa riêng của mình đối với đạo Công Giáo, nhưng anh không thể phủ nhận ảnh hưởng của đạo đối với công trình nhờ đó, mới tháng trước đây, anh đã đạt được giải thưởng Pulitzer.

 

Việc ấy được loan truyền rộng rãi: chủ biên của một tờ báo tỉnh nhỏ đã đánh bại những kiện tướng mà người ta cứ tưởng như sẽ thắng giải thưởng cao quý nhất trong ngành báo chí, như báo Washington Post và báo Houston Chronicle. Lần này một bàn thắng được ghi cho chú em, báo Storm Lake Times, một tờ báo do một gia đình làm chủ tại bang Iowa với ban biên tập vỏn vẹn 10 người và số báo phát hành 3000 mỗi kỳ.

 

Thật bất ngờ, người ta đổ xô vào Google để tìm hiểu về thị trấn nhỏ bé Storm Lake và các phóng viên loan tin với lời lẽ thi vị, bay bổng. Báo Concord Monitor viết, “Mở bản đồ Google, nhìn từ trên xuống, người ta thấy những giải đất miền Storm Lake, Iowa, một cộng đồng 10 ngàn dân, trông giống như một tấm vải nhung kẻ, cảnh đồng quê đầy những luống cầy.”

 

Năm nay đã 59 tuổi, Art Cullen trông ra vẻ một chủ biên, với đầu tóc bù xù, bộ rầu quai nón hình móng ngựa đã điểm sương và cặp mắt còn sắc sảo long lanh, tấm thân cao  ngồng chìm trong cái quần jean nhãn hiệu Lee, và đôi giầy ủng Redwing. Người em của anh là John là người xuất bản, con trai anh là Tom làm phóng viên. Còn vợ anh thì làm nhiếp ảnh viên.

 

Loạt bài xã luận đã giúp Art Cullen chiếm được giải thưởng Pulitzer là những bài tấn công các tập đoàn nông nghiệp thế lực vì họ đã để cho chất thải có nitrogen chảy vào và làm ô nhiễm các dòng sông ở Iowa. Khi Sở Thuỷ Cục thành phố Des Moines khởi kiện ba quận hạt đã phạm luật, các bị đơn đã dùng tiền do những nguồn tài trợ dấu tên cung cấp để chống lại vụ kiện. Art Cullen đòi cho biết những người tài trợ kia là ai, và sau cùng đã phanh phui ra tổ chức Farm Bureau và nhiều tổ chức nông nghiệp khác là những nguôn tài trợ.

 

“Chỉ cần có mắt có mũi là người ta đã biết chắc chắn Iowa là nơi có nước trên mặt dơ bẩn nhất nước Mỹ,” Art Cullen đã viết như vậy trong một bài xã luận vào tháng 3, 2016.

 

Những bài xã luận ấy ít nhất đã khiến cho tờ báo của anh mất đi một số người đăng quảng cáo, nhưng Art Cullen không nao núng. Lòng công phẫn đã tiếp sức cho anh.

 

Anh cũng ghi chép những biến đổi đang tuần tự xảy ra nơi đồng quê Iowa, viết về phong trào di dân đến định cư vùng Storm Lake, một tỉnh chuyên nghề chế biến, đóng gói và phân phối sản phẩm thịt. Anh cho biết  có đến 80 thứ ngôn ngữ được xử dụng trong vùng, và 88 phần trăm  các học sinh cấp tiểu học đều là người da mầu.

 

Mỗi tuần hai lần Art Cullen biểu dương sức mạnh của giấy mực, viết lên những bài báo đề cao những người thấp kém, và kể tội những kẻ quyền thế.

 

Có lẽ nhờ công dạy dỗ của các dì phước vào thập niên 70 mà anh mới làm được như thế. Các dì phước dòng Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh tại trường St Mary ở Storm Lake là những ngưởi gắn bó thiết tha với công bằng xã hội, say mê Đội Bóng Chày nổi tiếng của Cincinnati cũng như chú tâm giảng dạy môn ngữ pháp cho các em học sinh.

 

Art Cullen cho biết: “Hồi đó có nhiều dì phước Ái Nhĩ Lan viết văn hay lắm.”

 

Tuy vậy anh đâu có phải là người Công Giáo  hoàn hảo – anh nhớ lúc còn làm một em giúp lễ, có lần bị dì phước Redempta đuổi ra khỏi lớp và không cho giúp lễ nữa vì đã bỏ lễ 6 giờ 30 sáng hai tuần liên tiếp

 

Báo chí là nghề an ủi người đau khổ và bắt những kẻ phè phỡn phải khốn đốn. Niềm tin ấy cũng từ Phúc Âm mà ra. Thế đó, giáo dục và nghề nghiệp của Art Cullen đã gặp nhau. Anh nói: “Tôi không nghĩ có thể tách rời quan niệm về công bằng xã hội của đạo Công Giáo với nghề làm báo.”

 

Art Cullen hiểu được thông điệp có thể rút ra từ sự thành công của anh. “Việc này cho thấy không cần phải làm việc cho báo New York Times mới có thể là một nhà văn giỏi.” Tờ báo của anh có thể thiếu nhân lực tài lực để đoạt giải thưởng Pulitzers về viết phóng sự quốc tế hay viết chuyên đề, nhưng anh có thể viết những bài xã luận để đem lại một sự đổi mới trong cộng đồng của anh, đó là điều mà ban giám khảo giải Pulitzers đã thấy được. Anh phát biểu như vậy.

 

Vụ án chính trị Watergate (dưới thời Tổng Thống Richard Nixon) đã cho Art Cullen nguồn cảm hứng để theo đuổi ngành báo chí, hiểu theo nghĩa cao đẹp nhất của nó, nhưng trong nghề có một thời anh đã phải nản chí. Anh nói: “Có đến đồng quê Iowa rồi mới biết, ‘Thấy chưa, ta chẳng thay đổi được nơi này đâu.’ Thế rồi  cứ lúng túng và nghĩ ngợi, ‘Ta đã bị kẹt giữa nơi đèo heo hút gió này. Ta muốn nói lên một điều, nhưng không ai muốn nghe.’ Nhưng rồi về sau mình mới nhận ra quả thật đây chính là nơi mình cần phải tới.”

 


Vũ Vượng dịch