7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Trong Khi Cả Nước Đang Tranh Luận Sôi Nổi Thì Tượng Thánh JUNÍPERO SERRA ở Los Angeles Bị Phá Hoại


 

Amid National Debate, St Junípero Serra Statue Vandalized in L.A


 

(Bản tin CNA/EWTN News, đăng trong báo điện tử NW Catholic ngày 22 tháng 8, 2017, cho thấy giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ khó khăn, bị thù ghét, bị vu khống và bị phá hoại)

 

Los Angeles - Một bức tượng thánh Junípero Serra tại một công viên thành phố Los Angeles có dấu vết phá hoại vào tuần trước trong một thời kỳ cả nước đang tranh luận sôi nổi về những tượng đài lịch sử.

 

Tượng đài mô tả một thày dòng Phanxicô với một ý nghĩa tốt đẹp, đang đặt tay trên vai  một em bé thổ dân. Công viên này đối diện với trung tâm truyền giáo ở bên kia đường, tên là San Fernando trong khu vực Mission Hill, thành phố Los Angeles. Trung tâm truyền giáo này được thành lập bởi cha Fermin Lasuén, cũng dòng Phanxicô, vào năm 1797.

 

Một tấm hình bức tượng này được loan truyền trên mạng xã hội cho thấy trên bức tượng có viết chữ “đồ sát nhân” bằng sơn xì màu đỏ trên vị linh mục màu trắng.

 

Nhà chức trách thành phố không xác nhận với đài tin tức CBS2 ở Los Angeles tấm hình này có phải là đích thực hay không hoặc bức tượng đã được rửa sạch chưa. Tuy nhiên một phóng viên đài CBS2  tại hiện trường nói rằng có sơn đỏ trên bức tượng vị linh mục và biểu tượng của đảng Quốc Xã Đức trên pho tượng đứa trẻ.

 

Thánh Junípero, một nhà truyền giáo dòng Phanxicô, người Tây Ban Nha, đã lập nên chín trung tâm truyền giáo tại California vào thời kỳ cuối thế kỷ 18. Những trung tâm truyền giáo của cha đã giúp nhiều thổ dân vùng California trở lại đạo Thiên Chúa và dạy họ những kỹ thuật mới.

 

Hầu hết những trung tâm truyền giáo ngài thành lập về sau trở thành trung tâm của những thành phố chính ở California, cũng như những trung tâm khác do dòng Phanxicô thành lập. Vị linh mục ấy tiếp tục công cuộc giảng đạo bất kể một vết thương đau đớn ở dưới chân.

 

Ngài mất năm 1784 tại Điểm truyền giáo San Carlos Borroméo del Carmelo ở một nơi ngày nay thuộc California.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho cha Serra năm 1988. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong thánh cho ngài ngày 23 tháng 9, 2015 tại Washington D.C.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Ngài hăng say dẫn đường, dấn bước tiến lên để gặp nhiều người, học hỏi và quý trọng những phong tục và nếp sống riêng biệt của họ. Ngài học cách làm nảy sinh và nuôi dưỡng sự sống của Chúa trên gương mặt mỗi người ngài gặp. Ngài biến họ thành anh chị em của mình.”

 

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Cha Junípero tìm cách bảo vệ nhân phẩm của cộng đồng thổ dân, bảo vệ họ khỏi những sự ngược đãi và lạm dụng. Những sự ngược đãi và lạm dụng ấy ngày nay vẫn còn là những lo lắng của chúng ta, nhất là vì sự đau đớn mà chúng gây ra trong đời sống của nhiều người.”

 

Tuần trước tại Los Angeles, một người qua đường tên Cristian Mendoza đã chỉ trích tệ nạn phá hoại và nói với đài CBS2:

 

 “Mỗi người đều có quyền phát biểu công khai những ý kiến và suy nghĩ của riêng mình. Nhưng tôi nghĩ hành động đến thế này thì sai rồi.”

 

CBS2 kể lại lời của một người qua đường khác tên Christian Ramirez. Người này nói theo anh nên hạ bức tượng đó xuống và thay thế bằng một bức tượng khác, mà theo anh nghĩ, biểu lộ được “sự trân trọng đối với những người thổ dân sống ở đây.” Anh gợi ý bức tượng kia đại diện cho một “lịch sử bạo lực.”

 

Nhiều nhà lập pháp ở California đã đòi gỡ bỏ tượng thánh Junípero trong Sảnh Đường Tượng Đài Quốc Gia trong Toà Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ (U.S Capitol National Statuary Hall), nhưng không thành công.

 

Một số những người chỉ trích thánh Junípero phản đối việc tập trung một số người thổ dân trong những điểm truyền giáo ngài thành lập, cũng như phản đối những nhục hình được thi hành tại đó, nói rằng đó là những lý do để bác bỏ vị thánh. Một số người khác chỉ trích ngài có liên hệ với giới thực dân Tây Ban Nha.

 

Những người bảo vệ thánh Junípero nêu rõ ngài đã bảo vệ những người thổ dân ở vào một thời kỳ mà binh lính, và các viên chức khác của Tây Ban Nha có thể lạm dụng họ một cách dễ dàng. Có một lần, ngài đã phản đối án tử hình của một người đã giết chết một trong những bạn truyền giáo của ngài trong một cuộc nổi dậy.

 

Nhiều người thổ dân đã dự lễ mai tang ngài và khóc ròng khi ngài chết.

 

Việc phá hoại bức tượng của một vị thánh đã xảy ra đang khi có cuộc tranh luận về số phận của những bức tượng tôn vinh những nhân vật hàng đầu của phe Các Nước Liên Minh Châu Mỹ (Confederate States of America, tức là phe ly khai trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ) và của thời kỳ Tái Thiết (hậu chiến).

 

Hàng trăm người từ nhiều nơi trong nước đến và tập trung tại Charlottesville, Virginia vào ngày 11 tháng 8 vừa qua để phản đối việc gỡ bỏ tượng đài tướng Robert E Lee (chủ tướng của quân đội phe ly khai trong cuộc nội chiến) ở một công viên thành phố. Cuộc biểu tình lôi kéo được những người thuộc các nhóm da trắng độc tôn, tân quốc xã và các nhóm cực đoan Ku Klax Kan. Nhiều người phất cờ chiến đấu của phe Ly Khai và có ít nhất một người biểu tình phất cờ Đức Quốc Xã.

 

Cuộc biểu tình được sắp xếp kéo dài tới ngày hôm sau, lôi kéo nhiều người khác đến chống lại cuộc biểu tình. Hai nhóm xô xát, khiến cho nhà chức trách phải tuyên bố cuộc tụ họp là bất hợp pháp và ra lệnh cho các đám đông phải giải tán.

 

Một giờ sau, một người trong đám, James Alex Fields 20 tuổi, theo lời cáo buộc, đã lái xe xông vào đám người chống biểu tình, giết chết bà Heather Heyer, 32 tuổi, và gây trọng thương cho nhiều người khác.

 

Ngay sau biến cố ấy đã có một số lời phản kháng ôn hoà và cũng có những cuộc tấn công nhắm vào các tượng đài của phe Ly Khai trong cuộc nội chiến và nhiều đài kỷ niệm công cộng khác.

 

Một bức tượng bà thánh Jeanne d’ Arc ở thành phố News Orleans (bang Louisiana) cũng bị phá hoại bởi một hay nhiều kẻ vô danh vào khoảng cuôí tháng tư hay đầu tháng năm, với những dòng chữ viết nguệch ngoạc “giật sập xuống”. Việc này xảy ra sau một cuộc bàn cãi trong thành phố về việc phá bỏ những tượng đài của phe Ly Khai trong cuộc nội chiến và của thời kỳ Tái Thiết Hậu Chiến.

 

Ở Baltimore, một bức tượng cổ nhất của nhà thám hiểm Christopher Columbus (người đã khám phá ra Mỹ Châu) được dựng lên năm 1792 cũng bị phá hoại vào tháng này. Một video được đăng trên YouTube đã nhận trách nhiệm về vụ này và khiển trách Columbus “về một đợt sóng khủng bố, sát hại, diệt chủng, hiếp dâm, nô lệ hoá, phá hoại môi sinh và khai thác tư bản và lao động kéo dài nhiều thế kỷ tại những nước ở Mỹ Châu.”

 

Nhiều tượng đài như thế được những người Công Giáo Hoa Kỳ dựng nên vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 để ghi dấu vai trò của Columbus trong việc mở mang Tân Thế Giới cho người Âu Châu, ở một thời đại mà nhiều nhà lãnh đạo Mỹ thường bôi nhọ những nhân vật Công Giáo.


 

Vũ Vượng dịch