7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

BÊN TRÊN SỢ HÃI CÒN CÓ ĐỨC TIN


CHOOSING FAITH OVER FEAR

Translation of Christopher New Note 547

Authorized by the Christophers


 

NÓI ĐẾN SỢ HÃI, TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NGƯỜI THÀNH THẠO. Đành rằng có những người đối phó với sợ hãi hay hơn người khác, nhưng không ai thoát khỏi những xúc cảm mà sợ hãi có thể khơi dậy, những xúc cảm thật khó khăn có khi làm ta suy sụp khi phải đối diện với những nguy hiểm, lo âu, có thật hay chỉ là tưởng tượng.

 

Mỗi khi đời sống đem đến một cái gì mới lạ, khó khăn hay thật đáng sợ, thì sự sợ hãi dường như đang chờ đợi, sẵn sàng ập tới phá tan sự thanh thản của ta. Dù cố gắng tới đâu bằng sức riêng mình, thật sự chỉ có một điều có thể giúp ta tránh khỏi ngã gục trong bóng tối trong khi phải nhảy mừng trong ánh sáng mới đúng và điều đó chính là lòng tin vào Thiên Chúa.

 

Tất cả chúng ta đã từng chứng kiến thứ đức tin bất chấp sợ hãi đó biểu lộ rõ ràng, mà có khi ta cũng không nhận ra nữa. Đó là trường hợp một người bà con đang trải qua một sự mất mát thảm hại nhưng không ngần ngại tin rằng kế hoạch của Chúa phải xảy ra và đang xảy ra như thế. Đó là trường hợp của người bạn đồng nghiệp đã từ bỏ một việc làm toàn thời gian đang yên ổn để mở đầu một nghiệp vụ riêng hằng mơ ước. Đó là trường hợp của bất cứ ai thức dạy buổi sớm mai và nhìn thẳng vào những thử thách của một ngày mới với lòng phó thác, tin rằng Chúa làm chủ mọi sự.

 

Những tâm hồn can đảm này, những tâm hồn biết loại bỏ sợ hãi và sống bằng đức tin đã nghe được tiếng nói thì thầm của Chúa Thánh Linh trong một thế giới náo động inh ỏi. Họ đã ghi lòng tạc dạ lời Thánh Kinh: “Đừng sợ hãi.”

 

Thói thường khi sợ hãi ta chú trọng vào điều ta muốn đừng xảy ra hơn là suy xét nên làm gì nhờ sự trợ giúp của Chúa. Đức tin và một thái độ tích cực là điều tốt đẹp cho sức khoẻ thể chất, là điều hứng khởỉ cho những người chung quanh và còn có thể sinh hoa trái tốt đẹp nữa. Hơn nữa một tâm trí bình tĩnh dễ tiếp nhận sự soi sáng của Chúa để biết phải làm gì trong bước đường kế tiếp. Nếu ta tin những điều như thế có thể xảy ra – dù lòng tin chỉ bằng “hạt cải” - những hoàn cảnh gay go nhất cũng có thể xoay ngược lại, nếu đó là ý Chúa. Nhờ có Chúa, mọi sự đều có thể.

 

“Đừng lo lắng cho ngày mai, vì ngày mai có sự lo lắng của ngày mai.”

-       Matthêu 6:34

 

Tiến bước theo đức tin

Amy Welborn, tác giả của một quyển sách hay đề ra một thông điệp mạnh mẽ tựa đề Wish You Were Here: Travels through Loss and Hope (Ước gì anh ở đây: Hành trình qua mất mát và hy vọng), đã ghi lại những việc tuần tự xảy ra trong chuyến đi Sicily của bà cùng với ba trong năm đứa con, sau cái chết đột ngột của chồng là Michael Dubruiel.

 

Trong một cảnh nhức nhối, Amy ghi lại những cảm xúc của bà khi thấy xác chồng lần đầu tiên nằm trong quan tài tại nhà quàn và nhận thấy mặc dù đó là “dư âm của anh” nhưng nó không phải là anh nữa. Nhiều người chúng ta có thể nghĩ đó là một giây phút kinh hoàng, nhưng với Amy đó là giây phút sự sợ hãi đã biến mất.

 

“Tôi cảm thấy anh ấy đã ra đi, đi xuyên qua tầng tầng lớp lớp mây mù đầy rẫy những  nghịch lý, trớ trêu, hỗn loạn và tối tăm, và mặc dù anh đang nằm yên đó, yên hoàn toàn, nhưng thực sự anh đang di chuyển, tay chỉ về phía trước, như anh vẫn thường làm, và đang nói với tôi Chỉ Có Chúa (là câu giải đáp) và khối thịt lạnh ngắt này chưa phải là hết đâu. Anh đã ra đi và vì anh đã đi trước, tôi biết tôi cũng có thể đi theo.

 

“Và cứ thế, tôi đứng đó, không sợ hãi, không sợ cho anh và lần đầu tiên trong đời, cũng không sợ hãi cho tôi.”

 

Điều Amy khám phá ra – cũng là điều đã giúp bà đi từ chỗ sợ hãi đến chỗ thắm thiết đón nhận cuộc đời với tất cả những đau buồn của nó - xuất phát từ một cuộc sống đức tin sâu sắc. Ta thấy có mối liên hệ như vậy giữa đức tin và đức cậy, giữa đức tin và sự phó mặc cho Chúa, khi nhìn vào đời sống của những người lành thánh vĩ đại, nam có nữ có, trong thời đại ta đang sống và đời sống của những thánh nhân qua các thời đại. Quả thật đức tin có thể chuyển dời cả núi đồi.

 

Cha Walter J. Ciszek, một linh mục Dòng Tên, đã bị quân đội Nga bắt trong thế giới chiến tranh thứ hai và đã bị kết tội “làm gián điệp cho Vatican,” phải ở tù 23 năm trong các nhà tù của Nga và các trại lao động khổ sai ở Siberia. Trong quyển sách tựa đề Ngài Đã Dẫn Dắt Tôi (He Leadeth Me), cha đã nói về lúc sa xuống cùng điểm của thất vọng nhưng sau cùng cảm nhận được một “kinh nghiệm hoán cải” để rồi sau cùng ngài  đã phó mặc tất cả trong tay Chúa, bất chấp những cực hình và nỗi ghê sợ nào ngài có thể phải đối phó.

 

“Với ý thức và ý muốn rõ ràng tôi nhất quyết phó thác trọn vẹn bản thân mình cho thánh ý Chúa, không còn một chút vấn vương. Tôi biết làm vậy là vượt qua một ranh giới  trước đó tôi luôn do dự không dám vượt qua. Vậy mà lần này tôi đã quyết vượt qua –  kết quả là tôi không cảm thấy sợ hãi nhưng được giải thoát, không cảm thấy nguy hiểm và thất vọng, nhưng một nguồn tin tưởng và hạnh phúc mới mẻ trào dâng như sóng biển.” Đó là lời phát biểu của cha Ciszek, một linh mục Dòng Tên hiện đang được tòa thánh điều tra để phong hiển thánh.

 

Cha viết tiếp: “…Chúa ở trong mọi sự, giữ gìn mọi sự, điều khiển mọi sự. Nhận ra điều này trong mọi trường hợp và cảnh ngộ và thấy được ý Chúa trong mọi sự là biết chấp nhận mọi trường hợp và cảnh ngộ và để cho mình được buông trôi với lòng tin tưởng và phó thác trọn vẹn. Không gì có thể tách rời tôi khỏi Thiên Chúa vì ngài ở trong mọi sự. Không nguy hiểm nào có thể đe doạ tôi, không sợ hãi nào có thể lay chuyển tôi, chỉ trừ nỗi lo sợ không còn thấy Chúa đâu nữa.”

 

Phải thẳng thắn nhìn nhận không ai trong chúng ta sẽ phải chịu thử thách một phần tư thế kỷ trong một trại tập trung giữa chốn rừng thiêng nước độc của thời Liên Bang Sô Viết, nhưng như thế không có nghĩa là những nỗi khắc khoải của chúng ta, những thánh giá của chúng ta, những sợ hãi của chúng ta không phải là những gì nặng nề lắm. Đôi khi những sợ hãi tuy nhỏ đấy nhưng trở thành rất ghê gớm bởi vì bên trên sợ hãi còn có mặc cảm tội lỗi. Tuy biết rằng có những người phải chịu đau đớn hơn ta, nhưng chính ta lại là người mất hy vọng. Nếu không thận trọng ta có thể đi tới thảm cảnh duy nhất mà cha Ciszek luôn sợ hãi – không còn thấy Chúa đâu nữa - hậu quả là phải nhận lấy một nỗi thất vọng sâu thẳm mênh mông đến nỗi khó mà tìm ra lối thoát.

 

Như vậy ta có thể làm gì để củng cố nền tảng đức tin, chống trả cuộc tấn công dường như không ai tránh khỏi của sự sợ hãi? Ta có thể tìm ra lời giải đáp trong lời cầu nguyện. Đó là đường dây khẩn cấp để kêu cầu Thiên Chúa, là phương thế giúp ta liên lạc thường xuyên với ĐẤNG duy nhất có thể dẫn dắt đời sống của ta ra khỏi sợ hãi để  tới hy vọng.

 

Nên thực hành một số giờ cầu nguyện hàng ngày để xây dựng và mở rộng liên hệ với Thiên Chúa. Dâng mỗi ngày mới cho Chúa khi thức dậy buổi sáng. Xen lời cầu nguyện  vào những lúc nhàm chán của cuộc đời - khi lái xe đi làm, lúc làm những việc dọn dẹp trong nhà. Suy niệm về những việc xảy ra trong ngày, cảm tạ Chúa về những điều tốt đẹp, mặc dù ta cũng gặp nhiều khó khăn đấy. Lòng biết ơn là một phương thế để chống trả sợ hãi.

 

Hãy bắt đầu chú ý đến những người chung quanh. Thường thường ta quá chú trọng vào những khắc khoải của riêng mình để rồi không còn nhận thấy nhiều người khác, ngay giữa chúng ta, đang phải khóc thầm trong sợ hãi – đó là cô bạn trẻ bề ngoài tỏ ra lạnh lùng, không phải vì khiếm nhã, nhưng vì những dằn vặt đang phải trải qua trong đời sống vợ chồng; đó là đứa trẻ hung bạo nhưng thật ra là đang cần sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ; đó là ông chủ hãng lạnh lùng và ti tiện đối với nhân viên, nhưng thật ra đang sợ hãi vì vị trí bấp bênh. Mỗi người đều phải đối phó với những khó khăn dằn vặt cách nào đó. Khi nhận rõ được tình hình như vậy ta sẽ bớt chú ý đến nỗi sợ hãi của riêng mình, và chú trọng nhiều hơn đến tình cảnh chung của nhân loại.

 

“Đừng để điều gì làm bạn lo lắng. Đừng để điều gì làm bạn sợ hãi. Mọi sự qua đi. Chỉ có Chúa tồn tại. Nhẫn nại là được tất cả. Chỉ có Chúa là đủ.”

-Thánh Têrêxa thành Avila

 

Những trở lực trên đường thăng tiến

Trẻ em, nhất là những em nhỏ, thường hay sợ hãi cuống cuồng, do trí tưởng tượng gây ra hơn là vì những điều nguy hiểm có thật. Bạn còn nhớ những truyện hù dọa về ông ba bị chuyên bắt trẻ con bỏ vào bị để ăn thịt chứ? Nhưng ngay cả những người trưởng thành cũng có thể vướng vào một kiểu cách sợ hãi tương tự như thế.

 

Đành rằng có những trường hợp mà hoảng sợ là phản ứng hợp lý duy nhất của người ta – như khi nghe chẩn đoán mắc bạo bệnh thời kỳ cuối, bão lốc đang ập tới nơi, một em bé lạc mất nơi trung tâm thương mại đông đúc. Những trường hợp này và nhiều trường hợp tương tự khác là những đe doạ thật sự, tất nhiên phải gây hoảng sợ, cũng là điều tốt. Sợ hãi có thể vừa là một gánh nặng vừa là một cách để bảo vệ.

 

Chính những điều sợ hãi không rõ ràng lắm có thể đè nặng trên ta một cách không cần thiết – như khi bắt đầu một việc làm mới, dọn nhà tới một tỉnh mới, nói chuyện trước một đám đông. Mặc dù những việc này cũng có phần đáng sợ đấy, nhưng sự sợ hãi mà chúng gây ra chủ yếu là một phản ứng do chính ta làm ra. Ta bắt đầu nghĩ đến những kết quả có thể là tồi tệ và tự xô mình vào tình trạng hoảng hốt. Khoa tâm lý bình dân gọi hiện tượng này là tự hù doạ, nhưng xét cho cùng nguyên do là vì ta không muốn từ bỏ nếp sống riêng và không biết trông cậy vào Chúa.

 

Nếu con nhỏ của bạn đang hoảng sợ vì một cái gì khó có thể gây ra nguy hiểm cho nó, có lẽ bạn đã ngồi xuống, ôn tồn nhắc nhở không làm gì có chuyện ông ba bị mà nó đang sợ. Vậy bạn cũng nên áp dụng phương pháp ấy cho chính mình. Không hề có ông ba bị - không bao giờ có, trừ khi bạn tin như vậy. Nên bắt đầu coi những việc nhỏ mà bạn đang sợ như những cơ hội để trở nên trưởng thành hơn. Bạn có thể xoá nhòa sự sợ hãi nếu biết xem nó như một thử thách.

 

Khi Samantha còn nhỏ, cả gia đình cô thường phải đi theo bố hết nơi này đến nơi khác trong nước, vì việc làm của ông. Dọn nhà đi nơi khác có thể là một viễn tượng ghê sợ đối với trẻ em. Chúng hoảng sợ vì sắp phải từ bỏ ngôi trường làng thân yêu và những bạn bè quen thuộc. Đôi khi cha mẹ còn làm cho chúng lo sợ thêm khi cứ để chúng lo lắng một mình hoặc nói về những điều đáng ngại đang chờ đợi trước mắt. May thay cha mẹ Samantha đã chọn một đường lối khác, một đường lối không để cho sợ hãi xen vào.

 

Ông thường nói về cuộc di chuyển như một truyện phiêu lưu, một thành phố mới đầy hào hứng và nhiều việc mà anh em Samantha sẽ phải làm trong nơi ở mới. Đối với Samantha, việc di chuyển không bao giờ là điều đáng sợ nhưng luôn là điều trông đợi, và những bài học của bố có một ảnh hưởng sâu đậm lâu dài. Cho tới nay cô vẫn tỏ rõ một tình thần tìm tòi, mạo hiểm ấy khi bay sang nước Áo (miền trung Âu) trượt tuyết trên những sườn núi cheo leo, hoặc đi du ngoạn vùng rừng già sông Amazon (Nam Mỹ), không bao giờ để cho sợ hãi hạn chế cơ hội học hỏi những kinh nghiệm mới. Tất cả tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận việc đời. Đôi khi sợ hãi chính là một cơ hội trá hình.

 

Một cô giáo lớp một miền bắc bang New York đã dùng một phương pháp tân kỳ để giúp  các học sinh nhỏ của cô đối phó với những điều làm chúng sợ hãi hay lo lắng. Cô hỏi các em cái việc đáng sợ ấy – bị chế riễu trên sân chơi, làm đổ nước trái cây trên bàn, để quên cặp đựng bài tập ở nhà – sẽ còn ghê gớm thế nữa chăng, 10 năm sau này? Bạn hãy tự hỏi mình như vậy về những điều lo lắng và sợ hãi của mình. Mười năm sau, 50 năm sau, 100 năm sau, liệu tất cả những điều đang cướp hết niềm vui, sự bình an của bạn có còn quan trọng thế nữa chăng? May thay, trừ khi bạn đang phải đối phó với một hoàn cảnh đe doạ tới mạng sống, câu trả lời là không. Hãy nhớ sự thật đó mỗi khi bạn sắp sửa để cho sợ hãi xô đẩy vào một tình thế hốt hoảng không biết phải làm sao. Rồi đổi thái độ, hít một hơi thở sâu, đọc một lời cầu nguyện và làm chính cái việc mà bạn đang sợ nhất.

 

“Yên ổn là niềm tin không có cơ sở vững chắc. Không có nó trong thiên nhiên. Đời sống là một cuộc phiêu lưu táo bạo, nếu không nó cũng chẳng ra gì.”

-Helen Keller