7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Chọn Hy Vọng … Chia Sẻ Hy Vọng!


(Choose Hope…Share Hope!)


Nguyên bản tiếng Anh đăng trong Christopher News Notes 583

 

Ta biết kế hoạch của ta dành cho chúng con, Chúa nói, những kế hoạch xây dựng hạnh phúc, không phải những kế hoạch làm hại, để cho chúng con có một tương lai đầy hy vọng”

-Jeremiah 29:11

 

HY VỌNG, chỉ một từ đơn giản ấy đã khơi dậy biết bao cảm xúc biết bao sức mạnh. Vậy mà trong những giờ phút đen tối nhất ta chẳng còn tìm thấy hy vọng đâu nữa. Khi mọi sự trôi chảy tốt đẹp ta dễ hy vọng bao nhiêu thì khi việc đời chuyển qua một khúc quanh buồn thảm ta cũng dễ cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Nhưng các bậc hiền nhân quân tử cũng như những người đã chịu mất mát ghê gớm…đều nhắc nhở cho ta một điều: bí quyết tìm hy vọng bền vững là phải học tập để nhìn thấy, như người ta thường nói, ánh sáng ở cuối đường hầm, dù là đường hầm sâu thẳm và đen tối nhất.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi hy vọng là một “phép lạ” hay một món “quà của Chúa Thánh Linh” và nhắc nhở: thứ hy vọng thật sự có thể nâng đỡ ta phải bắt nguồn từ đức tin, không phải là cái gì tự mình có thể tạo ra được. Nó đòi phải có lời cầu nguyện, lòng tín thác và biết ơn ngay cả khi ta đang ở giữa những thử thách của cuộc đời.

 

“Chúa Giêsu là niềm hy vọng, đổi mới mọi sự. Cho nên hy vọng là một phép lạ trường kỳ…phép lạ đổi mới mọi sự: phép lạ Chúa đã làm trong đời tôi, trong đời anh chị, trong đời chúng ta. Ngài tạo dựng và tái tạo. Và đó chính là lý do để ta hy vọng.” trích lời Đức Thánh Cha trong một bài giảng năm 2014.

 

Lisa Wheeler thấy niềm hy vọng đó khi “Tôi nhìn vào đứa con gái mà chúng tôi đã nhận vào trong gia đình qua thể thức nhận con bảo dưỡng làm con nuôi. Đó là một trong những hành trình khó khăn nhất trong đời tôi, nhưng tôi quyết tín thác vào thánh ý Chúa và tin tưởng cầu nguyện. Cháu là lời nhắc nhở sống động cho chúng tôi về câu trong sách Cách Ngôn ‘Hy vọng bị trì hoãn làm cho trái tim ra bệnh hoạn, nhưng ý muốn được toại nguyện là cây sinh ra sự sống’ Thật vậy chúng tôi đã đặt cho cháu cái tên lót là Hope (hy vọng) khi cháu được rửa tội để hàng ngày nhắc nhở cho chúng tôi Chúa luôn trung tín giữ lời hứa của Ngài.”

 

Cuộc đời bà Wheeler những năm gần đây là một giai đoạn cố gắng không ngừng, hết việc này đến việc khác, bà quyết giữ gìn hy vọng -  trước hết là quyết định bỏ một việc làm đang yên ổn để bắt đầu một nghiệp vụ riêng, Carmel Communications; rồi mẹ bà, một người thân thiết nhất đời, bị bệnh rồi chết; lại đến hoàn cảnh gay go của ba đứa con bảo dưỡng, tương lai thật bấp bênh, vì sau một năm rưỡi được bà nuôi làm con bảo dưỡng có thể được trở về với mẹ đẻ.

 

Bà giải thích thêm: “Có những ngày tôi thất vọng lắm, nhưng cố giúp mình bằng cách nhớ đến những lời hứa Chúa đã chu toàn. Trong thâm tâm tôi biết dù chúng tôi phải mất những đứa trẻ này vì một cơ chế quản lý tồi tệ. Chúa có thể xoa dịu nỗi lòng chúng tôi và  cứu mẹ chúng khỏi những khắc khoải của bà. Chúa đã cho tôi thấy lòng trung tín của Ngài nên tôi tin như vậy.”

 

Bà Wheeler có lòng sùng kính đặc biệt Đức Mẹ mang danh hiệu “Đức Bà Gỡ Rối”. Mặc dù lòng sùng kính Đức Bà Gỡ Rối được lan rộng nhờ ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bà Wheeler cho biết bà đã tìm thấy quyền phép của Đức Mẹ từ lâu rồi.

 

Bà giải thích: “Khi tôi cảm thấy thất vọng về một việc đang làm hay trợ giúp ai, tôi chỉ cần đọc lời nguyện này: “Xin Mẹ cởi gỡ những nút rối khiến cho việc làm này, việc làm kia không hoàn thành được,’ tôi cảm thấy rất bình an khi đọc đi đọc lại câu này.”

 

Chấp nhận không phải là đầu hàng


Nếu nói chuyện với những người có khả năng giữ được hy vọng trong những thời kỳ đen tối, bạn thường thấy họ có một đức tính đặc biệt giúp họ lạc quan. Thay vì nói ly nước còn vơi, họ sẽ nói ly nước gần đầy. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí GQ mới đây, bầu sô Stephen Colbert, một người thường nói công khai về đức tin Công Giáo của mình, cho biết ông thường ghi một lời ở gần máy computer của ông nói rằng : “Niềm vui là dấu hiệu không thể sai lầm rằng có Thiên Chúa.”

 

Thoạt nghe người ta thấy đó như là lời nói hiển nhiên, dễ hiểu của một người diễn hài nổi tiếng, nhưng khi tìm hiểu sâu xa về cuộc đời Colbert ta nhận ra ảnh hưởng mãnh liệt của quyết tâm chọn niềm vui, và qua niềm vui, là hy vọng.

 

Là con nhỏ nhất trong gia đình 11 người con, Colbert mất cha và hai anh trong một tai nạn máy bay khi ông mới lên mười. Nhờ gương sáng của mẹ và nhờ đọc sách nhiều giờ mỗi ngày, cậu bé đã tìm ra cách vượt qua hoàn cảnh oan nghiệt của mình. Tuy vậy phải đợi tới khi bước lên sân khấu và bắt đầu diễn hài ngẫu hứng cậu mới hiểu một cách sâu sắc khả năng đặc biệt của mình, khả năng đi theo những gì sợ hãi và chấp nhận vật lộn với đời.

 

Một trong những người khôn ngoan đã khuyên cậu phải yêu thích những thành công cũng như những thất bại của mình. Yêu thích những  thời gian đen tối cũng như những thời gian trong sáng. Đó là một khái niệm khó chấp nhận đối với phần lớn chúng ta. Tuy vậy con đường hy vọng là học tập để biết chọn niềm vui, vượt lên trên những cay đắng. Đó là điều mẹ đã dạy cho ông.

 

Kết luận của Colbert lúc kết thúc cuộc phỏng vấn với GQ: “Có qua phải có lại. Có vui thì cũng phải có buồn. Đó là điều rất hay. Nói thế không có nghĩa là chịu thua đau khổ. Chấp nhận không phải là thất bại. Chấp nhận chỉ là hiểu biết. Tôi đã chẳng có tuổi thơ đau khổ sao? Và tôi đã tập yêu thích nó. Có thể vì thế mà bạn không thấy tôi là người nóng tính, thích xổ ra những lời độc địa trên sân khấu. Lý do là vì tôi yêu thích cả những gì tôi mong muốn đừng bao giờ xảy ra.”

 

Thật là một lời nói phức tạp và thúc bách: yêu thích cái gì ta mong ước đừng bao giờ xảy ra, như mất môt người thân yêu, mất một việc làm, mất nhà ở, bị bệnh tật làm thay đổi cuộc đời hay khiến ta phải lệ thuộc người khác. Vậy mà chúng vẫn thường xảy ra và ta buộc phải lựa chọn thất vọng hay hy vọng, đau buồn lâu dài hay vui sống.

 

Biết nhìn thấy những ơn phước


Vào thập niên 1980 khi nữ tu Annie Credidio, sinh trưởng tại Hoa Kỳ, sang Equador, Trung Mỹ, để chăm sóc cho những người bị bệnh Hansen (cũng gọi là bệnh cùi) bà thấy những bệnh nhân bị lơ là và rất đau đớn vì bệnh tình của họ. Trong một cuộc phỏng vấn của Christopher Closeup, bà nhớ lại dù trong hoàn cảnh khổ sở như vậy, đức tin của họ vẫn sâu đậm và họ vẫn giữ được hy vọng. Bà nói, “Đời sống tâm linh của họ làm tôi xúc động. Tôi hiểu được ý nghĩa sâu sắc của đức tin, đức tin chân thật là trao phó mọi sự để Chúa lo liệu.”

 

Phần thưởng mà các bệnh nhân đã nhận được vì đức tin của họ là một chương trình mang tên Nhà Cha Damien do nữ tu Annie lập nên để cung cấp thuốc men, thực phẩm mà họ cần, sự tôn trọng phẩm giá mà mọi người đáng được hưởng.”

 

Người ta cũng thấy phẩm giá con người được tôn trọng như vậy nơi Học Viện Quốc Tế Hy Vọng (International Institute of Hope,) một trường học ở thành phố New York, nơi tiếp nhận những trẻ em bị chấn thương não, có cả những em đang phải phấn đấu tập đi hay tập nói. Hoàn cảnh đó có vẻ như là khốn đốn lắm, nhưng bầu không khí trong trường tỏ ra xứng với cái tên Hy Vọng của nó. Có hy vọng nhờ các thày cô, nhân viên trị liệu và nhân viên quản trị đầy nhiệt tình và lòng yêu trẻ khiến cho các em hứng khởi học tập.

 

Laura Romanelli, một trị liệu viên, đã nói với Tony Rossi, cơ quan Christopher, “Các em làm cho ngày làm việc của tôi tươi sáng hơn. Tôi phải giúp nâng cao giá trị đời sống của các em. Việc này chỉ có thể làm từng phần nhỏ. Có em không thể với tay lấy một đồ vật, hay đi một bước. Nhưng sau nhiều giờ tập luyện các em mới có thể làm được. Thật phấn khởi, việc làm này quả là một ơn huệ cho tôi.”

 

Trị liệu viên tiếng nói Zimmad Imam nói thêm: “Nếu ai lơ là với các em, chúng biết liền. Nên cần phải đến đây mỗi ngày để đem lại hy vọng cho các em.”

 

Tiến bộ luôn luôn nuôi dưỡng hy vọng


Theo lẽ thường sau khi bé Anna qua đời, cha mẹ của em là Stephanie và Manny Gutierrez chắc phải thất vọng lắm. Nhưng không, họ đã lựa chọn – và tiếp tục lựa chọn – lòng tin và hy vọng, nhờ vậy đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người.

 

Anna bị một chứng bệnh thần kinh gọi là Hội Chứng Rett kéo dài từ khi bé được sáu tháng cho đến khi được bốn tuổi thì chết. Tuy vậy khi hy vọng đang cạn dần, Stephanie và Manny thấy họ cần phải mạnh mẽ vì Anna và vì Gabe, cháu bé trai của anh chị.

 

Manny nói, “Chúng tôi không thể chú ý đến một toàn cảnh buồn thảm với những đau khổ không có ích lợi gì hay những băn khoăn có sự công bằng hay không. Chúng tôi chỉ có thể dồn sức lực chăm sóc cho Anna. Ngày nào biết ngày đó, có khi giờ nào biết giờ đó. Phân chia công việc ra thành những phần nhỏ, ta sẽ thấy có sự trôi chảy, dù chỉ chút ít nhưng cũng là tiến bộ rồi. Và có tiến bộ là có hy vọng.”

 

Trong ba năm kể từ khi Anna qua đời hy vọng trong gia đình Gutierrez mang một đặc tính mới: “Trong khi vẫn trông mong một thế giới không còn Hội Chứng Rett, hy vọng của chúng tôi có nguồn gốc sâu xa hơn: hy vọng được gặp lại Anna.”

 

Anna, một em bé vốn thích màu hồng tươi, tiếp tục cho Staphanie niềm hy vọng vào những lúc cần thiết nhất. Stephanie nhớ lại kỳ đi nghỉ hè mới đây của gia đình: “Chúng tôi đang đi loanh quanh trong một tỉnh lỵ ở một nước khác và tôi đang thổ lộ với Manny tôi nhớ Anna dường nào, nước mắt tràn ra khi muốn được thấy Anna thật gần. Chàng bèn nói với tôi, “Ta rẽ qua đường này. Anh nghĩ rằng có một nhà thờ Công Giáo phía trước mặt, chỉ cách vài ngã tư.” Khi chúng tôi đang bước trên con đường đá gập ghềnh, thì một ngôi nhà thờ xuất hiện, nhà thờ Thánh Anna. Và các bạn có ngờ được không: ngôi nhà thờ màu hồng. Toàn thể nhà thờ sơn màu hồng. Những dây phút đó là bằng chứng không thể chối cãi cho tôi thấy gia đình tôi đang có một vị thánh trên thiên đàng, đang chăm chú nhìn chúng tôi một cách đặc biệt.”

 

Và những dây phút ấy khiến cho gia đình Gutierrez không những chọn hy vọng mà còn chia sẻ hy vọng nữa. Nơi những hình ảnh và lời chia sẻ đầy hưng phấn trên Facebook của gia đình, người quen thuộc kẻ xa lạ đều được thấy một đức tin sâu xa và bền vững giúp họ tiếp tục tìm được ánh sáng nơi mà người khác chỉ thấy bóng tối.

 

Đó là thứ hy vọng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các bậc thánh thường nói đến. Đó là thứ hy vọng để chúng ta lựa chọn.

 

“Chúng ta phải chấp nhận thất vọng hữu hạn, nhưng không bao giờ mất niềm hy vọng vô biên”

-Martin Luther King Jr