7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Photo: Shutterstock


What is the Exaltation of the Holy Cross about?


 

Bài của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 9, 2019. Bài này nói lên những sự kiện lịch sử bao quanh lễ Suy Tôn Thánh Giá, và ý nghĩa của Lễ này đối với mỗi người Công Giáo chúng ta.

 


HỎI: Tại sao ta có một ngày lễ kính Thánh Giá vào tháng 9? Chẳng phải đó là việc chúng ta làm vào Thứ Sáu Tuần Thánh mỗi năm hay sao?


 

 ĐÁP: Mỗi năm vào ngày 14 tháng 9, chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Mặc dù lễ này nhắm vào thập giá Chúa Kitô, nó không phải cùng một cách mừng lễ như ta thấy thường xảy ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi ta bước vào tuần thương khó của Chúa và sốt sắng tham gia vào sự chết của Chúa Giêsu. (Trong bài này,) ta hãy tập trung suy nghĩ vào lễ Suy Tôn Thánh Giá mà thôi.

 


Mặc dù những Kitô hữu thời sơ khai có dùng dấu thánh giá trong kinh nguyện và nghi thức chúc lành riêng, trước thế kỷ thứ tư, họ không công khai tôn vinh hay trình bày thánh giá. Lý do là người La Mã vẫn còn tiếp tục dùng thập giá làm một kiểu tử hình ghê gớm, tàn bạo và nhục nhã. Những Kitô hữu thời sơ khai, vào những dịp đặc biệt, có tôn vinh một hình thánh giá được trang hoàng đẹp đẽ (gọi là crux gemata) – mà một di tích còn thấy được  trong vòm bàn thờ của Vương Cung Thánh Đường Lateran – nhưng không phải thánh giá có tượng Chúa chịu nạn. Họ cũng đưa vào những hình ảnh khác của đạo Kitô thời sơ khai những hình  gợi ý khó hiểu về cây thánh giá, như cái neo tàu, một biểu tượng của hy vọng.


 

Mãi đến khi đạo Thiên Chúa được hợp pháp hóa với Chiếu Chỉ Milan vào năm 313 và việc bãi bỏ cách xử tử bằng thập giá tiếp theo đó, thì các Kitô hữu mới bắt đầu công khai tôn vinh hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh.

 


Sự phát triển lòng sùng kính này có thể đã được khởi phát một phần nào bởi chính việc hợp pháp hóa đạo Thiên Chúa. Trong những thời kỳ chịu bách hại, các Kitô hữu biết rõ sự hy sinh vì đức tin như thế nào, nhưng khi không còn bị bách hại nữa, họ cần nhắc nhở cho chính mình về sự hy sinh của Chúa chúng ta bằng hình ảnh ngài chịu đóng đinh. Hình ảnh xa xưa nhất của Chúa chịu đóng đinh được trình bày công khai để tôn kính, ta còn thấy được trên những cánh cửa gỗ có hình chạm trổ của nhà thờ Santa Sabina ở Rome ( từ giữa thế kỷ thứ năm).

 


Cũng chính vào thời kỳ sau khi đạo Thiên Chúa được hợp pháp hoá mà những di tích của cây Thánh Giá đích thực được tìm thấy ở Jerusalem và bà Helena, mẹ của hoàng đế Constantine đã xây vương cung thánh đường Mồ Thánh trên nơi mà Chúa Giêsu chịu đóng đinh và an táng. Lễ Suy Tôn Thánh Giá để tưởng niệm hai sự kiện này (tìm được Thánh Giá và xây dựng vương cung thánh đường) được cử hành vào dịp kỷ niệm hàng năm ngày nhà thờ này được cung hiến và một mảnh cây thánh giá đích thực được trưng bày để tôn thờ một cách công khai. Lễ tôn vinh Thánh Giá hàng năm vào ngày 14 tháng 9, theo thể thức này hay thể thức khác, được tiếp diễn kể từ năm 335.


 

Trong khi chính phủ của các nước ngoại giáo có thể đã coi thánh giá là dầu chỉ của chiến bại, đau khổ, đe doạ và thất bại, nó có nghĩa khác xa nơi những người theo đạo Kitô. Đối với ta, thánh giá là công cụ của ơn cứu độ của chúng ta, từ đó Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng cao cả nhất của ngài: cứu chuộc thế giới. Vậy thập giá Chúa Kitô là một lời nhắc nhở tình yêu bao la của Chúa đối với mỗi người nam, nữ, lớn, bé. Đó là nguồn mạch nhờ đó ta biết tha thứ, làm hòa và sống bình an, đó là phương thế nhờ đó Chúa cho mọi người được chia sẻ vào đời sống và tình yêu với Chúa, đó là ngai vàng trên đó Chúa Giêsu thiết lập vương quốc của Chúa nơi chính bản thân của ngài.

 


Thập giá không còn phải là dấu hiệu của thất bại. Đó là dấu hiệu hoàn hảo nhất của Chúa toàn thắng những thế lực của tội lỗi và sự chết. Thập giá Chúa Kitô là tin mừng về lòng thương xót và sự hiện diện của Chúa bên cạnh tất cả những ai đang chịu đau khổ.


 

Chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá hàng năm, một cơ hội để nhớ lại Chúa có thể dùng những hành động ghê gớm và đen tối nhất của con người như thế nào để hoàn thành thánh ý của ngài. Đó cũng là lời nhắc nhở hàng năm: ta được kêu gọi để đón nhận thập giá như thế nào. (xem Luke: 9:23)


 

Chúa Giêsu nói với ta rằng Chủ đi đâu thì các đầy tớ cũng phải tới đó. Chúa chúng ta cũng  nói ta phải sẵn sàng chấp nhận thập giá trong đời riêng mỗi người, nếu muốn theo ngài. Đối với các Kitô hữu, thập giá là sự đau khổ mà ta vui lòng chấp nhận như là kết quả của quyết định đi theo Chúa. Ngày lễ hàng năm này nhắc nhở ta thập giá luôn luôn dẫn tới Phục Sinh, và do đó ngay cả sự đau khổ cũng có thể là một phương thế cần thiết và đúng ý Chúa để được ơn cứu độ và thánh hóa. Vì lý do này, Chúa Giêsu loan báo: “Phúc” cho những ai đau khổ vì lẽ công chính. (Matthew 5:11-13)

 


Cần phải có con mắt đức tin để biết vui mừng và mong muốn đón nhận sự đau khổ trong đức tin như thế. Cần phải biết cầu nguyện một cách sốt sắng và trưởng thành để thấy được lời mời gọi cao đẹp để gắn bó chặt chẻ với Chúa Giêsu trong những giờ phút đau khổ tràn đầy đức tin.


 

“Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa, và chúng con ca ngợi Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ.”

 


Vũ Vượng dịch