7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Hành Hương Mùa Vọng - Hãy Nhìn Nhận Ta Cần Có Chúa


AN ADVENT PILGRIMAGE


Đức Tổng Giám Mục Peter J Sartain


Chúa Nhật II Mùa Vọng


HÃY NHÌN NHẬN TA CẦN CÓ CHÚA


(Admitting Our Need for God)

 


Một linh mục bạn tôi quê ở Missouri đã bỏ ra một thời gian dài để tìm kiếm gia phả của mình, nhưng sau cùng bị bế tắc hoàn toàn. Những điều cha ghi chép được phải ngừng lại khi viết đến một cặp di dân từ một tỉnh nhỏ ở Hòa Lan đến Hoa Kỳ trên một trăm năm trước.

Cha quyết định đến thăm tỉnh đó trong một kỳ nghỉ hè, mang theo bản gia phả còn dở dang và tên của cặp di dân nói trên. Tới nơi vào một buổi chiều tà, cha đến thẳng tòa thị chính. Khi cha nói tên tổ tiên của mình, những người ở đó nhận ra ngay, thế rồi trước khi trời tối cha đã được an toạ trong nhà của những người họ hàng xa. Những người này cũng đang tìm tòi để viết gia phả của họ và cũng bị bế tắc đúng vào chỗ cha bạn tôi phải ngừng lại. Thế là hai bản gia phả kết hợp lại thật sít sao.

Mùa Vọng đưa ta tới đúng điểm hẹn, nơi mà gia phả Cựu Ước và gia phả Tân Ước gặp nhau, điểm gặp gỡ giữa lòng trông đợi của ta và sự kiện toàn của Chúa, lúc mà Mẹ Maria chào bà Isave (xem Lk 1:39-44). Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng thời Cựu Ước đã gặp Đấng mà ngài được sai đến để chuận bị đường đi. Ngay từ trong lòng mẹ ngài cũng có thể nhận ra Đấng Thiên Sai. Thế là lịch sử đã tới lúc mà gia phả Cựu Ước và gia phả Tân Ước kết hợp chặt chẽ với nhau..

Mùa Vọng là thời gian gặp gỡ giữa cái mới và cái cũ, giữa lời hứa và sự kiện toàn, giữa sự thiếu thốn cũa ta và sự sung mãn của Chúa. Đó là mùa để nhớ lại sự khắng khít toàn vẹn đã thành hình khi Thiên Chúa tuôn trào tình yêu của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô. Đó là cơ hội để ta vui mừng tái khám phá rằng ta cần ơn cứu độ.

Có bao giờ bạn đã làm tất cả những gì được học hỏi, được huấn luyện, để rồi thấy rằng cuộc đời vẫn chưa đáp ứng được ước muốn?

Có bao giờ bạn đã nghiêm chỉnh sống Thánh Kinh, muốn theo Chúa bằng cả tâm hồn, để rồi thấy rằng mình vẫn có thể phạm tội dễ dàng?

Có bao giờ bạn bị bệnh nặng và cảm thấy bất lực không thể tự cứu chữa mình?

Có bao giờ bạn cảm thấy mặc dù mọi việc trên đời được suông sẻ – gia đình, việc làm hay hoàn cảnh xã hội – nhưng bạn vẫn còn thấy một khoảng trống to lớn đến nỗi phải tự hỏi ta còn thiếu gì nữa đây?

Có bao giờ bạn cảm thấy như một mình phải chống trả với cả thế giới, cảm thấy có nhiệm vụ, chiến đấu, đối mặt với bão tố, khắc phục mọi thử thách mà không cần một ai giúp đỡ, để rồi sau cùng phải thẹn thùng nhìn nhận rằng mình cần sự giúp đỡ, cần đến người ta, thậm chí muốn gục đầu trên vai ai mà khóc?

Có bao giờ bạn phải chờ đợi, chờ đợi hầu như bất tận, trông mong Chúa chỉ cho biết đướng đi?

Có bao giờ bạn phải nhìn nhận rằng mình cần có Chúa?

Đây là những câu hỏi lớn của Thánh Kinh, sự trông chờ thiết tha của các tiên tri, sự thèm khát da diết của lòng người. Mùa Vọng là thời gian để cho ta nếm mùi vị của những câu hỏi này và đi tới một sự nhìn nhận to lớn nhất: chúng ta không thể tự cứu mình, chúng ta cần có một Đấng Cứu Thế.

Trong suốt mùa này, ta nghe được lòng khao khát của dân Israel, trông chờ đấng Thiên Sai, nghe Gioan Tẩy Giả kêu gọi chuẩn bị đón tiếp Ngài đến và ăn mừng sinh nhật của Ngài.

Nhưng sao ta có thể đón tiếp Ngài nếu  không nhìn nhận ta cần một Đấng Cứu Thế, nếu ta không dành thì giờ tìm kiếm Ngài với lòng khiêm cung và những lời cầu nguyện âm thầm?

Có lẽ không có cách nào để mừng lễ Giáng Sinh tốt hơn là nhìn nhận sự thiếu thốn, sự yếu đuối và sự bất lực, không thể tự cứu mình. Xét về nhiều phương  diện, đây là tất cả ý nghĩa của Mùa Vọng: chuẩn bị đường đi bằng cách nhìn nhận rằng chỉ có Chúa mới làm cho ta được no thỏa.

Nhìn nhận sự thiếu thốn của ta không phải là dấu hiệu thất bại; nhìn nhận như thế là dấu hiệu của người tiếp đón Đấng Cứu Thế. Chúa Giêsu đã sẵn sàng – và mong muốn đến với ta. Ta có muốn mời Ngài vào nhà chăng?

Hai ngành gia phả của Chúa gặp nhau ngày Bà Maria mang thai chào bà Isave cũng đang mang thai. Nhưng sự gặp gỡ của hai ngành gia phả còn tiêp diễn hoài hoài khăng khít chặt chẽ như bóng với hình mỗi khi anh chị em và tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài hãy đến.” Như Thánh Augustinô đã viết vào thế kỷ thứ năm: “Lạy Chúa,Chúa đã tạo nên chúng con cho chính Chúa, nên lòng chúng con không thể yên ổn cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Có một người bạn kể cho tôi nghe về đứa con trai nhỏ nhất của ông: cháu mới được nhận vào ban giúp lễ. Một ngày kia cháu muốn làm mọi cách để dậy thật sớm để đi giúp lễ, nên cháu mặc quần áo chỉnh tề rồi mới đi ngủ. Khi ba cháu vào phòng lúc 5 giờ 45 sáng hôm sau  để đánh thức cháu, ông ta thấy một tờ giấy dán trên tường trên đó có vẽ một mũi tên chỉ vào một ly nước để trên bàn nhỏ cạnh giường ngủ và có dòng chữ: “Xin đổ ly nước này trên đầu con.” Nó muốn chắc chắn dậy sớm và chuẩn bị sẵn sàng.

Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện tỏ tường, ngài đúng là người mà tiên tri Isaia đã nói: “Tiếng của một người kêu lên trong sa mạc: ‘Hãy dọn đường cho Chúa, hãy làm cho những lối đi của Ngài được ngay thẳng.” (Lk 3.4). Chúa sắp trả giá chuộc mạng chúng ta.  Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta đã sinh ra! Ngài đã dựng nên chúng ta cho chính Ngài trong một sự kết hợp hoàn hảo.


Vũ Vượng dịch