7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n


KỲ DIỆU THAY ĐỊA CẦU TỐT LÀNH CỦA CHÚA


(Translation of Christopher New Note 586 authorized by the Christophers)



“Toàn thể vũ trụ vật chất nói lên tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu vô biên của Ngài cho chúng ta. Có thể nói: đất, nước, núi đồi, mọi sự đều có bàn tay ve vuốt của Thiên Chúa.”

-Đức Giáo Hoàng Phanxicô

 

THẾ GIỚI TỰ NHIÊN LÀ PHẢN ẢNH SÂU SẮC CỦA VẺ ĐẸP, SỰ THẬT VÀ SỰ TỐT LÀNH CỦA THIÊN CHÚA. Gắn bó với thiên nhiên có thể đưa ta vào sự hiệp thông với Ngài và hướng dẫn để mỗi người hiểu được ơn gọi của đời mình. Tuy vậy thế giới hiện đại đã dựng lên nhiều ranh giới có thể chia cách ta với thiên nhiên. Làm sao ta có thể vượt qua những ranh giới đó để duy trì sự gắn bó với toàn thể công trình sáng tạo của Chúa?

 

Gắn Bó với Thiên Nhiên và Mọi Người

“Phương thuốc hay nhất cho những ai đang sợ hãi, cô đơn và bất hạnh là đi ra ngoài, nơi mà người ta có thể yên lặng một mình với trời lồng lộng, thiên nhiên và Thiên Chúa. Vì chỉ khi đó người ta mới có thể cảm thấy mọi sự còn đúng như ý Chúa và cảm thấy Chúa muốn con người được hạnh phúc ở giữa vẻ đẹp đơn thuần của thiên nhiên.”

-Anne Frank

 

Trong tác phẩm Last Child in the Woods (Đứa Trẻ Cuối Cùng trong Rừng) nhà báo Mỹ Richard Louv đã đặt ra  một thuật ngữ mới “bệnh thiếu thiên nhiên”(nature-deficit disorder) để mô tả khoảng cách ngày càng gia tăng giữa trẻ em và thế giới tự nhiên. Ông đi khắp nước suốt 10 năm để nói truyện với các bậc cha mẹ và trẻ em và thu thập bằng chứng để hỗ trợ cho lời cả quyết của ông rằng tiếp xúc với thiên nhiên có liên hệ hữu cơ với hạnh phúc của tuổi trẻ.


Tác phẩm kế tiếp của Louv Nature Principle ( Nguyên Tắc của Thiên Nhiên) mở rộng định đề của ông để áp dụng vào hạnh phúc của những người trưởng thành. Thí dụ, ông kể lại truyện của Juan Martinez, một cậu bé lớn lên trong cảnh nghèo khổ và hận đời ở phần phía nam của khu vực trung tâm Los Angeles. Khi cậu được 15 tuổi một thầy giáo cho biết cậu phải lựa chọn: nếu không gia nhập Nhóm Sinh Thái (Eco Club) thì việc học của cậu sẽ thất bại.

 

Martinez chọn theo sự gợi ý của thầy – lúc đầu có phần ngần ngại, nhưng rồi dần dần trở nên hăng hái. Cậu quyết định trồng một cây nhỏ để tôn vinh mẹ vì bà thường trồng những cây dược thảo trong khu vườn nhỏ ở nhà. Việc làm đơn giản ấy đã mở ra cho cậu cả một cách suy nghĩ mới, một cách nhìn mới về việc đời.


Mô tả một chuyến đi với Nhóm Sinh Thái đến Lâm Viên Quốc Gia Grand Teton, bang Wyoming, Martinez nói: “Tôi được thấy những con bò rừng xồm xoàm, tôi thấy những vì sao đếm không xuể. Tôi tới nơi không có nhà cửa, không có súng nổ, không có trực thăng bay trên đầu.”


Sau chuyến đi đó cậu luôn luôn cảm thấy lời mời gọi trở lại của vùng hoang sơ. Cậu trở thành người dẫn đầu những chuyến đi dã ngoại và tham gia mọi chương trình có thể đưa cậu ra khỏi thành phố. Rồi khi trở về cậu luôn cảm thấy buồn chán, Những bậc đàn anh nhận rõ điều đó và cậu nói: “ Họ bảo tôi ngồi xuống nghe họ nói. Rồi họ đưa tôi đến những vườn hoa trong cộng đồng, những khu vực cây xanh địa phương, những nơi không xa lắm, những nơi tôi có thể tới bằng xe buýt.”


Martinez tiếp tục dẫn đầu những chuyến dã ngoại vùng hoang sơ và mô tả một cuộc phiêu lưu đặc biệt với 20 trẻ em đi từ Watts tới phần phía đông sa mạc Sierra, bang California. Cậu nói: “Ngày thứ nhất của chuyến đi 14 ngày đầy rắc rối, suýt nữa xảy ra bạo động, la hét, đánh lộn.” Nhưng khi chuyến dã ngoại được nửa chừng, các em trở nên trầm tĩnh hơn trong nền nếp sinh hoạt bình thường. Martinez nói tiếp: “Những buổi lửa trại của chúng tôi đầy tiếng nói cười. Tất cả đều muốn được nói, được người khác nghe, được nhìn nhận. Các em nói về tiếng hót líu lo của con chim làm các em ngây ngất hôm đó hay bàn về lý do tại sao có những người mắc phải nghiện ngập tại quê nhà.”


Chuyến đi ấy đã làm Martinez nhận ra một điều sâu sắc. Anh nói: “Tôi yêu thiên nhiên vì tôi yêu người ta… Việc ấy không phải chỉ liên quan đến tôi. Nó luôn luôn liên quan đến tình yêu của tôi đối với gia đình, văn hóa và cộng đồng của tôi.”


Anh trở về với quyết tâm cải thiện khu phố hơn là tìm cách rời xa nó. “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để chia sẻ với cộng đồng niềm vui với thiên nhiên kể cả việc xây dựng một cơ sở ở giữa vùng rừng non, nơi chim choc tụ tập ca hát, và chia sẻ hoa màu từ thửa vườn bé nhỏ của gia đình, và dạy người khác cách làm những luống đất trồng rau trong vườn.”


Louv kết luận: “Liên hệ giữa chúng ta với thiên nhiên không những liên quan đến việc bảo tồn đất đai và nguồn nước, nhưng còn liên hệ đến việc giữ gìn và vun trồng dây liên kết giữa chúng ta.”

 

 Thấy Chúa Trong Thiên Nhiên

“Ta phải tìm Chúa, nhưng Ngài không thể tìm được ở nơi ồn ào, náo động. Chúa là người bạn của yên lặng. Hãy xem thiên nhiên – cây cỏ, hoa lá - lớn lên thế nào trong yên lặng. Hãy xem những vì sao, mặt trăng, mặt trời vận hành thế nào trong yên lặng…. Ta cần sự yên lặng để tiếp xúc với các tâm hồn.”

-Mẹ Têrêxa

 

Trong thông điệp Laudato Si (Ngợi Khen Chúa) Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về vị thánh cùng tên với ngài, Thánh Phanxicô thành Assisi, rằng thánh nhân là “một tấm gương tuyệt vời về sự lo lắng cho kẻ cô thế và về một môi sinh toàn diện được thể hiện trong một cuộc sống vui tươi và chân thật.”


Sinh ra trong một gia đình giàu có ở nước Ý thế kỷ mười hai, Thánh Phanxicô được hưởng một tuổi trẻ đầy vui thú, vật chất dồi dào và nhiều vinh dự trần thế. Ngài đã biểu lộ một tấm lòng thương xót ngay từ tuổi nhỏ. Bỏ lại những món hàng đang bán cho cha ở ngoài chợ để đi theo một người hành khất và cho anh ta tất cả tiền bạc trong túi.


Một ngày kia, sau khi đi đánh trận đã trở về, Thánh Phanxicô đang cưởi ngựa tại vùng quê ngài gặp một người phong cùi, ngay khi đó ngài dừng lại, xuống ngựa, đi tới và ôm chầm lấy người bệnh. Việc ấy đã cho Phanxicô một cảm giác tự do chưa bao giờ biết được. Từ đó về sau ngài cống hiến trọn đời cho công cuộc phụng sự người nghèo, người sống ngoài lề xã hội trong tình tương thân tương ái với anh em giữa cảnh tươi đẹp của thế giới tự nhiên.


Vị thánh được nhiều người yêu mến ấy dùng hầu hết thì giờ của mình để cầu nguyện ngoài trời, đi bộ trong hoang địa, lên núi, ngủ trong hang động và sống ẩn dật. Ngài sống gần thiên nhiên đến độ nhận ra mối liên hệ thân thiết với tất cả mọi sinh vật. Trong một bài ca phụng vụ về các tạo vật (Canticle of the Creatures) ngài gọi những thành tố của công trình tạo hoá như mặt trăng, mặt trới là anh chị em của mình.


Đức Giáo Hoàng nói: “[Thánh Phanxicô] cho ta thấy có mối liên hệ mật thiết giữa thiên nhiên, công lý cho người nghèo, phụng sự xã hội, và sự bình an trong tâm hồn….Thêm nữa, Thánh Phanxicô, vốn trung thành với  Kinh Thánh, mời gọi ta xem vũ trụ như một quyển sách lớn trong đó Thiên Chúa nói chuyện với ta và cho ta thoáng nhìn thấy sự tốt lành và đẹp đẽ vô biên của Ngài.”


Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận: “Mọi sự đều liên kết với nhau. Như thế sự quan tâm về môi sinh phải gắn liền với tình yêu chân thành đối với mọi người như anh em và quyết tâm không lay chuyển đi tìm giải pháp cho những vấn đề xã hội.”

 

Kêu Gọi Hành Động

“Chúng ta đang dần dần mất đi thái độ ngưỡng mộ, chiêm niệm và lắng nghe công trình sáng tạo, và vì thế không còn diễn giải được điều mà Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gọi là bản tình ca nhịp nhàng giữa Thiên Chúa và loài người trong vũ trụ.”

-Giáo Hoàng Phanxicô


Trọng tâm của Thông Điệp Laudato Si (Ngợi Khen Chúa) là lời kêu gọi khẩn thiết tìm lại lòng ngưỡng mộ đối với thế giới tự nhiên để ta biết tôn trọng và bảo tồn tất cả công trình sáng tạo. Lưu ý rằng tội nguyên tổ đã cắt đứt liên hệ giữa loài người với thiên nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Điều đáng suy nghĩ là sự hài hoà với tất cả mọi tạo vật mà Thánh Phanxicô thành Assisi đã trải nghiệm được xem như cách hàn gắn lại sự chia cắt đó. Thánh Bonaventure chủ trương rằng qua sự hoà giải toàn diện với mọi tạo vật, thánh Phanxicô đã tìm ra cách trở lại với tình trạng vô tội thời nguyên thủy.”


Chính tình trạng vô tội này mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi ta tìm lại bằng cách tiếp xúc với thiên nhiên. Ngài kêu gọi ta học hỏi để biết quan tâm đến môi sinh và tuân theo những phương pháp tốt nhất hiện có về các vấn đề tái sinh vật liệu, giảm bớt tiêu dùng, và bảo tồn nguyên liệu thiên nhiên. Ngài kêu gọi ta vượt lên trên những ranh giới do thời đại kỹ thuật ngày nay gây ra và tìm kiếm sự giao lưu với tha nhân trong thế giới tự nhiên (hơn là chỉ gặp gỡ trong cyberspace) để nhìn nhận đầy đủ phẩm giá con người của họ. Và ngài kêu gọi ta phải hoà nhập sự quan tâm về mội sinh với tinh thần bảo vệ sinh mạng mạnh mẽ, đặc biệt chú trọng đến người nghèo, người già, các thai nhi và tất cả những kẻ cô thế Chúa đã trao phó cho ta chăm sóc.


Trong khi Đức Giáo Hoàng nghiêm khắc đối với sự thiệt hại mà con người thời đại mới đã gây ra cho công trình sáng tạo của Chúa, ngài vẫn hy vọng vào tương lai. Ngài viết: “Tuy vậy chưa phải ta đã mất tất cả. Con người tuy có thể làm những điều xấu nhất, vẫn có khả năng vươn mình lên, lựa chọn điều gì tốt và bắt đầu lại bất kể tình trạng tâm trí và xã hội của họ ra sao. Ta có thể thẳng thắn nhìn vào chính bản thân, nhìn nhận sự bất mãn sâu xa của mình và chọn đường mới đi tìm tự do đích thực. Không một thể chế nào có thể hoàn toàn dập tắt tinh thần cởi mở của ta trước những gì tốt lành, chân thật và tốt đẹp hay dập tắt khả năng đáp ứng ân sủng của Ngài lúc nào cũng hoạt động từ trong đáy lòng ta. Tôi kêu gọi mọi người trên khắp thế giới đừng bao giờ quên mất nhân phẩm là của riêng mỗi người. Không ai có quyền lấy nó đi khỏi tay chúng ta.

 

“Tôi thích nghĩ về thiên nhiên như một đài phát thanh không giới hạn từ đó Chúa nói chuyện từng giờ, ta chỉ cần mở đài ra nghe.”

-George Washington Carver