7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Ước Gì Lòng Khiêm Nhường Của Chúa Nhắc Nhở Ta Tình Yêu Vô Song Của Ngài



Let God’s Humility Remind Us of His Unsurpassed Love


(Nguyên bản tiếng Anh của Đức TGM J. Peter Sartain đăng trong báo điện tử NW Catholic 27 tháng 5, 2017)

 


Một buổi sáng kia, đã nhiều năm rồi, khi đến văn phòng làm việc tôi thấy miếng nhãn màu vàng của tiệm giặt ủi còn dính ở mép dưới của tà áo vest. Tôi với tay xuống giật phứt nó đi và mỉm cười ngượng ngùng. Có lẽ tôi chẳng cần quan tâm làm gì nếu chỉ có vậy mà thôi. Nhưng rủi thay lúc ấy tôi vừa làm xong việc đọc một thông điệp có ghi video cho một chương trình mục vụ của tổng giáo phận, rồi tôi lại đến nói chuyện với một nhóm 35 bà đang tham dự tĩnh tâm cuối tuần.

 

Các bà rất tế nhị không nói gì đến miếng nhãn màu vàng chóe ở đầu tay áo tôi – còn đối với mấy ông ghi thông điệp video, thì tôi nghi rằng họ cũng chẳng nhìn thấy nữa.

 

Một lần khác, khi đang mặc lễ phục trong phòng thánh trước lễ truyền chức tại một nhà thờ của giáo xứ kia tôi chợt thấy một mảnh giấy thơm còn dính vào dây đai để cột áo dài trắng mặc bên trong áo lễ. May quá, tôi vội giật nó ra trước khi mặc áo lễ ra ngoài, nếu không miếng giấy thơm ấy có thể đã rớt xuống trong khi đang hành lễ.

 

Bốn mươi lăm năm về trước, vào một buổi sáng sớm kia, khi mới bắt đầu giờ triết học, cha giáo Timothy loan báo ngài sẽ không tính một câu hỏi trong bài trắc nghiệm ngắn của ngày hôm trước vì câu trả lời đã có trong bài đọc mà cha đã ra cho học sinh ngày hôm ấy. Tôi liền giơ tay và hỏi một cách chăm chú, “Thưa Cha Timothy, thế câu trả lời cho câu hỏi ấy như thế nào?” Cha hóm hỉnh trả lời, “ A ha, con không đọc bài cha ra tối qua, nếu đọc thì đã biết rồi.”

 


Hiểu Thiên Chúa đầy lòng thương xót

 

Những lần nói trên không phải là những lần đầu mà tôi phải ngượng ngùng, và chắc chắn cũng không phải là lần chót. Nhưng tôi luôn thấy một điều thích thú khi quan sát cách phản ứng của mình sau khi đã làm hay nói một điều gì ngớ ngẩn. Tôi thường làm ra vẻ như chẳng có gì xảy ra hay làm bộ chế diễu chính mình. Tôi không cưỡng nổi cái thói chữa mình tự động tự phát, để rồi chỉ làm thêm trò cười. Tôi khổ sở vì những tiếng cười do mình gây ra. Tôi giận chính mình. Tôi cùng cười với những người khác, đau đớn nhận ra sự ngớ ngẩn của mình bị phơi bày.

 

Tất cả những điều đó có lợi cho lòng khiêm nhường của tôi.

 

Nếu thật sự chú ý đến những lần như thế tôi sẽ học hỏi được nơi những phản ứng và sự ngượng ngùng của mình – không phải để mãi mãi tránh được điều đó, vì chắc chắn nó còn xảy ra hoài, nhưng để biết chấp nhận sự thực là đôi khi tôi tự coi mình quá quan trọng. Những kinh nghiệm như thế có thể giúp tinh luyện những ý hướng của tôi, làm giảm bớt tính kiêu căng và giúp tôi thương cảm người khác nhiều hơn.

 

Những sự ngượng ngùng nhỏ bé của ta không đáng kể gì so với những lần chúng ta thất bại nặng nề, khi ta làm cho chính mình hay người khác phải thất vọng, khi sự cố chấp của ta hay tính bần tiện của một người nào không thích ta làm cho ta phải tủi nhục hoàn toàn. Những phản ứng của ta trong những trường hợp như thế có thể xảy ra nhiều cách khác nhau với mức độ thật nặng nề.

 

Khi ta phải ngượng ngùng hay tủi nhục, nếu biết suy nghĩ một chút không những ta có thể hiểu rõ hơn chính mình mà còn có thể hiểu sâu xa hơn về Thiên Chúa nhân lành và tình yêu thương đến quên mình của Ngài. Khi sự khờ dại của ta đã bị phơi bày bởi một sự ngượng ngùng nho nhỏ, hay khi ta bị sỉ nhục tột độ và thất vọng hoàn toàn, nếu ta biết ngửa mặt lên cầu nguyện với Chúa ta sẽ thấy Ngài gật đầu cổ võ và khuyến khích ta đứng dậy. Qua Chúa Con Ngài đã biết sự sỉ nhục ghê gớm thế nào rồi. Trên thập giá Ngài đã mang trọn sức nặng thô bạo của những sa ngã nặng nề của ta, tội lỗi của ta, cơn thịnh nộ của ta và những sự sỉ nhục đủ cách - bởi vì chúng ta không thể mang nổi gánh nặng ấy một mình.


 

“Chúa Kitô chịu đóng đinh, trọng điểm của đức tin”

 

Thiên Chúa không ngần ngại, nhưng hoàn toàn quên mình đi để kết thân với chúng ta, dù ta khờ dại và tội lỗi thế nào. Tình yêu của Ngài không phải là tình yêu nhỏ giọt. Chỉ có tình yêu của chúng ta mới có tính toán, có giới hạn. Vì thương yêu chúng ta Thiên Chúa đã không ngần ngại mặc lấy bản tính nhân loại. Đó là một chân lý phi thường. Không ai có thể lấy một cái gì khỏi tay Ngài – Ngài ban phát chính mình một cách tự ý và tự do. Thiên Chúa là thế đó. “Đây là lý do Chúa Cha yêu ta, bởi vì ta hiến mạng sống mình để rồi lấy lại được mạng sống ấy. Không ai cướp được mạng sống của ta, nhưng ta tự ý thí mạng sống mình.” (Gioan 10:17-18)

 

Trong thư gửi giáo hữu thành Madura, Thánh Augustinô viết:

 

“Do đó Đấng Kitô được rao giảng khắp thế giới ngày nay không phải là Đấng Kitô đội vương miện trần thế, cũng không phải Đấng Kitô giàu của cải trần thế, cũng không phải Đấng Kitô sáng lạn trong vinh hoa trần thế, nhưng là Đấng Kitô chịu đóng đinh. Thoạt đầu, việc này bị các nước, các dân tộc kiêu căng nhạo cười và ngày nay vẫn còn có những nước chế diễu; nhưng chính đó là trọng điểm của đức tin, trước hết đối với một số ít người và ngày nay cỏ cả nhiều quốc gia đều tin, bởi vì khi đấng Kitô chịu đóng đinh được rao giảng vào thời đó bất kể sự nhạo cười của nhiều nước thế gian, thì trong  số ít người có lòng tin, nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra: người què được đi, người câm được nói, người điếc được nghe, người mù được thấy, và người chết sống lại. Sau cùng ngay cả những kẻ kiêu ngạo cũng phải tin rằng không có gì trên đời này mạnh mẽ bằng lòng kiêm nhường của Chúa.”

 

Khi cuộc đời cho tôi thấy – khi tôi cho chính mình thấy – tôi khờ dại, bị hạn chế, hay bị ngượng ngùng, bị sỉ nhục dường nào thì chính lòng khiêm nhường của Chúa nhắc nhở cho tôi một lần nữa về tình yêu vô song của Ngài. Và chính tình yêu và lòng thương xót của Ngài tôi luyện tôi, như tôi luyện vàng bạc, thiêu đốt tính ích kỷ, tự cao tự đại của tôi chẳng khác nào một đống đồ phế thải.

 


Vũ Vượng dịch