7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

LỜI ĐỨC GIÁO HOÀNG: Đối Với Người Kitô Hữu, Đời Sống Luôn Luôn Có Một Ý Nghĩa Kể Cả Khi Gặp Khó Khăn

Đức Giáo Hoàng Francis cử hành Thánh Lễ Phục Sinh tại Vatican ngày 16 Tháng Tư. (Hình: Franco Origlia/Getty Images)

 


Dịch theo bản tin CNA/EWTN News, bài của Elise Harris, đăng trên báo điện tử NW Catholic ngày 23 tháng 8, 2017

 


Tin từ Vatican – Vào ngày thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ai đang trải qua chặng đường dốc của cuộc đời mà không thấy nó có một ý nghĩa gì thì đó không phải là thái độ của một Kitô hữu, vì người Kitô hữu tin chắc rằng dù cho tình thế đen tối đến đâu, ta vẫn tìm được hy vọng mới nơi Chúa Kitô.

 

Người Kitô hữu không đi trên đường cúi mặt xuống đất, thay vì phóng tầm mắt ra tận chân trời, cứ như là hết đường đi tới nơi rồi.” Đó là lời Đức Giáo Hoàng nói ngày 23 tháng tám vửa qua.

 

Ngài nói tiếp: “Sống như là trong đời ta không có điểm đến, không có bờ bến và bắt buộc phải lang thang vô định, không tìm thấy lý do gì cho biết bao công việc nặng nhọc ta làm. Đó không phải là cách suy nghĩ của người Kitô hữu.”

 

Nói cho đúng, “Là Kitô hữu, ta tin và biết rằng sự chết và thù hận không phải là chung kết của dụ ngôn về đời sống con người.” Ngài lại nói thêm: “Kitô hữu là người có một nhãn quan mới: một cách nhìn đầy hy vọng.”

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với khách hành hương trong một buổi triều yết chung tại sảnh đường Phaolô VI của Tòa Thánh Vatican, tiếp tục bài giáo lý của ngài về niềm hy vọng của Kitô hữu.

 

Trong buổi nói chuyện Đức Giáo Hoàng mở bài đọc trong ngày trích từ sách Khải Huyền, trong đó, Thiên Chúa ngự trên ngai vàng thiên quốc và phán: “Ta sẽ đổi mới mọi sự.”

 

Ngài nói đoạn này nhắc nhở ta rằng “Niềm tin Công Giáo dựa trên đức tin vào Thiên Chúa, đấng luôn tạo ra sự mới mẻ trong đời người, trong lịch sử và trong vũ trụ. Những điều mới mẻ và ngạc nhiên.”

 

Mở những trang cuối của thánh kinh, ngài nói chúng ta thấy mục tiêu sau cùng của tất cả mọi tín hữu. Đó là thành thánh Jerusalem trên trời, được mô tả là “một nhà lều bao la để Chúa tiếp đón mọi người về để chung sống với họ đến muôn thuở muôn đời.”

 

Ngài nói: “Đây là hy vọng của chúng ta,” rồi chỉ rõ thánh kinh tiếp tục mô tả Chúa sẽ “Lau sạch nước mắt chúng ta, và sự chết không còn nữa, và cũng không còn khóc lóc, đau đớn nữa, vì tất cả những thứ đó đã qua đi.”

 

Ngài thúc dục những người hiện diện không nên suy niệm đoạn kinh thánh “một cách trừu tượng”, nhưng trong liên hệ với tất cả những tin buồn được loan truyền trong những ngày gần đây, như cuộc tấn công khủng bố tại Barcelona và các thiên tai - những tin tức mà, rủi thay, tất cả chúng ta thường đọc say mê như người nghiện hút.”

 

Hướng về nhiều trẻ em đau khổ vÌ chiến tranh, những thanh thiếu niên phải bỏ mất mộng ước tuổi trẻ và những người tỵ nạn ra đi trên những hải trình đầy nguy hiểm, và thường bị bóc lột, Đức Giáo Hoàng lưu ý “Tiếc thay, đời sống cũng như thế đấy.”

 

Tuy nhiên trở lại bài đọc của ngày hôm ấy, ngài nhấn mạnh rằng “Có một Người Cha biết khóc với những giọt lệ của lòng thương xót vô biên đối với con cái.”

 

Ngài nói tiếp: “Chúng ta có một Thiên Chúa biết khóc, khóc với chúng ta, Ngài cũng là một người Cha đang chờ đợi để an ủi chúng ta, vì Ngài biết những nỗi thống khổ của ta và đã chuẩn bị cho chúng ta một tương lai khác.”

 

Đức Giáo Hoàng nói: “Không phải do một sự lầm lẫn mà Chúa đã khiến cho chính Ngài và chúng ta phải sống những đêm dài sầu thảm. Thật ra, Ngài đã tạo dựng nên ta vì muốn cho ta được hạnh phúc. Ngài là Cha chúng ta, và nếu bầy giờ, tại đây, ta đang phải chịu một cuộc đời không như ý Ngài muốn, thì Chúa Giêsu bảo đảm với ta rằng ơn cứu độ của Chúa đang hoạt động giữa chúng ta.”

 

Một số người tin rằng tất cả hạnh phúc của cuộc đời thuộc về tuổi trẻ và quá khứ và cuộc sống “dần dần đi vào tàn lụi.” Lại có những người khác cho rằng những niềm vui ta cảm nghiệm được  chỉ có tính nhất thời và say đắm. Và đời người chẳng có ý nghĩa gì.”

 

Nhưng là người Kitô hữu, “Chúng ta không tin như thế. Ngược lại ta tin rằng trên chân trời của đời người, có một mặt trời chiếu sáng mãi mãi. Ta tin rằng những ngày đẹp nhất của ta vẫn còn chờ đợi.”

 

“Chúng ta là những người của mùa xuân hơn là mùa thu.” Ngài nói vậy rồi thúc dục những người có mặt hãy tự hỏi: “Tôi là một người đàn ông, một đàn bà, một trẻ em của mùa xuân hay mùa thu? Tinh thần của tôi ở trong mùa thu hay mùa xuân?”

 

Rồi ngài nói theo kiểu ngẫu hứng, “Đừng quên câu hỏi ấy.” Rồi lại hỏi, “Tôi là một người của mùa xuân hay mùa thu? Mùa xuân là mùa chờ đợi hoa nở, cây đâm trái, mặt trời mọc lên là Chúa Giêsu; hay mùa thu là mùa người ta thường cúi xuống, xót xa, với bộ mặt, như đôi khi tôi đã nói, chẳng khác nào trái ớt ngâm giấm.”

 

Cuộc đời lúc nào cũng có những rắc rối, như những tin đồn nhảm nhí, chiến tranh, bệnh tật, nhưng sau cùng “hạt giống mọc lên và sự dữ bị loại bỏ”.

 

Kết thúc buổi nói chuyện Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói người Kitô hữu biết rằng trong nước Thiên Chúa những hạt giống mọc lên “mặc dù giữa nơi đó có cỏ dại.”

 

Ngài nói: “Sau cùng sự dữ sẽ bị loại bỏ. Tương lai không thuộc về ta, nhưng ta biết rằng Chúa Giêsu là ân sủng lớn nhất của đời ta. Ngài là Thiên Chúa mở vòng tay đón tiếp ta. Ngài chờ đợi ta vào ngày sau hết, nhưng ngay bây giờ Ngài đang đồng hành và an ủi ta trên đường đi.”

 

Sau khi chào mừng những đoàn hành hương từ nhiều nước khắp thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng lời cầu nguyện cho những nạn nhân của cuộc động đất 4.0 độ tại đảo Ischia, khoảng 88 mile ngoài khơi bờ biển thành Naples, nước Ý vào ngày thứ hai, khiến cho 2 người thiệt mạng và 39 người bị thương.

 

Đức Giáo Hoàng biểu lộ tình thân thương gần gũi “với nhiều người đang phải đau khổ vì trận động đất, dâng lời cầu nguyện cho những người chết, người bị thương và gia đình họ, và cho những người đã mất nhà ở.”

 

Vũ Vượng dịch