7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n



MỞ LÒNG ĐÓN NHẬN ÂN SỦNG CỦA CHÚA


Opening Yourself to God’s Grace

(Translation of Christopher New Note 580 authorized by the Christophers)



Ân sủng của Chúa thường len lỏi đến với ta lúc nào không hay và sẽ vuột qua ngay trước mắt nếu ta không để ý.

Mặc dù khó tìm ra một định nghĩa rõ ràng, nhưng ta thường  thấy ân sủng sau khi một việc gì đã xảy ra, nơi những con người, những biến cố xảy đến trên đường đời khi ta cần đến ơn Chúa nhất - hoặc khi ta không muốn, thậm chí còn phản kháng, nhưng lại rất cần. Ân sủng có thể vừa huyền nhiệm vừa cuồng nhiệt, vừa hiển hiện vừa lẩn trốn, vừa biến cải mạnh mẽ vừa mong manh. Ân sủng là Thánh Linh chuyển biến trong đời ta, một thoáng thần linh bay tới, ngay trong tầm tay.

 


Bạn sẽ định nghĩa ân sủng thế nào? Một câu hỏi không phải dễ đâu. Đôi khi nó làm cho một bậc tu đức phải vò đầu bứt tóc, đòi phải gán ghép những tính chất cụ thể vào một thực tại không thể diễn tả bằng lời nói.

 

Định nghĩa ân sủng


Magaret Felice, một ca sĩ giọng kim, một nhà giáo dục đạo đức và một người viết blog tại bang New England đã nói: “ Sau nhiều năm dạy giáo lý cho các em lớp 7 và lớp 8 tôi thường bảo các em viết những phiếu vấn đáp định nghĩa ân sủng là gì và định nghĩa mà chúng tôi chọn để dùng là “trở thành bạn hữu của Thiên Chúa” hay “tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.” Ân sủng là một món quà của Chúa, nhưng nó không phải chỉ là sự hiện diện của Chúa mà thôi vì ta biết Chúa luôn luôn hiện diện. Ân sủng đòi hỏi sự đáp ứng của ta đối với sự hiện diện ấy, ý thức được sự hiện diện ấy và tham gia vào sự hiện diện ấy. Khi tôi nhận ra có Chúa hiện diện trong một trường hợp đặc biệt nào, thì đó chính là lúc tôi được ân sủng của Chúa.”

 

Gia đình của Felice đã chịu mất mát ghê gớm thời gian mấy năm trước đây, khi có hai người thân chết bất đắc kỳ tử. Bà nói mặc dù kinh nghiệm đó làm cho lòng bà tan nát, bà cũng thấy có những lúc ân sủng của Chúa rõ ràng trong tình cảnh đó.

 

Bà  nói: “Tôi thấy Chúa hiện diện ở nhiều nơi: trong sự mạnh mẽ và đức tin của nhiều người trong nhà, nơi lòng thương xót tôi tìm thấy trong tim tôi và khi cảnh tan nát được hàn gắn lại. Đây là những bài học dữ dội tôi nghĩ giá đừng phải học thì hơn. Nhưng vẫn có một điều gì lành thánh trong đó.”

 

Bà nói tiếp: “Trong ba năm qua, phải đối phó với bệnh tật của riêng mình, tôi vẫn tìm cách nào để, qua những đau khổ, kết hợp khăng khít hơn với Chúa Kytô. Không phải lúc nào tôi cũng nhận thấy sự khăng khít đó, và khi nhận ra tôi cũng không thể diễn tả bằng lời nói. Tuy thế, những dây phút khăng khít ấy thật sâu đậm, loé lên như tia sáng. Trong thảm hại cũng vẫn có ơn Chúa.”

 

Với một văn bằng về âm nhạc và một văn bằng về thần học, Felice nhận thấy muốn nhận ra ân sủng cần phải tập luyện đều đặn: “Bước đầu tiên là thoát ra khỏi bản thân và những ưu tư của mình và chỉ việc quan sát thế giới chung quanh. Tôi thường ngạc nhiên thấy ân sủng xảy đến vào một lúc tình cờ trong ngày hơn là nhận thấy ân sủng một cách sâu xa trong những giờ cầu nguyện riêng với ý nguyện rõ ràng. Tuy vậy tôi thấy cần phải dành thì giờ cầu nguyện như một kỷ luật sống để cho cả hai thứ cơ hội được đồng đều: tìm Chúa trong đời sống hàng ngày và dành ra những giờ nhất định để vun trồng mối liên hệ với Chúa.”

 

Giám Mục Edward Scharfenberger, nước Albany, mô tả ân sủng là “một ân huệ, một món quà tình yêu cho không, không phải do ta kiếm được.” Ngài nói: “Hiểu theo nghĩa sâu xa nhất, ân sủng là một món quà, chính Chúa trở thành món quà. Tuy vậy, là đấng tạo hoá, Chúa có tự do cho ta ân sủng theo những thể thức và hình thái khác nhau như ân sủng của nhiệm tích - gắn liền với mỗi nhiệm tích nhất định - hay ân sủng thực tế do Chúa tạo tác cấp thời cho riêng  từng người từng hoàn cảnh. Bất cứ ân sủng nào được Chúa ban, nếu người ta tiếp nhận một cách tự do - điều này rất cần thiết - sẽ đưa người tiếp nhận vào chính đời sống và mầu nhiệm của Thiên Chúa.”

 

Người cảm nghiệm được ân sủng của Chúa thường nhắc nhở người khác tỉnh thức để thấy những lúc ơn Chúa xuất hiện trong đời sống và mở lòng đón nhận những điều siêu việt có thể xảy ra mà đôi khi những dự tính, kế hoạch, công việc bận rộn của ta làm cho lu mờ đi. Nhìn lại quá khứ có lẽ bạn đã phát hiện những lúc ơn siêu nhiên xảy ra mà bạn ít khi dừng lại để tìm hiểu cho rõ. Món quà đích thực xảy ra khi ta phát hiện những lúc đó, tức là hiểu được sự hiện diện của Chúa từ ngày này sang ngày nọ trong đời sống.

 

“Những ơn phúc lớn nhất của đời tôi là những gì tôi nhận ra khi hồi tưởng lại quá khứ.” Giám mục Schafenberger nói như vậy. Ngài cũng nhớ lại việc bỏ hút thuốc ở tuổi ngoài hai mươi của mình khó khăn biết chừng nào. Tuy vậy ngày nay ngài nhận ra những trăn trở hồi ấy đã giúp mình hiểu rõ hơn những vấn đề nghiện ngập để ngày nay có thể giúp đỡ người ta trên những bước thăng trầm của đời nghiện ngập.

 

Học sống trong ơn phúc dồi dào

“Ơn của ta là đầy đủ cho ngươi, vì sức mạnh trở nên hoàn hảo trong sự yếu đuối.”

-2 Côrintô 12:8-9


Denise Bossert, một nhà báo và nhà văn Công Giáo nói rằng trong đời bà ơn Chúa đã dẫn dắt nhiều người trở lại đạo – chính bà, chồng bà, hai con gái và các cháu trai được rửa tội. Bà còn thấy ơn Chúa can thiệp và đổi hướng đi nghề nghiệp, mở đường cho bà trở thành nhà văn và gửi bà đi tới những nơi chưa bao giờ có ý định như Thánh Địa, các nước Jordan, Ba Lan và Mêhicô.

 

Bà nói: “Ơn Chúa đã biến một ngày tầm thường thành một ngày hoạt động sôi nổi, biến đổi một ngày cứ tưởng là bận rộn thành một ngày yên lặng và bình an một cách lạ lùng. Nhưng không phải vì định mệnh hay do tình cờ vì những thay đổi ăn khớp với nhau như những mảnh vụn vặt kết hợp thành một bức tranh lớn. Ơn Chúa giống như thế - một mảnh vụn vặt có vẻ như không ăn nhập vào đâu. Nhưng rồi ta thấy nó ăn khớp vào chỗ nào đó một cách hoàn hảo.”

 

Bossert nói nếu bà cảm thấy sự hiện diện của Chúa khi Ngài đến thì đã được ơn Chúa rồi. Bà sẽ thấy mọi việc rõ hơn, thấy rõ hơn phải đi hướng nào,  và thấy rõ hơn mục đích của mình.

 

Bà nói tiếp: “Hans Urs Von Banthasar viết một quyển sách rất hay tựa đề Chân Lý Như Một Bản Nhạc Giao Hưởng (Truth is Symphonic) dựa trên tiền đề: chân lý đến với ta bằng nhiều cách khác nhau và ta biết được vì nó giống như nhiều nhạc cụ cùng chơi trong một bản nhạc giao hưởng, cùng nhau tác động, cùng nhau gợi ra một ý nghĩa, ăn nhập với nhau. Chân lý giống thế đó. Nó đến từ nhiều ngả - mặc dù Chúa là nguồn mạch tất cả” rồi bà giải thích thêm: “Chúa nói một điều gì trong lòng tôi, rồi tiếng nói ấy lại đến từ một nơi khác, một người khác, nhưng cũng chỉ là một tiếng nói, tiếng nói của Chúa. Và tất cả những tiếng nói của ân sủng kết hợp với nhau, ăn nhập vào nhau và cùng nhau tạo ra một ý nghĩa. Mặc dù dùng ẩn dụ có thể không thích hợp lắm, nhưng có thể nói ân sủng giống như âm nhạc trào dâng trong một bản giao hưởng. Nó cũng giống như sóng thần. Một biển ân sủng mênh mông.”

 

Ơn Chúa cũng tìm đường đi vào tình ca và các buổi trình diễn nhạc rock. Bono, ca sĩ chính của ban nhạc U2 viết một bài ca rất hay về ân sủng với những lời ca đi vào tâm điểm của một nhạc phẩm phức hợp : “Ân sủng biến những gì xấu xí ra tươi đẹp. Ân sủng tìm ra vẻ đẹp trong mọi sự.”

 

Trong một cuộc phỏng vấn về đề tài này, Bono, một người thường nói về đời sống đức tin và  liên hệ của mình với Chúa Giêsu, nói rằng “điều đã làm anh khâm phục là sự khác biệt giữa thuyết nhân quả và ân sủng của Thiên Chúa,” anh có ý nói đến quan niệm “mắt đền mắt” của người đời, ý nói ân sủng của Chúa đảo ngược hoàn toàn điều đó.

 

Bono giải thích thêm: “Ân sủng của Chúa đảo ngược tư tưởng ‘gieo gió gặt bão.’ Ân sủng bất chấp lý trí và lý luận. Tình yêu ngăn chận được chuỗi hậu quả của những việc ta làm và quả thật đó là điều may cho tôi vì tôi đã làm nhiều việc ngu xuẩn.”

 

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói “ân sủng là sự trợ giúp mà Chúa cho không và ta cũng chẳng đáng được.” Vậy phải làm sao để tỉnh thức khi ân sủng đến trong đời ta.

 

Những hình thái ân sủng

“Ân sủng được ban phát không phải vì ta đã làm được việc tốt nhưng để giúp ta làm được những việc ấy.”

 

Hầu hết các chuyên gia đều nói cách duy nhất để đứng vững trong đời sống ân sủng là cầu nguyện. Không có lời cầu nguyện không thể nghe được tiếng Chúa trong đời sống náo động   hàng ngày đầy những ham muốn.

 

Giám Mục Scharfenberger đặt câu hỏi: “Không thể thiếu lời cầu nguyện được. Cầu nguyện là quay mặt nhìn Chúa. Nếu không để Chúa nhìn vào ta – vào trong lòng ta – làm sao biết ta cần đến ơn Chúa? Điều cốt yếu là nhận biết Chúa là Chúa Tể mọi sự và nhìn nhận ta đang sống trong ơn nghĩa với Chúa là TÌNH YÊU. Theo ý tôi, ta bỏ lỡ mất ân sủng khi hiểu Chúa một cách máy móc, cố kiểm soát những gì tốt lành mà Chúa phải cho, chẳng khác nào Chúa là một vòi nước máy hay một máy bán hàng. Tất nhiên xin Chúa ban cho ơn này ơn nọ cũng là điều tốt và Chúa luôn đáp lời cầu nguyện cách nào tốt nhất cho ta. Nhưng phải nhận biết Chúa là Chúa Tể mọi sự và sẵn sàng phó mặc để Chúa biến đổi, rồi ta mới có thể lãnh nhận những ân sủng đang dành sẵn cho ta.