7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

PHÉP THÊM SỨC - một nhiệm tích thường bị hiểu lầm




CONFIRMATION

The misunderstood sacrament


 

Bài của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. 


Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo Northwest Catholic tháng 5, 2018.

 


Đó không phải là “lễ tốt nghiệp” hay “lễ thành niên” – Nhưng chính là sức mạnh của Chúa Thánh Thần đổ vào đời ta.

 

“Ta sẽ gửi lời hứa của Cha ta đến anh em,” Chúa Giêsu nói thế với các môn đệ trước khi lên trời, và “anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em và anh em sẽ trở nên những chứng nhân của ta … cho tới tận cùng trái đất.” (Luca 24:49, Tông Đồ Công Vụ 1:8) Khi các môn đệ đã nhận được món quà hứa ban là Chúa Thánh Thần vào Lễ Hiện Xuống, họ liền bắt đầu làm chứng về Chúa Giêsu bằng nhiều thể cách phi thường.

 


Được tràn đầy Chúa Thánh Thần, Phêrô bắt đầu làm chứng về Chúa Giêsu khi ông rao giảng trước những đám đông ngay vào ngày Lễ Hiện Xuống, khiến cho hàng ngàn người chịu phép rửa (Tông Đồ Công Vụ 9:14-41) Các thành viên của hội thánh cũng làm chứng về Chúa Giêsu qua đời sống chung của họ, một đời sống học hỏi, trong tình huynh đệ, lãnh nhận Thánh Thể và cầu nguyện. (Tông Đồ Công Vụ 2:42)

 


Phêrô và Gioan làm chứng về Chúa Giêsu bằng cách tiếp tục sứ mạng lòng thương xót và chữa lành người què ở cửa Đền Thờ, và bảo anh ta. “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth, anh hãy trỗi dậy và bước đi.” (Tông Đồ Công Vụ 3:1-10)


 

Stêphanô đã làm chứng về Chúa Giêsu bằng cả lời rao giảng táo bạo và  bằng cái chết của vị thánh tử đạo tiên khởi của giáo hội. (Tông Đồ Công Vụ 6:8 – 7:60)

 


Những ơn Chúa Thánh Thần cho ta một đức tin can đảm


Trong nhiệm tích thêm sức, qua việc đức giám mục hay một linh mục được ủy quyền đặt tay lên ta, ta nhận được đầy đủ Chúa Thánh Thần y như các môn đệ đã nhận lãnh vào ngày lễ Hiện Xuống (TDCV 2:1-4). Với ơn này ta được ban cho sức mạnh để làm chứng Chúa Giêsu đã chịu chết và sống lại theo đúng cách các vị đã làm. Vì vậy nhiệm tích này hoàn tất quá trình khai tâm vào đạo thánh Chúa, nghĩa là nhờ đó người chịu nhiệm tích được tham dự vào màu nhiệm vượt qua một cách trọn vẹn để có thể sống như một chi thể trong thân thể Chúa Kitô.

 


Chúa Thánh Thần cho ta sức mạnh thi hành sứ mạng chứng nhân bằng cách tạo nên trong ta một số ân sủng để giúp ta can đảm sống đức tin trong đời sống hàng ngày. Những ơn Chúa Thánh Thần không phải những ơn thông thường mà ta có thể dùng cho bất cứ mục đích nào, nhưng là những ơn riêng biệt để giúp ta khi ta chọn Chúa Kytô và giữ vững đức tin khi đứng trước những thử thách hay những cơ hội. Những ơn này được thánh Phaolô nói đến trong thư gửi tín hữu thành Côrintô và truyền thống giáo hội Công Giáo dạy ta bảy ơn Chúa Thánh Thần là khôn ngoan, hiểu biết, biết lo liệu, sức mạnh, thông minh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (xem Isaiah 11:1-3)

 


Chúa không áp đặt ơn Chúa Thánh Thần trên chúng ta. Nếu ai đó khép kín, lãnh đạm, không hợp tác với ơn Chúa thì khả năng tiếp nhận ơn Chúa Thánh Thần có thể bị giảm thiểu. Vì thế Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải cầu xin Chúa Thánh Thần. (Luca 11:13)

 


Với những ơn riêng của Chúa Thánh Thần thì cũng như vậy. Chúa Thánh Thần sinh ra các ơn này trong ta chính là để giúp ta sống và quảng bá đức tin. Để cảm nhận được ơn này và những hiệu quả của những ơn này một cách chính đáng ta phải mở đời sống cho Chúa và xin Chúa hướng dẫn qua những tình huống và  những quyết định đặc biệt.

 

Ta thấy những ơn này được biểu hiện trong đời sống của các tông đồ, những người đã dũng cảm đem đức tin đạo thánh Chúa Kitô đến tận cùng trái đất bất kể chống đối và bách hại khốc liệt. Các ơn ấy đã cho thấy Chúa Thánh Thần có thể thay đổi đời ta một cách thần kỳ biết bao và cho ta thấy có thể dùng những ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống thực tế như thế nào.

 


Ta phải là những người năng cầu nguyện


Để cảm nghiệm được những ơn này ta phải năng cầu nguyện, tìm kiếm và đi theo sự hướng dẫn của Chúa trong mọi sự. Nếu ta không cầu nguyện, tìm kiếm và đi theo sự hướng dẫn của Chúa ta sẽ không nhận ra được đúng tiếng Chúa và sẽ không nhận ra được sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện là điều giúp ta bền vững thông hiệp trong đời sống và tình yêu với Chúa Giêsu để có thể nhận ra tiếng của vị Mục Tử Tốt Lành, tránh khỏi tiếng nói làm rối trí và sa lạc của những mục tử xấu xa, nhất là  quỷ Satan.



Khi ta chịu và sống nhiệm tích thêm sức trong lối sống cầu nguyện, nhiệm tích này sẽ cho ta sự bảo vệ thiêng liêng, thông hiểu ý Chúa, và khả năng theo Chúa Giêsu dù gặp những thử thách khó khăn để loan truyền Phúc Âm trong lời nói và việc làm, và để lớn mạnh trên đường nên thánh qua một đời sống đức hạnh, nhờ thế mà trở nên một con người như ý Chúa muốn tạo nên.



Cầu nguyện cũng là môi trường của “đạo làm con”, nghĩa là môi trường trong đó Chúa Thánh Thần củng cố chân tính của chúng ta là con Thiên Chúa và ân sủng của Phép Rửa được nên trọn vẹn, như Thánh Phaolô đã nói, “Chúa Thánh Thần mà anh em nhận lãnh làm anh em thay đổi từ con nuôi trở nên con ruột. Và nhờ Ngài chúng ta kêu lên, ‘Lạy Cha’. Chính Chúa Thánh Thần làm chứng với thần khí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa … Ta không biết phải cầu nguyện để xin điều gì, nhưng chính Chúa Thánh Thần sẽ cầu bầu cho ta qua những tiếng thì thầm, không cần lời nói.” (Romans 8:15-16, 26)

 


Vượt qua sự lẫn lộn và hiểu lầm


Trong giáo hội buổi sơ khai hầu hết người ta được rửa tội khi đã trưởng thành, cho nên họ được chịu phép thêm sức và chịu Phép Thánh Thể trong cùng một nghi lễ liên tiếp. Khi các trẻ em và trẻ sơ sinh được rửa tội, chúng cũng được chịu ba nhiệm tích khai tâm vào đạo cùng một lần (TĐCV 11:14 cho thấy toàn thể gia đình Cornelius được Thánh Phêrô rửa tội và được lãnh nhận Chúa Thánh Thần). Tuy nhiên trải qua nhiều thế kỷ, các nhiệm tích này được tách rời và tuổi chịu Phép Thêm Sức dần dần được nâng cao.

 


Tuổi chịu Phép Thêm Sức được nâng cao đôi khi làm người ta lẫn lộn không biết ý nghĩa của nhiệm tích này là gì. Thay vì (hiểu đó) là lúc ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách đầy đủ như các thánh tông đồ vào Lễ Hiện Xuống, nhiều người Công Giáo đã lầm lẫn tin rằng đó là lúc trẻ em xác nhận đức tin mà cha mẹ đã quyết định cho chúng khi còn nhỏ. Sự hiểu biết như thế quả thật là phản ảnh việc  làm xảy ra trong một vài giáo hội Kitô giáo bên ngoài Công Giáo, nhưng trong sự hiểu biết của Công Giáo về nhiệm tích này không bao giờ có ý nghĩa như vậy.

 


Cần phải rất thận trọng để tránh những sự hiểu lầm như thế về phép thêm sức, để khỏi hiểu lầm và cử hành nhiệm tích này như một “lễ tốt nghiệp” hay “lễ thành niên” - cách hiểu nào cũng không đúng. Nhiệm Tích Thêm Sức được cử hành và ban cho ta ân sủng là chính Chúa Thánh Thần được đổ tràn vào đời ta để ta có thể là chứng nhân trung tín của Chúa Giêsu Kitô và đương đầu với nhiều thử thách ta thường gặp trong khi sống đức tin như những môn đệ.


 

Chúa Giêsu vẫn còn kêu gọi ta làm chứng nhân cho Ngài


Mỗi nhiệm tích cho ta thông phần vào đời sống Thiên Chúa, điều mà ta gọi là ân sủng. Phép rửa bắt đầu đời ta trong Chúa, Phép Thánh Thể nuôi dưỡng và thiết lập sự hiệp thông với đời sống trong Chúa của ta, phép hòa giải phục hồi đời sống trong Chúa của ta, phép xức dầu thánh đem tới sự chữa lành qua đời sống trong Chúa của ta, phép truyền chức thánh và phép hôn phối định hướng đời sống của ta trong Chúa phải như thế nào. Phép thêm sức củng cố và là dấu ấn của món quà Chúa Thánh Thần mà ta lãnh nhận trước hết trong Phép Rửa.

 


Như thế, chịu phép thêm sức là bắt đầu một sứ mệnh mới, sứ mệnh của một môn đệ hoạt động có đầy sức mạnh của Chúa Giêsu Kitô. Được trang bị bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể là những chứng nhân đích thực và dũng cảm của Chúa Kitô chịu chết và phục sinh trong những nỗ lực hàng ngày của ta.

 


Vẫn còn kịp. Bạn hãy mở đời sống và cầu xin Chúa Thánh Thần giờ đây đổ tràn trên bạn


Chúa Giêsu vẫn còn kêu gọi ta làm những chứng nhân của ngài, những chi thể sống động trong mình mầu nhiệm của ngài trong hội thánh, để Chúa có thể hành động trong chúng ta và qua chúng ta để cứu chuộc thế gian.

 


Nếu bạn đã chịu phép thêm sức nhưng chưa bao giờ nhận ra món quà được hiến tặng, thì vẫn còn kịp, bạn hãỳ mở đời sống ra và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần giờ đây đổ tràn trên bạn. Hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần suốt ngày và mỗi ngày và rước Thánh Thể bất cứ khi nào có thể để mình và máu Chúa Giêsu giúp bạn sẵn sàng lãnh nhận Thánh Thần của ngài.

 


Lạy Chúa Thánh Thần xin thở hơi trong con, để những tư tưởng của con hoàn toàn thánh thiện. Lạy Chúa Thánh Thần xin hoạt động trong con để việc làm của con cũng được nên thánh. Lạy Chúa Thánh Thần xin lôi cuốn trái tim con để con chỉ yêu điều gì thánh thiện. Lạy Chúa Thánh Thần, xin tăng cường sức mạnh cho con để bảo vệ tất cả những gì lành thánh. Vậy, lạy Chúa Thánh Thần xin gìn giữ con để con luôn luôn được thánh thiện… Amen- Thánh Augustine Hippo.



Vũ Vượng dịch