7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CÁC THÁNH CỦA MÙA CHAY

Sts. Perpetua and Felicity. Image: Tracy L. Christianson, portraitsofsaints.com



The Saints of Lent

(Nguyên bản tiếng Anh của Kevin Birnbaum, đăng trong Northwest Catholic tháng 3 năm 2018)

 

Mùa Chay là mùa hoán cải, thống hối và đền tội cao độ. Nhưng như Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ghi rõ: “Người Kitô hữu nào muốn tẩy rửa tội lỗi của mình và trở nên thánh thiện nhờ ân sủng của Chúa không phải chỉ làm việc đó một mình.”  Chúng ta được liên kết với những người lành thánh, nam cũng như nữ, đã đi trước chúng ta, và trong sự trao đổi kỳ diệu của màu nhiệm các thánh thông công, “sự thánh thiện của một người là lợi ích cho nhiều người khác.”


Trong khi trải qua Mùa Chay, ta nên suy xét và mời gọi những vị thánh mà ta mừng lễ kính trong tháng này cùng đồng hành với ta, tìm nguồn cảm hứng nơi đời sống của các ngài và nài xin các ngài cầu bầu cho ta.


Thánh Katharine Drexel – Lễ Kính: ngày 3 tháng 3

Một nữ nhi khuê các, thừa hưởng một gia tài đồ sộ nhưng đã cho đi tất cả.



Tracy L. Christianson, portraitsofsaints.com

Sinh trưởng trong một gia đình rất sung túc, là con gái của một chủ ngân hàng giàu có thành Philadelphia, nhưng Katharine Drexel (1858-1955) đã cống hiến đời mình phục vụ người khác và quyết cho đi khối di sản đồ sộ của mình.


Ngay từ thuở thiếu thời bà đã nhận ra hạnh phúc đích thật không thể tìm được nơi tiền bạc hay những gì của thế gian. Bà đã viết: “Tất cả, tất cả, tất cả mọi sự (không có một ngoại lệ nào) đang qua đi và sẽ qua đi hết.”


Bà  viết tiếp“ Câu hỏi quan trọng duy nhất là tình trạng của linh hồn tôi lúc lâm chung -  câu giải đáp tùy thuộc tôi đã sống đời mình thế nào. Khổ hình vô tận hay hạnh phúc đời đời!”


Năm 1877 bà xin Đức Giáo Hoàng Leo XIII gửi các nhà truyền giáo đến với những người thổ dân Mỹ. Ngài trả lời: “Con ơi, tại sao chính con không trở thành một nhà truyền giáo?”


Cho nên bà đã lập một hội dòng mới, dòng Nữ Tu Thánh Thể, và thiết lập 145 điểm truyền giáo, 12 trường học cho những người thổ dân Mỹ và 50 trường cho những người Mỹ gốc Phi Châu. Bà chết năm 97 tuổi khi không còn gì để cho đi nữa.

 

Thánh Perpetua và Thánh Felicity - Lễ Kính: ngày 7 tháng 3

Hai người mẹ trẻ đối mặt với cái chêt thê thảm vì Chúa Kitô


Tracy L. Christianson, portraitsofsaints.com

Perpetua và Felicity đang là hai dự tòng ở thành Carthage (trên bờ biển bắc Phi Châu) thì bị bắt vào năm 203 vì tội là Kitô hữu. Khi ấy Perpetua được 22 tuổi, là mẹ của một bé trai, còn bạn của bà, Felicity, là người nô lệ đang có thai. Họ được rửa tội trong nhà giam.


Trong phiên xử quan tòa thúc dục Perpetua hiến dâng một lễ hy sinh cho hoàng đế (La Mã) để tự cứu lấy mình vì lợi ích của người cha và hài nhi của cô, nhưng cô không chịu chối bỏ Chúa Kitô. Cả cô và những bạn đồng hành đều bị kết án, “Rồi vui mừng chúng tôi trở lại nhà tù,” cô đã viết như thế trong nhật ký danh tiếng của mình.


Hai ngày trước khi phải chết, Felicity sanh con. Có người hỏi cô: “Bây giờ cô phải chịu đau khổ quá – cô sẽ làm gì khi bị ném cho thú dữ? Cô trả lời, “Có một người khác ở trong tôi, sẽ chịu đau đớn cho tôi, cũng như tôi sẽ chịu đau đớn cho người ấy.”


Tại nơi hành hình Perpetua và Felicity bị một con sư tử cái tấn công. Sau đó họ bị cắt cổ họng. Trước khi chết, Perpetua cổ võ những người bạn đường: “Tất cả anh chị em hãy giữ vững đức tin, và thương yêu nhau, và đừng phẫn nộ vì tôi phải chịu đau khổ.”


 Thánh Frances thành Rome - Lễ Kính: ngày 9 tháng 3

Một cô dâu bất đắc dĩ đã tìm ra phương cách phục vụ người nghèo



Tracy L. Christianson, portraitsofsaints.com

Khi đến tuổi khôn, Frances (1384-1440) mong ước trở thành một nữ tu, nhưng cha mẹ của cô. mặc dù ngoan đạo, đã từ chối. Thậm chí còn sắp xếp cho cô kết hôn ở tuổi 13 với một nhà quý tộc giàu có. Ông ta là một người chồng thương yêu và tận tụy suốt 40 năm, nhưng Frances, không toại chí ngay từ đầu. Khi người em dâu thấy cô đang khóc, Frances mới phân trần rằng cô có ý muốn hiến dâng trọn đời cho Chúa. Rồi hai chị em đã trở thành bạn đồng minh suốt đời. Cùng nhau họ bắt đầu chăm lo cho những người cùng khổ và bệnh tật ở thành Rome.


Frances chăm lo làm việc, sao cho trọn vẹn đôi bề: lo việc kinh nguyện và sứ mạng tông đồ, đồng thời chu toàn nhiệm vụ gia đình. Bà nổi tiếng về câu nói: “Đôi khi người vợ phải để Chúa lại trên bàn thờ để rồi lại tìm thấy ngài trong công việc chăm lo gia đình.” Bà sống khổ hạnh, chỉ ăn bánh mì khô, đôi khi ăn rau, vừa đủ để sống, và cầu nguyện suốt đêm.


Năm 1424 bà lập một dòng nữ, gọi là dòng Oblates of Mary, tận hiến để phụng sự Chúa và người nghèo. Bảy năm sau, bà mời gọi các nữ tu vào sống chung trong nhà dòng. Sau khi chồng chết vào năm 1436, bà sống những năm cuối đời cùng với họ trên cương vị mẹ bề trên.

 

Thánh Patrick - Lễ Kính: ngày 17 tháng 3

Cậu bé nô lệ đã làm cho cả một nước - nơi cậu bị giam cầm - trở lại đạo.


Tracy L. Christianson, portraitsofsaints.com

Thuở thiếu thời Patrick (389 – 461) sống ở nước Anh. Cậu bị hải tặc bắt cóc và đem qua nước Ái Nhĩ Lan (một đảo quốc phía tây nước Anh) để làm nô lệ và bị cưỡng bức làm một mục đồng. Một mình trong hoang địa, cậu bé Patrick đã thành khẩn tìm đến Chúa và đó là lần đầu tiên trong đời cậu.

Cậu viết trong quyền sách Confession (Thú Nhận): “Càng ngày tình yêu Thiên Chúa càng tăng tiến, cũng như lòng ngưỡng mộ của tôi đối với Chúa. Đức tin lớn mạnh, tình thần cảm kích đến nỗi tôi thường cầu nguyện tới cả trăm lần trong một ngày, và có lẽ ban đêm cũng vậy.”


Sau sáu năm làm nô lệ, chàng bỏ trốn trong một cuộc đào thoát táo bạo, và sau cùng trở về với gia đình. Cả nhà van xin cậu đừng bao giờ đi xa nữa, nhưng một đêm kia, trong một giấc mơ chàng đã nghe thấy dân Ái Nhĩ Lan kêu cứu, “Chúng tôi van nài cậu, hỡi cậu bé thánh, hãy đến và ở với chúng tôi.”


Năm 432, cậu trở lại Ái Nhĩ Lan trên cương vị một giám mục và sống suốt phần đời còn lại tại đó để giảng Phúc Âm và rửa tội cho các tân tòng.


Thánh Giuse - Lễ Kính: ngày 19 tháng 3

Người đàn ông lặng lẽ cống hiến đời mình cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria


 

Tracy L. Christianson, portraitsofsaints.com

Chúng ta chỉ biết chút ít chi tiết về người cha trần thế của Con Thiên Chúa. Hình như ông là một người lặng lẽ. Các Phúc Âm không ghi một lời nào của Thánh Giuse.


Chắc chắn ông không phải là người giàu có - tại lễ tiến dâng Chúa Giêsu trong đền thánh, cha mẹ ngài đã hiến dâng lễ hy sinh của những người nghèo, “một đôi chim gáy hay hai bồ câu non.” (Luca 2:24)


Ông là một người lao động khiêm nhường. Khi dân thành Nazareth nổi giận vì lời giảng dạy của Chúa Giêsu, họ đã mỉa mai, “Ông ta không phải con trai của bác thợ mộc sao?”(Matthêu 13:55)


Điều quan trọng nhất là Giuse là một “người công chính” (Matthêu 1:19) đã tín thác nơi Chúa trong mọi lúc và cống hiến đời mình để chăm lo cho Thánh Gia.


Là quan thầy của giáo hội toàn cầu, ngài cũng chăm lo cho chúng ta. Thánh Têrêxa thành Avila đã nói: “Tôi chưa từng biết một người nào chân thành sùng kính Thánh Giuse mà không được thăng tiến rõ ràng trên đường nhân đức, vì ngài thực sự giúp đỡ các linh hồn nào phó dâng chính mình cho ngài.”


Vũ Vượng dịch