7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Ta Có Muốn Tiếp Đón, Cho Chúa Giêsu Ăn Và Ở Chăng?


An Advent Pilgrimage


by Archbishop J. Peter Sartain



Chủ Nhật Lễ Giáng Sinh


Ta Có Muốn Tiếp Đón, Cho Chúa Giêsu Ăn Và Ở Chăng?


(Will You Feed, Shelter and Welcome Jesus?)


 

Bởi vì đêm hôm ấy không ai muốn nhận vào nhà mình những người khách lạ (có lẽ họ không có tiền và chị ta thì có vẻ như sắp sinh con tới nơi. Chứa chấp họ thì biết bao là phiền phức nhất là vào thời gian đang bận rộn vì cuộc kiểm tra dân số,) Chúa đã sắp bàn ăn đêm Giáng Sinh của Ngài trong một máng gỗ nơi súc vật đến ăn. Đêm lạnh như cắt ấy, mấy ai hiểu được Chúa sẽ trở thành bàn tiệc linh đình đủ thức cao lương, một lễ hội dồi dào bất tận.

 

Rất có thể về sau, những chủ quán trọ sẽ nói: “Giá biết được vậy nhỉ, chúng tôi đã dành cho họ một căn phòng xứng đáng và một bữa ăn ngon lành.” Nhưng đâu họ có làm thế. Tuy vậy vẫn có đủ thức ăn cho muôn đời, và phòng ở cho mọi người.

 

Hai người lữ hành mệt lả ấy, đòi hỏi rất ít và sau cùng có ai đó đã nhận lời yêu cầu đơn giản của họ: chỉ một chỗ nho nhỏ, nơi khuất gió ngoài xa, ở chung với bày súc vật cũng không sao. Chúng tôi sẽ không làm phiền ai – và kìa hài nhi như sắp ra tới nơi rồi – xin đừng lo, chúng tôi có đồ ăn trong bị, cả chăn mền nữa, chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi và chờ đợi, chúng tôi sẽ trả tiền cỏ khô và nước uống cho những con lừa. Cảm ơn lòng tốt của quý vị. Xin chào nhé, chúc mọi người an giấc điệp.

 

Và ở nơi đó Chúa đã ra đời, chính nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành. Thánh Luka muốn chúng ta ghi nhận rằng việc này xảy ra tại một tỉnh nhỏ có tên là “nhà làm bánh mì” và Chúa Giêsu được đặt nằm trong một máng cỏ nơi súc vật đến ăn. Ngài hầu như không cần gì cả, một em bé rồi đây sẻ cho chúng ta đủ mọi thứ.

 

Một bài ca về buổi sáng Lễ Giáng Sinh vào thế kỷ thứ năm (A solis ortus cardine) làm nổi bật sự tương phản: “Đấng Thánh tạo thành trời đất đã mặc lấy hình hài của kẻ tôi đòi… Ngài dám nhận đống cỏ khô làm giường ngủ, không từ chối máng cỏ làm chốn nương thân. Ngài không chịu để cho một con chim phải đói, vậy mà chỉ một chút sữa thôi cũng đủ cho Ngài rồi.” Ngài cho cả thế gian của ăn, nhưng chỉ một chút ít cho mình cũng được rồi.

 

Ít lâu sau có những người khách lạ từ phương đông đến tặng quà cho hài nhi. Linh cảm  được sự khôn ngoan sâu kín của Thiên Chúa họ tin rằng có việc kinh thiên động địa đang xảy ra. Họ đặt hết vàng bạc châu báu dưới chân hài nhi, nhưng khi ra về họ được nhiều hơn  của cải đã mang theo. Họ có biết người họ đến thăm là ai chăng? Chỉ có một điều chắc chắn là nhờ ơn sủng họ đã được biến đổi trên đường đi tới máng cỏ đầy hiểm nguy. Phúc âm Thánh Matthêu khi kể lại họ trở về xứ sở của họ “bằng một con đường khác” muốn ta hiểu một điều gì sâu xa hơn là ý nghĩa về địa lý.

 

Con trẻ lớn lên trong khôn ngoan, thêm tuổi và đầy ân sủng. Lúc nào cũng thế, ngài đòi hỏi ít hay không đòi gì cả, nhưng Ngài ban phát mọi thứ cho người nghèo đói, người khó khăn, người bị bỏ rơi, người đi lạc, kẻ keo kiệt, phường vong ân. Hàng ngàn người đi tìm kiếm Ngài. Ngài thường bảo họ: “Ta là bánh ban sự sống. Không ai đến với ta mà bị đói bao giờ.”

 

Ngài chứng tỏ tình yêu của mình cho đến cùng, chịu khổ hình trên thập giá. Một đao phủ lấy lưỡi đòng đâm thâu, tức thì máu và nước phun ra như suối từ cạnh sườn Ngài. Chúa đã cho ta cả mình và máu, thế là bàn tiệc đởi đời được dọn lên – bàn tiệc duy nhất mà ta cần có luôn mãi, bàn tiệc Thánh Thể mà ta chia sẻ cho đến ngày nay và mai sau mãi mãi.

 

Ngài là người anh của chúng ta (thịt của thịt ta), là của ăn của ta (Lời Chúa làm ta no thoả, Mình và Máu Châu Báu của Chúa), là Đấng Cứu Tinh (Thiên Chúa từ trước vô cùng, là nguồn gốc và định mệnh của ta). Ta có muốn nhận Ngài làm của ăn chăng? Đó là lời mời gọi của Lễ Giáng Sinh.

 

Nhưng còn một lời mời gọi khác nữa: Ta có muốn cho Ngài ăn chăng? Ta có mang quà cho Ngài chăng? Dù sao chăng nữa, Ngài đòi hỏi quá ít.

 

Sự thật là ta có cơ may nhận ra và tiếp đón Ngài, cho Ngài ăn và ở hàng ngày. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, người chỉ làm giáo hoàng có 33 ngày vào năm 1978 đã có dịp phát biểu rằng các bậc cha mẹ trong khi chăm sóc con cái là tôn vinh Chúa Giêsu: “Những người chồng và những người vợ chính là những nhà Đạo Sĩ trong Kinh Thánh, những người đã đặt của lễ dưới chân nôi trẻ mỗi ngày. Những của lễ đó là những thiếu thốn, lo lắng, những đêm thức trắng, thời gian vắng bóng bạn bè. Nhưng họ cũng được nhận lại nhiều món quà: nhiều động lực mới để sống và nên thánh, một niềm vui thanh khiết qua sự hy sinh, tình yêu vợ chồng thắm thiết hơn, và sự hiệp thông với các tâm hồn thật dồi dào.”

 

Chúa muốn thế này: hãy để cho Ngài nuôi dưỡng ta và khi đã no đầy ta sẽ nuôi dưỡng người khác. Học yêu thương như Ngài yêu thương, ta sẽ thấy bàn tiệc của Ngài thịnh soạn dường nào, và tình yêu hải hà của Ngài thật là bất tận. Dù là cha là mẹ, là con, là linh mục, tu sĩ, thầy giáo, y tá hay các nhà lãnh đạo quốc gia, Ngài đều muốn  chúng ta phải như vậy. Chúng ta, những người được đặc ân biết Ngài là ai, phải biết tiếp nhận Ngài – không như những chủ quán trọ keo kiệt trong đêm Giáng Sinh thứ nhất – Ngài sẽ nuôi dưỡng ta và chính ta sẽ trở nên của ăn.

 

Đêm năm xưa ấy, khi không có ai động lòng thương để tiếp đón những người khách lạ vào nhà, Thiên Chúa đã đổ trào tình yêu trên chúng ta, cho ta điều quý giá nhất của Ngài, là Con duy nhất của Ngài. Cũng như những nhà đạo sĩ, chúng ta đặt của lễ dưới chân Ngài mỗi khi ta biết yêu thưong như Ngài yêu thương ta.

 

Ước gì chúng ta nhận biết Ngài trong lời cầu nguyện, trong các nhiệm tích, trong yêu thương, trong đời sống hàng ngày. Ngài đòi hỏi quá ít và cho ta đầy đủ mọi sự.

 

Vũ Vượng dịch