7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Tác Động của Chúa Thánh Thần

 


Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

 

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ: khi Ngài về cùng Chúa Cha, Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần xuống. Vì thế, sau khi sống lại, vào chính buổi chiều ngày phục sinh, Ngài đã hiện ra thổi hơi vào các môn đệ và tuyên bố: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Như vậy, Chúa Giê-su đã ban Chúa Thánh Thần và các môn đệ đã nhận được Chúa Thánh Thần ngay chiều ngày phục sinh, nhưng không có một sự thay đổi nào nơi các môn đệ và cũng không có một dấu lạ nào.

Năm mươi ngày sau, kể từ ngày Chúa Giê-su sống lại, và mười ngày, kể từ khi Chúa lên trời, ơn phúc và quyền hành đó được kiện toàn, được bổ túc, hay đúng hơn, được triển nở hoàn toàn đầy đủ, bằng việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, với những dấu hiệu bề ngoài và những sự thay đồi rõ ràng nơi các tông đồ, những dấu hiệu bề ngoài đó là gió và lưỡi lửa. Thực vậy, Chúa Thánh Thần đã đến như một ngọn gió lớn ùa vào trong căn phòng các môn đệ đang cầu nguyện. Cơn gió tượng trưng cho sức sống, khi nhẹ nhàng, khi mãnh liệt, được truyền vào trong lòng các tông đồ. Cụ thể hơn nữa, Chúa Thánh Thần đã đến dưới hình lưỡi lửa: lửa để chỉ sự hăng say, lưỡi để nói. Đó là dấu hiệu rõ ràng các tông đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, và các ông sẽ hăng say dùng miệng lưỡi để rao giảng Tin Mừng.

Còn những thay đổi bề ngoài, chúng ta thấy các tông đồ đã thay đổi hoàn toàn, từ một Phê-rô yếu đuối và nhát sợ khi xưa trở thành một Phê-rô chứng nhân sáng suốt và can đảm, đến nỗi những người đã biết Phê-rô khi trước không còn nhận ra ông nữa, Tất cả các tông đồ khác cũng vậy, từ những người nhát sợ, yếu đuối, chậm hiểu, hám danh, tham lợi, trở thành những người mạnh mẽ, can đảm, hiểu biết, coi thường danh lợi và sẵn sàng làm chứng cho Chúa. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần.

Từ đó cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tác động như thế trong cả Giáo Hội và nơi mỗi người chúng ta, ơn Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta, sẽ đổi mới tâm hồn và cuộc sống chúng ta, sẽ hướng dẫn chúng ta biết làm thế nào cho phù hợp với Tin Mừng nhất.

Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, chúng ta không được hân hạnh thấy các dấu lạ như các tông đồ xưa kia: không thấy gió thổi, không thấy lưỡi lửa, và cũng không có ai nói tiếng lạ... Nhưng thực sự Chúa Thánh Thần vẫn xuống trên Giáo Hội, vẫn hoạt động mãnh liệt trong Giáo Hội và trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Thực vậy, đọc sách Công Vụ Tông Đồ cũng như các thư của Thánh Phao-lô, chúng ta thấy trong buổi đầu của Giáo Hội, các tín hữu được những ơn rất lạ lùng của Chúa Thánh Thần, như nói các thứ tiếng, nói tiên tri, chữa lành bệnh tật, can đảm xưng mình là Ki-tô hữu, sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không sợ gian khổ, sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa. Ngày nay, một số ơn không còn thường xuyên nữa, có lẽ một phần vì tập quán đạo giáo ngày nay đã thay đổi, một phần vì lúc đặt nền móng của Giáo Hội cần có những ơn ấy hơn bây giờ. Nhưng ngày nay, hầu hết các ơn của Chúa Thánh Thần có vẻ “thông thường” hơn, đến nỗi chúng ta gặp được khắp nơi.

Chẳng hạn, không một sức mạnh nào của khoa học kỹ thuật, của quyền lực thế gian, làm mềm được trái tim con người đã thành sắt đá, hay chuyển đổi lòng dạ con người từ cõi âm u của lạnh nhạt, ghen ghét, hận thù qua miền ánh sáng của tình nghĩa, của yêu thương. Chỉ “quyền năng của Thánh Thần”, chỉ sức mạnh của lòng tin bằng hạt cải ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay có thể đẩy một Cha Côn-bê bước lên mấy bước để tình nguyện chết thay cho một bạn tù còn trách nhiệm với một vợ và bảy con. Hoặc là có thể đưa một bà cụ trên 80 tuổi như mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta tiếp tục đi hết nước này đến nước khác để phục vụ những con người khốn khổ.

Cũng vậy, chính sức mạnh của Thánh Thần giúp cho lòng chung thủy thầm kín của vợ chồng với nhau; giúp cho các bà mẹ gia đình chu toàn bổn phận trong âm thầm; tăng nghị lực, can đảm cho người bạn trẻ chống lại các cám dỗ; giúp cho người tín hữu ham thích cầu nguyện trong thinh lặng, kiên nhẫn trong lúc đau khổ và vui mừng vì có lương tâm ngay thẳng... Từ đó cho đến nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục tác động như thế trong cả Giáo Hội và nơi mỗi người chúng ta. Tóm lại, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng ta biết làm thế nào cho phù hợp với Tin Mừng nhất. Vì thế, chúng ta hãy sống theo sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để mọi người thấy Chúa Thánh Thần hiện diện nơi chúng ta và đang hoạt động qua chúng ta.

Website Rosarium

The World of the Rosary with the Order of Preachers