7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Tại Sao Chúa Giêsu Phải Chịu Chết Trên Cây Thập Giá ?




Why Did Jesus Have to Die on the Cross?

 

(Nguyên bản tiếng Anh của Cha Cal Christiansen đăng trong

Northwest Catholic số 1 quyển 5 tháng 2, 2017)

 


HỎI: Con có một câu hỏi, một câu hỏi làm cho con vừa bối rối vừa khó chịu: Tạo sao Chúa Giêsu phải chết cách ghê gớm như thế trên thập giá? Thiên Chúa không thể chọn một cách nào khác êm đềm hơn, bớt đau đớn hơn để cứu chuộc chúng ta hay sao?

 

ĐÁP:  Câu hỏi của ông - Tại sao Chúa Giêsu phải chết trên thập giá? – là điều đã làm cho các Kitô hữu ngay từ thời các thánh tông đồ phải vò đầu bứt tóc. Thánh Phaolô viết: “Chúng tôi tuyên xưng Đức Kitô chịu đóng đinh, một điều khó hiểu cho người Do Thái, là điều điên rồ đối với dân ngoại, nhưng với những người được Chúa mời gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đức Kitô là quyền năng của Thiên Chúa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1 Corinthians 1:23-24) Tôi nghĩ rằng chúng ta nên khởi đầu từ đây để tìm hiểu  về điều có vẻ như là nghịch lý của thập giá. Đó là điều vượt quá sự hiểu biết của loài người, nhưng chứa đựng mục tiêu của Thiên Chúa và  tình yêu siêu nhiên sâu thẳm của Ngài.

 

Trong nhiệm vụ linh mục tôi đã có thời gian khá lâu ở Châu Mỹ Latinh. Một trong những điều ta thấy ngay khi bước vào các nhà thờ hay các nhà ở của giáo dân là những tượng ảnh Chúa chịu đóng đinh. Những tượng ảnh đó thường phô bầy những vết thương máu me đầm đìa. Những hình ảnh thế này dễ làm cho chúng ta, vốn quen với tượng ảnh Chúa chịu đóng đinh đã được “rửa sạch”, không khỏi cảm thấy rợn người. Nhưng những người Châu Mỹ Latinh có một tấm lòng sùng mộ sâu xa đối với những tượng ảnh ấy. Họ hiểu bằng trực giác thập giá có ý nghĩa gì đối với họ: ơn cứu chuộc. Qua sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Ngài đã cứu chúng ta khỏi một cái chết ghê gớm tương tự.

 

Những tượng ảnh chịu nạn ở Châu Mỹ Latinh dù là ghê rợn như thế, nhưng cũng không nói hết được sự việc một cách đầy đủ. Như bà Fleming Rutledge đã lý luận trong tác phẩm The Crucifixion (Chúa Chịu Đóng Đinh), các Kitô hữu ngày nay khó mà hiểu được đầy đủ sự ghê rợn của phương pháp hành hình ấy. Nó được đặt ra không những để kéo dài và gia tăng sự đau đớn” mà còn “nhằm mục đích xúc phạm đến nhân phẩm con người đến củng độ. Đó là cách hạ nhục phi nhân tính, không còn cách nào thảm khốc hơn.”

 

Vậy mà vì yêu chúng ta Chúa Giêsu đã chọn cách chết đau đớn, xỉ nhục ngoài sức tưởng tượng này bởi vì “không còn kiểu hành hình nào khác tương xứng với tình cảnh khốn cùng của nhân loại trong tội lỗi.”

 

Muốn hiểu được tại sao cuộc thương khó và sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta,  ta phải hiểu được ý nghĩa của lễ vật hy sinh và ơn tha tội trong Cựu Ước. Theo giao ước Môi Sen cũ, các tư tế tiến dâng những con vật làm của lễ hy sinh lên Thiên Chúa để đền tội lỗi của thế nhân, lấy cài chết của con vật để thay thế cho án tử hình mà thế nhân đáng phải chịu vì phạm tội lỗi và bất tuân. Sự “thay thế” này đã đưa một con người hay một cộng đồng trở lại trong liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa (10 chương đầu của sách Lêvi mô tả đầy đủ chi tiết về việc này.)

 

Thư gửi các tín hữu Do Thái bác cầu nối liền Cựu Ước và Tân Ước, cho ta thấy Chúa Kitô đã trở thành của lễ hy sinh theo luật Môi Sen chỉ một lần là đủ. Đúng như trong Giao Ước Cũ thầy thượng tế thường hiến dâng những con vật hy sinh để thay thế cho thế nhân, Đức Kitô đã trở thành thầy thượng tế mới, hiến dâng chính mình làm của lễ hy sinh để đền tội cho nhân thế của  mọi thời đại. Trong khi Giao Ước Cũ đòi phải có những của lễ hy sinh tiếp diễn không ngừng, thì Chúa Giêsu chỉ hy sinh một lần là đủ, không bao giờ phải làm lại: “Ngài vào trong cung thánh chỉ một lần là đủ, không mang theo máu của những con dê hay những con bê, nhưng bằng chính máu của Ngài, do đó xin được ơn cứu độ đời đời.” (Hebrew 9:12)

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church) cho ta thấy rằng “sự chết ghê gớm của Chúa Giêsu không phải là hậu quả tình cờ của những hoàn cảnh bất trắc trùng hợp với nhau, nhưng là một phần của kế hoạch huyền nhiệm của Thiên Chúa. (CCC 599). Điều có vẻ như là nghịch lý đã xảy ra như thế này: vì sao Thiên Chúa đầy tình yêu và lòng thương xót có thể kết án Con Một của mình phải chịu một số phận như thế? Câu trả lời duy nhất là tình yêu. Thiên Chúa tự nguyện hiến dâng Con Một của mình trên thập giá để làm một việc mà chúng ta không bao giờ làm được: tự cứu lấy mình. Chúa Giêsu nhận lấy án phạt mà chúng ta đáng phải lãnh nhận và Ngài đã trở nên phương thế để tha thứ tội lỗi chúng ta trước mặt Chúa Cha. Chúng ta được tha thứ nhờ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Vì thế đối với người Công Giáo chúng ta, tượng Chúa chịu đóng đinh, mặc dù tàn khốc như thế, chính là hình ảnh mạnh mẽ nhất về tình yêu và sự lo toan mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

 

Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho ông hôm nay và luôn mãi!

 

Vũ Vượng dịch