7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Cuộc Ly Khai Giáo Hội Bắt Đầu Đúng 500 Năm Trước




The 500th Anniversary of The Reformation


 


(Nguyên bản tiếng Anh của Cha Thomas Ryan, dòng Thánh Phaolô  Rao Giảng, Vận Động Hòa Giải Hiệp Nhất Các Giáo Hội Chúa Kitô, đăng trong báo điện tử NW Catholic ngày 4 tháng 5, 2017)


 

Năm 2017 đánh dấu 500 năm ngày công bố 95 luận đề của Martin Luther tại Wittenberg, nước Đức, một biến cố từ đó đã phát sinh điều gọi là phong trào Cải Cách của Hệ Phái Tin Lành. Trong quyển sách tựa đề “Martin Luther: Một Quan Điểm về Hòa Giải và Hiệp Nhất” (Martin Luther: An Ecumenical Perspective) Đức Hồng Y Walter Kasper đã nhận định rằng cách suy nghĩ của chúng ta về Martin Luther đã có nhiều thay đổi trong 500 năm qua.

 

Trong suốt lịch sử người Công Giáo vẫn coi Luther là cha đẻ ra đạo Tin Lành, là kẻ rối đạo, phải chịu trách nhiệm về việc chia rẽ giáo hội Phương Tây, nhưng trong thế kỷ XX nhiều học giả Công Giáo đã có những thay đổi lớn về tư tưởng khi nghiên cứu về Luther. Họ nhận định rằng Luther đã có những lo ngại đích thực về đạo giáo và họ đã có một cách phán đoán quân bình hơn về trách nhiệm của Luther trong việc chia rẽ giáo hội. Thời gian gần đây còn có những đức giáo hoàng chấp nhận quan điểm mới mẻ này.

 

Mối quan tâm của Luther là Phúc Âm về Sự Vinh Quang của Ân Sủng Thiên Chúa (the Gospel of the Glory of God’s Grace). Mặc dù ông là người có tinh thần cải cách, nhưng ông không có ý định trở thành người sáng lập một giáo hội cải cách riêng biệt. Mục tiêu của ông là đổi mới giáo hội Công Giáo dựa trên quan điểm Phúc Âm.

 


Cần phải cải cách

 

Thế kỷ mười bốn và thế kỷ mười lăm, được gọi là thời kỳ cuối của thời trung cổ, là một thời kỳ được đánh dấu bởi những cuộc khủng hoảng to lớn dẫn tới những biến đổi sâu xa về mọi lãnh vực xã hội: dân số tụt giảm vì nhiều nạn đói và dịch tễ gây ra. Quần chúng nổi dậy dẫn tới những cuộc nội chiến trong các nước cũng như những cuộc chiến giữa các nước, như cuộc chiến tranh 100 năm giữa Anh và Pháp (1337-1453). Trong giáo hội cũng có những biến động lớn, khi có đến ba vị lãnh đạo cùng lúc tự xưng là giáo hoàng đích thực. (the Westerm Schism, 1378-1417)

 

Cần phải cải cách. Giáo hội nắm quyền chính trị quá lớn chưa kể giáo quyền. Giáo hoàng cũng là những vì vua (trong các lãnh thổ của giáo hoàng). Các giám mục cũng là những ông hoàng và những nhà cầm quyền trần thế. Trở thành giám mục là được bổng lộc to lớn vì được nhiều đất đai và tiền bạc. Hơn nữa các ông hoàng được quyền bầu ra hòang đế. Giáo hội và nhà nước hoạt động trong một liên hệ hỗ tương khắng khít.

 

Cho nên không ai ngạc nhiên khi thấy các học giả ngày nay nhận định rằng cuộc Cải Cách Tin Lành được đánh dấu bởi hàng loạt những phong trào có tính cách tôn giáo, xã hội, chính trị tuỳ thuộc lẫn nhau rất phức tạp. Tiếc thay lời kêu gọi của Luther không được các giáo hoàng và giám mục lắng nghe. Những câu trả lời Luther nhận được toàn là những lời thoá mạ và lên án.

 

Chin mươi lăm luận đề của ông được công bố năm 1517 có tựa đề “Tranh Cãi về Hiệu Quả và Quyền Ân Xá” (Disputation on the Efficacy and Power of Indulgences) được đưa ra với chủ ý mời gọi tham gia một cuộc thảo luận học hỏi. Nhưng việc ấy không bao giờ xảy ra. Và ngày nay, Đức Hồng Y Kasper nhận định, “La Mã chịu một phần trách nhiệm về việc để cho việc đổi mới giáo hội trở thành Phong Trào Cải Cách ly khai giáo hội.”

 


Tuyên bố chung

 

Những cuộc nghiên cứu lịch sử ngày nay cho thấy Luther là một thầy dạy Phúc Âm. Ngày nay nhiều mặt sinh hoạt của đạo Công Giáo được biểu hiện tốt đẹp hơn nhờ Công Đồng Vatican II đã đáp ứng nhiều lời kêu gọi cải cách của Luther.

 

Thí dụ: ân sủng của Chúa là điều tiên quyết, rồi sau mới đến việc lành ta làm; đặt trọng tâm vào Kinh Thánh; thần học dựa trên quan niệm giáo hội là dân tộc của Chúa; tư cách tư tế của các tín hữu; phụng vụ bằng tiếng địa phương; rước Lễ bằng cả hai hình thái; đặt nặng việc rao giảng; giáo dân tham gia tích cực vào việc thờ phượng; hiểu biết mục vụ là phục vụ; nguyên tắc tự do tôn giáo; và nhu cầu canh tân giáo hội thường xuyên.

 

Như tuyên bố chung về học thuyết công chính hóa (doctrine of justification) được đồng ký kết bởi giáo quyền Vatican và Liên Hiệp Tin Lành Luther Thế Giới đã chỉ rõ, ngày nay có sự đồng thuận về một chân lý trọng tâm của đức tin Kitô Giáo: “chỉ nhờ có ân sủng, nhờ lòng tin vào công cuộc cứu độ của Chúa Kitô - chứ không phải nhờ bất cứ công trạng nào của ta -  mà ta được Thiên Chúa chấp nhận và được nhận lấy Chúa Thánh Thần, để rồi Ngài đổi mới lòng ta đồng thời cho ta đủ phương thế và kêu gọi ta làm những việc tốt lành.”

 

Tuyên bố chung này là một bước tiến quyết định nhằm khắc phục sự chia rẽ trong giáo hội. Kinh nghiệm cùng nhau nói lên chân lý của Phúc Âm giúp ta nhìn nhau dưới một ánh sáng mới. Cuộc đối thoại 50 năm qua giúp ta xem xét lịch sử một cách mới mẻ và hàn gắn ký ức chung của chúng ta. Chúng ta có chung một nhân tố DNA.

 


Một cơ hội vô song

 

Mùa thu năm 2016 Học Viện Hòa Giải Hiệp Nhất Kitô Giáo Bắc Mỹ nhóm họp tại trường Thần Học Candler ở Georgia dưới chủ đề “Kỷ niệm cuộc Cải Cách Tôn Gíáo: các Giáo Hội cùng nhau hướng về năm 2017 và lâu dài về sau.”

 

Một trong những diễn giả là tiến sĩ Catherine Clifford, một nhà thần học Công Giáo của Trường Đại Học St Paul ở Ottawa, Ontario (Canada) nhận định rằng ngày kỷ niệm này là một cơ hội vô song để bắt đầu quá trình hàn gắn và hòa giải. Đây là một cơ hội có những ý nghĩa tiềm tàng sâu xa cho tương lai hiệp nhất của chúng ta nếu chúng ta biết đón nhận trong tinh thần thích hợp.

 

“Chúng ta cần phải cùng nhau tạo ra những ký ức mới mẻ” và bà nói tiếp, “Dịp kỷ niệm này là dịp để gặt hái những thành quả của cuộc đối thoại của chúng ta – thành quả của 50 năm cùng chung làm việc. Để thấy tương quan giữa chúng ta dưới một ánh sáng mới. Để nhận ra sự hiện diện và hành động của Thánh Thần Chúa trong mỗi cộng đồng chúng ta.

  


Vũ Vượng dịch