7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Cuộc Điều Tra Tìm Hiểu Về Chúa Kitô



The Case for Christ

Nguyên bản tiếng Anh của Đức Giám Mục Robert Barron,
Tổng Giáo Phận Los Angeles đăng trong báo điện tử Northwest Catholic, 12 tháng 4, 2017


“The Case for Christ” ( Cuộc Điều Tra Tìm Hiểu Chúa Kitô) là một cuốn phim, phỏng theo một tác phẩm của Lee Strobel được xếp hạng bán chạy nhất, mang cùng tên đó, một cuốn phim đã từng gây sôi nổi một thời trong giới truyền thông rao giảng Phúc Âm và cả bên ngoài nữa.


Truyện kể về một thông tín viên trẻ tuổi, đầy tham vọng (và vô thần) của báo Chicago Tribune (Diễn Đàn TP Chicago), một người đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tâm lý và tâm linh khi vợ của anh trở thành người theo đạo Thiên Chúa. Cuốn phim về Lee và người vợ kể lại thời gian nhiều tháng trời trong cuộc đời hôn nhân của họ làm cho tôi cảm kích và thấy thật đáng tin – và tôi có đủ tư cách để nói như vậy vì tôi đã từng cố vấn cho một số cặp vợ chồng trong hoàn cảnh tương tự.


Trong một vài trường hợp như thế, người phối ngẫu không tín ngưỡng có thể xem đức tin của người kia như một thứ giải trí vô hại, một thú tiêu khiển nào đó. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, người không có tín ngưỡng thường thấy đức tin đang bừng lên của người kia chẳng khác gì sự phản bội. Trường hợp sau đúng là trường hợp xảy ra trong cuộc hôn nhân của Strobel.


Để giải quyết tình thế căng thẳng, Lee đã dùng đến tài phân tích và điều tra đáng kể của mình để phanh phui thứ tín ngưỡng đang lừa dối vợ mình như thế. Theo đề nghị của một đồng nghiệp theo đạo Thiên Chúa tại tòa báo, anh đặt mục tiêu của cuộc điều tra vào sự sống lại của Chúa Kitô. Người bạn đó giải thích: nếu Chúa Giêsu không sống lại thì Thiên Chúa giáo đã sụp đổ dễ dàng. Thế rồi bài trần thuật diễn ra như một truyện trinh thám: Strobel tìm tòi mọi ngả đường, hạch hỏi các chuyên gia, đặt ra những câu hỏi hóc búa.


Tôi thích cuộc điều tra này vì một số lý do. Trước hết, Thiên Chúa Giáo, hiểu theo nghĩa hay nhất, không phải là thứ tín ngưỡng hoàn toàn dựa vào lòng tin, không dựa vào một niềm tin đơn thuần mà những người theo đạo chấp nhận, không cần thắc mắc hay tra xét. Thật ra, đạo Chúa Kitô cởi mở đón nhận lý trí và những câu hỏi gay gắt. Thứ hai, và cũng liên quan đến lý do thứ nhất, Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo có tính lịch sử không thể chối cãi được, không phải là một nền triết học (mặc dù có thể dùng ngôn ngữ triết học), cũng không phải là một lối sống tâm linh hoàn toàn (mặc dù một lối sống tâm linh có thể rút ra từ đó); nói đúng hơn đạo Kitô là mối liên hệ với một nhân vật lịch sử và một sự quả quyết phi thường trong lịch sử về con người đó, cả quyết rằng người ấy đã sống lại, sống lại bằng xương bằng thịt, từ trong kẻ chết.


Đặc biệt trong mấy năm gần đây nhiều người đã tìm cách để làm giảm bớt sự xôn xao liên quan lời quả quyết này. Họ cho rằng Chúa Giêsu là một mẫu mực luân lý vĩ đại, một nhà giảng thuyết hùng hồn về sự thật tâm linh, một người kính sợ Thiên Chúa đầy uy lực – họ nghĩ rằng những lời tường thuật về Chúa sống lại có đúng với sự thật hay không, điều đó không quan trọng cho lắm. Có lẽ chỉ nên coi những lời quả quyết đó như huyền thoại hay chỉ có tính cách tượng trưng là hay nhất. Đạo Chúa Kytô nói gì về những ý kiến này? Câu trả lời là “Không”, và hoàn toàn đồng ý với người bạn của Lee Strobel: nếu Chúa không sống lại thì đạo Kitô đã được để cho sụp đổ trên đống tro tàn của lịch sử. Cho nên đối với một Kitô hữu đích thực, xem phim về việc làm của người điều tra táo bạo này là một việc rất hào hứng, chính vì những câu hỏi của anh ta là chính đáng và có một cái gì rất thật có nguy cơ bị sụp đổ.


Vậy Strobel điều tra những gì đây? Trước hết, anh ta tự hỏi phải chăng những truyện kể về phục sinh chỉ là truyện thần tiên do những người mộ đạo đặt ra để làm cho ta khỏi sợ chết. Nhưng rồi anh ta biết được rằng trên thực tế nhiều người quả quyết thấy Chúa Giêsu sau khi chịu đóng đinh, kể cả một trường hợp có tới 500 người đã thấy Chúa cùng một lần. Hơn nữa hầu hết những đạo trưởng thời giáo hội sơ khai đành chịu chết để bảo vệ những điều chính đáng mà họ giảng dạy. Liệu có ai làm như thế chỉ vì một huyền thoại hay một truyện hoang đường do chính mình bịa ra?


Nhưng rồi một câu hỏi khác xảy đến trong trí. Có thể tất cả những người ấy là nạn nhân của một ảo giác tập thể chăng? Một nhà tâm lý học nhẫn nại giải thích cho Strobel biết rằng hàng trăm người ở nhiều nơi khác nhau, vào những thời gian khác nhau, không thể có chung những mơ màng như nhau. Vị bác sĩ tâm lý mỉm cười khôi hài: “Nếu hàng trăm người đã có một ảo giác như nhau thì đó là một phép lạ còn lạ lùng hơn sự phục sinh nữa.”


Nhưng còn những bài chép về Chúa Kitô thì có đáng tin chăng? Không phải những bài đó đã được viết ra nhiều năm sau khi những biến cố đã xảy ra hay sao? Một linh mục Công Giáo đồng thời cũng là một nhà khảo cổ và chuyên gia về những bản thảo cổ xưa đã cho Strobel biết số những bản chép về Phúc Âm Chúa Kitô trong thời sơ khai vượt xa bất cứ tác phẩm nào khác của thời thượng cổ, kể cả anh hùng ca Illiad của Homer và Đối Thoại (Dialogues) của Platon.


Còn về “giả thuyết bị ngất đi” thì sao? Theo thuyết này Chúa Giêsu không có chết trên thập giá nhưng chỉ bị bất tỉnh mà thôi, rồi về sau lại tỉnh dậy. Một bác sĩ có phòng mạch tại Los Angeles đã mô tả tỉ mỉ cho Strobel thấy phương pháp hành quyết tàn bạo của người La Mã xưa, khiến cho nạn nhân chảy máu từ từ và bị nghẹt thở cho đến chết. Vị bác sĩ kết luận giả thuyết bị ngất đi là “đồ bỏ”.


Trên mỗi chặng đường điều tra, Strobel tiếp tục thắc mắc, đặt câu hỏi, ngừng lại và vặn hỏi đối phương. Chưa biết thực hư thế nào, anh luôn giữ vững lập trường cho rằng đạo Kitô chỉ là một mớ lý thuyết suông. Tuy vậy càng ngày anh càng thấy rõ những lập luận chống lại mình rất mạnh mẽ và ăn khớp với nhau, anh dần dần xuống nước. Việc này khiến cho người viết bài này nhớ lại tác phẩm nổi tiếng của John Henry Newman mô tả quá trình tìm hiểu và chấp nhận tôn giáo xảy ra như thế nào. Việc ấy ít khi xảy ra do tác dụng của một lý luận đanh thép, Newman nói thế, nhưng thực ra nó phải trải qua sự giao lưu chậm rãi, đều đặn của nhiều yếu tố: suy diễn, phỏng đoán, trực giác, kinh nghiệm, lời chứng của người khác v.v… Sự hội tụ của nhiều sự kiện có thể xảy ra nhờ vào điều mà Newman gọi là “óc suy diễn” (illative sense) thường đưa tâm trí ta đến sự ưng thuận.


Trong những cuộc nói truyện, vị linh mục kiêm nhà khảo cổ đã cho Strobel, nhà báo hoài nghi, xem một bản sao chụp Tấm Khăn Liệm Chúa còn lưu giữ tại thành Turin (nước Ý) mà người ta cho là khăn liệm Chúa Giêsu. Nhìn vào hai mắt của người trong hình, Strobel hỏi, “Việc gì đã khiến cho người ấy phải đến nông nỗi này?” Vị linh mục trả lời: “Dễ hiểu lắm: tình yêu.” Khi những lý lẽ đang thâm nhập vào đầu óc, Strobel ghi nhớ hình ảnh ấy, cách giải thích ấy – và nhà làm phim gợi ý cho khán giả biết rằng đây chính là lý do sau cùng đã xô đẩy anh vào niềm tin.


Phim “Cuộc Điều Tra Tìm Hiểu về Chúa Kitô” rất hay vì nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ rằng nó có sức thuyết phục đặc biệt nhờ sự mô tả tỉ mỉ nhẹ nhàng những động lực tâm lý, tâm linh và tri thức khiến cho người ta đón nhận tin mừng Phúc Âm.


Vũ Vượng dịch