7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Chúa Sẵn Sàng Cho Ta Cơ Hội Thứ Hai



The God of Second Chances

(Christopher News Notes, number 596)


Thành công chưa phải đã xong, thất bại chưa phải đã hết.”


 Winston Churchill

 


TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MUỐN THÀNH CÔNG TRÊN ĐỜI VÀ TÀI GIỎI TRONG MỌI VIỆC LÀM.


Ngay cả về phương diện tinh thần, ta được kêu gọi nên toàn thiện. Trong bài giảng trên núi, Chúa Kitô mô tả tình yêu hoàn hảo ta phải có cho mọi người, kể cả kẻ thù, Ngài dạy ta “Cho nên anh em phải nên toàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng toàn thiện.”

 

Nhưng Chúa Kitô cũng dạy phải nhìn nhận tình trạng sa ngã của ta và hướng dẫn để ta hiểu rằng cách ta đối phó với thất bại như thế nào có thể giúp ta thành công hơn và tới gần Chúa hơn, vì Ngài luôn sẵn sàng chờ đợi, cho ta những cơ hội thứ hai.

 

‘Thất Bại là Mẹ Thành Công’

Không phải là tôi đã thất bại, nhưng là tôi đã tìm được 10,000 cách làm việc không có hiệu quả”

-       Thomas Edison

 

Thomas Edison được hầu hết mọi người coi là nhà phát minh lớn nhất nước Mỹ. Ông đã phát minh ra bóng đèn điện, máy hát, và máy quay phim. Nhưng hồi còn nhỏ ông bị đuổi học vì các thầy giáo thấy ông quá chậm không học được. Mẹ ông phải dạy ông tại nhà. Nhưng rồi, khi chưa tới 10 tuổi ông đã bắt đầu làm những cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm hoá học của riêng ông. Sự phục hồi sớm đã dạy ông sự nhẫn nại, đức tính này đã nâng đỡ ông trong những thời gian thử thách gay go, như thời kỳ ông phải chịu thất bại đến hơn 9000 lần rồi mới chế ra được bóng đèn điện.

 

Michael Jordan được coi là cầu thủ bóng rổ cừ khôi nhất của mọi thời đại, nhưng có lần anh đã nói, “Bí quyết của thành công là thất bại.” Vào năm thứ hai bậc trung học, anh không được nhận vào đội bóng rổ đại diện cho trường đi thi đấu, vì chỉ có một chỗ dành cho học sinh năm thứ hai, thì phải dành cho một học sinh khác cao hơn anh. Việc này đã khiến anh tập luyện ráo riết hơn để chuẩn bị cho mùa thi đấu kế tiếp. Nhiều năm sau người ta thường kể lại lời anh nói, “Tôi đã ném bóng trật hơn 9000 lần trong đời cầu thủ. Tôi đã thua gần 300 trận đấu. Có 26 lần được trao trọng trách ném trái bóng quyết định chiến thắng nhưng tôi đã làm hỏng. Tôi đã thất bại, thất bại rồi lại thất bại trong cuộc đời. Nhưng đó chính là lý do để tôi thành công.”

 

Thất bại dạy ta biết sửa sang điều chỉnh để đi tới những thành công lớn hơn trên đường đời. Và thất bại cũng dạy ta thay đổi hướng nhìn – và sự thay đổi đó giúp ta đến gần Chúa hơn vì hiểu thấu được đâu là những mục tiêu để phấn đấu.

 

Carolina Kostner, sinh trưởng tại miền bắc nước Ý, được coi là vận động viên trượt băng nghệ thuật giỏi nhất nước từ trước tới nay. Năm 2006, khi mới 19 tuổi, cô tham dự thế vận hội thứ nhất của cô tại thành phố Turin nước Ý. Cô là người cầm cờ đoàn lực sĩ quốc gia và nhiều người tin rằng cô sẽ đem về  huy chương Olympics về trượt băng cá nhân lần đầu tiên cho nước Ý. Nhưng như các nhà phê bình đã nói, cô thao diễn kém cỏi và kết cuộc chỉ được xếp hạng 9.

 

Đến Thế Vận Hội 10, Kustner lại đến Vancouver, Canada tham dự, với ý định phục thù cho chính mình và mang về cho đất nước tấm huy chương từ lâu mong mỏi. Cô bị té ngã 3 lần trong khi thi đấu môn trượt băng tự do và kết cuộc đước sắp hạng 16. Sau đó cô về sống với gia đình và bạn bè một thời gian, xa rời những cuộc tranh tài căng thẳng và suy tính giải nghệ luôn. Nhưng tới năm 2014 sau khi quyết định không về hưu, cô lại đi dự Thế Vận Hội để đại diện quốc gia lần thứ ba.

 

Nói về con đường đã đưa cô tới điểm đó, cô tuyên bố với  báo Chicago Tribune, “Tôi nghĩ mọi người đều có những bước thăng trầm trong cuộc đời. Chúng ta học hỏi từ những nỗi thất vọng lớn nhất, đúng không? Ta học hỏi để trở nên khiêm nhường với chính mình và khiêm nhường với những người khác. Ta học kính trọng và hiểu được đầy đủ hơn giá trị của một huy chương. Thời gian đó thật gay go. Cho nên tôi tự nhủ: không chú ý đến kết quả nữa, cứ chăm chú trượt băng mà thôi.”

 

Gạt bỏ lo lắng về kết quả ra khỏi tâm trí, Kustner đã trượt băng một cách điêu luyện và với một tình yêu thuần túy đối với môn nghệ thuận này. Bất ngờ, đó là lần mà cô đạt được tấm huy chương mong mỏi, đưa về nhà tấm huy chương đồng nhờ một loạt những điệu múa trong đó có phần trượt băng theo điệu nhạc của bài hát Ave Maria. Nói với truyền hình ESPN cô tuyên bố, “Tấm huy chương này nhất định đáng giá ngàn vàng, tôi sẽ ấp ủ nó trong tim. Tôi cảm thấy tuyệt vời vì sự kiên nhẫn, hy sinh và làm việc cật lực cũng như đức tin … sau cùng đã được bù đắp.”

 

Có Thể Làm Điều Ơn Phước Sau Khi Làm Điều Ô Nhục

 

Trong một bài báo đăng trên Wall Street Journal tựa đề “Làm sao tìm được ơn phước sau khi làm điều ô nhục” ký giả Peggy Nooman đã kể lại truyện ông John Profumo, bộ trưởng chiến tranh của nước Anh trong thời kỳ đầu thập niên 1960. Bị can dán vào một vụ án ngoại tình đầy tai tiếng, ông đã nói dối về những việc làm sai trái của mình và đe doạ kiện bất cứ ai nhắc lại những tin đồn này về tội vu khống. Nhưng vợ ông là nữ diễn viên Valerie Hobson khuyên ông nên gột rửa thanh danh và ông đã nghe lời.

 

Rồi Nooman tiếp tục kể về việc Profumo làm lại cuộc đời thật hiếm có: “Ông đã làm một việc khó khăn nhất đối với một nhân vật chính trị. Ông ta đi xa, tới một tổ chức chuyên giúp người nghèo có tên là Toynbee Hall ở một khu phố lụp xụp, khu vực phía đông thành phố London. Tại đó ông đã làm việc xã hội - thật ra là làm những việc thấp hèn của công tác xã hội, rửa chén làm vệ sinh nhà cầu. Ông đi thăm những nhà tù nơi giam giữ những người tâm thần phạm pháp, giúp vào việc tạo cơ sở cho chương trình giáo dục người nghèo và các công nhân. Nhưng đó không phải là trình diễn đâu nhé, cũng không phải một mưu đồ chuộc lỗi có mục đích chính trị, vì ông đã làm việc ở Toynbee Hall suốt 40 năm.”

 

Câu chuyện về Profumo cho thấy việc làm lại cuộc đời của một ngươi đã phạm lầm lổi có thể dẫn tới sự thành công vượt lên trên quyền lực thế gian. Khi ta gạt bỏ được những định kiến về cơ hội thứ hai phải như thế nào thì Chúa có thể dẫn ta lên đường để tới thành công vẻ vang và bền vững.

 

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm có mà ông dành cho báo chí, ký giả hỏi Profumo đã học hỏi được gì trong thời gian làm việc tại Toynbee Hall, ông suy nghĩ dây lát rồi nói: “Lòng khiêm nhường.”

 

 Cống HIến Những Cơ Hội Thứ Hai

 

Chad Houser một đầu bếp nhà nghề. Khi được yêu cầu dạy một bài học làm món kem đông lạnh tại một nhà giam của hạt Dallas, ông lo ngại sẽ phải đối mặt với những thanh niên xấc láo nham nhở. “Tôi đã có sẵn những thành khiến về họ ngay trước khi gặp họ.” Houser đã nói như vậy với Chris Peak, một ký giả đang chuẩn bị viết bài “Café Momentum: Serving Second Chances” (Nhà Hàng Cường Lực: Cống Hiến Cơ Hội Thứ Hai) đăng trên báo NationSwell. Nhưng rồi tám học sinh đang chờ đợi ông tại nhà giam tỏ ra rất ham học. Về sau ông đã đưa nhóm này đi tham dự một cuộc thi làm kem đông lạnh tại một chợ trung tâm của thành phố Dallas, và một người trong nhóm đã đoạt giải nhất đem về, đánh bại những đầu bếp lành nghề và nhiều học sinh nấu bếp khác, vì đã tạo được một hương vị đặc biệt.

 

Kể lại những dây phút ngay sau chiến thắng ấy, Peak viết: “Người thanh niên ấy đến trước mặt Houser và nói với ông: ‘Cháu rất thích làm đồ ăn, trao cho người ta để được thấy bộ mặt tươi cười.’ Rồi cậu hỏi ý kiến nên kiếm việc ở đâu sau khi được phóng thích. Houser chỉ đáp vắn tắt, “Tôi nghĩ cậu nên làm việc cho bất cứ ai  thuê mướn cậu trước nhất.”

 

Houser suy nghĩ về lời trao đổi ấy trong hơn một năm trời, cảm thấy đã làm cho người thanh niên kia thất vọng vì đã không có được một câu trả lời tốt hơn. Thế rồi một buổi chiều kia trong khi đang đóng cửa tiệm, ông đến với người bạn hùn hạp của mình và nói: “Tôi rất muốn mở một tiệm ăn để thuê đám trẻ này về quán xuyến  mọi việc.” Ý kiến này đã dẫn tới việc mở ra Nhà Hàng Café Momentum (Nhà Hàng Cường Lực), một hàng ăn nằm trong một chương trình huấn luyện một năm cho thanh niên nam nữ sau khi được phóng thích từ các trại giam, dạy họ từ chỗ chưa biết gì tới chỗ nấu được những món ăn điệu nghệ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.

 

Houser nhấn mạnh nên chú trọng đến phương diện quan trọng nhất của những bữa ăn được cung cấp tại Café Momentum là nó đập tan những thành kiến vốn có nơi những người ít khi có dịp giao tiếp rộng rãi. Khách đến ăn nhận thấy tài năng có thể đến từ bất cứ nơi đâu và những công nhân phục vụ dần dần thấy được cả một thành phố mong muốn cho họ cơ hội thứ hai.

 

Đối với Houser, nỗ lực này có một ý nghĩa lớn hơn nữa, không phải chỉ có đem cơ hội thứ hai đến cho những người sống ngoài lề xã hội. Nhưng nó còn là cơ hội thứ hai cho bản thân ông để dùng tài năng của mình ngõ hầu cải biến thế giới chung quanh. Những cố gắng của ông chứng tỏ bàn tay của Chúa đã làm việc qua chúng ta để người này tạo cơ hội thứ hai cho người kia và ngược lại, và khi chúng ta đáp lại ơn gọi ấy thì những việc kỳ diệu có thể xảy ra.

 

Mấy ngày trước khi xảy ra lễ mãn khoá thứ nhất tại Café Momentum một thanh niên chạy đến, ôm chầm lấy Houser và nói: “Chú đã biến đổi đời cháu.” Anh ta thú nhận rằng khi mới được trả tự do anh tin chắc đi đâu rồi cũng trở lại nhà tù mà thôi. Diễn tả cho Houser hiểu tâm trạng thất vọng của mình khi đó, anh nói: “Cháu biết cháu sẽ đi tù và chuẩn bị để đi vào đó.”

 

Rồi nói về tác động của chương trình mà Houser đang làm đối với mình, anh ta nói: “Nhưng bây giờ chú biết rồi chứ, cháu sẽ không bao giờ đi tù, Không bao giờ. Cháu sẽ thành công. Và cháu muốn cảm ơn chú thật nhiều.”

 

Vũ Vượng dịch