7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Tình Yêu Của Chúa Kitô Không Biết Đến Biên Thùy

Photo: Shutterstock

 

The Love of Christ Knows No Borders


(Nguyên bản tiếng Anh của đức Tổng Giám Mục J.Peter Sartain đăng trong báo  Northwest Catholic cuốn 5 số 8 tháng 10, 2017)

 


Khi đi du lịch hay hành hương tới một nước khác ta thường gặp một cảnh ngộ đặc biệt. Một đàng thì bị thu hút bởi những đền đài, mồ thánh và những địa điểm lịch sử, những gì đã trở thành một phần di sản của chúng ta. Đàng khác, ta biết những công dân của nước thăm viếng nói một thứ tiếng khác. Ta có thể thầm nghĩ, “Những người này nói tiếng ngoại quốc,” trong khi chính chúng ta mới là người nói tiếng ngoại quốc.


 

Xin chỉ đường đi, tìm nơi trú ngụ, thương lượng để giảm giá, đặt bữa ăn trưa, đọc những dấu hiệu chỉ dẫn và hiểu cho được những câu trả lời quả là việc gay go. Nếu có ai đi theo để nói lên điều ta đang cố vùng vẫy để nói ra thì biết ơn biết chừng nào. Thế mới biết người ta khổ sở dường nào khi không có được tiếng nói, khi là một người xa lạ. Kinh nghiệm ấy có giá trị giáo dục, thậm chí có thể biến đổi đời sống nữa.


 

Sự khôn ngoan thông thường cho thấy - có thể đúng hay sai - người dân của một số quốc gia không thích giúp vào việc chăm lo cho những khách lạ không nói cùng ngôn ngữ với mình. Có thể chính chúng ta đã từng cảm nghiệm sự thật này vào lúc đang phải chịu thiếu thốn tại một nơi xa lạ và đó cũng là lý do để nêu lên câu hỏi: chúng ta có đón tiếp và chăm lo nhu cầu của những người khách lạ, di dân và người tỵ nạn chăng? Họ là những người không có tiếng nói giữa chúng ta, ngay tại đây? Ta có biết từ bỏ nếp sống thường lệ để tiếp đón, lắng nghe, giúp đỡ và nói lên những nhu cầu của họ?


 

 Có một thiên kiến, tuy nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, mà vô tình ta thường mắc phải: vì ngượng ngập, sợ hãi, lúng túng vì trở ngại ngôn ngữ và văn hóa, ta có thể đối xử với môt ai đó như họ là kẻ vô hình. Ta có thể xem những người nói một thứ tiếng khác với ta như kẻ xa lạ, không có liên hệ tình người - cứ như là họ không giống ta, hoàn toàn tách biệt, không có liên hệ gì với ta, thậm chí kể như họ không có mặt nữa. Là những Kitô hữu, chúng ta không bao giờ được nghĩ như thế về bất cứ người nào khác.


 

Trên các nước ở khắp thế giới, người Công Giáo luôn coi trọng trách nhiệm là tiếng nói cho những kẻ không có tiếng nói. Cũng như các vị tiền nhiệm của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn luôn nói thay cho những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, người bệnh tật, người tỵ nạn, di dân và những kẻ bị bỏ rơi – nói cách khác ngài nói lên nhu cầu của những kẻ không thể nói cho chính mình (hay những người không ai thèm nghe). Ngài nêu gương không phải để cho chúng ta noi theo với một ý nghĩ sai lầm rằng ta đang ra tay “làm phúc”, hay đang nói thay cho những kẻ thiếu thốn vì tinh thần xả kỷ, hay tệ hơn nữa, đang đoái hoài đến những kẻ thấp kém. Nói cho đúng, ngài nêu gương vì ngài biết anh chị em của mình ai. Không người nào là kẻ vô hình trước mặt Chúa Kitô, hay là trước mặt chúng ta.


 

Là thành viên của Giáo Hội, chúng ta biết ý Chúa muốn gì cho thế giới: một dân tộc đa dạng hoành tráng, một đoàn hành hương cùng đì về cuộc sống đời đời. Chúa muốn Giáo Hội trở thành cỗ xe chuyên chở thế giới trở về với định mệnh nguyên thuỷ, đưọc đổi mới trong Chúa Giêsu.


 

Một linh mục bạn tôi thường nói Chúa đang gửi đến cho chúng ta nhiều di dân và người tỵ nạn như thế vì tin cậy nơi chúng ta. Ngài đang gửi những người con yêu quý - anh chị em chúng ta – vì muốn ủy thác cho ta nhiệm vụ tiếp đón họ  như người nhà, giúp họ xây một đời sống tốt lành, và chia sẻ những món quà họ đem tới. Nói cho cùng, chúng ta cùng chia sẻ một vận mệnh đời đời với họ.


 

Ngày 27 tháng 9 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát động chương trình “Chia sẻ  Hành Trình” (Share the Journey), thuộc loại các chương trình Caritas Internationalis (Bác Ái Quốc Tế) kéo dài hai năm để đề cao những cuộc gặp gỡ giữa những người trên đường trường - những di dân, dân tỵ nạn, những người làm thuê di động – và những người sống trong những nước tiếp nhận. Phát triển ý thức về sự có mặt của các di dân, dân tỵ nạn, tiếp đón và nghe họ nói về hoàn cảnh riêng, ta sẽ phá bỏ được bức tường ngăn cách do sợ hãi gây ra. Đức Giáo Hoàng Phanxicô biết rằng khi ta thật sự gặp gỡ người khác, họ sẽ không còn là những người vô hình trước mắt ta. Khi ta thực sự lắng nghe họ nói, họ không còn cảm thấy mất tiếng nói nữa.


 

“Bạn có thể sợ hãì những người di dân khi họ đến với số đông, nhưng khi  gặp  riêng một di dân nào đó bạn sẽ có một cách nhìn khác.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế. Lắng nghe họ kể về hoàn cảnh riêng ta thấy rõ họ là “những con người đau khổ rất nhiều, đã lìa bỏ một cảnh ngộ không thể nào sống được, vì bạo lực, xung đột, cũng có thể chỉ vì sự khốn khổ. Khi đã hiểu được hoàn cảnh của người ta, thì bạn sẽ có một thái độ khác.”


 

Miền tây Washington có nguồn gốc di dân sâu xa, và ngày nay vẫn còn được tiếp nhận nhiều người từ khắp nơi trên địa cầu đến để xây một đời sống tốt đẹp hơn cho gia đình. Mong rằng ta sẽ tạo một môi trường đón tiếp nồng hậu để mọi người tìm được một quê hương mới tại đây, dù họ nói thứ tiếng gỉ, đã được hấp thụ một nền văn hóa nào. Ước gì chúng ta biết lên tiếng tẩy chay chủ nghĩa chủng tộc cực đoan và đầu óc cố chấp dưới mọi hình thức, nhất là ở ngay trong lòng ta.


 

Thánh Edith Stein là một triết gia lỗi lạc, một người Do Thái trở lại đạo Công Giáo và là nữ tu dòng Cácmêlô. Bà đã bị giết cùng với người chị là Rosa tại Auschwits năm 1942. Là một người Công Giáo trọn vẹn nhưng không bao giờ từ bỏ nguồn gốc Do Thái của mình. Bà đã nói với Rosa khi hai người bị bọn Đức Quốc Xã bắt đi khỏi nhà dòng: “Chị ơi, chúng ta ra  đi vì dân tộc chúng ta.” Ghê sợ cách đối xử với dân tộc mình của bọn Đức Quốc Xã, nhưng bà cảm thấy Chúa đang gọi bà trở thành tình yêu của Ngài trong một thế giới đen tối.


 

Có lần bà đã viết: “Tình yêu đối với người láng diềng của ta là thước đo tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Đối với các Kitô hữu – và không phải chỉ với các Kitô hữu mà thôi – không có ai là kẻ xa lạ. Tình yêu của Chúa Kitô không biết đến biên thùy.”


 

Vũ Vượng dịch