7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TỘI NÀO NẶNG NHẤT?

Northwest Catholic -  Photo: Stephen Brashear


What Is The Most Serious Sin?


(Bài giải đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 9, 2018)


HỎI:   Theo cha nghĩ, tội nào là tội nặng nhất trong đời sống của người ta ngày nay?


ĐÁP:   Khó mà nói rằng có một tội nào vừa là tội nặng nhất, vừa là tội thường xảy ra trong đời sống của hầu hết mọi người. Vì bản tính sa ngã của ta, mỗi người đều cảm thấy sự yếu đuối và cơn cám dỗ theo những cách khác nhau.

 

Với nhận định như trên, theo ý tôi, có lẽ tội kiêu ngạo là một chướng ngại lớn nhất và thường xảy ra nhất mà ta phải đối phó trong xã hội của chúng ta. Kiêu ngạo không phải là cái gì mới lạ đối với nhân loại. Sách Sáng Thế Ký kể lại rằng kiêu ngạo thật sự là tội đầu tiên và sâu xa nhất loài người đã phạm trong Vườn Địa Đàng khi ông Adong và bà Evà cố trở nên “giống như Thiên Chúa”. Thánh Thomas Aquinas nghĩ rằng kiêu ngạo là một tội đặc biệt, bởi vì vốn dĩ là một ý tưởng lạ đời muốn trở thành một người tuyệt hảo, tội này làm ta khinh thường lề luật của Chúa và có thể làm cho tất cả các nết xấu khác trỗi dậy.

 

Người ta thường hiểu kiêu ngạo là khuynh hướng coi mình tài giỏi hơn khả năng thật của mình. Do đó, vì hiểu như vậy,  những người kiêu ngạo là những kẻ tiếp tục nghĩ mình tài giỏi hơn khả năng của mình, quan trọng hơn con người thật của mình, hay là kể công về những việc mình không làm được.

 

Biết được khuynh hướng này người khôn ngoan nhớ lời dạy của Thánh Anthony Padua: “Nhìn nhận là của Chúa tất cả những gì tốt đẹp mà ta nhận được. Nếu nhận công của mình về những gì không thuộc về mình thì ta phạm tội ăn cắp.” Khiêm nhường là nhân đức giúp ta thắng chế những xu hướng kiêu ngạo. Đi xa hơn nữa, Thánh Anthony đánh giá cao sức mạnh của lòng khiêm nhường: “Tinh thần khiêm nhường ngọt ngào hơn mật ong, và những ai bồi dưỡng cho mình bằng thứ mật ong này sẽ sinh ra hoa trái ngọt ngào.”

 

Tuy vậy người ta thường hiểu lầm về đức khiêm nhường. Có người tin rằng khiêm nhường có nghĩa là một cái nhìn thấp kém về mình, chẳng khác nào có một ấn tượng xấu về mình. Sự thật không phải vậy. Khiêm nhường có nghĩa là một cái nhìn ngay thẳng, trung thực và quân bình về mình. Một cảm nhận về bản thân như thế luôn nhắc nhở ta là ai, ta chỉ là “bụi đất” tràn đầy sức sống là món quà Chúa ban (Sáng Thế Ký 2:7) Điều thú vị là từ “humility” (khiêm nhường) trong tiếng Anh  bắt nguồn từ “humus” (đất) trong tiếng Hy Lạp, tức là một lời nhắc nhở có giá trị trường tồn về bản ngã sâu xa của ta: loài thụ tạo được Chúa chúc phúc.

 

Sự giác ngộ ngay thẳng và trung thực này về bản ngã của ta sẽ giúp ta ca ngợi và nhận định mọi giờ phút của đời ta và cả cuộc đời ta là công trình của Chúa. Nó cũng giúp ta phụng sự Thiên Chúa là đấng tạo hóa và phó dâng cuộc đời cho Chúa.

 

Tôi nghĩ ngày nay còn có một thứ kiêu ngạo khác, thật tai hại cho nhiều người. Đó là tội kiêu ngạo không dựa trên ý tưởng sai lầm cho mình là tài giỏi, nhưng nói  đúng hơn, nó dựa trên sự đánh giá quá đáng sự yếu đuối hay thất bại của mình.

 

Người kiêu ngạo kiểu này tin rằng tội của mình lớn hơn lòng thương xót của Chúa. Xu hướng này đưa tới một lỗi lầm trong tâm hồn người ta gọi là ngã lòng hay khuynh hướng cố chấp nghĩ rằng mình không có khà năng làm những việc mà thật ra mình có đủ khà năng để làm.

 

Kiêu ngạo kiểu này cũng có thể khiến cho người ta nghĩ rằng mình phải làm chủ ơn cứu rỗi của mình. Sau hết, chính sự giả định này tách người ta ra khỏi tình yêu, sự tha thứ và ân sủng của Chúa, bởi vì nó đưa ta đến chỗ tin rằng mình không xứng đáng với sự hiện diện và lòng thương xót của Chúa.

 

Sự đánh giá quá đáng thất bại của mình có thể đưa tới thất vọng khiến cho một cảm nhận sai lầm khác nổi lên: ta được định nghĩa bởi tội nặng nhất của ta (tội nặng nhất của ta gắn liền với ta như một). Ý tưởng dối trá này luôn xuất phát từ ma quỷ. Hắn tố cáo ta vì những tội lỗi của ta và cố thuyết phục ta rằng Chúa không thể hay không muốn tha cho ai đã phạm một tội như thế. Đây là tội của Giuđa, kẻ đã tin từ đáy lòng rằng không có quyền năng nào trên trời hay dưới đất có thể hủy bỏ tội mà y đã phạm và vì thất vọng, y đã từ bỏ niềm hy vọng vào khả năng yêu thương và tha thứ của Chúa.

 

Đôi khi điều ấy cũng ngăn cản ta xưng tội một cách thật thà đầy đủ - cả chúng ta cũng tin tội của mình nặng nề hơn là tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

 

Bất cứ khi nào ta tin rằng mình làm chủ đời mình – dù có ý tốt hay xấu – ta đã phạm tội kiêu ngạo và thu hẹp chỗ đón tiếp Chúa là Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc ta.

 

Cùng với Thánh Inaxiô Loyola ta hãy luôn luôn kêu cầu: “Lạy Chúa, xin cho con được lòng khiêm nhường trong yêu thương.”

 

Vũ Vượng dịch