7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Tiếng Gà Gáy Trong Năm Đinh Dậu


Luke Quang


Mỗi độ xuân về người ta lại kháo nhau chuyện hên xui may rủi dựa vào con vật biểu tượng của năm sắp đến. Vậy thì năm tới là Đinh Dậu với con gà đi tới đi lui, gáy to rõ to mỗi buổi sáng sớm sẽ là một năm an lành chăng? Các hoạ sĩ thường vẽ con gà trống hay cả một đàn gà trên các bìa báo xuân. Ở Việt Nam, gà xuất hiện khắp nơi, từ chốn thôn quê đến chốn thị thành, gà là món ăn chính trong các bữa tiệc và cũng là một món nhậu tuyệt vời cho quý ông lẫn quý bà.  Cũng vì sự phổ biến ấy mà gà xuất hiện khá nhiều trong ca dao tục ngữ và văn thơ với đủ loại dụng ý. Có những câu nói lên mơ ước đơn sơ như:

“Buồn ngủ buồn nghê.

Buồn ăn cơm nếp cháo kê, thịt gà.”

 Và có những câu dạy đời bộc trực:

“Gà nhà bôi mặt đá nhau.”

“Gà khôn dấu đầu chim khôn dấu mỏ.”

“Khôn ngoan đá đáp người ngoài,

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”


Bên cạnh những câu ca dao dùng hình ảnh gà để mô tả tình yêu trai gái hay tình cảm vợ chồng, như: “Người ta thách lợn thách gà, Em đây chỉ thách một nhà khoai lang”, chúng ta còn thấy con gà trong bài thơ “Bạn Đến Chơi Nhà” của cụ Nguyễn Khuyến:

 “Đã bấy lâu nay bác đến nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.”


Tìm trong Kinh Thánh, chúng ta chỉ đọc được hình ảnh hay ám chỉ về con gà trong Cựu Ước ở hai chỗ: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.” (TV 91, 4) và “gà trống nghênh ngang hay dê đực, và ông vua điều khiển quân binh.” (Cn 30, 21)


Còn trong Tân Ước, chúng ta đọc được truyện con gà và ông thánh Phêrô nơi cả bốn Phúc Âm:

Đức Giê-su lại nói: "Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy…Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!” Ông liền chối: "Tôi có biết ông ấy đâu, chị!” Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phê-rô đáp lại: "Này anh, không phải đâu!” Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê."  Nhưng ông Phê-rô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời  Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (Luca 22, 34; 22, 57-62)


Và hình ảnh con gà trong lời Chúa Giê-su than trách Thành Giê-ru-sa-lem:

“Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”(Lc 13, 34-35) (Mt 23, 37)


Tiếng gà gáy làm ông Phêrô tỉnh ngộ, sau khi đã ba lần chối mình không là môn đệ Chúa. Tại sao? Có lẽ ông không nhận thức được việc mình chối Chúa là một điều nghiêm trọng. Có lẽ ông nghĩ rằng việc chối Chúa là một việc làm tạm thời và vô hại. Từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ, Ngài đã kêu gọi Simon trở thành môn đệ, và đổi tên ông là Phêrô nghĩa là “đá tảng”. Trong các danh sách nhóm tồng đồ cốt lõi, Phêrô luôn ở vị trí đầu. Chúa đã ban cho ông chìa khóa Thiên Đàng và quyền năng tha tội. Nhưng Chúa biết rõ con người của Phêrô và Chúa cầu nguyện cho ông “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc, 22, 31-32)


Ông Phêrô đã cố gắng chống chế: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con  cũng sẵn sàng.” (Lc, 22, 33)  Rồi sự việc đã tới như Chúa đã thấy trước: ông Phêrô đã chối Chúa không chỉ một lần mà tới ba lần. Nghe tiếng gà gáy, mà lòng ông đớn đau, ông “khóc lóc thảm thiết”, đấm ngực ăn năn. Cũng vì thế, sau ngày Chúa phục sinh, Chúa đã hỏi ông ba lần “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” để bắt ông tái khẳng định lại lòng trung thành của ông với Chúa. (Ga 21, 16)


Những công việc của ông Phêrô làm sau đó để mở mang Giáo Hội Chúa là một minh chứng hùng hồn cho sự hối cải của ông. Lòng thương xót Chúa đã khiến ông không thất vọng, nhưng trái lại quyết tâm cải hối và kiện toàn những kỳ vọng mà Chúa đã trao phó cho ông.


Năm con gà là một thời điểm thích hợp cho mỗi người chúng ta hoán cải và sửa lại những lỗi lầm. Tiếng gà gáy làm thức tỉnh Phêrô và sau đó ông trở thành con người mới. Tiếng gà gáy vào ngày Tết năm Đinh Dậu sẽ là tiếng súng lệnh báo hiệu một hành trình mới không chỉ cho từng cá nhân mà còn cho cả cộng đoàn dân Chúa. Trong thánh lễ Giáng Sinh năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảng: “Chúng ta hãy ở lại trong sự thinh lặng và để cho Hài Nhi nói trong chúng ta” vì Chúa Hài Nhi sẽ “dạy chúng ta những điều thật sự thiết thực trong cuộc sống này”. Những gì hào nhoáng, phù phiếm rồi sẽ qua đi. Chúa Hài Nhi dạy chúng ta biết thương yêu đùm bọc nhau, biết chăm lo những người đói rách tù đầy trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Bài kinh Thương Người 14 Mối phải được tụng niệm hằng ngày để giúp ta nhớ chúng ta là sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót.


Viện Gallup gần đây đã một khảo sát tại nhiều giáo xứ ở Mỹ để đo lường mức độ tham gia của giáo dân vào các sinh hoạt của giáo xứ. Họ chia ra làm ba nhóm người:

  • Nhóm “Tham Gia Tích Cực” bao gồm những ngưòi tổ chức cuộc sống của họ và gia đình họ xung quanh nhà thờ, họ gia nhập vào các ban ngành đoàn thể và tham gia tích cực vào các hoạt động của giáo xứ;

  • Nhóm “Tham Gia Nửa Vời”, gồm những người hài lòng với các sinh hoạt của giáo xứ, họ thường tham dự những sinh hoạt đó nhưng vì lý do xã hội hơn là lý do tinh thần với lòng đạo có chiều sâu;

  • Nhóm “Tham Gia Lấy Lệ”, bao gồm những người tham dự Thánh Lễ chỉ một vài lần một năm, chỉ tới nhà thờ khi cần lãnh nhận bí tích và thường không hài lòng với các sinh hoạt của nhà thờ, giáo xứ, hoặc cả hai.

Trong đêm giao thừa, mỗi người chúng ta nên tự hỏi, chúng ta được xếp loại nào trong ba loại trên? Khi tiếng gà gáy vào lúc bình minh của năm mới được cất lên, cũng là lúc chúng ta hứa với Chúa sẽ tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động của giáo xứ và chúng ta nguyện xin Chúa luôn che chở chúng ta như “gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”.