7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

BÁO CÁO CỦA ĐẠI HỘI VỀ GIỚI TRẺ NÓI RẰNG ĐỨC TIN CÓ THỂ ĐÁNH BẠI THUYẾT GIÁ TRỊ TƯƠNG ĐỐI

Young Catholics attend a papal Mass in Uganda. Credit: Martha Calderon/CNA



The Youth Synod Document Says Faith Can Combat Relativism


 

Bản tin CNA, nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic ngày 10 tháng 1, 2019. Báo cáo của đại hội về giới trẻ đề cao sự tham dự sôi nổi của giới trẻ trong sinh hoạt giáo hội ở nhiều nơi, nhưng cũng cảnh giác về ảnh hưởng tiêu cực của thuyết giá trị tương đối là thuyết cho rằng kiến thức, chân lý và luân lý chỉ có trong tương quan với văn hoá, xã hội và bối cảnh lịch sử. Do đó, không có gì là tuyệt đối cả.

 

©©©

 

Vatican City - Đại Hội Giám Mục đã công bố vào ngày thứ năm một bản dịch ra tiếng Anh bản đúc kết khóa họp về giới trẻ, đức tin và suy xét về ơn gọi, năm 2018. Văn kiện này khuyến khích giới trẻ đi tìm một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa, thay vì chấp nhận một nhân sinh quan theo thuyết giá trị tương đối về luân lý.

 

Văn kiện này nhấn mạnh những kinh nghiệm về tâm linh và tôn giáo của các bạn trẻ khắp thế giới, trong cũng như ngoài giáo hội, ghi nhận rằng tại nhiều nơi “nhiều kiểu lựa chọn một niềm tin phù phiếm để thay thế cho tôn giáo đang trên đà phát triển.” Nó cũng nêu rõ những kinh nghiệm sống đạo Chúa Kitô đích thực của nhiều bạn trẻ làm nhân chứng về đức tin và hy vọng cho những bạn cùng trang lứa. 

 

Các giới chức tham gia đại hội viết: “Các bạn trẻ giúp làm phong phú thêm chính bản thân Giáo Hội  chứ không phải chỉ những việc làm của Giáo Hội mà thôi. Không những họ là tương lai của giáo hội mà còn là hiện tại của Giáo Hội.” 

 

Đại hội họp trong hơn ba tuần lễ vào tháng Mười. Đó là phiên họp khoáng đại thường lệ lần thứ mười lăm và đã công bố nguyên bản đúc kết ngày 27 tháng 10. Văn kiện bằng tiếng Anh  được công bố ngày 10 tháng 1 bởi Nha Tổng Thư Ký các Hội Đồng Giám Mục. 

 

Trong phiên họp các giới chức đã họp mặt tại Rome với các bạn trẻ và các tu sĩ từ khắp nơi trên thế giới tham gia khoá họp với tư cách là những người dự thính.

 

Bản báo cáo tuyên bố, “Kinh nghiệm tôn giáo của giới trẻ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ  của khung cảnh xã hội và văn hoá trong đó họ sinh sống.”

 

Các  giới chức dự đại hội ghi nhận rằng ở một số nơi Giáo Hội và đức tin có sự hiện diện như một “kinh nghiệm cộng đồng mạnh mẽ và sống động trong đó các bạn trẻ tham gia với niềm vui,” nhưng tình trạng đó không có ở khắp nơi.  

 

“Trong các miền khác, dù có truyền thống theo đạo Kitô từ lâu đời, đa số người Công Giáo không cảm nghiệm được mình là thành viên thực sự của Giáo Hội,” bản báo cáo nói tiếp, Trái lại nhiều bạn trẻ bị vỡ mộng về chính khái niệm sống đạo. 

 

Tuy thế vẫn có một cuộc tìm kiếm chung về ý nghĩa và sự thật trong cuộc đời của các bạn trẻ khắp nơi.

 

Thường thường những kẻ chán ghét ý tưởng về “tôn giáo” vẫn còn được thu hút bởi những hình thái tâm linh khác. Bản báo cáo cảnh giác: trong khi những nỗ lực của họ vẫn phản ánh một cuộc đi tìm chân lý, nhưng họ  thường đi trệch hướng, tìm những cách thoả mãn tâm linh thấp kém và bỏ mất cơ hội được liên kết thật sự với Thiên Chúa.  

 

Các giới chức tham gia đại hội viết: “Sự chú trọng (đến tâm linh) này đôi khi xảy ra theo kiểu cách đi tìm sự yên vui về tâm lý hơn là tìm cách mở lòng đón nhận màu nhiệm Thiên Chúa hằng sống.” 

 

Báo cáo của đại hội nhấn mạnh sự nguy hiểm của thuyết giá trị tương đối về luân lý và tôn giáo, được dùng để thay thế cho đức tin và sự liên kết với Chúa Kitô thông qua giáo hội.

 

“Đặc biệt trong một số nền văn hoá, nhiều người xem tôn giáo như là vấn đề của riêng mỗi người và họ lựa chọn từ trong nhiều truyền thống tâm linh khác nhau những yếu tố nào họ thấy phản ảnh được những điều họ tin. Kết quả là một mớ lộn xộn lan tràn, được xây dựng trên giả thiết tất cả các tôn giáo đều ngang nhau,” một kiểu suy nghĩ dựa trên thuyết giá trị tương đối, bản báo cáo nói thế.

 

Khi người ta sống đức tin trong một nền văn hoá bị ảnh hưởng sâu xa bởi thuyết giá trị tương đối, đức tin của người tín hữu có thể được kèm theo hay đôi khi bị thay thế bởi nhiều ý thức hệ hay sự tôn thờ sự thành công về nghề nghiệp hay kinh tế với chủ đích là thành tựu về vật chất của cá nhân.

 

“Trong những cộng đồng đạo Thiên Chúa, đôi khi chúng ta có nguy cơ đề xướng, dù không có ý, lòng tin vào Thiên Chúa như một nguyên tác luân lý hay phương pháp điều trị để đáp ứng nhu cầu về an ninh và sự êm ấm của con người hơn là cổ võ một cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa dưới ánh sáng của Phúc Âm và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.”

 

Các giới chúc tham dự đã phản ảnh một tác phẩm mới đây của Christian Smith, giáo sư xã hội học tại Đại Học Notre Dame (một trường đại học Công Giáo lớn tại Hoa Kỳ)

 

Trong quyển sách của ông tựa đề Lục Soát Tâm Hồn: Đời Sống tôn giáo và tâm linh của giới thiếu niên Mỹ, lập luận rằng tôn giáo chủ yếu trong giới thiếu niên Mỹ là “lòng tìn vào Thiên Chúa như một nguyên tắc luân lý và phương pháp điều trị,” trong đó Thiên Chúa  được hiểu như là một đấng tạo hoá nhân lành, mặc dù muốn người ta đối xử tốt đẹp với nhau, nhưng thường không can dự vào đời sống hàng ngày của người ta.

 

Smith nói quan niệm về Thiên Chúa không có tình người này có nghĩa là “mục tiêu chính yếu của đời sống là được hạnh phúc và cảm thấy tốt đẹp về mình”.

 

Nhận biết rằng sự sung mãn đầy đủ của con người xuất phát từ một kinh nghiệm riêng tư và đích thực về Thiên Chúa hằng sống, các giới chức tham dự nói cần phải có những cộng đồng đức tin đích thực để dẫn giúp người ta tránh khỏi thuyết giá trị tương đối về luân lý và tôn giáo.

 

“Nếu đúng là sự sống chỉ được khơi dậy bằng sự sống, thì rõ ràng là giới trẻ cần được gặp gỡ những cộng đồng đạo Thiên Chúa thật sự bắt nguồn từ tình bạn với Chúa Kitô, đấng dẫn ta tới Chúa Cha trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần,” các vị viết như thế.

 

Quả thật có những cộng đồng như thế, báo cáo của đại hội cho biết, và sự hiện diện sôi động của nhiều thanh niên trong giáo hội là một dấu chỉ chính yếu của sức sống, và hiện tại cũng như tương lai của Giáo Hội. 

 

(Còn tiếp kỳ sau)


Vũ Vượng dịch