7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

GEORGE LEMAITRE VÀ LÝ DO ĐỀ CAO GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

Photo: Shutterstock


GEORGE LEMAITRE AND THE CASE FOR CATHOLIC EDUCATION

 


Bài của Eric Page, giám đốc điều hành phòng đào tạo và quảng bá Phúc Âm của Tổng Giáo Phận Seattle. Nguyên bảng tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 1 và 2 năm 2019.


 


Father Georges Lemaître



Trải qua nhiều năm, các nhà vật lý hiện đại nghĩ rằng vũ trụ này không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Rồi một linh mục Công Giáo người Bỉ đã lật ngược tất cả những tư tưởng này.

 


Sinh năm 1894, Lemaitre theo học trường trung học của Dòng Tên là trường Sacré Coeur (Thánh Tâm) ở Charleroi, nước Pháp. Rồi tiếp tục học ngành kỹ sư cầu đường (civil engineering) tại trường Đại Học Công Giáo ở Leuven. Sau khi phục vụ với thành tích xuất sắc với chức vụ sĩ quan pháo binh trong thế chiến thứ nhất, Lemaitre, một người có lòng tin mạnh mẽ, trở về quê và vào học ở một chủng viện, để học làm linh mục của Tổng Giáo Phận Malines. Nhưng Lemaitre không bao giờ để mất đi sự say mê khoa vật lý học. Sau khi thụ phong linh mục năm 1923, đức giám mục gửi Lemaitre đi học toán và khoa học tại các trường Cambridge, Havard và MIT.

 


Người ta có thể thấy làm lạ khi giáo hội gửi một linh mục đi học toán và khoa học. Nhiều người nghĩ rằng khoa học và đức tin không có liên hệ gì với nhau. Một số người còn nghĩ rằng đó là những điều trái ngược nhau. Tuy thế giáo hội không bao giờ tin như vậy. Trái lại giáo hội tin rằng tất cả chân lý là chân lý của Chúa. Đó là lý do tại sao những nhà nghiên cứu đức tin kiệt xuất như Thánh Thomas Aquinas đã biểu lộ say mê về các ngành học như triết học và các khoa học tự nhiên. Khi đức giám mục gửi Lemaitre đi dạy và học môn vật lý, có lẽ ngài đã nhớ Công Đồng Vatican thứ nhất nói như thế nào để phản ánh những lời trong thư Thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Roma, tuyên bố rằng “Người ta có thể biết Chúa một cách chắc chắn, qua những công trình của ngài nhờ sự soi sáng của lý trí con người.”

 


Cho nên Lemaitre tiếp tục công trình của mình về vật lý học, áp dụng thuyết tương đối của Einstein vào khoa vật lý thiên văn. Trong khi Einstein bám lấy quan điểm, thông thường vào thời ấy, cho rằng vũ trụ này là một vũ trụ tĩnh lặng, Lemaitre dùng những quan sát về ánh sáng phát ra từ những giải thiên hà xa xôi để lập luận rằng vũ trụ này đang bành trướng không ngừng và có khởi đầu từ một điểm duy nhất.

 


Lúc đầu thuyết của Lemaitre bị bác bỏ và được gán cho cái tên có ý nghĩa từ khước: thuyết “Đại Bùng Phát” (Big Bang Theory) Tuy thế Lemaitre trưng ra thêm nhiều bằng chứng và đã thu phục được nhiều nhà vất lý khác, kể cả Albert Einstein. Ngày nay thuyết Đại Bùng Phát được chấp nhận rộng rãi và tiếp tục giúp hình thành khoa vật lý thiên văn một cách toàn vẹn.

 


Công trình của Lemaitre cho ta một lý lẽ mạnh mẽ để cổ võ cho một nền giáo dục Công Giáo. Nhiều năm học trường Công Giáo đã hình thành nên công trình của Lemaitre. Một nền giáo dục Công Giáo tốt đẹp dạy ta ngưỡng phục sự quan phòng của Chúa được tỏ lộ qua công trình sáng tạo như thế nào. Nó cũng nuôi dưỡng trí tưởng tượng của người Công Giáo. Nói cách khác, nó dạy ta nhìn thế giới qua một lăng kính được làm nên bởi Thánh Kinh và truyền thống.

 


Chắc Lemaitre đã biết Sách Sáng Thế cho thấy Chúa đã tạo dựng bằng những lời “Hãy có ánh sáng”. Trong khi  có lẽ những nhà vật lý khác nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ nói về đức tin và luân lý, Lemaitre lại để cho Kinh Thánh làm nên trí tưởng tượng của mình. Khi nhìn vào bằng chứng cho thấy vũ trụ này đang bành trướng, ông có thể thấy một kiểu cách diễn tả một vụ nổ duy nhất của ánh sáng và năng lượng vào khởi điểm của thời gian.

 


Giáo hội đầu tư vào những trường Công Giáo vì có ý đào tạo thêm hàng triệu người như Lemaitre và gửi họ đi trên một hành trình tìm tòi suốt đời để tìm ra sự thật được hình thành bởi truyền thống của giáo hội. Là những người Công Giáo chúng ta có nghĩa vụ giúp phần bảo đảm rằng các trường Công Giáo do các tín hữu lập nên giữ gìn và cũng cố  chân tính Công Giáo đặc biệt của mình để có thể đào tạo những người biết dùng những gì học được để biến cải thế giới thành một nơi sẵn sàng tiếp nhận chân lý của Chúa Kitô. Nếu muốn biết thêm về các trường Công Giáo ở miền tây Washington, xin đăng nhập mycatholicschool.org.

 


Giáo dục Công Giáo còn vượt quá những bức tường của học đường.  Nó phải là một niềm vui kéo dài suốt đời tìm tòi để được đến gần Chúa hơn và giúp ta hiểu công trình sáng tạo của ngài. Ở tuổi nào cũng vậy, giáo xứ dạy chúng ta là những thành viên của cộng đồng, qua việc thờ phượng, nghiên cứu, cầu nguyện, và học hỏi làm thế nào để biểu lộ tình yêu đối với Chúa Giêsu bằng cách chăm lo cho người khác trong gia đình và láng diềng. Hãy tìm hiểu để biết chương trình giáo dục người lớn của giáo xứ nhà cống hiến những gì cho ta. Nếu muốn đi xa hơn nữa, có thể tính đến việc đăng ký học Chương Trình Học Giáo Lý có Cấp Chứng Chỉ của tổng giáo phận Seattle (Catechetical Certification Program), xin đăng nhập seattlearchmedia.weebly.com/ccp.

 


Cũng nên xem một vài mạng giáo dục rất hay như Augustine Institute’s formed.org mà nhiều giáo xứ đã lắp đặt sẵn, miễn phí, cho giáo dân. Một mạng giáo dục khác là Magis Center’s online resources ở magiscenter.com. Giống như George Lemaitre, chúng ta không bao giờ được ngừng tìm hiểu Thiên Chúa trong công trình sáng tạo và trong lời Chúa.

 


Vũ Vượng dịch