7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

LÀM SAO TÌM ĐƯỢC Ý NGHĨA SÂU XA CỦA LỄ GIÁNG SINH?


Photo: Shutterstock


How Can I Find A Deeper Meaning of Christmas?

 


Bài giải đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 12, 2019. Một bài nhắc nhở ta về những ý nghĩa sâu xa của Đêm Giáng Sinh mà có lẽ ít ai để ý đến.

 


HỎI: Bây giờ tất cả con cái đã khôn lớn. Lễ Giáng Sinh, đối với con, không còn nhiều ý nghĩa như trước nữa. Làm sao con có thể tìm được sự hiểu biết đầy đủ về những ngày lễ này?

 


ĐÁPCâu hỏi của bà làm tôi nhớ lại bản nhạc xưa của ca sĩ Glen Campbell, tựa đề “Lễ Giáng Sinh Là Của Trẻ Em.” Nhưng thực ra, sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô là một màu nhiệm đức tin, một màu nhiệm mời gọi ta phải có sự suy niệm của một người trưởng thành.


 

Tôi mời gọi bà cầu nguyện theo tinh thần Phúc Âm Thánh Luca 2:1-7, đây là một đoạn của bài đọc Phúc Âm cho Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh. Hãy chú ý đến những chi tiết tinh tế nói lên những sự thật quan trọng và khó hiểu, nhưng chúng ta thường không để ý. Thánh John Chrysostom đã mô tả Phúc Âm giống như một vũng nước ảo thuật trong đó một đứa trẻ có thể chơi đùa hay một con voi có thể bơi lội. Như vậy ta hãy thăm dò chiều sâu của đoạn mô tả đêm Giáng Sinh của Thánh Luca, để suy niệm về một số những thông điệp quan trọng cho tất cả những ai trong chúng ta đang ước mong trở thành những tông đồ trưởng thành.


 

Trước hết, sự ra đời của Chúa Giêsu không phải là một sự kiện riêng rẽ trên miền  núi xứ Giudea. Đó là một sự kiện định hình cho tất cả thế giới, ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp xã hội, không phải chỉ có những tâm tình tôn giáo mà th6i. thông điệp này được loan truyền bằng cách đặt sự sinh ra của Chúa Giêsu trong bối cảnh triều đại  Hoàng Đế La Mã Augustus. Việc gì xảy ra tại Bethleem sẽ lan rộng tới Rome và mọi nơi khác trong khoảng giữa .

 


Ta không thể chia cắt Chúa Giêsu Kitô thành từng ngăn. Chúa chúng ta muốn triều đại của ngài vươn tới mọi phương diện của của đời ta, kể cả những ứng xử về xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế.

 


Thứ hai, ta được cho biết không còn chỗ nào trong quán trọ cho họ. Từ kataluma trong tiếng Hy Lạp thực sự không có nghĩa là “quán trọ”, nhưng đúng hơn nó có nghĩa là “nơi tiếp đón ân cần”. Chúa chúng ta đã sinh ra trong nơi lạnh lẽo tối tăm của một chuồng bò, không phải vì người ta không còn phòng để cho thuê, nhưng vì người ta không muốn tiếp đón Thánh Gia, với lòng thương người, hiếu khách. Đoạn này nói về sự khước từ, sự chia cách, sự vô tâm đối với cảnh bất hạnh của người khác hơn là nói về thiếu phòng trống để cho thuê.

 


Đoạn này mời gọi ta suy niệm: biết bao lần ta đã thờ ơ lãnh đạm đối với sự đau khổ của người khác trong thế giới chúng ta, đóng cửa lòng, cửa nhà không cho những người nghèo đói vào, chẳng khác nào người dân Bethleem đã đối xử với thánh gia trong đêm đông lạnh lẽo ấy.


 

Thứ ba, chúng ta được biết Maria đã hạ sinh “con trai, Người thứ nhất được sinh ra” (her son the Firstborn) Ta không nên hiểu đoạn này có ý nói “người con trai đầu lòng của bà”.  Cấu trúc ngữ pháp tiếng Hy Lạp thật rõ ràng: “con trai, Người thứ nhất được sinh ra,” (her son the Firstborn.) Lý do là “Người thứ nhất được sinh ra” là một danh vị đức tin, lúc đầu được dùng để chỉ dân Do Thái, (Xuất Hành 4:22 và Jeremia 31:9,) và về sau được dùng để khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu (Colossium 1:15, 18, Hebrew 1:5-6, Revelation 1:4-5)  Gọi Chúa Giêsu là Người thứ nhất được sinh ra là khẳng định thiên tính của ngài.


 

Những tấm khăn bọc là những chi tiết quan trọng, vì thực sự người ta dùng chúng hàng ngày  cho tất cả trẻ mới sinh. Lời nói này chứng tỏ nhân tính của Chúa Giêsu. Khi kết hợp lại, “Người thứ nhất được sinh ra” và “được bọc lại trong những giải khăn” là cách nói thi vị của Thánh Luca để loan báo sự nhập thể của Chúa Giêsu Kitô, đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Chiêm ngắm mặt Chúa Giêsu là thấy được sự sung mãn của Thiên Chúa. Ta sẽ nhìn vào gương mặt này không những tại Bethleem, nhưng còn ở trên đồi Calvary nữa.


 

Qua sự sinh ra, đời sống và sứ mạng rao giảng, sự chết và sống lại của ngài, Chúa Giêsu mặc khải cho ta con người thật của Chúa. Là những tông đồ của ngài, ta sẽ đi theo sự dẫn dắt của ngài, trở nên dân thánh, để cho Chúa tiếp tục sứ mạng mục vụ qua chúng ta nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.

 


Sau cùng ta được biết ngài được Maria đặt nằm trong một máng cỏ. Chi tiết này tối quan trọng vì được các thiên thần nhắc lại khi tin mừng về Chúa Giêsu sinh ra được loan báo cho các mục đồng. (Luca 2:12)  Máng cỏ là nơi cho súc vật ăn. Chúa Giêsu tự hiến mình làm của ăn cho đàn chiên là chính chúng ta! Chúa Giêsu tự hiến mình cho chúng ta nơi mỗi Thánh Lễ trong Thánh Thể, khi bàn thờ trở nên máng cỏ cho chúng ta. Thánh Luca đã cho ta biết phải tìm Chúa ở đâu ngày nay – trong phép Thánh Thể.


 

Tôi hy vọng những hiểu biết này sẽ giúp ta cảm nghiệm được Mùa Vọng và Lễ Giáng Sinh như một tông đồ trưởng thành, khi gặp được Chúa chúng ta trong mỗi Thánh Lễ của Chúa Kitô.

 


Vũ Vượng dịch