7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỐI PHÓ VỚI TÍNH GHEN TỊ NHƯ THẾ NÀO?

Picture from internet


How Do I Deal with Jealousy?

Bài giải đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg. 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 6, 2018


HỎI: Con có thể đối phó cách nào với những tình cảm ghen tị lúc nào cũng nảy nở trong tâm tư?


ĐÁP: Tính ghen tị có liên hệ mật thiết với tội thèm muốn mà Thánh Thomas Aquinas đã mô tả như là buồn phiền vì sự tốt lành của một người khác. Khi ta nói về tính ghen tị ta thường chỉ sự tức giận ta cảm thấy đối với một người khác khi họ được may mắn, hay chỉ lòng thèm muốn lạ đời, muốn biến may mắn của người ta thành của mình.


Các nhà xã hội học nhận thấy có một xu hướng đáng lưu ý nơi những người thích vùi đầu vào các mạng xã hội. Có một giả thuyết gợi ý rằng khi ta càng bận tâm về những điều tốt lành xảy ra trong đời người khác, thì ta càng dễ trở thành bất mãn khi những điều ấy không xảy ra trong đời ta. Như thế sự bất mãn có thể là dấu hiệu của tính ghen tị.


Ta phải hết sức thận trọng về tính ghen tị. Nó có thể phá hại tình bạn, tiêu hủy hạnh phúc bản thân và xô đẩy các nước vào chiến tranh. Chúa Giêsu muốn ta là những Kitô hữu và tông đồ phải hướng tâm trí vào ngài và không bị chia trí bởi những lo toan phù phiếm để cho lòng ghen tị nổi lên.


Ghen tị được nuôi dưỡng bởi những điều giả trá, thường len lỏi vào tư tưởng của ta. Cần phải phát hiện và vứt bỏ chúng đi.


Giả trá: Con người thật của tôi được đánh giá dựa trên những gì tôi làm, những gì tôi có, và những gì người khác nghĩ về tôi.


Sự thật: Con người sâu xa nhất và đúng nhất của ta xuất phát từ sự thật là chúng ta được Chúa yêu thương. Khi ta tin rằng con người thật và giá trị bản thân của ta bắt nguồn từ những điều phù phiếm như của cải, hay những ý nghĩ của người khác, rồi lao đầu vào một cuộc cạnh tranh bất tận để xem ai có được nhiều nhất và tốt nhất. Cuộc cạnh tranh đó khiến cho tính ghen tị nổi lên và cướp đi sự bình an và hạnh phúc của mình. Nó có thể cám dỗ ta phạm những tội nghi ngờ, nói xấu và làm mất danh giá của người khác, cố làm sao cho mình tốt đẹp hơn, để cho người khác phải thiệt hại. Khi ta biết được sự thật là con ngươi sâu xa và chân thật nhất của ta bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa, thì ta có thể tìm kiếm tình yêu đó cho chính mình và cho người khác, việc gì phải ghen tị.


Giả trá: Nếu thỏa mãn được những ý muốn riêng thì tôi sẽ được hạnh phúc.


Sự thật:  Đây là điều hão huyền của chủ nghĩa khoái lạc. Nếu ta tin vào sự giả trá này ta sẽ trở thành nô lệ cho những đam mê. Sự thật là trái tim ta được tạo ra cho Chúa, cho Chúa mà thôi, nên lòng ta sẽ còn xao xuyến luôn mãi cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa, theo lời Thánh Augustinô viết trong sách Confessions (Những Lời Thú Tội). Khi ta cố làm no thỏa những khao khát sâu xa nhất của mình bằng bất cứ cái gì bên ngoài Thiên Chúa, ta sẽ chẳng bao giờ mãn nguyện và được hạnh phúc. Trong tình trạng ấy hạnh phúc đích thực của một người khác có thể làm ta tức tối khó chịu – nhất là khi hạnh phúc của người ấy bắt nguồn sâu xa trong Chúa Giêsu Kitô. Trong trường hợp như thế, thay vì cảm thấy ghen tị, ta nên cảm thấy đây là ơn của Chúa Thánh Thần mời gọi và khuyến khích ta tìm kiếm sự kết hợp với Chúa giống như sự kết hợp đã đem lại cho người kia sự toại nguyện và hạnh phúc lâu dài. Mặc dù làm vậy có vẻ  trái ngược với trào lưu văn hóa ngày nay, khi ta hy sinh những ý muốn riêng của mình vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc sâu xa hơn là khi ta tìm cách thỏa mãn những ý muốn riêng của mình.


Sau khi đã vất bỏ những điều giả trá tai hại này, ta cần phải biết thêm một số những chân lý khác. Những chân lý này sẽ giúp ta chủ động  trong việc chống trả những cám dỗ của tính ghen tị.


Điều quan trọng nhất trong những chân lý này là mỗi người chúng ta được Chúa chúc phúc một cách duy nhất, và riêng biệt. Ta phải ý thức được những ơn phước này, đừng bao giờ quên. Đó là lý do khiến Thánh Phaolô cổ võ các Kitô hữu thời sơ khai phải cảm ơn Chúa về mọi sự. (Thessalonians 5:18). Chỉ khi nào ý thức được những ơn phước chồng chất Chúa ban, ta mới có được lòng biết ơn, vốn là liều thuốc quý để chữa bệnh ghen tị. Những phước lộc của ta có thể khác với những ơn phước của người bên cạnh, tuy thế đó vẫn là dấu chỉ tình yêu và lòng nhân lành của Chúa. Khi chú tâm vào biết bao ơn phước ta có, thì tự nhiên lòng ta được khơi động và ngợi khen và cảm tạ Chúa vì tình yêu kỳ diệu của ngài. Ghen tị không có chỗ đứng trong một tâm hồn đầy biết ơn.


Lời khuyến khích sau cùng cho ai đang phải phấn đấu chống lại tính ghen tị: ta không bao giờ biết được đầy đủ đời sống của một người khác. Những gì thấy bên ngoài có thể tuyệt vời… Nhưng điều gì đang xảy ra bên trong có thể thật bi đát. Không ai hoàn hảo và không đời sống nào không có bức bách. Chúa Giêsu đòi ta là những môn đệ của ngài phải cầu xin cho tất cả mọi người nhận biết và đáp ứng tình yêu Thiên Chúa để trở nên anh chị em cùng hiệp thông trong giáo hội là mình mầu nhiệm của ngài. Cho nên khi thấy một người nào được ơn phước hay may mắn, hãy cầu nguyện để sự may mắn đem họ vào đời sống kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa và tha nhân. Làm thế giúp ta vui mừng vì sự tốt đẹp của người khác, thay vì ghen tị. Đức bác ái cũng thúc dục ta làm như vậy.


Vũ Vượng dịch