7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với Hội Đồng Giám Mục Bangladesh:


 

Xin anh em bền bỉ theo đuổi sứ vụ hiện diện”

 

Trong ngày thứ hai của chuyến tông du đến Bangladesh, chiều ngày 1-12-2017, sau khi viếng Nhà Thờ Chính Tòa Dhaka (Bangladesh), Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục gặp Hội Đồng Giám Mục Bangladesh.

 

Hội Đồng Giám Mục Bangladesh gồm 1 Hồng y và 11 tổng giám mục, giám mục, coi sóc 8 giáo phận.

 

Trong cuộc gặp gỡ thắm tình huynh đệ, Đức Thánh Cha đã phát biểu với anh em giám mục của mình tại Bangladesh:

 

 

Thưa Đức Hồng Y,

Thưa anh em Giám Mục,

 

Chúng ta đang được ở bên nhau, thật tốt đẹp biết bao! Xin cảm ơn Đức Hồng Y Patrick [D’Rozario] đã nói lời mở đầu buổi họp mặt này, qua đó ngài giới thiệu những những hoạt động tinh thần và mục vụ thật đa dạng của Giáo Hội tại Bangladesh. Tôi đặc biệt đánh giá cao những đối chiếu của ngài với Kế Hoạch Mục Vụ 1985, một văn kiện mang tầm nhìn xa, đề ra những nguyên tắc Phúc Âm và những việc cần được ưu tiên, hướng dẫn cuộc sống và sứ vụ của cộng đoàn Hội Thánh tại quốc gia non trẻ này. Những cảm nghiệm của tôi tại Aparecida, một hội nghị đề ra sứ vụ mang tầm châu lục tại Nam Mỹ, giúp tôi xác tín những kế hoạch như thế sẽ mang lại kết quả dồi dào, thúc đẩy toàn thể dân Chúa không ngừng suy xét và bắt tay vào hành động.

 

“Hội Đồng Giám Mục Bangladesh đã bền bỉ thực hiện Kế Hoạch Mục Vụ 1985: xây dựng tình hiệp thông, sống sứ vụ hiện diện”

 

Tôi vui mừng thấy kế hoạch mục vụ này có sức sống lâu bền, vì các kế hoạch mục vụ thường mắc phải thứ “bệnh” chết yểu. Kế hoạch này từ 1985 đến nay vẫn sống: xin chúc mừng! Rõ ràng, kế hoạch được thực hiện rất tốt, phản ánh hiện thực của đất nước và những nhu cầu mục vụ ở đây. Ngoài ra còn toát lên sự kiên trì của các giám mục.

 

Vấn đề hiệp thông được đặt ở tâm điểm của Kế Hoạch Mục Vụ, và nhờ sự hiệp thông này, lòng nhiệt thành truyền giáo vẫn được nung nấu, tạo nên bản sắc của Giáo Hội tại Bangladesh. Nét truyền thống nơi vai trò lãnh đạo của anh em, các  giám mục Bangladesh, là tinh thần hiệp đoàn và tương trợ. Đây là điều rất quan trọng! Tinh thần hiệp đoàn trong yêu thương này đã được các linh mục của anh em chia sẻ, và qua các linh mục, lan tỏa đến các giáo xứ, các cộng đoàn và các đoàn thể hoạt động tông đồ tại Giáo Hội địa phương của anh em. Điều đó nói lên tinh thần nghiêm cẩn của anh em tại các giáo phận, qua những cuộc thăm viếng mục vụ, qua việc thể hiện mối quan tâm cụ thể đối với cuộc sống người dân trong giáo phận của anh em. Tôi xin anh em bền bỉ theo đuổi sứ vụ hiện diện này. Tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của hiện diện: hiện diện không chỉ là xuất hiện cho người ta thấy – chẳng hạn xuất hiện qua phương tiện truyền hình– mà còn là hiện diện như cách Thiên Chúa đến với chúng ta. Người đến ở giữa chúng ta, Người xích lại gần chúng ta trong việc Nhập thể của Ngôi Lời, trong việc Người “cúi xuống”, Chúa Cha đã cúi xuống khi sai Chúa Con làm người như chúng ta. Tôi thích dùng cách nói “sứ vụ hiện diện”. Giám mục là người hiện diện, luôn luôn đến gần và ở bên. Luôn luôn! Tôi xin nhắc lại: hãy bền bỉ thực thi sứ vụ hiện diện này, chỉ như vậy mới thắt chặt mối dây hiệp thông giữa anh em với các linh mục. Các linh mục là những người anh em, người con và người cộng sự của anh em trong vườn nho của Chúa. Hiệp thông với các tu sĩ nam nữ, vốn đang đóng góp rất căn bản cho sự sống của Hội Thánh Công Giáo tại đất nước này.

 

Sức mạnh của Giáo Hội tại Bangladesh: Mục tử gắn bó với đoàn chiên

 

Tôi muốn nhấn mạnh một điều về các tu sĩ. Chúng ta thường nói trong Giáo Hội có hai con đường nên thánh: làm linh mục và sống ơn gọi giáo dân. Còn các nữ tu thì con đường nên thánh nào? Đường giáo dân ư? Không. Vậy, xin anh em hãy cổ võ con đường nên thánh thứ ba: cuộc sống thánh hiến. Thánh hiến không phải là tính từ làm rõ nghĩa danh từ, như trong cách nói: “Anh ấy hay chị ấy là giáo dân được thánh hiến”. Mà là danh từ có một nghĩa riêng: “Anh ấy là tu sĩ -người được thánh hiến; Chị ấy là tu sĩ -người được thánh hiến”. Giống như chúng ta nói: “Anh ấy hoặc chị ấy là giáo dân”, hoặc: “Vị ấy là linh mục”. Điều đó có ý nghĩa quan trọng.

 

Đồng thời, tôi cũng xin anh em thể hiện sự gần gũi ngày một nhiều hơn với giáo dân. Anh chị em giáo dân cần được thăng tiến. Cần cổ võ sự tham gia hữu hiệu của giáo dân vào đời sống tại các giáo phận của anh em, ít nhất là tham gia các cơ cấu tổ chức trong giáo phận, để tiếng nói của họ được lắng nghe và kinh nghiệm của họ được nhìn nhận. Hãy nhận ra và trân trọng những đặc sủng của giáo dân nam nữ, và khuyến khích họ đem khả năng được Chúa ban mà phục vụ Giáo Hội và toàn xã hội. Đến đây tôi nghĩ đến nhiều giáo lý viên nhiệt thành tại đất nước này; họ là những cột trụ của công cuộc Phúc Âm hóa và hoạt động tông đồ của những anh chị em này đã góp phần chủ yếu vào việc thăng tiến đời sống Đức Tin và việc đào luyện Kitô hữu cho thế hệ sau. Những anh chị em này thực sự là các thừa sai và người hướng dẫn cầu nguyện, nhất là tại các vùng sâu vùng xa. Anh em hãy quan tâm đến những nhu cầu tinh thần và việc thường huấn về Đức Tin dành cho họ.

 

Là giáo lý viên, nhưng đồng thời những anh chị em giáo dân này còn rất gần gũi anh em trong vai trò tư vấn: tư vấn mục vụ, tư vấn các vấn đề tài chính. Trong một cuộc gặp gỡ sáu tháng trước, tôi nghe nói có lẽ trên dưới một nửa số các giáo phận có hai ban tư vấn vốn được trù liệu trong giáo luật: hội đồng mục vụ và hội đồng tài chính. Còn một nửa số giáo phận kia? Các hội đồng này không chỉ do luật định, không chỉ là sự trợ giúp, mà còn là chỗ dành cho người giáo dân.

 

Trong những tháng chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, tất cả chúng ta đang được mời gọi suy tư về việc làm thế nào chia sẻ với giới trẻ của mình về niềm vui, sự thật và vẻ đẹp đức Tin của chúng ta. Bangladesh được Chúa ban có nhiều ơn gọi linh mục – hôm nay anh em đã chứng kiến điều đó! – và tu sĩ; anh em cần bảo đảm sao cho các ứng viên được chuẩn bị kỹ lưỡng để thông truyền cho mọi người, nhất là con người ngày nay, kho tàng giàu có của Đức Tin. Trong tinh thần hiệp thông nối kết các thế hệ, anh em hãy giúp họ vui mừng và hăng hái gánh vác công việc đã được những người khác khởi sự, đồng thời nhớ rằng, một ngày kia, đến lượt mình trao lại cho người khác.

 

Giữ gìn và phát triển di sản

 

Ý nghĩa sâu xa của việc tiếp nhận, phát triển và chuyển giao di sản, chính là tinh thần tông đồ của người linh mục. Người trẻ cần biết rằng thế giới không khởi sự cùng với họ, họ phải đi tìm kiếm cội rễ lịch sử, tôn giáo đã sinh ra mình… và hãy làm cho cội rễ này phát triển và sinh hoa trái. Anh em hãy dạy cho giới trẻ đừng sống mất gốc; hãy dạy họ biết nói chuyện với người già. Khi tôi đến đây [Tòa Tổng Giám Mục Dhaka] hôm nay, các tiểu chủng sinh đã đến chào mừng tôi. Tôi thấy mình nên đặt cho họ hai câu hỏi nhanh, nhưng chỉ hỏi được một câu, câu đầu tiên, câu tự nhiên nhất: “Các con có chơi bóng đá không?” Tất cả đáp: “Thưa có!”. Lẽ ra sẽ hỏi câu thứ hai: “Các con có đến thăm ‘ông bà nội ngoại’, thăm các cha già của các con không?”. Những nhà đào tạo chủng viện cần huấn luyện chủng sinh biết lắng nghe các linh mục cao niên: cội rễ của họ là ở đó; và chính từ nơi đó, Giáo hội tìm thấy sự khôn ngoan của mình.

 

Dấn thân vào các lĩnh vực xã hội

 

Một hoạt động xã hội rất ấn tượng của Giáo Hội tại Bangladesh là hướng đến việc giúp đỡ các gia đình, và nhất là, thăng tiến phụ nữ. Người dân đất nước này nổi tiếng về lòng yêu gia đình, hiếu khách, tôn kính cha mẹ, ông bà và chăm sóc người già cả, đau ốm và người dễ bị tổn thương. Những giá trị này được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô củng cố và nâng cao. Xin đặc biệt cảm ơn tất cả những người đang âm thầm làm việc để nâng đỡ các gia đình Kitô hữu trong sứ vụ hằng ngày của mình là làm chứng cho tình yêu hòa giải của Chúa và cho mọi người được biết quyền năng cứu độ của Chúa. Như Tông Huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Châu Á) đã chỉ ra rằng: “gia đình không chỉ là đối tượng của chăm sóc mục vụ, mà còn là nhân tố tham gia hiệu quả nhất vào công cuộc Phúc Âm hóa” (số 46).

 

Một mục tiêu quan trọng được đề ra trong văn kiện Kế Hoạch Mục Vụ 1985 –cho thấy  có tính chất tiên tri thực sự – là chọn lựa người nghèo. Cộng đoàn Giáo Hội tại Bangladesh có thể hãnh diện về lịch sử phục vụ người nghèo của mình, nhất là người nghèo tại vùng sâu vùng xa và trong các cộng đồng bộ tộc. Việc phục vụ này vẫn tiếp diễn hằng ngày qua các hoạt động tông đồ về giáo dục, các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, và những hoạt động từ thiện được tổ chức rất đa dạng. và nhất là, trong bối cảnh cụôc khủng hoảng hiện nay về những người tị nạn, chúng ta thấy còn biết bao nhu cầu khẩn thiết phải đáp ứng! Sự thúc đẩy những hoạt động của anh em đối với những người đang gặp khó khăn luôn luôn phải xuất phát từ đức ái mục tử, nghĩa là mau mắn nhận ra những thương tích của con người và đích thân đem lòng quảng đại mà giúp đỡ từng người. Khi xây dựng nền “văn hóa của lòng thương xót” (x. Tông Thư Misericordia et Misera, 20), Giáo Hội địa phương của anh em cho thấy mình đã chọn người nghèo, làm tăng thêm hiệu lực của việc loan báo Chúa Cha giàu lòng thương xót và góp phần rộng khắp vào việc phát triển toàn diện quê hương mình.

 

Đối thoại liên tôn và đại kết: “Anh em hãy không ngừng bắc những nhịp cầu, thúc đẩy đối thoại”

 

Một sự kiện quan trọng trong chuyến viếng thăm mục vụ Bangladesh của tôi là cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết sẽ diễn ra ngay sau buổi họp mặt của chúng ta. Đất nước của anh em vốn đa dạng về sắc tộc, được thể hiện qua sự đa dạng các truyền thống tôn giáo. Việc Giáo hội nhiệt tâm khuyến khích sự hiểu biết về liên tôn nơi các chủng sinh và các chương trình giáo dục, cũng như các cuộc tiếp xúc và mời gọi cá nhân, đã góp phần nói lên thiện chí và quảng bá về sự hòa hợp. Anh em hãy không ngừng bắc những nhịp cầu, thúc đẩy đối thoại, không chỉ vì những cố gắng này tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhóm tôn giáo, mà còn vì chúng khơi dậy bầu nhiệt huyết cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước trong sự đoàn kết, công lý và hòa bình.

 

Khi đồng thanh lên tiếng chống lại thứ bạo lực khoác áo tôn giáo, và cùng tìm cách thay thế loại văn hóa xung đột bằng văn hóa gặp gỡ, thì các vị lãnh đạo tôn giáo đang tiếp lấy tinh hoa từ cội rễ truyền thống đa dạng của mình. Các vị còn mang lại một đóng góp vô giá cho tương lai các quốc gia của mình và tương lai thế giới qua việc giáo dục thế hệ trẻ về lẽ công bình: “giúp người trẻ biết sống trưởng thành, và dạy họ biết phản ứng trước lô-gích gây hiềm thù của sự ác và kiên nhẫn vun trồng cho sự thiện lớn lên” (Diễn văn tại Hội Nghị Quốc Tế về Hòa Bình, Al-Azhar, Cairo, 28 tháng Tư 2017).

 

Anh em giám mục thân mến,

 

Xin cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta giây phút trò chuyện và chia sẻ huynh đệ này. Tôi rất vui mừng vì cuộc Tông Du này đưa tôi đến với đất nước Bangladesh, cho tôi được chứng kiến sức sống và lòng nhiệt thành truyền giáo của Hội Thánh tại đất nước này. Khi dâng lên Chúa mọi niềm vui và những khó khăn Giáo Hội của anh em đang trải qua, chúng ta cùng nài xin Chúa tuôn đổ Thần Khí tươi mới để chúng ta được “can đảm cất cao tiếng nói, mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong nghịch cảnh, để loan báo sự tươi mới của Tin Mừng một cách mạnh dạnparresia” (Tông Huấn Evangelii gaudium, số 259).

 

Xin cho các linh mục, tu sĩ, những người được thánh hiến, anh chị em tín hữu giáo dân đã được trao cho anh em coi sóc, luôn tìm thấy sức mạnh được canh tân qua những nỗ lực trở nên “những thừa sai loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói, mà trên hết, bằng đời sống đã được sự hiện diện của Chúa làm cho biến đổi” (đd.) Tôi đem hết lòng quý mến ban phúc lành cho anh em. Và xin anh em nhớ cầu nguyện cho tôi”.

 

Khổng Thành Ngọc

(Dịch từ bản tiếng Pháp của w2vatican.va)