7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

BÀI IV - CỦA ĂN BỔI DƯỠNG CHO HÀNH TRÌNH VƯỢT QUA
(Fed and Nourished for the Paschal Journey)

Đức Tổng Giám Mục
J. Peter Sartain

Về phương diện tinh thần Jerusalem là nơi chúng ta thường đến rồi lại đi. Jerusalem luôn được coi là nơi thánh, thành thánh mà Chúa đã chọn để xây ngai vàng, nơi Chúa ở giữa dân Người, là tâm điểm từ đó ơn cứu độ lan toả khắp nơi. Đền Thánh Jerusalem được coi là nơi thánh đặc biệt, là nơi gắn bó và bộ mặt tinh thần của mỗi người Do Thái.

Chúa Giêsu tới đó nhiều lần. Mới sinh ra Ngài đã được thánh hiến tại đền thánh và chính tại đây ông Simêon đã nói với Đức Mẹ, trái tim của bà sẽ phải đau đớn như bị gươm sắc đâm thấu. Hàng năm Đức Mẹ và Thánh Giuse lên Jerusalem dự lễ Vượt Qua, có Chúa Giêsu đi theo. Khi Ngài lên mười hai, trên đường từ thành thánh trở về cha mẹ Ngài hốt hoảng khi nhận ra không có Ngài đi theo. Về sau mới tìm thấy Ngài đang tranh luận các vấn đề đạo đức với các kinh sư trong đền thánh – nơi mà Ngài gọi là “nhà Cha con”.

Bốn mươi ngày trong sa mạc, Chúa Giêsu đã bị Satan đưa lên bao lơn của Đền Thánh và bị cám dỗ tỏ lộ thiên tính bằng cách nhảy xuống để được các thiên thần đỡ lên, nhưng Chúa không hề muốn điều đó, nên đã nói với quỷ: “Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

Trong phúc âm Thánh Lucas và sách Tông Đồ Công Vụ, Jerusalem là nơi Chúa Giêsu luôn đi tới và là trung tâm từ đó phúc âm được rao truyền đi khắp thế giới. Trần thuật của Thánh Lucas đi tới hồi quyết liệt nơi Chương 9, khi Chúa Giêsu quyết định lên Jerusalem: “Khi đã tới ngày viên mãn để Ngài được cất lên, Ngài cương quyết lên Jerusalem.” (V. 51) Những chương kế tiếp làm nổi bật quyết tâm và tình thế cam go trước quyết định dũng cảm của Chúa Giêsu.

Nhiều môn đệ nghĩ Ngài không nên đi. Một số lo sợ cho tính mạng của Ngài và cũng lo sợ cho chính họ không phải ít. Trên đường đi Ngài tiếp tục giảng dạy và chữa lành các bệnh nhân khiến cho một số người càng thêm ác cảm và làm cho Ngài thấy rõ một việc gì quyết liệt sắp xảy ra ở đó. Một số người Pharisêô cảnh báo Ngài nên đi nơi khác vì Hêrôđê muốn giết Ngài, nhưng Chúa Giêsu trả lời:

“Hãy đi bảo con cáo già ấy, “Hãy coi, ta trừ quỷ và chữa lành các bệnh nhân hôm nay, ngày mai và tới ngày thứ ba ta sẽ đạt mục tiêu. Tuy vậy ta phải tiếp tục chuyến đi hôm nay, ngày mai và ngày tiếp theo, vì không thể nào một tiên tri lại chết bên ngoài thành Jerusalem.” (Lk 13:32-33)

Bị thôi thúc bởi lòng khao khát trở về thành thánh nhưng lại bị nơi này chối bỏ, Ngài nói: “Jerusalem, Jerusalem, hỡi những kẻ giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến. Đã bao lần ta ao ước quy tụ con cái ngươi như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, nhưng các ngươi lại không muốn.” (13:34)

Chúa Giêsu yêu thương Jerusalem và dân thành nhưng Ngài rất lo buồn vì đang bị nhiều người chối bỏ. Tuy vậy Ngài vẫn tiếp tục đi, chuyến đi định mệnh sau cùng.

Sau khi Chúa chết một số môn đệ rời khỏi Jerusalem. Trong khi thất vọng, vỡ mộng và cố xoa dịu vết thương lòng, họ trở lại đời sống cũ. Phúc âm Thánh Lucas kể lại câu truyện rất hay về việc hai môn đệ đã gặp Chúa Giêsu trên đường đi Emmaus – con đường rời xa Jerusalem – cho biết Chúa đã hỏi họ đi đâu và việc gì xảy ra khiến họ buồn bã như thế. Họ không nhận ra Ngài, nhưng Ngài đã giảng giải Kinh Thánh và chúc lành rồi bẻ bánh chia sẻ với họ y như Ngài đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Mắt họ được mở ra rồi họ trở về Jerusalem, lòng đầy hy vọng vào Chúa đã sống lại. (xem 24:13-35)

Trong tinh thần, chúng ta thường xuyên đi tới rồi lại rời bỏ Jerusalem. Con đường học hỏi làm tông đồ là một đường cong vì chúng ta thay đổi không ngừng: khi nhiệt thành, khi trì trệ, khi xác tín khi nghi ngờ, khi hy vọng khi ngần ngại. Có ngày chúng ta hăng hái quyết tâm lên đường đi Jerusalem cùng Chúa Giêsu, với bất cứ giá nào - chấp nhận Thánh Giá cùng chịu đau khổ với Ngài, cổ võ đức tin và chỉ biết sống cho Chúa. Nhưng ngày kế tiếp, khi có truyện gay go xảy ra chúng ta ngần ngại và đi hướng ngược lại, rời xa thánh giá, đi về phía Emmaus.

Nhưng Chúa Giêsu vẫn bắt kịp ta, không ngạc nhiên vì sự sợ hãi đã làm chủ được ta. Ngài dịu dàng hỏi: “Các anh nghĩ gì khi đang đi vậy?” Nếu ta giải bày tâm hồn với Ngài trong lời cầu nguyện và lắng nghe lời Ngài thì Ngài sẽ mở mắt và cho ta sức mạnh lên đường trở về.

Và Ngài nuôi dưỡng ta. Hiểu theo ý nghĩa đầy đủ, Thánh Thể là của ăn trên đường đi như trần thuật của Thánh Lucas về cuộc gặp gỡ trên đường đi Emmaus đã minh giải thật rõ ràng. Dù ta thấy mình đang trong tình trạng tinh thần nào – đang tiến đến hay đang rời xa Jerusalem – chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Chúa.

Thánh Thể cho ta sức mạnh để đi tới Jerusalem vì đó là cách tham gia vào sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thánh Giá và được chia sẻ ân sủng không ngừng tuôn trào từ đó. Đồi Calvary là đền thánh dâng của lễ hy sinh đời đời. Khi ta dự phần vào mầu nhiệm Thánh Thể và lãnh nhận Mình và Máu Chúa thì ta đã ở ngay trong lòng Jerusalem hiểu theo ý nghĩa tinh thần sâu xa nhất vậy.

Con đường cong của người học làm tông đồ có thể có những khúc quanh gay gắt, có thể làm ta chao đảo nhiều lần. Nhưng không bao giờ có lý do xác đáng để bỏ cuộc. Chúng ta cũng phải tiếp tục đường đi “hôm nay, ngày mai và ngày tiếp theo”. Chúa vẫn theo sát khi ta sa lạc, lắng nghe những lời phản kháng và hoảng sợ và nuôi dưỡng ta bằng thứ của ăn có sức đưa ta trở lại nơi cần thiết cho ta.

Vũ Vượng dịch