7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO CÔNG GIÁO PHẢN ĐỐI VIỆC TÁI LẬP ÁN TỬ HÌNH CỦA CHÍNH QUYỀN LIÊN BANG

Fr. Chris Ponnet, chaplain at St. Camillus Center in Los Angeles, speaks during a 2017 rally protesting the death penalty in Anaheim. In new opinions issued by the Supreme Court May 13, 2019, the justices revealed their divided opinions on the death penalty. (CNS photo/Andrew Cullen, Reuters)

            


 Catholic leaders object to reinstatement of federal death penalty


 

Bản tin ngày 26  tháng 7, 2019 của Carol Zimmermann, Catholic News Service, về việc chính quyền liên bang tái lập án tử hình. Trong bài có hai thuật ngữ thường được dùng ngày nay, nhưng rất khó dịch sang tiếng Việt: “culture of life”, xin tạm dịch là “văn hóa bảo sinh”, nền văn hóa đã có từ ngàn xưa, được Giáo Hội Công Giáo và hầu hết các tôn giáo khác chấp nhận, quý trọng và bảo vệ sinh mạng con người để xây dựng một nền văn minh dựa trên tình tương thân tương ái. “Culture of death”, xin tạm dịch là “văn hóa hoại sinh”, chấp nhận phá thai, trợ tử, án phạt tử hình … như một giải pháp cho các vấn đề con người và xã hội.

 


WASHINGTON - Bản tuyên bố ngày 25 tháng 7 của Bộ Tư Pháp cho biết bộ sắp tiếp tục lại án tử hình, lần đầu tiên sau 16 năm gián đoạn, là một tin không được hoan nghênh bởi các nhà lãnh đạo Công Giáo, những người đã từng hô hào chống lại án tử hình.

 


“Hệ thống án tử hình của Hoa Kỳ bị hư hỏng một cách bi thảm. Tiếp tục lại các cuộc hành quyết của chính quyền liên bang - nhất là bởi một chính quyền vốn tự xưng là ‘bênh vực mạng sống’ là cố chấp và vô lương tâm,” bà Krisanne Vaillancourt Murphy nói thế. Bà là giám đốc điều hành Mạng Lưới Vận Động Công Gíáo, một tổ chức chuyên bênh vực công lý phục hồi và chấm dứt án tử hình.

 


Việc hành quyết năm tù nhân trong trại tử tội của liên bang sẽ xảy ra từ tháng 12 này cho đến tháng Giêng năm tới.

 


Bộ trưởng tư pháp William Barr nói trong một bản tuyên bố: “Bộ Tư Pháp ủng hộ thể chế pháp quyền – và chúng ta có trách nhiệm với các nạn nhân và gia đình của họ phải tiến hành bản án do hệ thống tư pháp của chúng ta đã ấn định.”

 


Vụ hành quyết sau cùng của liên bang đã xảy ra năm 2003.

 


Năm 2014, Tổng Thống Barack Obama đã chỉ thị cho Cục Trại Giam (Bureau of Prisons) thực hiện một cuộc xét lại các vụ án và các dị nghị về thi hành án tử của liên bang liên quan đến phương pháp chích thuốc độc. Theo bản loan báo ngày 25 tháng 7, cuộc tái xét ấy đã hoàn tất và các cuộc hành quyết có thể tiến hành.

 


Hiện có 62 tù nhân - 61 nam và 1 nữ - trong trại tử tội của liên bang, theo Trung Tâm Thông Tin Án Tử Hình cho biết. Hầu hết các tù nhân trong trại tử tội liên bang đều ở nhà tù liên bang tại Terre Haute, Indiana.

 


Trong số các tù nhân của nhóm này có hai người bị kết án là Dzokhar Tsamaev, kẻ đánh bom trong cuộc chạy marathon tại Boston, và Dylann Roof, kẻ bắn giết trong nhà thờ ở Charleston, South Carolina.

 


Trong bản tuyên bố ngày 25 tháng 7 của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, Giám Mục Frank J. Dewane của Venice, Florida, chủ tịch ủy ban Công Lý Nội Chính và Phát Triển Con Người, của USCCB, nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô năm 2015 đã kêu gọi “hủy bỏ án tử hình trên toàn cầu,” điều mà, theo đức giám mục cho biết, các giám mục Hoa Kỳ cũng đã ủng hộ từ nhiều năm qua.

 


“Được soi sáng bời những lập trường đã có từ lâu và được duy trì mạnh mẽ, tôi cảm thấy lo lắng sâu xa vì lời loan báo của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ một lần nữa sẽ quay trở lại với án tử hình như một phương pháp trừng phạt, và thay vào đó, ngài thúc dục các quan chức liên bang này nên để cho tình yêu Thiên Chúa - còn mạnh hơn cả sự chết - cảm hóa, và từ bỏ những kế hoạch hành quyết đã được loan báo.”

 


Nữ Tu Helen Prejean, Dòng St. Joseph of Medaille, một người chống đối án tử hình từ lâu, đã viết trên mạng Twitter một lời vắn tắt để phản ứng loan báo ngày 25 tháng 7, nói rằng lúc ấy bà đang sắp sửa “lên máy bay đi Alaska để tham dự liên hoan 62 năm không có án tử hình tại bang này” thì bà được biết chính quyền liên bang đang chuẩn bị tiếp tục lại các cuộc hành quyết vào cuối năm nay sau một thời gian gián đoạn 16 năm.

 


Bà nói thêm, “Chỉ có bộ Tư Pháp thoái lui, trong khi cả nước tiến lên.”

 


Các nhà lãnh đạo giáo hội khác cũng có phản ứng lại bản loan báo của bộ trên mạng Twitter.

 


Trên mạng Twitter ngày 25 tháng 7, Đức Hồng Y Blase J. Cupich của Chicago gọi lời loan báo của Barr (bộ trưởng tư pháp) là làm cho công ích tổn thương nghiêm trọng, vì nó xoá bỏ phẩm giá Chúa ban cho mỗi người, ngay cả những kẻ đã phạm những tội khủng khiếp.”

 

Ngài cũng nói rõ rằng năm ngoái Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra lệnh sửa đổi Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo để nói rằng án phạt tử hình “không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người.”

 


Các Nữ Tu Lòng Thương Xót của Chúa gọi quyết định của bộ tư pháp là “làm thất vọng ghê gớm” và nói trên mạng Twitter ngày 25 tháng 7, rằng các nữ tu sẽ tiếp tục ủng hộ giáo huấn xã hội của đạo Công Giáo liên quan đến phẩm giá con người bằng những nỗ lực về giáo dục và khuyến khích để “tiếp tục hành động nhằm xóa bỏ án tử hình.”

 


Trong một bản tuyên bố được công bố ngày 25 tháng 7, nữ tu Prejean mô tả việc loan báo của Bộ Tư Pháp “có vẻ như có sự đắn đo, nhưng nó che dấu sự thực là người ta đang vội vã tiến đến việc giết người: chuẩn bị ba cuộc hành quyết trong một tuần, xử dụng một phương pháp chích thuốc độc mới, chưa được thử nghiệm –  cũng chưa được chấp thuận.”

 


Bà cũng nói “điều nản lòng là chính quyền đã lựa chọn con đường tử thần trong khi con đường đề cao mạng sống kêu gọi chúng ta phải hành động đòi công lý cho tất cả.”

 


Bằng một lời nói còn vang vọng một thông điệp bà đã nói trước đây, nữ tu Prejean nói thêm : “Án tử hình sai hỏng trầm trọng, với một lịch sử thiên vị chủng tộc ghê gớm trong việc thi hành và cũng có một lịch sử sai lầm ghê gớm không kém, khiến cho nhiều người vô tội phải vào trại tử tội. Chúng ta cũng biết nó không đem lại một phương dược gì tốt mà nó hứa hẹn cho các gia đình nạn nhân.”

 


Các vụ án tử hình của liên bang phải được Bộ Tư Pháp cho phép, với sự tham khảo với các sở tư pháp liên bang tại địa phương.

 


Bà Vaillantcourt Murphy nói trong bản tuyên bố ngày 25 tháng 7 rằng trong thời gian 16 năm kể từ khi có cuộc hành quyết một tù nhân trong trại tử tội của liên bang, đã có sự thay đổi ý kiến chung về án tử hình của công chúng Mỹ. Bà nói tháng 10 năm ngoái, 49 phần trăm người Mỹ nói họ tin rằng án phạt ấy được áp dụng một cách công bằng, và hiện thời đã có 25 tiểu bang lìa xa án tử hình bằng một phương thức nào đó: mới đây nhất, bang California đã dùng lệnh của thống đốc để cấm các cuộc hành quyết và bang New Hampshire đã bãi bỏ án tử hình bằng một cuộc biểu quyết áp đảo của lập pháp (đánh bại phủ quyết của thống đốc) trong tháng 5.

 


Hannah Cox, trưởng ban điều hành toàn quốc của tổ chức Conservatives Concerned about the Death Penalty (Những người bảo thủ quan tâm đến án tử hình), đưa ra một lời đáp ứng tương tự, nói rằng việc tái lập các cuộc hành quyết của liên bang “đi ngược lại trào lưu ta đã thấy trong các bang khắp nước, là những nơi mà những cuộc hành quyết và các bản án xảy ra ở mức thấp nhất trong lịch sử.”

 


Bà cũng nói rõ rằng con số những nhà lập pháp bảo thủ ngày càng tăng của bang “nhận ra rằng án tử hình đi ngược lại những nguyên tắc “quý trọng mạng sống, trách nhiệm ngân sách, và chính quyền thu hẹp của họ, và án tử hình không làm được gì hết để làm cho công chúng được an toàn hơn.”

 


Vaillantcourt Murphy nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo rất rõ ràng về án tử hình, lưu ý rằng Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo gọi nó là “không thể chấp nhận được” trong tất cả các trường hợp “vì đó là tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người.”


 

Bà nói loan báo của Bộ Tư Pháp  “đi ngược lại” những nguyên tắc về bình đẳng và công bằng “Riêng đối với người Công Giáo, nó đi ngược lại niềm tin vào sự thánh thiện của tất cả đời người.”


 

Bà nói quyết định đó cổ võ một thứ văn hóa hoại sinh (culture of death) trong khi  chúng ta hết sức mong muốn một nền văn hóa bảo sinh (culture of life)”.           


 

Vũ Vượng dịch