7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

HỌC HỎI KHÔN NGOAN CỦA THÁNH GIÁ TỪNG BƯỚC MỘT

Photo: Christ appearing to St. Peter on the Appian Way, Annibale Carracci/National Gallery



Learning the Wisdom of the Cross, Step by Step


 

Bài của đức Tổng Giám Mục J. Peter Sartain. 

Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng 7, 2018



 

Giống như Phêrô chúng ta được kêu gọi đi theo Chúa với tất cả những yếu đuối và lầm lỗi.


Đường Appian Way, con đường cổ nhất và nổi tiếng nhất của người La Mã xưa được mở ra vào năm 312 trước công nguyên bởi quan nhiếp chính Appius Claudius và được mang tên của ông ta. Còn được gọi là đường Regina Viarum (Nữ Hoàng Các Con Đường) vì hồi xưa có nhiều ngôi biệt thự, đền đài và những lăng tẩm tráng lệ ở hai bên. Ngay bên ngoài cửa vào nhà thờ thánh Sebastian trên đường Appian Way có một ngôi nhà thờ nhỏ gọi là Domine Quo Vadis.


Theo truyền thuyết, các Kitô hữu thành La Mã đã giục Thánh Phêrô chạy trốn trong thời kỳ Hoàng Đế Néron bách hại đạo. Một truyện tích vào thế kỷ thứ tư của Pseudo-Linus mô tả lại hoàn cảnh đó như sau:

Cho nên khi Phêrô nghe được những lời van xin này và vốn là một người nhạy cảm – không bao giờ ông có thể chứng kiến những người đau khổ than khóc mà chính ông không sa lệ - ông đã không cưỡng lại được những lời than van này. Đêm hôm sau, sau giờ phụng vụ, ông từ giã bạn bè, phó thác họ trong tay Chúa bằng lời chúc lành rồi một mình ra đi.


Khi sắp qua cổng thành bỗng chốc ông thấy Chúa Kitô đi về phía ông. Ông bái lạy rồi nói với ngài, “Lạy Chúa, Chúa đi đâu đây?” (“Domine, quo vadis?”). Chúa Kitô trả lời, “Ta đang tới thành La Mã để chịu đóng đinh một lần nữa.” Phêrô nói với Chúa, “Chúa sắp bị đóng đinh một lần nữa sao?” Và Chúa nói với ông, “Đúng, ta sẽ bị đóng đinh một lần nữa.”


Phêrô trả lời, “Lạy Chúa, con sẽ trở lại để theo ngài.” Rồi Chúa bay lên trời. Phêrô nhìn Chúa đi và khóc vì vui mừng. Khi hồi tỉnh lại ông hiểu rằng những lời ấy có ý chỉ cuộc tử đạo của chính mình, nhất là có ý nói Chúa sẽ chịu đau khổ trong ông như thế nào, cũng như ông sẽ chịu đau khổ trong tất cả những người được tuyển chọn. Rồi Phêrô vui mừng trở lại kinh thành và ngợi khen Thiên Chúa.


Trong Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói về sự chết của Phêrô: “Ta nói cho con biết, khi con còn trẻ, con thường mặc áo cho mình và đi đến nơi nào muốn đi, nhưng khi về già, con sẽ giang tay ra, và một người khác sẽ mặc áo cho con và dẫn con đến nơi con không muốn.” Ngài nói lời này ngụ ý ông sẽ phải chết cách nào để vinh danh Thiên Chúa. Và khi nói xong lời này, ngài bảo ông, ‘Hãy theo ta.’” (Gioan 21:18-19)


Phêrô chịu đóng đinh ngày 29 tháng 6 năm 67 sau công nguyên trên đồi Vatican (đầu lộn ngược xuống dưới, theo tục truyền, vì ông không coi mình xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa. Pseudo-Linus viết: ông đã đưa ra những lời an ủi sau đây cho những người chứng kiến cuộc tử đạo của ông:


Màu nhiệm thánh giá vĩ đại và sâu xa dường nào! Chúa đã lôi kéo mọi sự vào ngài qua thập giá. Thánh giá là dấu chỉ sự sống, vì đó mà đế quốc của sự chết bị tiêu diệt. Chúa đã chỉ cho con biết điều này. Xin Chúa cũng mở mắt cho những người đang ở đây nữa để họ cũng được suy ngẫm sự an ủi của đời sống vô cùng  tận. Câu truyện Quo Vadis (Thầy Đi Đâu) minh chứng rằng cuộc tử đạo của Phêrô là một giờ phút quyết định cho Giáo Hội sơ khai. Vào một thời đại bách hại tàn bạo, các Kitô hữu bắt đầu hiểu cả sự quan trọng cũng như sự nguy hiểm của những ai làm chứng nhân cho Chúa Kitô và họ được khuyến khích kiên trì như Phêrô và như chính Chúa nữa. Khi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Nhà Thờ Quo Vadis năm 1982, ngài nói rằng truyền thuyết này có tầm quan trọng đặc biệt cho tất cả những người kế vị thánh Phêrô, những người sẽ phải hiến mạng sống mình vì Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh.


Cuộc gặp gỡ của Phêrô với Chúa trên đường Appian Way dạy cho mỗi môn đệ một bài học riêng cho mình. Là một người vừa có đức tin mạnh mẽ, vừa nông nổi, vừa bướng bỉnh, vừa can đảm vừa yếu đuối, Phêrô phải học sự khôn ngoan của thánh giá từng bước một. Được Chúa Giêsu mời gọi đi trên mặt nước để đến với Chúa, ông bước ra khỏi thuyền và bắt đầu chìm xuống, bị sao lãng bởi sóng gió. Khi Chúa Giêsu nói ông sẽ phải đau khổ và chết, Phêrô không thể hiểu thấu rằng một điều như thế có thể xảy ra. Sau cùng, vì sợ hãi và bị những người ngồi sưởi ấm bên đống lửa hỏi tới tấp, ông đã chối không biết Chúa.


Tuy dễ nản chí và chậm hiểu, ông vẫn được tuyển chọn – và được ban cho lòng can đảm kiên trì khi mọi việc trở thành gay cấn. Bỏ trốn nơi nguy hiểm cho các Kitô hữu, Phêrô lại gặp Chúa một lần nữa và thấy rằng thánh giá của ông thực sự là thánh giá của Chúa Kitô mà ông được mời gọi chia sẻ.


Ai trong chúng ta chưa từng bị nản chí và mất tinh thần bởi những thử thách của cuộc đời, bởi sự yếu hèn của riêng mình? Ai chưa từng lên đường theo Chúa Giêsu thì đã bị lạc hướng bởi bão tố quay cuồng? Ai chưa từng cố gắng nói với Chúa cần phải có một con đường khác tốt đẹp hơn? Ai chưa từng cần gặp thử thách để mới biết kiên trì trước những trở lực? Ai chưa từng phải đương đầu với những kẻ chống đối hay chê cười đức tin vào Chúa Giêsu của chúng ta? Ai chưa từng chạy đến với Chúa để xin được sức mạnh trên đường gai góc?


Phêrô tuy yếu đuối nhưng luôn sẵn sàng gặp gỡ Chúa Kitô, ngay cả khi đang đi trên đường Appian Way, con đường siêu hạng của người La Mã mà ông có ý dùng để tẩu thoát thánh giá. Khi bị gồng gánh nặng nề và bị cám dỗ bỏ cuộc, ta hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu, “Chúa ơi, Chúa đang đi đâu vậy?” Ngài sẽ trả lời, “Ta vẫn đi đường này trước con. Chính con đang chia sẻ sự đau khổ của ta đó. Ta đang đi đâu ư? Đang đi chia sẻ thánh giá của con.”


Và ta hãy trả lời ngài, “Lạy Chúa, con đang trở lại để theo ngài.” 


Vũ Vượng dịch