7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

BÀI III - DẤU CHÂN TA ĐỂ LẠI TRONG TÂM TÌNH NGƯỜI KHÁC LỚN HAY NHỎ?
(HOW LARGE IS MY EMOTIONAL FOOTPRINT?)

Đức Tổng Giám Mục
J. Peter Sartain

Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao những contact đèn hiệu cho người đi bộ qua đường ở Seattle chưa bị hư hỏng . Người ta xử dụng những contact này thô bạo quá! Hầu như ngày nào tôi cũng đi bộ tới văn phòng làm việc. Tôi phải băng qua một số đường phố, thường rất đông xe, và thường phải xử dụng những contact bằng sắt trông rất nặng nề này.

Một ngày kia tôi nhận ra tôi thường bấm nút hai lần - cho chắc ăn - hoặc vì có ảo vọng làm thế kết quả nhanh hơn. Rồi tôi nhận thấy ai cũng làm vậy, thậm chí có nhiều người nắm tay dộng vào contact một cách dữ dội, cho nên nếu contact không hư thì cũng là chuyện lạ. (Tôi đọc báo thấy ở một số thành phố người ta phải cố ý cắt điện các nút bấm này)

Khi nhận ra thói quen bấm nút hai lần là vô lý, tôi không làm vậy nữa. Tôi hiểu ra nếu người ta bớt thô bạo đối với một vật vô tri, và nếu người ta đừng coi cá nhân mình quá quan trọng thì thành phố Seattle và hệ thống điều hành giao thông cũng được nhờ.

Từ nhiều năm nay, khi đi đâu bằng máy bay, tôi luôn xin chỗ ngồi cạnh lối đi. Đi máy bay quá nhiều rồi, tôi không còn thấy nhìn ra ngoài cửa sổ là thích thú nữa, và nếu ngồi sát cửa sổ mà muốn rời chỗ một chút tôi không khỏi cảm thấy ái ngại khi bắt người khác phải tạm đứng lên.

Nếu không còn chỗ bên lối đi, chỗ bên cửa sổ cũng đành vậy, nhưng nếu phải ngồi giữa hai người thì thật là phiền. Tôi không thuộc loại người sợ ở trong nơi chật hẹp, nhưng bị kẹt giữa hai hành khách là một kinh nghiệm không thích thú chút nào. Tôi phải dùng tay ghế bên nào? Bên nào cũng được? Không dùng bất cứ bên nào? Dùng cả hai bên? Cho nên nguyên tắc riêng cùa tôi là: tránh chỗ ngồi giữa với bất cứ giá nào.

Cách dùng chỗ ngồi trên máy bay của mỗi người khác nhau rất nhiều. Tầm thước không phải là yếu tố quyết định choán chỗ nhiều hay ít. Người nhỏ con dùng cả hai tay ghế, ngả nghiêng lung tung bên này bên kia, thọc chân sang phía người bên cạnh, nghe nhạc ầm ĩ không thèm dùng earphone, nói lớn trên điện thoại di động, là người choán chỗ rất nhiều. Dù được ngồi sát lối đi nhưng nếu ở bên cạnh những người như thế tôi vẫn cảm thấy bị chèn ép. Họ có biết có người đang ngồi kế bên?

Ngày nay người ta nói nhiều về vấn đề “dấu chân ô nhiễm carbon” (carbon footprint) của mỗi người, vì có thể tính ra số lượng khí độc carbon dioxide mà mỗi người góp vào bầu khí quyển do việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch (như lái một loại xe nào đó, dùng một lượng điện khí nào đó, đi máy bay bao nhiêu mile, dùng máy ổn nhiệt ở một nhiệt độ nào đó v.v...) Về phương diện tình cảm, ta sẽ thấy được gì nếu ta cũng đếm những “dấu chân” ta để lại trong tâm tình người khác, tức là những hậu quả mà người khác phải chịu khi ta nổi trận lôi đình, khi ta mặc sức choán chỗ, không cần biết đến người chung quanh, khi ta góp ý kiến chói tai hay lớn tiếng than phiền, khi ta coi cá nhân của mình quá quan trọng?

Tôi có cảm tưởng nếu ta làm một bản liệt kê những “dấu chân” của ta trong tâm tình người khác thì ta sẽ biết lùi một bước. Thật vậy, một bản liệt kê như thế là một bài tập rất hay trong Mùa Chay.

  • Có phải tôi thường đòi những người chung quanh phải thay đổi theo ý tôi?
  • Nếu cho họ cơ hội được nói thì những người cùng sống và cùng làm việc với tôi sẽ nói gì về tôi? Phải chăng tôi là kẻ hung bạo mà họ phải đối phó, một con người và một tính tình khó hòa hợp?
  • Phải chăng tôi thường nói lớn những điều lẽ ra chỉ nên nhỏ nhẹ? Phải chăng tôi thường nói khi mà yên lặng là điều thích hợp và mong muốn?
  • Phải chăng tôi thường biểu lộ xúc cảm quá nhiều khiến cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cảm thấy ngột ngạt và bị đe dọa?
  • Có phải tôi thường làm tiêu hao nghị lực và tâm trí của những người trong phòng bằng những thái độ nóng nảy của tôi?
  • Có phải tôi thường đập máy điện thoại xuống khi nói xong, đóng cửa ầm ầm, dộng vào contact đèn hiệu giao thông một cách dữ dội?

Tôi có linh cảm nếu mỗi người chúng ta biết hỏi những câu hỏi đơn sơ như thế thì bầu không khí quanh ta sẽ được nhẹ nhàng và nụ cười sẽ trở lại trên gương mặt chúng ta.

Tại sao một bản câu hỏi đơn giản như vậy lại thích hợp với Mùa Chay? Thư của Thánh Giacôbê tông đồ gợi ý như sau:

“Nếu ai không có khuyết điểm về lời nói, người ấy là người hoàn hảo, cũng có khả năng kiềm chế toàn thân thể mình. Nếu ta bỏ cỏ vào mồm con ngựa để chúng theo lệnh của ta, ta cũng điều khiển được toàn thân của nó. Đối với những con tàu cũng vậy, mặc dù chúng quá to lớn và được đẩy đi bằng những cơn gió mạnh, nhưng chúng được lèo lái bằng một cái chân vịt rất nhỏ để đi bất cứ nơi đâu theo ý muốn cúa người lái tàu. Tương tự như thế, lưỡi của ta là một bộ phận nhỏ nhưng lại có những ký vọng lớn. Thử nghĩ mà xem làm sao một ngọn lữa nhỏ xíu có thể làm cho cả một cánh rừng bùng cháy.” (Jas 3:2-5)

“Ai trong số anh em là người khôn ngoan và hiểu biết? Người ấy hãy biểu lộ việc làm của mình bằng đời sống tốt lành trong lòng khiêm tốn xuất phát từ sự khôn ngoan. Nhưng nếu anh em có tính ghen tương cay đắng và tham vọng ích kỷ trong lòng, thì đừng có khoe khoang vì thế là dối trá. Khôn ngoan kiểu này không phải từ trên ban xuống nhưng là thứ trần tục, thấp hèn, do ma quỷ mà ra. Vì nơi nào có ghen tương và tham vọng ích kỷ, nơi ấy có rối loạn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Nhưng khôn ngoan từ trên ban xuống trước hết phải là thứ thanh khiết, hòa bình, dịu dàng, vâng phục, đầy lòng thương xót và hoa quả tốt tươi, không có sự bất nhất và thiếu thành thật và hoa quả của sự công chính được gieo giống trong hòa bình cho những ai xây dựng hòa bình.” (3:13-18)

Trong Mùa Chay thánh này ước gì chúng ta biết quyết tâm giảm bớt dấu chân của mình trong tâm tình người khác và vun trồng hòa bình: hòa bình trong nhà, nơi sở làm, ngoài đường phố, hòa bình trong trái tim. Không phải thứ hòa bình của ta - nhưng là hòa bình của Thiên Chúa.

Vũ Vượng dịch