7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Lễ Các Thánh, Lễ Các Linh Hồn và Lễ Hội Halloween



Barbara Reid, OP


Lễ Các Thánh, Lễ Các Linh Hồn và Lễ Hội Halloween bắt  đầu từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11 hàng năm giúp chúng ta tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ chúng ta đã qua đời. Ngày Lễ Các Thánh là ngày lễ trọng đối với giáo hội Anh Giáo, riêng với người Công Giáo đó còn là ngày lễ trọng buộc, ngày lễ này vinh danh không những các thánh đã được Giáo Hội công nhận nhưng còn tôn vinh cả những người chưa được phong thánh nhưng đã đạt được cuộc sống sung mãn với Chúa. Riêng về Lễ Các Linh Hồn, đây là ngày Giáo Hội tưởng nhớ tất cả các tín hữu đã qua đời, những người vẫn còn trên hành trình hướng về thiên đàng.Trong khi các Kitô hữu luôn nhớ đến người chết, Lễ Các Thánh có lẽ đã được bắt nguồn từ thời Giáo Hoàng Bônifaciô IV, người đã cung hiến đền Pantheon tại Rome cho Đức Trinh Nữ Maria và tất cả các Thánh Tử Đạo vào ngày 13 tháng 5 năm 609. Có lẽ là Đức Giáo Hoàng Bônifaciô đã chọn ngày này để cạnh tranh với Lễ Hội Ngoại Giáo Ma Quỷ được tổ chức để xoa dịu những hồn ma xấu xa hay quậy phá. Vào giữa thế kỷ thứ tám, Đức Giáo Hoàng Gregory III đã dời ngày Lễ Các Thánh tới ngày 1 tháng 11. Ngày này gần với ngày nghỉ Samhain đầu mùa đông của người Celtic, ngày nghỉ này  được tổ chức ở Ireland vừa như là một lễ hội thu hoạch hoa quả và vừa là một dịp để mọi người mặc trang phục và đốt lửa để xua đuổi ma quỷ. Khi những lễ lạc này đan xen và pha trộn với nhau thì buổi chiều trước ngày Lễ Các Thánh được gọi là Halloween.


Những Người Thánh Thiện trong Cựu Ước


Trong Cựu Ước, vì Thiên Chúa là thánh, nên những người được thánh hiến cho Chúa, cũng được kể là thánh. Trong Sách Lê-vi 19, 2 có viết: "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Dân Israel biết rằng họ là dân tộc được chọn từ tất cả các dân tộc trên trái đất để là kho tàng của Chúa, họ phải trở nên "...một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em)." (Đnl 7: 6) "Những người thánh" (đôi khi được gọi là "những người trung thành") được mời gọi để yêu mến  Chúa Trời (Tv 31,23), hát ngợi khen Chúa (Tv 30, 4; 149, 1), và kính sợ Chúa. (Tv 34, 9) Những người kiên vững trong sự thánh thiện, những người kiên trì tuân giữ lề luật Chúa, “sẽ lãnh nhận vương quyền và nắm giữ vương quyền ấy mãi mãi muôn đời.” (Đn 7,18)


Những Người Thánh Thiện trong Tân Ước


Dân Israel biết rằng họ là một dân tộc  thánh thiện, được tham phần và phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng thế, các Kitô hữu xác tín rằng họ là những người thánh khi họ liên kết với Đức Kitô Phục Sinh, “Đấng thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Luca 1,35; 4,34; Tông Đồ Công Vụ  3,14): “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa.”(1 Pr 2, 9) Thánh Phao-lô thường nhắc nhở các Kitô hữu rằng họ được mời gọi để nên thánh. Ngài viết thư gửi cho người dân Rô-ma, cho "những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh”.(1: 7) Ngài đã mở đầu một số lá thư của mình bằng cách gọi những người trong cộng đoàn địa phương là "các thánh nhân": "Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.”(1 Cor 1, 2; 2 Cor 1, 1; Pl 1, 1) Trong phần kết thúc các lá thư, Thánh Phaolô thường gửi lời chào đến "tất cả các thánh” nơi Ngài gửi thư đến (Rm 16,15) và chuyển đạt lời chào từ “tất cả các thánh” tại nơi mà ông đang cầm bút viết thư. (2 Cr 13,12)


Lịch sử giáo hội tiên khởi đã có một bước ngoặt quan trọng  khi các Kitô hữu gốc dân ngoại không còn là "người lạ và người tạm trú" nữa, nhưng là "nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa”.(Ep 2,19) Thánh Phao-lô cũng nhắc đến những người trung thành đã chết như những “người thánh”,  khi Ngài cầu nguyện cho những người Tê-sa-lô-ni-ca rằng họ "không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.”(1 Ts 3,13)


Trong bức thư đầu tiên của Thánh Phao-lô gửi cho người Cô-rinh-tô, Ngài dùng từ “dân thánh” để gọi các thành viên đang còn sống của cộng đoàn và những người đã chết.  Ngài khuyên nhủ cộng đoàn rằng khi bất kỳ ai trong cộng đoàn có tranh chấp với người khác thì chị ấy hay anh ấy không nên "đi kiện cáo trước mặt người ngoại” nhưng “hãy mang vụ việc đến trước mặt những người trong dân thánh! “và Ngài nhắc nhở họ, "các thánh sẽ xét xử thế gian”.(1 Cr 6, 1-2; 2 Ts 1,10) Sách Khải Huyền nói về “đổ máu dân thánh”, những người đã chết vì đạo (Khải Huyền 16, 6; 17, 6; 18, 24) và những người chia sẻ lời hứa với dân được Chúa chọn.  Chính sức mạnh của Thánh Linh Chúa ban sẽ đem lại cho các môn đệ Chúa khả năng trở nên thánh. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu cho các môn đồ là “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ”.(Ga 17,17 & 19) Ngài đảm bảo các môn đệ rằng “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. (Ga 16,13; 14, 16-17)


Chúa Mời Gọi Mọi Người: Hãy Nên Thánh


Công Đồng Vatican II tái xác nhận rằng tất cả các tín hữu được rửa tội là các thánh và được gọi để sống thánh. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium về Giáo Hội, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, nhấn mạnh rằng lời mời gọi nên thánh là phổ cập. Tương tự như thế, trong Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, Gaudete et Exsultate ban hành ngày 19 tháng 3 năm 2018, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại một lần nữa nhấn mạnh về "Lời mời gọi nên thánh thiện trong thế giới hôm nay”.  Ngài xua tan quan niệm muốn trở thành thánh nhân, người ta phải “ngất đi trong trạng thái mê ly thần bí”(§96) hoặc làm những việc phi thường. Phài giữ sự cân bằng giữa việc cầu nguyện với những hành động thường nhật phát xuất từ lòng nhân từ hay thương xót.  Thật vậy, “các thánh không rụt rè, rầu rĩ, chua chát hay u uất, cũng không mang một vẻ mặt thê thảm, các ngài rất vui tươi và đầy khiếu hài hước lành mạnh”. (§122)


Các Thánh Thông Hiệp 


Phụng vụ ngày Lễ Các Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không đơn độc trong hành trình nên thánh. Chúng ta thuộc về một cộng đoàn các thánh hiệp thông rộng lớn bao gồm “những người đang lữ hành ở trần thế, những người đã qua đời và đang hoàn tất việc thanh luyện, và các thánh trên trời. Tất cả hợp thành một Hội Thánh duy nhất.” (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo §962) Lời Nguyện Nhập Lễ nói đến các vị thánh “hằng nguyện giúp cầu thay” cho chúng ta và trong Lời Nguyện Dâng Lễ, chúng ta xin được “nghiệm thấy các thánh nâng đỡ (chúng con) trên con đường về với Chúa”. Trong kinh Tiền Tụng,  chủ tế đọc: “chúng con là lữ khách được đức tin soi dẫn đang vội vã tiến về. Chúng con rất hoan hỷ, vì bao phần tử ưu tú của Hội Thánh được vinh quang. Nhờ đó, Chúa cho các ngài trở thành gương mẫu và trợ giúp chúng con là những kẻ yếu hèn. Vì thế, hiệp với các ngài và cả triều thần thiên quốc, chúng con đồng thanh ca tụng Chúa và tung hô Chúa.”


Đám Đông Các Chứng Nhân


Khi nghe Bài Đọc một của Lễ Các Thánh, chúng ta nghĩ rằng chỉ một số ít người được chọn nên thánh hoặc trở thành các phần tử được chúc phúc trên thiên đàng (Kh 7: 2-4, 9-14). Thánh Gioan thánh sử viết rằng Ngài đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Tất cả đều được đóng dấu bằng dấu ấn thiêng liêng để tỏ ra rằng họ thuộc về Chúa. Và số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel. Đây không phải là con số thực của số người được chọn, nhưng đó chỉ là một con số tượng trưng cho một lượng người rất đông đảo. Thật ra con số đó là bội số của 12 - số lượng các bộ tộc của dân Israel nhân với 12000, một con số cực lớn khó có thể tưởng tượng được trong thời cổ đại.


Một Nỗ Lực Chung


Nên thánh không phải là nỗ lực của một cá nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “Việc lớn lên trong sự thánh thiện là một cuộc hành trình, sát cánh cùng tha nhân trong cộng đoàn.” (Gaudete et Exsultate §141) Bài Đọc thứ hai Lễ Các Thánh (1 Ga 3, 1-3) nhấn mạnh đến bản chất cộng đoàn của sự thánh thiện: chúng ta là con cái Chúa, là thành viên của một gia đình rộng lớn được liên kết trong tình yêu thiêng liêng. Không ai trong chúng ta là đứa trẻ duy nhất cả. Tất cả chúng ta đều có chung một gia đình - “chúng ta nay là con cái Chúa ” -  Dây liên kết gia đình đó sẽ  sâu đậm hơn khi chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện, và chúng ta ngày càng trở nên giống như cha mẹ của chúng ta.

Con Đường Nên Thánh


Tin Mừng Ngày Lễ Các Thánh (Mt 5, 1-12) cho thấy con đường dẫn đến sự thánh thiện bằng tám bước ngắn gọn: “đồng hành và giúp đỡ người nghèo khó; đồng cảm với những ai đau buồn; giữ tấm lòng nghèo khó hay hiền lành;  tìm kiếm mối liên hệ chân thực với Chúa, với bản thân, tha nhân, thiên nhiên và các loài thụ tạo; biết thương xót và tha thứ; yêu Chúa hết lòng; xây dựng hòa bình; chịu bị bách hại vì sống đời công chính.”


Lễ Các Đẳng Linh Hồn


Phụng vụ cho ngày Lễ Các Đẳng Linh Hồn chuyển tải những đề tài giông giống nhau, nhưng chủ đề hy vọng được nhấn mạnh vì chúng ta xin Chúa “cho mọi tín hữu đã qua đời vào chung hưởng vinh quang với Con Một Chúa” (Lời nguyện Tiến Lễ), “đón nhận họ vào nhà Chúa, nơi đầy tràn ánh sáng và bình an” (LN Hiệp Lễ), " ban cho họ được vinh phúc muôn đời” (LN Nhập Lễ 2) "và muôn đời chiêm ngưỡng Chúa là Ðấng tạo thành và giải thoát họ (LN Nhập Lễ 3). Cung điệu chính trong các bài đọc là sự tin cậy vào ân sủng và lòng thương xót Chúa, với hy vọng tất cả những ai tin sẽ được sống lại với Chúa Kitô.  Bài đọc một trích từ Sách Khôn Ngoan (Kn 3, 1-9) được bắt đầu và kết thúc với sự bảo đảm rằng những người công chính thánh thiện chết đi sẽ được Chúa chăm nom và thương xót. Những thử thách và khổ nạn mà họ đã trải qua tinh luyện họ “như thử vàng trong lửa”, nhưng giờ đây họ được bình an và trung thành với Chúa trong tình yêu.


Đáp ca từ Thánh Vịnh 22 mang lại niềm an ủi và sự đảm bảo rằng Thiên Chúa, như một mục tử nhân hậu, hướng dẫn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, xua đuổi kẻ ác, và dẫn chúng ta đến vùng nước an bình và tới nhà Chúa, nơi chúng ta “sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài”. Bài Đọc thứ hai trích từ Thư Rôma 5, 5-11 có chủ đề là: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng. Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta, và nhờ sự hòa giải Chúa Kitô đạt được qua cái chết của Ngài, mà chúng ta được cứu nhờ sự sống của Người.”


Trong Bài Tin Mừng (Mt 25, 31-46), Chúa Giê-su kể câu chuyện dụ ngôn nổi tiếng về ngày phán xét cuối cùng trong đó Con Người ngự đến trong vinh quang của Ngài và Ngài tách chiên ra khỏi dê. Ngài nói với con chiên đứng bên tay phải: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”. Sau đó, Ngài giải thích rằng: mỗi lần các ngươi chăm sóc người đói khát, nhập cư, hay trần truồng bệnh hoạn tù đầy là các ngươi chăm sóc Đức Kitô sống giữa họ.  Điều ngạc nhiên ở đây không phải là những hành động mà người môn đệ Chúa phải thực hiện nhưng là việc họ phục vụ chính Chúa Giê-su.


Hai ngày lễ này khuyến khích chúng ta kiên trì sống thánh thiện trong cuộc sống hàng ngày, vì chúng ta được trợ giúp qua sự hiệp thông với các thánh mà chúng ta luôn gắn bó, ngay cả khi chúng ta chết đi. Những người đã kết thúc cuộc lữ hành nơi dương thế và giờ đây vui hưởng hạnh phúc nước Trời đang cổ vũ chúng ta, bầu cử cho chúng ta, và giúp chúng ta kiên vững hơn qua đời sống gương mẫu của họ. Đổi lại, chúng ta cầu nguyện cho những người thân yêu đã chết, những người vẫn còn bước đi trên đường lữ hành, xác tín rằng lời Chúa hứa sẽ được thực hiện và niềm trông đợi sống đời đời sẽ thành hiện thực. Trong những ngày đầu tháng 11 khi bức màn ngăn cách giữa thế giới người còn sống và người đã chết thật mỏng, chúng ta chờ đợi một ngày sẽ đến khi chúng ta được hoàn toàn đoàn tụ với Chúa và với tất cả các anh chị em của chúng ta.


Luke Quang dịch


Bible Today, số tháng 10- 2018


______________________________________


+ Tác giả Barbara Reid là một nữ tu Dòng Đaminh, hiện là Phó Viện Trưởng và Giáo Sư dạy Tân Ước tại Học Viện Liên Hiệp Thần Học Công Giáo ở Chicago, Mỹ.