7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

n

Sức Mạnh Của Lòng Khiêm Nhường

KHIÊM NHƯỜNG LÀ ĐIỀU NGƯỜI KiTÔ HỮU PHẢI RA SỨC TÌM KIẾM, TUY VẬY NÓ LÀ MỘT ĐỀ TÀI KHÓ BÀN LUẬN Ở MỸ TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY.
Vì văn hoá chúng ta dường như là một văn hoá bị ám ảnh bởi danh vọng, nên người ta có thể suy đoán những người coi nhẹ tài năng và thành tích của mình thật ra là những người muốn được khen ngợi và nổi tiếng hơn. Ngược lại một số người có thể hạ mình sát đất, nghĩ như thế là khiêm nhường, nhưng thật ra chỉ là biểu lộ lòng tự ti mặc cảm. Cả hai trường hợp này đều là khiêm nhường giả tạo.

Khi thấy ai có lòng khiêm nhường thật sự ta phải khâm phục. Nó đánh động tận đáy lòng ta. Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa thật sự của khiêm nhường, nó biến đổi đời sống ra sao và đưa ta đến gần Chúa thế nào.

Thấy ta như Chúa thấy ta

Người khiêm nhường biết sự thật về chính mình, biết những ưu điểm của mình mà không kiêu hãnh, biết những nhược điểm mà không phân trần thanh minh. Họ coi Chúa là trọng tâm của đời sống bằng cách nhìn bản thân mình qua cái nhìn của Chúa.

Người khiêm nhường ra sức tìm kiếm sự hoàn hảo và quý trọng những thành quả mình đạt được, nhưng luôn nhớ những tài năng này trước hết là do Chúa ban. Nếu được khen ngợi thì chỉ nên mãn nguyện vì đã xử dụng tài năng một cách tốt đẹp đồng thời ngợi khen Thiên Chúa.

Nhìn nhận những khuyết điểm và thất bại của mình là một phần quan trọng của đức khiêm nhường. Người ta không thể nào tiến bộ nếu không đánh giá rõ ràng được những gì cần phải làm tốt hơn. Trước tiên phải biết mình cần giúp đỡ gì rồi mới xin Chúa trợ giúp cho.

Trên hết, nền tảng của đức khiêm nhường là hoàn toàn tin cậy vào Chúa: dù thành công hay thất bại Chúa vẫn yêu thương ta. Giá trị của ta không phải là ở chỗ hoàn hảo. Nói cho cùng, ai mà hoàn hào được. Nếu ta có được giá trị gì thì chính là vì ta đã được Chúa tạo nên làm con Chúa, theo hình ảnh của Ngài.

Kết quả là ta được tự do. Tự do, không bị ràng buộc bởi thiên kiến có lợi cho mình, sẽ giúp ta biết quên mình cách nào đó. Người khiêm nhường biết vui mừng vì những thành tựu của người khác cũng như tiếc xót những khuyết điểm của họ như của chính mình.

Được như vậy là ta đã tuân giữ điều răn của Chúa Kitô một cách đầy đủ:
“Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí. Đây là điều răn thứ nhất cũng là điều răn quan trọng nhât. Và điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ngươi phải yêu mến người khác như chính mình vậy.”(Matthêu 22:37-39)

Chiếu toả ánh sáng của Chúa

"Kiêu căng làm ta ra giả tạo, khiêm nhường làm ta nên người thật"Thomas Merton

Trở nên khiêm nhường dường như là một việc khó khăn đối với một người bình thường. Các thánh có được lòng khiêm nhường vì biết đặt Chúa lên trên hết. Đó là lý do khiến các ngài nên thánh. Còn chúng ta thì sao? Điều ngạc nhiên là đi tìm những thí dụ về lòng khiêm nhường không khó khăn như ta tưởng, ngay cả trong xã hội bị ám ảnh bởi danh vọng của chúng ta.

"Tôi cứ suy nghĩ làm sao tôi biết trông cậy Chúa nhiều hơn. Làm sao biết phó thác nhiều hơn? Làm sao cho Chúa được vinh danh hơn?"Jeremy Lin

Là một cầu thủ dự bị của đội bóng rổ New York Knicks trong một thời gian dài trước khi có cơ may được huấn luyên viên, trong một tình thế cùng quẫn, quyết định cho anh ra sân. Thật bất ngờ, anh đã đảo ngược tình thế, ghi 25 điểm, và giúp đồng đội ghi thêm 7 điểm. Rồi anh tiếp tục ghi điểm cao hết trận này đến trận khác, khiến anh được rất nhiều thuận lợi, nhất là được nổi tiếng thế giới với cái tên “Cuồng Phong Lin” (Linsanity). Lin cho sự thành công mình có được là nhờ lối chơi không bị áp lực và nói, “Tôi phó thác cho Chúa, tôi không còn phải thi đấu với một tâm trạng như những người khác.”

“Bạn có được sự bình yên khi nghĩ: ‘Chưa đến lượt tôi, bây giờ là lượt của ngươì khác.’Tôi có thể vào trong góc và ngồi yên lặng – và cũng tốt đẹp thôi.”

Debra Byrd

Debra Byrd là một ca sĩ đã từng hợp tác với Barry Manilow và Bob Dylan. Xuất hiện trên sân khấu Broadway và giữ nhiệm vụ huấn luyện viên chính về giọng ca cho chương trình American Idol (thần tượng Mỹ) và Canadian Idol (Thần Tượng Canada). Phương vị sau cùng của cô mà người ta thường thấy là hát đệm cho các ứng viên chương trình American Idol. Tuy vậy Byrd tin vào điều mà cô gọi là “lý thuyết mặt trời và mặt trăng” Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Christopher Closeup cô đã giải thích: đôi khi ta được mời gọi làm mặt trời và chiếu ánh sáng chói lọi của mình. Có khi ta được đặt làm mặt trăng để phản chiếu ánh sáng của người khác. Trong những dịp đi hát đệm, nhiệm vụ của Byrd là phục vụ các ứng viên để “phản chiếu ánh sáng của họ.” Cô cảm thấy dùng tài năng của mình như vậy tốt hơn làm ca sĩ sáng chói vào lúc ấy.

“Phần lớn những gì tôi làm, tôi làm theo bản tính riêng thúc dục. Tôi cảm thấy ngượng ngập khi được người ta kính trọng và yêu mến nhiều như vậy.”

Albert Einstein

Nhà vật lý học lý thuyết Albert Einstein nổi tiếng đến nỗi tên của ông đã trở thành đồng nghĩa với “thiên tài.” Dù không tin vào một Thiên Chúa có ngôi vị nhưng ông ngưỡng phục một hữu thể siêu việt điều khiển sự vận hành của vũ trụ. Ông nói: “Điều làm tôi khác biệt với những người được gọi là vô thần là lòng khiêm nhường trọn vẹn đối với những điều bí ẩn không thể nào hiểu thấu của vũ trụ chuyển động hài hoà.”

“Triết lý của tôi là: tôi chẳng làm được gì dù người ta nghĩ gì về tôi.”

Jim Caviezel

Jim Caviezel là một người Công Giáo ngoan đạo và một diễn viên nổi tiếng vì đóng vai Chúa Giêsu trong phim Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu và vai John Reese trong bộ phim truyền hình CBS Person of Interest (Người Liên Quan). Anh phải cố gắng lắm để giữ lòng khiêm nhường khi gặp những người lầm anh với vai trò Chúa Giêsu mà anh đã đóng. Anh cho biết, “Có một người đàn bà Mexico muốn tôi chữa bệnh cho bà. Nhưng tôi đâu có chữa được ai. Tôi chỉ biết đặt tay trên bà và nói, “Cảm ơn bà đã xem phim đó.”

“Chúng ta được sinh ra để làm cho vinh quang Chúa ở trong ta được tỏ rõ, không phải chỉ có trong vài người nhưng trong mỗi người, và khi ta để cho ánh sáng của ta toả ra, thì vô tình ta cho phép người khác cũng làm như vậy.”

Nelson Mandela

Nelson Mandela trở thành tổng thống của Nam Phi sau 27 năm ở tù vì những hoạt động chống kỳ thị chủng tộc. Sau khi trở thành tổng thống ông dành ưu tiên cho công cuộc hoà giải, nhìn nhận chính đảng của ông đã vi phạm nhân quyền và chỉ trích những ai cố che đậy sự thật.

Có lẽ không ai chê trách gì, nếu một người nào trong số những nhân vật mà ai cũng biết này ca ngợi những thành tích lẫy lừng của họ. Dù có công khai nhìn nhận Thiên Chúa hay không, mỗi người đó đều có một quan điểm riêng biệt về đời sống. Họ hiểu rằng họ không vĩ đại hơn những người chung quanh và biết họ là thành phần của một chương trình rộng lớn. Điều này làm cho họ trở thành những mẫu mực để noi theo, không phải chỉ vì danh tiếng, nhưng vì chúng ta đã thấy rõ hơn con “người thật” của họ.

"Khiêm nhường không phải là nghĩ rằng mình kém cỏi, nhưng là giảm bớt suy nghĩ về mình"

Rick Warren

Như ta thấy, khiêm nhường là một đức tính có hấp lực tỏa rộng tới những người chung quanh, và tạo ra một ảnh hưởng mãnh liệt. Người ta có thể thấy điều này như là mâu thuẫn khi biết rằng khiêm nhường là quên mình đi. Lý do là trong khi phấn đấu học đức khiêm nhường người ta trở nên giống Chúa Kitô hơn, dù có nói rõ mục tiêu ấy ra hay không. Không ai khiêm nhường bằng Chúa Giêsu, kiểu mẫu vĩ đại nhất để noi theo.

Lòng khiêm nhường hoàn hảo của Chúa Kitô bắt nguồn từ lòng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu và kế hoạch hoàn hảo của Thiên Chúa. Đổi lại, kế hoạch cứu chuộc hoàn hảo của Thiên Chúa cho ta lòng can đảm tín thác vào Ngài. Sự tín thác đó là nền tảng để ta phấn đấu học đức khiêm nhường.

Giả như tất cả chúng ta có thể khiêm nhường và vâng lời như Chúa Kitô, thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao! Mở lòng với Thiên Chúa là mở lòng với ân sủng và Chúa Thánh Linh. Mở lòng đón nhận sự hướng dẫn của Chúa để học hỏi từ những lầm lỗi của mình và phát triển toàn vẹn tiềm năng Chúa ban khi tạo dựng nên ta. Bỏ lại phía sau lòng kiêu căng và mở đường đón nhận niềm vui, lòng quảng đại, tình yêu và tất cả những hoa quả khác của Thánh Linh. Những món quà này sẽ thay đổi không những đời sống chúng ta mà cả đời sống của những người chung quanh.

“Chúa Giêsu Kitô, mặc dù là Thiên Chúa, không đòi được ngang hang với Thiên Chúa là điều phải lẽ, nhưng tự hạ mình, mặc lấy thân phận một đầy tớ, sinh ra làm người phàm. Và sống như một người phàm, Ngài đã hạ mình và vâng lời cho đến chết, ngay cả chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu…..”

Philippians 2:6-9

Lòng khiêm nhường: làm sao tập được

Xưa nay chưa có một công thức học hỏi khiêm nhường nào được chứng tỏ là đúng và đáng tin cậy. Nhưng nếu ta thật sự muốn quên mình đi và xin Chúa giúp sức, Ngài sẽ từ từ hướng dẫn đời ta theo hướng đó. Điều chủ yếu là không chỉ tìm kiếm lòng khiêm nhường mà thôi, nhưng phải quyết tâm bồi dưỡng liên hệ mật thiết với Chúa đồng thời lớn lên trên đường nhân đức.

Bắt đầu bằng những bước chập chững của một em bé. Nhẫn nại với những khuyết điểm của ta cũng như của người khác, bỏ qua những phiền hà nhỏ bé, tôn trọng và ca ngợi việc làm của người khác, làm những việc nhỏ cho người ta mà không mong cảm ơn hay muốn người ta phải lưu ý và vui vẻ chấp nhận những thất bại… là những thí dụ về những cơ hội ta có hàng ngày để đổi mới tâm hồn. Thay đổi cách nhìn của ta về những “việc nhỏ” là cách tập luyện để cho lòng khiêm nhường được lớn mạnh.

Tất nhiên, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh hàng ngày là điều chủ yếu. Suy niệm những đoạn Phúc Âm về lòng khiêm nhường của Chúa Kitô hay về những khuyết điểm của các tông đồ là nguồn bổ dưỡng rất cần thiết cho tư tưởng và lời cầu nguyện.

Thí dụ: Trent là một nhà văn đang tìm cách thăng tiến trong đời sống tâm linh. Ông bắt đầu viết nhật ký cầu nguyện trong đó ghi những tấm gương của các “nhân vật Thánh KInh” đã học đức khiêm nhường. Ông nói: “Tôi thường suy đi nghĩ lại mọi việc tôi làm vì nghĩ rằng tôi phải hoàn hảo. Nhưng khi bắt đầu nhận ra những “nhân vật” kia cũng còn nhiều khiếm khuyết lắm, tôi nhận thấy dù sao Chúa cũng muốn dùng những khiếm khuyết của họ để làm một cái gì tốt đẹp.” Trent cười nói, “Vì thế tôi hy vọng rất nhiều.”

Dù theo phương pháp nào, điều quan trọng là phải cố gắng kiên trì và nhớ rằng càng gần đức khiêm nhường bao nhiêu ta càng gần Chúa bấy nhiêu. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nói, khiêm nhường đòi hỏi phải có lòng can đảm và tin cậy, nhưng kết quả thật xứng đáng. Nó sẽ thay đổi đời ta và đưa Chúa Kitô đi khắp thế giới.

Chính kiêu ngạo biến thiên thần thành ma quỷ, chính khiêm nhường làm người ta ra thiên thần.

Thánh Augustinô

Vũ Vượng dịch