7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

LÒNG SÙNG MỘ ĐỨC MARIA CÓ HỢP VỚI KINH THÁNH CHĂNG?

 Photo: The Annunciation, Henry Ossawa Tanner/Google Art Project


Is Marian Devotion Biblical?


Bài giải đáp của Đức Giám Mục Daniel Mueggenborg, nhân dịp Tháng Mân Côi. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng Mười năm 2019.

 

HỎI:  Lòng sùng mộ Đức Maria có nền tảng kinh thánh chăng?


 ĐÁP:  Tôi lớn lên ở giữa vùng chịu ảnh hưởng của Tin Lành cực đoan (Bible Belt), nơi mà nhiều người có sự nghi ngờ về những hoạt động sùng mộ Đức Maria, bởi vì họ tin lầm rằng người Công Giáo thờ phượng Đức Maria. Thực ra tôi có băn khoăn phần nào về những quan niệm sai lầm này. Hậu quả là tôi có xu hướng chỉ tập trung đức tin và lời cầu nguyện vào Chúa Giêsu mà thôi.

 

Mãi đến khi đã vào chương trình hậu đại học về thần học thánh kinh tôi mới có được lòng sùng mộ Đức Maria một cách trưởng thành. Không những tôi khám phá ra Đức Maria đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu, mà còn thấy Chúa Giêsu đã cho bà một sứ mạng mục vụ trường tồn trong đời sống giáo hội. Chúng ta sẽ lỡ mất nhiều cơ hội quan trọng để lớn mạnh về tinh thần nếu ta không đạt tới những ân sủng mà Chúa Giêsu cống hiến cho ta qua mẹ của ngài.

 

Những sự kiện Truyền Tin và Viếng Thăm (bà Isave) trong Luca 1:26-56 giới thiệu Đức Maria như một môn đệ mẫu mực, dạy cho ta biết cách nghe và tuân giữ lời Chúa. Đức Maria cũng được trình bày như là một nhà truyền giáo kiểu mẫu, đem Chúa Giêsu đến với người khác khi bà đi thăm người chị họ là bà Isave, bà này tuyên bố: “Em thật có phúc vì đã tin rằng điều Chúa đã nói với em sẽ được chu toàn.”

 

Những lời Kinh Thánh này cũng biểu lộ tinh thần suy niệm của Maria. Đức tính quan trọng này của người tông đồ trưởng thành lại được làm nổi bật trong những bài trần thuật của Thánh Luca nói về Chúa sinh ra, Chúa được đưa lên đền thánh, và tìm thấy Chúa trong đền thờ (“Maria giữ gìn và suy niệm về tất cả những điều ấy trong lòng”).


Phúc Âm Thánh Gioan cũng đề cao gương sáng và sứ vụ tông đồ của Mẹ đầy ơn phước. Trong tiệc cưới tại Cana, Thánh Gioan giới thiệu sứ mạng cầu bầu của Maria khi bà nói với Chúa Giêsu, “Họ hết rượu rồi.” (Gioan 2:3). Chính vì muốn đáp lời cầu bầu của bà mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên. Ta không nên đánh giá thấp sức mạnh của lời bầu cử của Đức Maria cho chúng ta. Đoạn này cũng cho thấy lòng tín thác trọn vẹn của Maria vào lời của Chúa Giêsu khi bà nói, “Làm bất cứ điều gì ngài nói với các ông.” (Gioan 2:5)

 

Phúc Âm Thánh Gioan cũng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu chia sẻ mẹ của ngài cho ta để ta có thể cảm nghiệm được cùng một thứ tình yêu, tình thân ái và sự chăm lo của bà như Chúa chúng ta đã cảm nghiệm. Món quà tình mẫu tử của Maria được trao ban từ trên thánh giá khi Chúa Giêsu nói, “Hỡi bà, này là con bà”, rồi nói với người môn đệ được Chúa yêu, “Này, đây là mẹ con.” (John 19:26-27)

 

Đây không phải là một sự kiện riêng rẽ, nhưng là khởi đầu của một mối tương quan mà tất cả các môn đệ được mời gọi tham gia. Cũng như người môn đệ được yêu thương đã đưa bà về nhà mình (Từ idia trong tiếng Hy Lạp được dịch là nhà, nhưng thực ra, nó có một ý nghĩa rộng hơn nhiều: tư tưởng, sự việc, thế giới, quyết định v.v..) nghĩa là ta được mời gọi dành cho Mẹ Đầy Ơn Phước một chỗ đứng trong đời sống hàng ngày của ta.

 

Sau hết, sách Tông Đồ Công Vụ nhận rõ Đức Maria có mặt trong đám môn đệ đang cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần hiện xuống và giáo hội được khai sinh. Việc các môn đệ có mẹ đi theo là một hình ảnh trường tồn của sự hiện diện của bà trong suốt chiều dài lịch sử giáo hội. Bà là người mẹ chăm sóc cho chúng ta, những đứa con tinh thần của bà và luôn mong muốn dẫn giắt chúng ta tới con bà là Chúa Giêsu.

 

Chính nhờ những đoạn Kinh Thánh này mà tôi đã khám phá ra một mối quan hệ đầy ân sủng với Đức Maria.

 

Trong Tháng Mười, ta hãy dành thì giờ để trân trọng và sùng kính Đức Mẹ Đầy Ơn Phước một cách sâu xa, bằng cách đọc Kinh Mân Côi và xin Mẹ cầu bầu cho những kẻ thiếu thốn nhất. Đọc những đoạn Kinh Thánh được viện dẫn trên đây và xin Chúa mở lòng cho thấy Đức Maria có thể khơi động lòng ta để trở thành những tông đồ truyền giáo như thế nào, và dẫn chúng ta đi sâu vào mối tương quan với Chúa Giêsu.

 

Vũ Vượng dịch