7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TÒA ÁN TỐI CAO TUYÊN PHÁN: CÂY THÁNH GIÁ LỊCH SỬ TRÊN CÔNG THỰ ĐƯỢC DUY TRÌ

The 40-foot Bladensburg Peace Cross stands at an intersection in Bladensburg, Md., northeast of Washington, D.C. 

RNS photo by Adelle M. Banks


Historic Cross on Public Property Can Stay, Supreme Court Rules


 

Bản tin ngày 20 tháng 6, 2019 của Carol Zimmermann, Catholic News Service. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong báo điện tử Northwest Catholic, liên quan đến một đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong có hình thánh giá bị người ta kiện, viện lý do cây thánh giá vi phạm tu chính hiến pháp thứ nhất. Tòa án xử cho họ thắng kiện. Nội vụ được chống án lên tòa phúc thẩm địa hạt và tòa này cũng cho y án. Sau cùng vụ án được thượng tố lên Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ và may thay, tòa này đã đảo ngược quyết định của những tòa dưới. Bản dịch này được đăng nguyên vẹn trên trang mạng cộng đồng, nhưng chỉ có những đoạn chính được đăng trong Hiệp Nhất vì số trang có hạn.

 


Tin từ Washington – Trong một cuộc bỏ phiều 7 chống 2, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã tuyên phán có lợi cho việc duy trì một đài kỷ niệm lịch sử có hình thánh giá tại Bladensburg, Maryland, nói rằng cây thánh giá ấy không chính thức công nhận tôn giáo.

 


Phán quyết ngày 20 tháng 6 này đã đảo ngược quyết định của một toà án thấp hơn vào năm ngoái.


 

Phán quyết của tòa (tối cao) tuyên bố trong một ý kiến được quan tòa Samuel Alito viết ra: “Mặc dù từ lâu cây thánh giá đã là biểu tượng nổi bật của Thiên Chúa Giáo, việc dùng thánh giá trong đài kỷ niệm ở Bladensburg có một ý nghĩa đặc biệt,” Ông nói rằng đài kỷ niệm để tôn vinh những người đã chết trong thế giới chiến tranh thứ nhất, cần phải được xem xét trong cùng một “bối cảnh lịch sử” như những cây thánh giá màu trắng để đánh dấu những nấm mồ của các chiến sĩ đã chết ở ngoại quốc trong cuộc chiến tranh đó.

 


Ông cũng nói phá bỏ đài kỷ niệm ấy “sẽ được nhiều người coi như không phải một hành động vô tư, nhưng là biểu lộ sự thù nghịch tôn giáo không thể chấp nhận được trong những truyền thống dựa trên điều khoản cấm công nhận hay thiên vị tôn giáo (trong tu chính hiến pháp thứ nhất) của chúng ta.”


 

Alito cũng lưu ý rằng trong  gần một thế kỷ qua cây thánh giá cao 40 foot (hơn 12 mét) “đã biểu lộ nỗi đau thương của cộng đồng có nhiều thanh niên đã chết, cảm ơn những hy sinh của họ, và biểu lộ lòng tôn vinh những lý tưởng mà họ đã chiến đấu bảo vệ. Nó đã  thành một địa đài nổi bật trong vùng.”


 

Nhiều quan tòa đã viết ra những ý kiến riêng biệt về vụ này, trong đó có hai quan tòa bất đồng ý là Ruth Bader Ginsburg và Sonia Sotomayor.


 

“Đây là một chiến thắng lớn không những cho Liên Hiệp Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo và Dân Quyền (the American League) và các cựu chiến binh, nhưng thực sự đây còn là một quyết định trụ chốt về tự do tôn giáo,” bà Kelly Shackelford đã nói vậy, với tư cách là chủ tịch và luật sư chính cho Viện Tự Do Thứ Nhất (First Liberty Institute), một hãng luật ở Texas, đại diện cho  American League trong vụ này.

 


Đứng cạnh ông trong cuộc họp báo trước tòa án tối cao ngày 20 tháng 6 có Michael Moore, ủy viên chi nhánh 136 của American League tại Greenbelt, Maryland, người đã được thăm đài tưởng niệm này lần đầu khi mới 8 tuổi cùng với cha và được biết có khoảng 49 người có tên được ghi khắc trong đó để tưởng niệm.


 

“Tôi cảm thấy được minh oan. Liên Hiệp rất biết ơn quyết định này. Chúng tôi hạnh phúc lắm lắm vì sự tưởng nhớ, hy sinh và phụng sự của những thành viên xa xưa sẽ không bị tiêu hủy,” ông nói với các nhà báo như vậy.


 

Shackelford nói trong 50 năm qua, kiểu trắc nghiệm Lemon - dựa vào vụ án Lemon chống Kurtzman trước Toà Án Tối Cao năm 1971, được dùng để xem xét một sắc luật nào đó có vi phạm tu chính hiến pháp thứ nhất hay không - đã gây ra rối loạn và những cuộc tấn công vào những đài tưởng niệm cựu chiến binh, những biểu tượng Do Thái Giáo, hang Belem và nhiều thứ khác nữa.

 


“Kiểu trắc nghiệm Lemon không giúp ích gì trong trường hợp này, không ích gì,” ông nói thế, rồi lại tiếp, “Chúng ta là một đất nước có di sản và lịch sử thấm nhuần tôn giáo, cho nên ta sẽ thấy có những đền đài có tính thế tục và những đền đài có tính tôn giáo.”


 

Charlie Russo, giám đốc chương trình tiến sĩ về lãnh đạo và nghiên cứu giáo dục của Trường Đại Học Dayton, và giáo sư luật khoa ở Trường Luật, Đại Học Dayton, Ohio, nói rằng quyết định này “làm lay chuyển thẩm quyền của điều khoản cấm công nhận hay thiên vị tôn giáo (establishment clause) đến tận gốc rễ.”

 


“Tất nhiên còn phải chờ xem những vụ kiện cáo sau này sẽ xảy ra cách nào, nhưng những biểu tượng tôn giáo rất có thể được chấp nhận trong nền giáo dục công lập và ở nơi khác,” ông nói với hãng tin Catholic News Service như vậy rồi nói tiếp rằng phán quyết này có thể có ảnh hưởng trong nhiều vụ khác tại các trường học, nơi mà những biểu tượng tôn giáo như thánh giá, máng cỏ và những bức tranh tôn giáo do học sinh vẽ ra trên các bức tường bị ngăn cấm.”


 

Nhưng phán quyết của tòa cũng có phần nào lỏng lẻo. Abner Greene, một giáo sư tại Trường Luật Fordham ở New York nói “tòa án đã không chọn một lập trường bảo thủ hơn, nghĩa là chỉ có sự cưỡng bách của chính phủ mới là vi phạm điều khoản cấm công nhận hay thiên vị tôn giáo.”


 

Ông nói tòa án chỉ chú trọng vào “lịch sử của một số biểu tượng tôn giáo cá biệt trên tài sản công” và “không lựa chọn một phán quyết cho phép rộng rãi, bao gồm toàn thể loại đền đài  đó.”


 

Hồi cuối tháng 2, các quan tòa (của Tòa Án Tối Cao) đã nghe những lời tranh cãi về cây thánh giá đã 93 tuổi, nằm trên một dải đất trồng cỏ ở giữa đường phố tại giao điểm của mấy con đường khu ngoại ô thành phố Washington. Những người chống đối nói thánh giá đó chính thức công nhận tôn giáo trong khi những người ủng hộ thì coi đó là một đền đài có tính cách trần thế.


 

Người ta thường gọi là Cây Thánh Giá Bladensburg hay Thánh Giá Hòa Bình,  bằng xi măng và đá cẩm thạch, đã được xây cất bởi chi nhánh Snyder - Farmer của American League tại Hyattsville, Maryland để tưởng niệm 49 người thuộc Prince George County đã chết trong Thế Chiến Thứ Nhất. Cây Thánh Giá được xây dựng với tài trợ của các gia đình địa phương, được khai mạc ngày 13 tháng 7 năm 1925.

 


Năm ngoái, Tòa Phúc Thẩm Địa Hạt Thứ Tư của Hoa Kỳ đặt tại Richmond, Virginia đã bỏ phiếu 2 chống 1, phán rằng đài kỷ niệm đó là vi hiến và phải được bỏ đi hay tiêu hủy vì nó “có tác động chủ yếu công nhận tôn giáo và làm cho chính phủ vướng vào tôn giáo một cách quá đáng.”


 

Hiệp Hội Nhân Đạo Mỹ, một tổ chức có bản doanh tại Washington, đại diện cho những người vô thần và nhiều người khác đã khởi kiện đài tưởng niệm này, nói rằng hình thánh giá trên công sản là vi phạm điều khoản cấm công nhận hay thiên vị tôn giáo của Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất.


 

Những người ủng hộ nhấn mạnh rằng thông điệp của nó có tính trần thế: để tưởng niệm những nạn nhân chiến tranh. Họ cũng lý luận hình thánh giá đó không có liên quan đến những lý do tôn giáo, nhưng để tạo ra vẻ giống như những cột mốc có hình thánh giá trên những nấm mồ của binh lính Mỹ đã chết ở Âu Châu.


 

“Quý vị thử nghĩ xem nên vạch đường ranh chỗ nào,” quan tòa Elena Kegan đã nói trong khi tranh cãi về những cột mốc có hàm ý tôn giáo.

 




The Peace Cross plaque in Bladensburg, Md., features the names of soldiers who died during World War I. 

RNS photo by Adelle M. Banks


Bà cũng chỉ rõ vài đặc điểm của đài tưởng niệm này, nói rằng nó được xây khi những cây thánh giá là kiểu cách thông thường để tôn vinh những người đã chết trong Đệ Nhất Thế Chiến, nó ở gần những đải kỷ niệm chiến tranh khác và không nói lên ý nghĩa về tôn giáo.


 

Những quan toà khác chỉ rõ tinh biểu tượng Thiên Chúa Giáo mạnh mẽ có nơi một cây thánh giá dù rất thô sơ. Quan tòa Ginsburg nói rõ đó là “biểu tượng nổi bật của Thiên Chúa Giáo.”

 


Quan tòa Alito trước đó đã cảnh báo không nên đưa ra một phán quyết chung cho tất cả những đài kỷ niệm có hình thánh giá, nói với luật sư đại diện những người chống lại đài kỷ niệm này: “Có nhiều đài kỷ niệm mang hình thánh giá khắp nước, nhiều đài cổ lắm rồi. Quý vị muốn triệt hạ tất cả chăng?”

 


Chính quyền Trump đã hợp với hàng chục những tổ chức của tôn giáo, đô thị và cựu chiến binh để bảo vệ đài kỷ niệm mang hình thánh giá và than phiền rằng những thông điệp hỗn tạp của tòa án đã bắt buộc phải có những cuộc tranh chấp pháp lý rìêng từng vụ một.


 

Trung Tâm Luật Pháp Thomas More, một hãng luật phi kinh doanh, chú trọng vào tự do tôn giáo, nói trong một buổi thuyết trình thân thiện với tòa án rằng mục đích của đài kỷ niệm này không phải là hỗ trợ hay cấm cản tôn giáo nhưng để “tôn vinh những người chết bằng cách dùng một biểu tượng có tính lịch sử về sự chết và sự hy sinh.”


 

“Quyết định tiêu hủy đải kỷ niệm này, một kiến trúc đã có gần một thế kỷ và không có ai than phiền gì, chỉ vì những người khởi kiện, cũng là những người chạy xe ngang qua, tự ý cho rằng họ bị xúc phạm vì cây thánh giá Latinh được dùng trên đài kỷ niệm này. Quyết định đó chứng tỏ sự hà khắc đối với tôn gíáo, nhất là Thiên Chúa Giáo, một điều hoàn toàn không phù hợp với lịch sử của đất nước này, và với mục đích và ý nghĩa của những điều khoản về tôn giáo trong Tu Chính Hiến Pháp Thứ Nhất,” buổi thuyết trình kết luận.

 

 

Vương Vũ dịch