7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG CHIA SẺ NHỮNG GIẤC MƠ CỦA NGÀI VỀ MIỀN AMAZON VÀ CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO TẠI ĐÂY

The Pope Shares His Dream for the Amazon Region, Its Catholic Community

 

Bài của Cindy Wooden/Catholic News Service. Nguyên bản tiếng Anh đăng trên báo điện tử Northwest Catholic ngày 12 tháng 2, 2020. Bài này nói về sự quan tâm đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về các nhu cầu cấp bách của những cộng đồng Công Giáo tại miền Amazon, một vùng rừng già bạt ngàn của miền châu thổ sông Amazon, nước Brazil, Nam Mỹ. Trong bài có nói đến vụ đánh cắp những bức tượng gỗ của một người đàn bà mang thai là biểu tượng của sự sống và sự màu mỡ. Những tượng này được đưa từ miền Amazon về Rome trong thời gian hội đồng các giám mục miền Amazon đang nhóm họp. Người đánh cắp thuộc nhóm bảo thủ cực đoan không tán thành đường lối cởi mở của tòa thánh.

 

VATICAN CITY – Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói ngài mơ ước về một miền Amazon trong đó quyền lợi của những người nghèo và người bản xứ được tôn trọng, văn hóa địa phương được giữ gìn, thiên nhiên được bảo vệ, và giáo hội Công Giáo được hiện diện và sinh động với những nét đặc trưng của người dân Amazon.

 

Trong lời hiệu triệu tông đồ của ngài “Querida Amazonia” (Amazonia thân ái), Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đề cập đến việc phong chức linh mục cho những người đàn ông đã kết hôn để những cộng đồng Công Giáo xa xôi hẻo lánh được rước Lễ đều đặn.

 

Thay vào đó, ngài nói mọi cố gắng phải được theo đuổi để bảo đảm cho người dân Amazon không phải thiếu thốn của ăn trường sinh này và nhiệm tích tha tội.

 

“Giáo hội được đòi hỏi phải đáp ứng một cách đích xác và can đảm” để thỏa mãn những nhu cầu của người Công Giáo, ngài nói vậy nhưng không khẳng định đáp ứng ấy như thế nào.

 

Tuy nhiên đức giáo hoàng mở đầu văn kiện này bằng cách nói ngài sẽ “chính thức trình bày” bản đúc kết  của hội đồng các giám mục miền Amazon hồi tháng 10 (năm ngoái). Bản đúc kết đòi hỏi soạn thảo những tiêu chuẩn “để truyền chức linh mục cho những người đàn ông thích hợp và được tôn kính trong cộng đồng, có một gia đình được thành lập hợp pháp và bền vững, đã từng là một thầy sáu vĩnh viễn thành công và đã được đào tạo đầy đủ để nhận chức linh mục để hỗ trợ cộng đồng Công Giáo bằng việc rao giảng lời Chúa và cử hành các nhiệm tích nơi những vùng xa xôi hẻo lánh nhất của miền Amazon.”

 

Nói về bản đúc kết, đức giáo hoàng Phanxicô viết: hội đồng giám mục “được nhờ sự khôn ngoan của nhiều người tham dự có sự hiểu biết hơn chính tôi và Toà Thánh về những khó khăn và những vấn đề của miền Amazon.”

 

Ngài nói có một giáo hội “với những nét đặc trưng của vùng Amazon” cũng đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn để rao giảng Phúc Âm, phải chính thức nhìn nhận vai trò của phụ nữ đã và đang tiếp tục đóng góp trong các cộng đồng Công Giáo của vùng này, phải tôn trọng những cung cách thờ phượng của dân gian và cố gắng nhiều hơn để hội nhập đức tin Công Giáo vào văn hóa của người dân Amazon.

 

Trong văn kiện này Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đề cập đến vụ ăn trộm những bức tượng gỗ của một người đàn bà mang thai, xảy ra trong thời gian hội đồng đang nhóm họp, mà báo chí thường gọi là ‘pachamama’ hay được mô tả bởi những vị tham gia hội đồng như là biểu tượng của sự sống và sự màu mỡ. Nhưng ngài nhấn mạnh, “Ta chớ vội mô tả như là mê tín hay đạo tà thần, một số lề lối hành đạo tự phát ngẫu nhiên từ đời sống của những sắc dân.”

 

Đức giáo hoàng dành nhiều đoạn dài để nói về đề tài “hội nhập văn hoá”, tức là tiến trình trong đó đức tin được “nhập thể” trong một nền văn hóa địa phương, nhận lấy những đặc điểm nào của địa phương phù hợp với đức tin và cho văn hóa địa phương những giá trị và đặc điểm xuất phát từ giáo hội toàn cầu.

 

Ngài nói, “có một sự nguy hiểm khi người rao giảng Phúc Âm đến một miền nào và có thể nghĩ rằng họ có nhiệm vụ không những truyền bá Phúc Âm mà còn phải truyền bá cả nền văn hoá trong đó họ sinh trưởng.”

 

Trái lại, ngài nói, “điều cần thiết là phải can đảm cởi mở đón nhận sự đổi mới của Thánh Linh, là đấng lúc nào cũng có thể sáng tạo một cái gì mới từ nguồn phong phú bất tận của Chúa Giêsu Kitô.”

 

Một trong những đặc điểm của các cộng đồng Công Giáo miền Amazon là, ngài viết, trong tình trạng thiếu linh mục, họ được lãnh đạo và nâng đỡ bởi “các phụ nữ mạnh mẽ và quảng đại, chắc chắn đã được Thánh Linh kêu gọi và thúc đẩy để làm phép rửa, dạy giáo lý, cầu nguyện và hành động như các nhà truyền giáo.”

 

Mặc dù ý tưởng phong chức phó tế cho các phụ nữ có được đề cập trong hội đồng, nhưng nó không được đưa vào bản đúc kết của các giám mục.,

 

Trong bản hiệu triệu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: có người nghĩ rằng thân trạng của phụ nữ và sự tham gia của họ vào giáo hội chỉ có thể xảy ra nếu họ được phong chức thánh, một ý nghĩ như vậy sẽ đưa tới việc giao cho họ công việc hành chánh, hạ thấp giá trị lớn lao của những gì họ đã hoàn thành và gián tiếp làm cho sự đóng góp tối cần của họ kém phần hữu hiệu.

 

Thay vào đó ngài kêu gọi trao cho phụ nữ những vai trò “không đòi hỏi phải có chức thánh,” nhưng là những chức vụ được thiết lập một cách lâu bền, được công nhận rộng rãi, và phải có “sự ủy nhiệm của đức giám mục” và có tiếng nói trong việc đưa ra những quyết định.

 

Bằng một văn từ đầy thi vị, ca ngợi vẻ đẹp của vùng này hay than thở về sự tàn phá của nó, một phần lớn văn kiện này nhìn vào sự khai thác những cộng đồng thổ dân miền Amazon và những người dân nghèo khó và sự tiêu hủy những tài nguyên thiên nhiên của nó.

 

“Miền Amazon đã được mô tả như là một khoảng trống mênh mông cần phải lấp cho đầy, một nguồn tài nguyên thiên nhiên để khai phá và một vùng hoang dã bao la phải được thuần hoá,” đức giáo hoàng viết tiếp, “Không có quan điểm nào trong số vừa kể nhìn nhận quyền lợi của những dân tộc nguyên thủy. Giản tiện lắm, cứ lờ họ đi là xong, coi như họ không có, hay hành động như là đất sống của họ không thuộc về họ nữa.”

 

Nạn phá rừng, làm ô nhiễm sông Amazon và các chi lưu của nó. Việc chia cắt và làm ô nhiễm đất đai bởi những công ty khai mỏ, ngài nói, làm cho những người nghèo lại càng nghèo thêm, làm gia tăng nguy cơ biến họ thành nạn nhân của nạn buôn lậu, và tiêu huỷ những cộng đồng và văn hóa của họ, là thứ văn hóa gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, chăm lo cho thiên nhiên.

 

“Sự thật không thể chối cãi là: cứ như hiện nay, cách người ta đối xử với miền Amazon báo hiệu ngày tàn của biết bao sinh vật, của thiên nhiên xinh đẹp, dù cho người ta cứ làm như không có gì xảy ra vậy,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết như thế.

 

Tuy vậy, ngài nói, “ta có thể học nơi những dân tộc nguyên thủy này cách chiêm ngưỡng giá trị của miền Amazon - chứ không phải chỉ phân tích nó - và bằng cách này, thấu hiểu vùng đất huyền bí này, là cái gì vượt lên trên chúng ta. Ta có thể yêu mến nó, không phải chỉ xử dụng nó, kết quả là tình yêu khơi dậy nơi ta sự quan tâm sâu xa và thành khẩn. Hơn thế nữa, ta có thể cảm thấy mình là một thành phần thân thiết của nó, chứ không phải chỉ là người bảo vệ mà thôi.

 

Vũ Vượng dịch