7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

MÙA CHAY LÀ THỜI GIAN HOÁN CẢI LÒNG TA




Lent, A Time for Personal Conversion


 

 

Bài của Đức Tổng Giám Mục Paul D. Etienne. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong nguyệt san Northwest Catholic tháng ba năm 2020.


 

Từ nhiều năm rồi, tôi nhận thấy những đám đông tham dự thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro chẳng thua gì những đám đông của ngay cả Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Có một điều gì hấp dẫn trong lời mời gọi đổi mới quan hệ của ta với Chúa, và trong tính chất thống hối của ngày lễ và mùa này, một mùa có ý nghĩa chủ yếu là lòng hoán cải.


 

Theo truyền thống, ba trụ cốt của cuộc hành trình Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và làm việc bố thí. Đây là những phương cách để canh tân tình yêu của ta với Chúa và tha nhân.


 

Lời mời gọi hoán cải lòng người không phải là một bài tập nhằm mục đích tu thân, nhưng đúng hơn, đó là sự canh tân mối quan hệ của ta với Chúa Giêsu Kitô.

 


Cầu nguyện là dành thời gian để sống với Chúa. Bố thí là cách biểu lộ cụ thể tình thương yêu cho một người khác. Ăn chay là kết hợp của cả hai việc – ăn chay là tạo thêm chỗ đứng trong lòng cho Chúa bằng cách tham gia một cách tượng trưng vào tình yêu được thể hiện bằng sự hy sinh và cứu rỗi của  Chúa Giêsu, nhờ vậy ta được thông phần vào sự đau khổ của người khác.

 


Bằng một cái nhìn đổi mới, chú tâm vào những lối sống khắc khổ này, ta rèn luyện một cách cụ thể tình yêu của ta với Chúa và những người kế cận. Đây là việc hoán cải chúng ta được kêu gọi phải làm mỗi ngày, bởi vì đời sống Kitô hữu phải phản ảnh đời sống của Chúa Giêsu Kitô.

 


Ta phải nhận định rõ ràng lời mời gọi hoán cải lòng ta không phải là một bài tập luyện có mục đích “tu thân,” nhưng đúng hơn, đó là sự đổi mới quan hệ của ta với Chúa Giêsu Kitô

 


Mùa Chay đưa ta hướng vào Chúa Giêsu, đặc biệt chú ý vào tất cả những gì ngài đã làm để chữa lành và cứu rỗi chúng ta. Trong sáu tuần này, ta được mời gọi chăm chú nhìn vào tình yêu của Chúa Giêsu khiến cho ngài đã làm quá nhiều việc vì lợi ích cho người khác. Tình ngài yêu chúng ta được bắt rễ sâu xa từ tình yêu và sự vâng phục của ngài  với Chúa Cha. Hàm ý là: ta cũng phải chú tâm nhiều hơn vào việc yêu mến và vâng phục Chúa Cha.

 


Tình yêu của Chúa Giêsu rất thực tế và cụ thể - được biểu lộ trong cách ngài đón nhận tất cả những ai đến với ngài để xin chữa lành và tha thứ, trong cách ngài giảng dạy và nhất là trong cuộc thương khó và sự chết của ngài. Hàm ý là: ta cần chú trọng nhiều hơn vào những khốn khó của kẻ khác và phải sẵn lòng trợ giúp người ta về thể chất cũng như tình cảm.

 


Khi còn nhỏ tôi thường hay than phiền  về việc này việc nọ. Mẹ tôi nói liền, “Dâng việc đó lên cho Chúa,” giúp tôi nhớ lại những đau khổ của Chúa Giêsu và kết hợp những đau khổ của tôi với những đau khổ của ngài để tham dự vào công cuộc cứu độ của ngài. Đây là ý chỉ trong việc ăn chay và bố thí.

 


Có một thứ tội ta ít khi để ý đến, đó là tội sơ xuất. Biết bao lần ta đã thiếu sót trong tình yêu? Bao nhiêu cơ hội ta đã bỏ qua mỗi ngày, những cơ hội để nghe nội tâm đánh động vào tình yêu, để hành động vì lợi ích của một người khác? Cầu nguyện và ăn chay làm ta nhạy cảm hơn đối với những rung động này của trái tim.

 


Trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều việc hy sinh nhỏ bé làm cho ta phải chán nản, chỉ biết chịu đựng cho xong. Trong mùa chay này, ta hãy nhìn vào những cây thánh giá hàng ngày đó – thánh giá trong những việc nhàm chán hay những thất vọng – coi đó như những cơ hội để thấu hiểu và tham dự vào thánh giá của Chúa Giêsu vì lợi ích của  người khác.

 


Sau cùng, sự hoán cải trong lòng sẽ giúp ta tham dự đầy đủ hơn vào đời sống trong Chúa Kitô của mình. Chớ gi mỗi người chúng ta cảm nghiệm được ân sủng đó trong mùa chay này, để ta được sẵn sàng ăn mừng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô với lòng nhiệt thành mới mẻ trong dịp lễ Phục Sinh này.

 


Vũ Vượng dịch