7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU - Linh Mục Quảng Trần, C.Ss.R.


 

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.

Cha Thầy và Thầy sẽ ĐẾN và Ở LẠI với người ấy” (Ga 14: 23)

 

Nếu ai đó có hỏi: tình yêu là gì? Thì có lẽ định nghĩa ngớ ngẩn nhưng lại đúng nhất (tautology): “tình yêu là tình yêu”. Vì lẽ, nếu ta đưa ra một thuộc tính nào đấy để diễn tả về tình yêu cũng không trọn vẹn, cũng không đong đầy. Tình yêu là một cái gì đó rất huyền nhiệm, không dễ để định nghĩa. Nhưng tình yêu là thứ hiện hữu và rất quan trọng trong đời sống. Như mọi thứ khác hiện hữu trên đời, dù là hữu hình hay vô hình, nếu muốn tình yêu lớn lên thì cần phải nuôi dưỡng nó.

 

Tin Chúa đã khó, nhưng để sống với, ở với Chúa lại càng khó hơn. Ở với Thiên Chúa là đi vào trong tương quan nhân vị với Ngài. Thiên Chúa của Kitô giáo chúng ta là một Thiên Chúa nhân vị (giữa chủ thể với chủ thể, chứ không phải giữa chủ thể và khách thể). Có tương quan qua lại, không phải một niềm tin vu vơ! Niềm tin tôn giáo mời gọi đi vào tương quan nhân vị, khác niềm tin của một tín ngưỡng là thế. Đi vào trong tương quan với Thiên Chúa để ở trong tình yêu của Ngài. Ở trong tình yêu Thiên Chúa là giữ các giới răn của Ngài. Ai không giữ các giới răn của Thiên Chúa thì không thể bảo là mình đang yêu Ngài được. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ ĐẾN và Ở LẠI với người ấy” (Ga 14: 23).

 

Tình yêu giữa người với người cũng thế. Nếu yêu nhau không giữ những liên hệ với nhau thì e rằng đó không phải là tình yêu thật. Người ta thường nói: quen nhau thì dễ, nhưng Ở VỚI nhau mới khó. Nhưng yêu nhau thì muốn và phải ở với nhau thì đó mới là tình yêu. Ở với nhau thì phải vun đắp, tuân giữ những điều làm cho tình yêu lớn lên.

 

Chuyện kể rằng: Vào buổi trưa mùa hè nắng nóng nọ, sau khi làm những việc nặng nhọc, nắng nôi ở ngoài về, trời nóng quá đến nỗi đầu chảy đầy mồ hôi, mở tủ lạnh ra xem, không ngờ bên trong có đĩa trái cây cắt sẵn mát lạnh. Tôi mừng rỡ,lấy ra ăn không chừa lại một miếng nào.

 

Lúc này vợ tôi cũng trở về, vừa đi vào cửa nhà nàng vừa than: “Chết khát mất, trời sao nóng thế! Chết mất!” Và nàng đến mở tủ lạnh ra…

 

Tôi bảo với vợ là đĩa trái cây tôi ăn rồi, nét mặt nàng thoáng một chút không vui, vội vã cầm ly đi rót nước uống, vừa nhấc ấm nước lên, bên trong cũng không còn một giọt nào.

 

Thế là nàng gắt lên: “Anh cũng không biết đun lấy một chút nước, về nhà lâu như thế làm gì?”

 

Tôi cũng giận dữ: “Sao cái gì cũng đều là tại anh thế?” Vì chuyện này mà hai chúng tôi chiến tranh lạnh.

 

Thứ bảy, tôi về nhà bố mẹ tôi một mình. Thấy tôi họ liền hỏi: “Sao cả tuần nay bố mẹ không thấy vợ con đâu?” Tôi đem câu chuyện kể cho họ nghe. Mẹ tôi nghe xong liền trách: con chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không để ý đến người khác.

 

Tôi phản lại: Chỉ là ăn hết mấy miếng trái cây, có cái gì ghê gớm đâu!

 

Bố tôi vừa cười vừa nói: Con không nên biện bạch nữa, ngày mai Chúa Nhật, cả hai đứa cùng tới đây và ở lại ăn trưa nhé!

 

Ngày hôm sau, tôi cùng vợ về lại nhà bố mẹ tôi. Vừa bước vào cửa, bố tôi liền sai tôi đi mua dấm chua, đợi đến lúc tôi mua trở về, bố tôi nói vợ tôi đã ra ngoài rồi, nói xong ông bê ra một nửa trái dưa hấu, rồi nói: “Nhìn con nóng quá đầu chảy đầy mồ hôi kìa, mau ăn miếng dưa hấu giải khát đi.”

 

Nửa trái dưa hấu chừng bốn năm kg, ông đưa cho tôi một cái thìa: “Ăn không hết thì để phần thừa còn lại cho vợ con về ăn”, tôi cầm lấy cái thìa rồi ăn lấy ăn để, ăn chưa đến một nửa, bụng đã căng lên rồi.

 

Lúc cả nhà ăn cơm, bố tôi mang ra hai nửa dưa hấu đặt lên bàn rồi hỏi tôi: “Con xem xem chúng có gì khác nhau?”

 

Tôi cẩn thận nhìn đi nhìn lại, một nửa là tôi vừa mới ăn, một nửa còn lại cũng đã được ăn, nhìn một lúc lâu, tôi không hiểu ý nên đành phải lắc đầu.

 

Bố tôi chỉ vào hai nửa trái dưa hấu nói: “Một nửa này là con ăn, còn nửa kia là vợ con ăn, bố đều nói cho cả hai đứa:“nếu như ăn không hết, thì để phần thừa còn lại cho người kia ăn”.

 

Nhìn vợ con ăn như thế nào? Dùng thìa xúc từ bên cạnh rồi vào phía bên trong, ăn hết một nửa, nửa còn lại để nguyên không động tới.

 

Nhìn miếng của con xem, bắt đầu xúc từ chính giữa, ăn hết phần thịt ở chính giữa, để phần bên cạnh cho người khác ăn, người nào mà chẳng biết phần thịt ở chính giữa ngọt chứ? Từ việc nhỏ này mà xét thì thấy vợ của con có tấm lòng hơn con nhiều.”

 

Bố tôi tâm sự: “Cả một đời của hai người, liệu có thể có bao nhiêu việc to tát?

 

Tình cảm vợ chồng thể hiện ở chỗ nào? Là thể hiện ở một giọt dầu, một thìa cơm, một chén canh trong cuộc sống hàng ngày.

 

Lần trước vì việc ăn hết đĩa trái cây mà con cãi nhau với vợ, lại còn bao biện hót như khướu. Rõ ràng là con không đúng!Nếu đổi lại, vợ con về nhà trước, nhất định nó sẽ để phần cho con một nửa. Suy ngẫm xem, nếu vợ con cũng giống như con, làm mọi việc đều không nghĩ đến con nữa, lâu dần, con sẽ thấy thế nào?

 

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết “Trời đất trường cửu. Trời đất sở dĩ trường cửu được là bởi không sống riêng cho mình, nên mới đặng trường sinh. Vì vậy Thánh nhân để thân ra sau, nên thân mới được ở trước. Để thân ra ngoài, nên thân mới còn. Phải chăng vì không tự tư (vì mình), mà thành được việc riêng tư?”

 

Mới đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng chia sẻ: “Các dòng sông không uống nước của chính nó. Các cây cối không ăn hoa trái của chính nó. Mặt trời không chiếu sáng cho chính nó. Các loài hoa không ngát hương cho chính nó. Sống cho tha nhân là một quy luật của tự nhiên. Chúng ta tất cả được sinh ra là để giúp đỡ người khác. Bất kể cuộc sống có khó khăn thế nào đi nữa. Cuộc đời đẹp khi bạn sống hạnh phúc, nhưng tốt đẹp hơn nhiều khi bạn là lý do để người khác hạnh phúc.”

 

Đó là lý do giải thích vì sao con người không nên sống chỉ bo bo cho mình!

 

Khi nghe bố tôi khuyên nhủ, tôi hổ thẹn vô cùng, tôi vội vàng bưng chén canh đã nguội đưa cho vợ: “Cái này không còn nóng nữa rồi, em ăn trước đi!”

 

Vợ tôi cười: “Anh chỉ giả bộ một chút trước mặt bố mẹ thôi!”

 

Bố tôi cười và nói: “Có thể hạ quyết tâm giả bộ như thế cả đời thì là người chồng tốt rồi.”

 

(CÂU CHUYỆN đã được chỉnh sửa, thêm bớt bởi Quảng Trần CSsR)

 

Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Tình yêu phải được thể hiện qua lại giữa đôi bên với nhau. Nếu thương yêu nhau thì hãy cảm thông với những người mình thương yêu. Đừng cho rằng mọi chuyện là họ cố tình gây sự với mình, mà hãy suy ngẫm tìm sai sót của bản thân mình. Tôi có đang đòi hỏi quá từ những người tôi thương yêu không? Đâu là điều tôi cần điều chỉnh ngay để bớt tổn thương những người thân yêu?

 

Linh Mục Quảng Trần, C.Ss.R.