7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

TẠI SAO TA KHÔNG ĐƯỢC LÀM ĐIỀU XẤU DÙ NHỜ ĐÓ MÔT CÁI GÌ TỐT CÓ THỂ ĐẾN


 

Why we can’t do evil even if good may come


 

Bài của Đức Giám Mục Robert Barron, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, viết ngày 5 tháng năm, 2020. Nguyên bản tiếng Anh đăng trong mạng điện tử Word on Fire của ngài, trong những ngày đang nổ ra những cuộc biểu tình bạo loạn khắp nước, mặc dù vấn đề này không được đề cập một cách trực tiếp.

 


Có một đoạn làm cho người ta thắc mắc và thích thú trong chương 3, của lá thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Thành Roma, có vẻ như đã được viết ra một cách tình cờ trong dòng văn của lá thư này, nhưng đã tỏ ra là một viên đá tảng của thần học luân lý Công Giáo trong hai ngàn năm qua. Trả lời cho một số người chỉ trích ông, Thánh Phaolô nói, “Tại sao không nói ‘Ta hãy làm điều xấu để có được cái gì tốt’ (như một số người nói xấu rằng chúng tôi đã nói vậy.) Họ đáng bị kết án” (Rom. 3:8)! Người ta có thể diễn giải câu nói hơi vòng vo của Phaolô như sau: ta không bao giờ được làm điều xấu để có được cái gì tốt đẹp.

 

Có những người thật sự xấu xa, lấy làm vui sướng khi làm điều ác, chỉ vì thích điều ác. Nhà hiền triết (Hy Lạp cổ đại) Aristotle gọi chúng là độc ác, hay “giống như súc vật”, trong những trường hợp độc ác cực độ. Nhưng hầu hết chúng ta khi làm điều xấu đều có thể biện minh cho việc làm của mình bằng cách hứa hẹn một kết quả tốt đẹp mà ta hy vọng việc làm của mình có thể đạt được. Tôi có thể tự nhủ: “Thật sự tôi không hãnh diện vì điều tôi đã làm, nhưng ít nhất nó cũng đem lại một vài kết quả tốt.” Nhưng theo sự gợi ý của Thánh Phaolô, giáo hội luôn luôn chau mày trước kiểu suy nghĩ như vậy, chính vì nó mở cửa cho luân thường điên đảo. Lại nữa, giáo hội nhìn nhận một số hành động – như giữ nô lệ, ngoại tình. lạm dụng tình dục trẻ em, trực tiếp giết  người vô tội v.v… - là độc ác tự bản chất, nghĩa là không thể biện minh bằng cách viện dẫn ra những động lực, những trường hợp giảm khinh, hay những kết quả (đạt được). Quá đủ, quá rõ rồi.


 

Nhưng mới đây nguyên tắc này lại xảy đến trong tâm trí tôi, không có liên quan nhiều đến những hành động luân lý của những cá nhân, nhưng liên quan đến những giả định về luân lý dường như đã hướng dẫn phần lớn xã hội chúng ta. Tôi có thể nêu lên cái biến chuyển long trời lở đất trong vụ án O.J Simpson năm 1995. Tôi nghĩ phải nói một cách công bằng rằng đại đa số những người trọng lẽ phải đều đồng ý rằng Simpson đã phạm những tội ghê gớm mà anh ta bị tố cáo, vậy mà anh ta đã được tha bổng bởi một bồi thẩm đoàn gồm những người tương tự như anh và quyết định ấy được nồng nhiệt ủng hộ bời những thành phần to lớn trong xã hội. Ta có thể lý giải sự bất thường này như thế nào? Trong tâm trí của nhiều người, việc gỡ tội cho Simpson được biện minh vì người ta coi đó là một cách để góp phần giải quyết một tệ nạn xã hội ghê gớm. Đó là nạn kỳ thị chủng tộc và sự bách hại những người Mỹ gốc Phi Châu, bởi sở cảnh sát Los Angeles nói riêng và các nhân viên cảnh sát khắp nước nói chung. Cho một người có tội được tự do và để cho tình trạng bất công to lớn tiếp tục không được giải quyết, là cái gì ít nhất cũng có thể chấp nhận được, bởi vì điều đó có vẻ như đem đến một cái gì tốt hơn.


 

Tư duy pháp lý của chúng ta, đã bị biến đổi bởi vụ án O.J Simpson lại được biểu lộ trắng trợn trong vụ án đáng buồn của Hồng Y George Pell. Một lần nữa, dựa vào tính không đáng tin cậy chút nào của những lời cáo buộc và sự hoàn toàn thiếu những bằng chứng hỗ trợ, những người trọng lẽ phải không thể nào không kết luận rằng Hồng Y Pell đúng ra không thể bị đem ra xét xử, lại càng không thể bị kết tội. Vậy mà Hồng Y Pell đã bị kết án và phải ngồi tù. Rồi một tòa phúc thẩm đã xác quyết bản án ban đầu. Làm sao ta có thể lý giải sự thiếu hiểu biết này? Nhiều người trong xã hội của nước Úc (Australia) đã nổi giận một cách chính đáng vì nạn lạm dụng trẻ em bởi các linh mục, và sự bao che tiếp theo đó của một số người trong giáo quyền, họ cảm thấy bỏ tù Hồng Y Pell sẽ giải quyết được phần nào vấn đề này.


 

Cùng một vấn đề như thế được phơi bày rõ ràng  liên quan đến nạn tấn công tình dục phụ nữ. Sau vụ Harvey Weinstein và phong trào #MeToo tiếp theo đó, không có người nghiêm chỉnh nào nghi ngờ rằng có nhiều phụ nữ đã bị ngược đãi một cách vô lương tri bởi những người đàn ông quyền thế và sự lạm dụng này là một cái ung bướu trên bộ máy chính trị. Do đó để giải quyết được vấn đề này một cách tốt đẹp, nhiều người đàn ông đã bị tố cáo. Để chứng tỏ rằng tôi không có thâm ý gì về chính trị ở đây, tôi xin lưu ý đến cách người ta đối xử với ông thẩm phán toà án tối cao Brett Kanavaugh, và trong những ngày mới đây, phó tổng thống Joe Biden. Kiểu suy nghĩ này có vẻ như là: để chấn chỉnh một tệ nạn chung, người ta có thể biện minh cho việc làm vô trách nhiệm về luân lý trong những trường hợp cá biệt.


 

Sự lan tràn của xu hướng luân lý đề cao kết quả trong xã hội chúng ta là điều cực kỳ nguy hiểm, vì khi ta nghĩ rằng có thể làm điều ác để đạt được điều tốt  là chúng ta đã quyết liệt cả quyết không có những hành động nào là độc ác tự bản chất, và khi ta làm thế, nền tảng trí tuệ của hệ thống luân lý của ta phải tự động nhường bước. Rồi những cơn cuồng nộ xảy ra. Một thí dụ hữu ích của nguyên tắc này là thời kỳ Khủng Khiếp (the Terror) tiếp theo cuộc cách mạng ở nước Pháp (1789). Vì chắc chắn đã có những bất công ghê gớm mà người nghèo phải gánh chịu bởi giai cấp quý tộc tại nước Pháp thế kỷ mười tám, bất cứ ai bị cho là kẻ thù của cách mạng đều phải lôi lên máy chém. không phân biệt gì cả. Nếu có những người vô tội phải chết bên cạnh kẻ có tội, thì cũng được chứ – vì làm vậy giúp người ta xây dựng một xã hội mới. Tôi tin người ta không phóng đại khi nói rằng xã hội Tây Phương chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc đảo lộn về luân lý mà thuyết đề cao kết quả rất nguy hiểm của thời đại đó đã đem lại cho chúng ta.

 


Cho nên, ngay cả khi chúng ta đang tranh đấu một cách chính đáng, chống lại những tệ nạn xã hội to lớn của thời đại này, ta phải nhớ quyên tắc đơn giản và sắc bén của Thánh Phaolô: không bao giờ làm điều ác để nhờ đó mà có được điều tốt.


 

Vũ Vượng dịch