7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI: LỄ GIÁNG SINH LÀ THỜI GIAN ĐỂ CHIA SẼ, KHÔNG PHẢI ĐỂ LÀM THƯƠNG MẠI

A figurine of the baby Jesus is seen as Pope Francis leads an audience in the Paul VI hall at the Vatican Dec. 10, 2021, with delegations from Italy and Peru who donated the Christmas tree and Nativity scene displayed in St. Peter's Square. (CNS photo/Vatican Media)

 


Christmas is time for sharing, not commercialism, Pope says



Trong khi giáo hội khắp nơi đang tấp nập chuẩn bị đón mừng Chúa Hài Đồng trong hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch thì tại giáo đô Vatican người ta cũng đang tổ chức mừng Noel trong một khung cảnh đơn sơ nhưng mang một ý nghĩa hiệp nhất đặc biệt.


Nguyên bản tiếng Anh của Junno Arocho Esteves/CNS được đăng lại trên báo điện tử của tổng giáo phận Seattle.

 

VATICAN CITY – Cây Giáng Sinh và cảnh Chúa nằm trong máng cỏ phải gợi ra niềm vui và sự bình an của tình yêu Thiên Chúa, chứ không phải chiều theo xu hướng mua bán ích kỷ  và lòng thờ ơ lãnh đạm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế.


Vào  ngày 10 tháng 12, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ hai phái đoàn, một phái đoàn đến từ Andalo, thuộc vùng Trentino-South Tyrol của nước Ý, có nhiệm vụ dựng cây Noel, và phái đoàn kia đến từ vùng Huancavelica, nước Peru, Nam Mỹ, có nhiệm vụ dựng cảnh hang Belem tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Ngài nói những biễu tượng cổ truyền của Lễ Giáng Sinh đem lại một bầu không khí “dồi dào tình thân ái, tinh thần chia sẻ và cảnh gia đình đoàn tụ”.


“Ta đừng sống với một Lễ Giáng Sinh giả tạo nặng về thương mại! Ta hãy để cho mình được bao bọc trong tinh thần gần gũi với Chúa, trong bầu không khí Giáng Sinh mà nghệ thuật, âm nhạc, những bài thánh ca và các truyền thống đem vào tim ta.”


Hai phái đoàn này có mặt tại Vatican để tham dự nghi lễ thắp sáng Cây Giáng Sinh Vatican và mở màn cảnh hang Belem vào buổi chiều. Tuy nhiên Vatican đã loan báo trước đó vì thời tiết dự báo không được thuận lợi vào buổi chiều, nên các nghi lễ cổ truyền ngoài trời sẽ được cử hành trong sảnh đường Thánh Phaolô VI.


Chiều hôm ấy, mặc dù trời mưa lạnh, có mấy chục người tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô để chứng kiến lễ thắp sáng cây Giáng Sinh. Trong sảnh đường tiếp tân, âm thanh của âm nhạc lễ hội bằng tiếng Quechua vang lên, trong khi những video của ban thánh ca nhi đồng của miền Huancavelica được trình chiếu  để đón mừng cảnh hang Belem được tạo dựng theo cảm hứng của người dân Andean.


Đức Tổng Giám Mục Hernando Vérgez Alzaga, chủ tịch ủy ban chấp chính nhà nước Vatican, cũng đón chào hai phái đoàn đến từ miền bắc nước Ý và nước Peru, nói rằng sự đóng góp của họ là một biểu tượng cho thấy “Châu Âu và Châu Mỹ hợp nhất lại để tôn vinh Vì Vua của các Vua.”


Cảnh hang Belem tại quảng trường Thánh Phêrô gồm có 30 bức tượng mô tả mẹ Maria, Thánh Giuse, ba Vua, các mục đồng, hoa cỏ và muông thú đặc biệt của vùng Huancavelica. Các bức tượng mặc trang phục cổ truyền nhiều màu sắc óng ánh của dân bản xứ Chopcca. 


Đứng bên cạnh cảnh hang Belem theo kiểu Andean, là một cây Noel cao 90 bộ (90-foot). Loại cây trường xuân này lấy từ miền núi Dolomite, một khu rừng được bảo tồn theo kế hoạch của vùng Trentino-South Tyrol ở miền bắc nước Ý. Những đồ trang trí bằng gỗ hình tròn cũng đến từ Trentino.


Trong buổi gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Phanxico, cũng có sự tham dự của một đoàn thanh niên nam nữ đến từ một giáo xứ ở Padua, nhóm này đã tạo dựng cảnh hang Belem được trưng bày trong sảnh đường tiếp tân.


Bày tỏ lòng biết ơn của ngài với các phái đoàn về những món quà của họ, đức giáo hoàng nói các sắc phục cổ truyền của các pho tượng trong cảnh hang Belem “tiêu biểu cho dân tộc miền núi Andes và là biễu tượng ơn gọi cứu rỗi cho toàn thế giới”.


Ngài nói, “Chúa Giêsu đã đến thế gian trong hoàn cảnh cụ thể của một dân tộc để cứu chuộc mọi người nam nữ của mọi quốc gia, mọi nền văn hóa.”


Ngài cũng nói cây trường xuân này là “dấu chỉ của Chúa Kitô” và một lời nhắc nhở về món quà của Chúa, kết hợp “chính ngài với nhân loại cho đến muôn đời.”


Khi Lễ Giáng Sinh tưng bừng đang tới gần, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế, máng cỏ là một biểu tượng của hy vọng rằng Chúa “không bao giờ nản chí vì chúng ta” và ngài đã chọn cư ngụ giữa mọi người nam nữ  “không phải như một ai đứng trên cao để thống trị, nhưng như một người hạ mình xuống, nhỏ bé và nghèo hèn, để phục vụ.”


Vũ Vượng dịch