7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

ĐỨC GIÁO HOÀNG NÓI VÀO NGÀY LỄ HIỂN LINH: CHÚA GIÊSU LÀ VÌ SAO ĐƯA TA TỚI NIỀM VUI

Pope Francis burns incense as he venerates a figurine of the baby Jesus during Mass for the feast of Epiphany in St. Peter's Basilica at the Vatican Jan. 6, 2022. (CNS photo/Yara Nardi, Reuters)


Jesus is star guiding people to joy, pope says on Epiphany


BY JUNNO AROCHO ESTEVES, CATHOLIC NEWS SERVICE

JAN 6, 2022US/WORLD

 

Nguyên bản tiếng Anh được đăng lại trong báo điện tử Northwest Catholic của Tổng Giáo Phận Seattle.

 

Cũng như Ba Vua đã được hướng dẫn bởi một vì sao sáng, các Kito hữu có thể vững tin rằng ánh sáng Chúa Kito sẽ đưa họ tới một cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa, Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói thế vào ngày Lễ Hiển Linh.

 

“Ba Vua dạy cho ta biết ta phải khởi hành lại mỗi ngày, trong đời sống và trong đức tin, vì đức tin không phải là một bộ áo giáp bọc quanh ta; trái lại đó là một cuộc hành trình hào hứng, một sự chuyển động trường kỳ không ngừng nghỉ, luôn luôn đi tìm Thiên Chúa,” đức giáo hoàng nói vậy.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxico cử hành thánh lễ trong ngày lễ này tại vương cung thánh đường Thánh Phêro ngày sáu tháng giêng.

 

Theo một tục lệ cổ truyền, sau khi công bố bài Phúc Âm, một thầy sáu xướng lên lời loan báo  ngày Lễ Phục Sinh năm 2022 ( 17 tháng 4) và các ngày lễ khác trên lịch của giáo hội được tính ra dựa vào ngày Lễ Phục Sinh.

 

Sau khi cử hành thánh lễ, đức giáo hoàng chủ trì buổi đọc kinh truyền tin với đoàn khách viếng thăm tại Quảng Trường Thánh Phêro.

 

Trong bài nói chuyện sau Kinh Truyền Tin, đức giáo hoàng nói rằng trong khi sấp mình thờ lạy  hài nhi Giêsu, ba vị vua khiêm nhường cho thấy sự giàu có thật sự của các ngài không phải ở chỗ nổi tiếng và thành công, nhưng ở chỗ ý thức được họ cần đến ơn cứu độ.

 

Giống như Ba Vua, người Kito hữu cũng phải theo gương khiêm nhường của các ngài. Trái lại, nếu ta luôn đặt mình vào trung tâm của mọi việc trong những ý nghĩ của ta, và nếu ta làm như có một cái gì để khoe khoang trước mặt Chúa, ta sẽ không bao giờ gặp được ngài một cách hoàn toàn, làm sao có thể thờ lạy ngài.”

  

Nếu ta không dẹp bỏ thói kỳ vọng, hão huyền, ương ngạnh, bon chen thì không sao tránh khỏi tôn thờ một người nào, hay một cái gì trong đời sống, chứ không phải Chúa,” đức giáo hoàng nói thế.

 

Trước đó, trong bài giảng của thánh lễ, đức giáo hoàng suy niệm về cuộc hành trình của Ba Vua đến Jerusalem. Mặc dù có nhiều lý do để họ không  lên đường “nhưng dù đã đạt được kiến thức và giàu sang, ba người ấy không chịu ngồi yên,” vì câu hỏi đấng Thiên Sai sinh ra ở đâu.

“Họ không để cho trái tim rút vào những hang động u tối và thái độ thờ ơ; họ khao khát được thấy ánh sáng,” đức giáo hoàng lại nói tiếp, “Họ không bằng lòng lê bước  trên đường đời, nhưng khao khát những chân trời mới vĩ đại hơn. Mắt họ không chăm chú vào thế gian, nhưng là những cửa sổ mở vào nước thiên đàng.” Tinh thần “khắc khoải lành mạnh” này hướng dẫn họ trên đường đi, đức giáo hoàng giải thích,  phát sinh từ một ước muốn đi tìm một cái gì vĩ đại hơn chính họ hay của cải của họ.

 

Người Kito hữu cũng phải đi trên hành trình đức tin giống như Ba Vua, nó đòi hỏi một ý muốn và lòng nhiệt thành sâu xa” Và họ phải tự hỏi phải chăng đức tin của họ đã bị ngưng đọng thành một kiểu giữ đạo theo quy ước, có tính cách hình thức bề ngoài, một kiểu tôn giáo  không còn sưởi ấm được lòng ta và thay đổi đời ta.” Ngài nói vậy. “Những lời lẽ và nghi thức phụng vụ của ta có khơi dậy trong lòng người một ý muốn đến cùng Chúa hay đó chỉ là một thứ ngôn ngữ đã chết chỉ nói với chính nó về chính nó? Ngài hỏi vậy.  Thật đáng buồn khi một cộng đồng đức tin hết ý muốn và chỉ lo cho việc bảo tồn là được rồi, không cần phải làm cho chính mình hứng khởi bởi Chúa Giêsu và bởi niềm vui sôi động của Phúc Âm.”

 

Đi từ những nhận xét được chuẩn bị trước, đức giáo hoàng nói cũng đáng buồn khi một linh mục hay giám mục khép kín, không tiếp nhận ý muốn đi tìm Chúa, thậm chí còn sa vào “lề lối hành xử cố định”.

 

Ngài nói thêm rằng cuộc khủng hoảng về đức tin trong đời sống và trong xã hội hiện thời “liên quan đến một thứ sa sút tinh thần, liên quan đến thói quen bằng lòng với cách sống ngày qua ngày, không cần hỏi Chúa muốn gì nơi ta”.

 

Và ngài nói rằng người Kito hữu  không thể để cho mình được ngồi yên trước những câu hỏi của con cái chúng ta, và trước những nghi ngờ, hy vọng và ước muốn của những người nam nữ trong thời đại chúng ta.”

 

Ngài nói cuộc hành trình của họ cũng phản chiếu kế hoạch đồng hành của các giám mục sắp tới, đó cũng là thời gian lắng nghe “để Thánh Thần có thể gợi ý cho ta về những phương thế và đường lối để đưa Phúc Âm vào trái tim những kẻ còn xa cách, hờ hững hay mất hy vọng, tuy vậy vẫn còn muốn tìm kiếm điều mà Ba Vua đã tìm thấy: ‘một niềm vui vĩ đại’”

 

Cuộc hành trình của Ba Vua kết thúc với việc thờ lạy Chúa Giêsu hài đồng, đức giáo hoàng lưu ý như vậy.  “Quả thật tim ta thành ra khô héo  khi nào những ước muốn của ta chỉ trùng hợp với những nhu cầu của ta mà thôi. Trái lại, Chúa nâng cao ước muốn của ta; ngài thanh tẩy những ước muốn ấy, chữa lành tính ích kỷ, mở lòng ta đón nhận tình yêu Chúa và tha nhân. Do đó ta không bao giờ được lơ là việc thờ phượng: ta hãy dành thì giờ chầu Thánh Thể và để cho ta được Chúa Giêsu biến cải.” Ngài kết luận.

 

Vũ Vượng dịch