7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
Phone #: (253) 475-6335


n

Trường Việt Ngữ và Ngày Hiền Phụ



Những bài viết về người Cha yêu dấu của các em học sinh và thầy cô giáo Trường Việt Ngữ Phaolô Lê Bảo Tịnh

 

Ba và Con

 

Con đến nước Mỹ khi con còn rất nhỏ. Mười ba năm đầu trong cuộc sống của con chỉ có ba và con. Lúc đó con không thể nói gia đình mình là hoàn hảo nhất nhưng ba và con vẫn sống thật tốt. Ba luôn mang con theo mỗi khi ba đi mua sắm, đi ăn tiệc hay đi chơi. Khi lớn lên nhìn lại con thấy con thật là có phước. Bây giờ nhìn lại con có thể thấy là ba đã rất khó khăn để chăm sóc cho con. 

 

Nếu được chọn một từ để diễn tả ba của con, từ đó là “chăm chỉ”. Mỗi ngày ba dậy trước khi mặt trời lên để đi làm và về nhà trễ. Mỗi ngày ba chỉ ngủ có 6 tiếng. Nhiều lần con thấy ba rất mệt nhưng ba vẫn cố gắng cười. Ba luôn cố gắng về nhà ăn cơm với mẹ và con mỗi tối và cắt cỏ cho mẹ vui. Vì ba luôn nghĩ về gia đình trước hết nên con biết con phải làm tròn vai trò một người con tốt. Con luôn chịu khó học hành và giúp ba làm các công việc quanh nhà. Như ba, con muốn trở thành một người chăm chỉ.

 

Ba ít khi la mắng con. Khi con làm việc gì sai, ba dạy cho và hướng dẫn con, không bao giờ la con. Con biết là ba yêu con lắm và ba thương gia đình mình rất nhiều. Con không thể nào đòi hỏi có được một người cha tốt hơn ba được vì ba đã yêu thương con vô điều kiện.

 

Nguyễn Tuấn Kiệt

Tacoma, tháng Sáu 2014

 

 

Bố Thương Của Con

Trên đời này, bố mẹ là người thương mình nhất, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó. Đối với con, bố con là người anh hùng của con.

 

Năm 1997, trước khi mẹ sinh con ra, bố con bị tàn tật nên phải ngồi trên xe lăn suốt đời. Ngay cả bố con không thể đi bộ và chở con đi trên xe, bố cũng lo lắng cho con theo một cách khác. Hạnh phúc của con là ngồi trong lòng bố và treo mền lên cây gậy của bố vì bố không thể chui qua dưới lều của con ở dưới sàn khi con chơi trò chơi với bố. Hạnh phúc là làm cho bố bánh mì cá tuna hay ăn thịt bò steak của bố. Hạnh phúc là đẩy bố đi tới cửa hàng bán thực phẩm vào mùa hè, hay là nghe bố hát bài "Chân Quê" của ca sĩ Vũ Khanh. Ngay cả con không thể chạy và chơi với bố ở ngoài sân hay đu trên vai bố, con tìm hạnh phúc của con vào những điều nhỏ hơn.

 

Mỗi sáng, trước khi mẹ chở con đi học, bố luôn luôn bảo con “Bố thương con nhiều”, nhưng tại vì con mắc cở, con chỉ nói “Me too”. Con cũng thường đi với bố tới bác sĩ trên xe Shuttle, nhưng khi hai bố con đợi xe tới, con cứ mãi mê đọc sách. Bây giờ con mới hối tiếc, con đã không nói chuyện với bố nhiều hơn. Mỗi lần bố đi ra khỏi nhà, bố thường mặc quần thể thao, vì quần đó dễ mặc nhất. Con nhớ, khi con còn nhỏ, con nói đùa và dặn bố không nên mặc quần như vậy đến đám cưới của con, nhưng con không nhận ra rằng bố sẽ không dắt con tới bàn thờ vào ngày cưới của con.

 

Có nhiều điều con không thể hiểu hết được vì con còn quá nhỏ, nhưng có một điều bố dặn con mà con sẽ nhớ hoài: “Học vấn của con là chìa khóa cho mọi cánh cửa”. Bố luôn luôn dặn con phải học hành vì bố không muốn con phải làm việc cực khổ như bố. Vì điều đó con mới siêng năng chăm chỉ học hành mỗi ngày. Con muốn trở thành một người mà bố có thể tự hào. Con biết bố sẽ luôn ở bên cạnh con, mặc dù bố đã không còn nữa. Con phải cần cù để làm ước mơ của bố trở thành sự thật. Con biết bây giờ con còn quá nhỏ, nhưng con vẫn muốn nói con thương bố nhiều và con sẽ làm bố được hãnh diện.

 

Trần Ái Vi

Tacoma, tháng Sáu 2014

 

 

Công Cha Tựa Núi Thái Sơn

 

Vâng, núi Thái Sơn thì cao và lớn lắm, nhưng với công ơn của cha con xin được gom tất cả những ngọn núi trên trần gian lại ví bằng công lao của cha đối với chị em con.

 

Ngày mẹ con qua đời, thì em con mới 10 tháng tuổi, chị con 6 tuổi, và con 3 tuổi rưỡi, nhưng may thay cô con mới lập gia đình nên có thời gian giúp đỡ cha con mình ít năm, đến khi cô con có em bé thì em My nhà mình cũng đến tuổi vào trường. Tuy thế cha con mình cũng phải vất vả vài năm cha nhỉ. Lúc ấy cha có biệt danh “anh trứng luộc” cô con gọi thế đó, vì thứ Hai “trứng gà luộc”, thứ Ba “luộc trứng gà”, thứ Tư “hột vịt luộc”, thứ Năm “luộc hột vịt”, thứ Sáu “rau luộc”, và thứ Bảy – Chúa Nhật thì bổ sung thịt bò, cá, tôm tép, thịt heo bằng những món ăn ở tiệm như: phở bò, bún bò Huế, bánh bèo, bánh xèo, bún thịt nướng v.v… Có lần cha nói: “Cha xin lỗi các con nhé, cha không khéo bằng mẹ nên các con đã phải ăn uống thất thường như vậy.” Nhưng không cha ơi! Chị em con yêu cha nhiều…

 

Bà ngoại thấy nhà trống vắng, cần một người đàn bà để phụ trông nom với cha, cha đã trả lời rằng: “Con cám ơn mẹ đã quan tâm, nhưng con cảm thấy rất hạnh phúc được thay nhà con mà chăm sóc các cháu.”  Để sau này khi lớn lên, con đủ nhận thức mà hiểu rằng: Vì thương yêu chúng con, cha đã hy sinh cuộc đời để bảo vệ, và không muốn có sự lựa chọn giữa chị em con với người đàn bà, mà ta gọi là “kế mẫu” (nhưng con nói nhỏ cha nghe, “Người Mẹ Ghẻ Độc Nhứt” của Ngô Thúy Bảo Vy do cô Trang trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh chia sẻ, thì biết đâu lúc ấy cha đã thay đổi cách nghĩ). Khi mẹ mất, cha còn trẻ lắm mới 31 tuổi thôi. Có lần chị con hỏi đùa: “Trái tim mùa Đông của cha đóng băng chặt quá, không tan nổi, dù với sức nóng bỏng của những bóng hồng.”  Cha đáp: “Trái tim của cha, cũng như bao người con ạ.  Cũng rộn ràng, cũng thổn thức, tuy nó chỉ lớn bằng nắm tay của chính mình nhưng nó có nhiều ngăn, ngăn của mẹ và các con lớn hơn, nên đánh thắng được các ngăn khác đó mà.” Cha kể: “Ngày đó, cha được mẹ chọn vì cha đẹp trai nhất xóm đấy, hơn nữa tệ như anh chàng Chí Phèo, vậy mà cũng còn có Thị Nở đó các con.” rồi cha cũng cười xòa.

 

Với sự hy sinh to lớn đó, Cha ơi! Chúng con yêu cha nhiều lắm….

 

Tuy yêu thương chúng con nhiều, nhưng cha rất nghiêm khắc trong dạy dỗ, cha thường nhắc: “Con ơi!! Ngày con sinh ra đời, mọi người vui mừng chào đón con, thì tại sao con lại khóc? Con hãy sống thế nào, để sau này, lúc con nhắm mắt lìa đời, mọi người khóc lóc, tiếc thương thì con lại mỉm cười mãn nguyện ra đi.”

 

Cách giáo dục của cha không giống những gia đình khác, cha đã không dùng đòn roi để sửa thói hư, tật xấu của chúng con, mà là chép phạt những câu ca dao, cách ngôn viết nhiều lần trên giấy (tùy theo tội nặng, nhẹ) 50 lần, 100 lần, 200 lần và hơn thế nữa, vì thế nên chữ viết của chị em con khá rõ ràng và dễ coi. Nhưng con sợ nhất là ánh mắt của cha, nó đã làm lòng con chùng xuống trong hối hận, và nhìn con đăm đăm khi con sắp làm một điều gì sai trái. Có lần chúng con dối cha, đi học giáo lý nhưng ghé tiệm bánh kẹo của bác Hữu, để bỏ kẹo đậu phộng vào bao, thù lao là những miếng kẹo vỡ. Khi thấy cha về, chúng con sợ, chạy về gấp không dám lấy kẹo, bác Hữu tưởng chúng con bỏ quên nên đem sang. Gặp cha, thật là đại họa, chúng con tưởng thế nào cũng bị trận đòn rất đau, nhưng sau bữa cơm chiều, cha gọi chị em con vào phòng đọc sách mà bảo: “Cha biết hôm nay các con đã dối cha, tuy đây chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng từ chuyện nhỏ này sẽ chuyển sang những chuyện lớn các con ạ.”  Và từ trong ánh mắt ấy: sự dịu dàng, sự chỉ dạy, sự ước ao chúng con nên người, con đã thấy, đã đọc được và đó cũng là một trong những hành trang theo con vào đời.

 

Cảm ơn cha, chị em con yêu cha ngày càng nhiều hơn….

 

Chúng con lớn lên bằng tất cả tình yêu thương, đùm bọc của cha, vì là con gái nên bày tỏ tình cảm giữa cha và chúng con có khoảng cách, không thể diễn đạt tự nhiên như với mẹ - sà vào lòng mẹ, thì thầm với mẹ những chuyện riêng tư….

 

Vì thế, chị em con yêu cha rất rất nhiều…..

 

Và giờ đây, chúng con đã trưởng thành, có gia đình riêng, các chàng rể, những đứa cháu ngoại của cha, tất cả đều kính trọng, yêu quí cha, và cha vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của chúng con, chị em con luôn nghĩ: Cha là duy nhất, và tất cả chỉ là cha. Có câu hát luôn trong tâm trí con: “Người ơi! Là người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, thế mới là hiền nhân. Vì đâu anh nên người tài ba, hãy nhớ công sinh thành, vì ai mà có ta.”

 

Nhân Ngày Của Cha, chúng con, gia đình chúng con kính dâng lên cha những bó hoa muôn màu, thơm ngát, muôn muôn vàn lời chúc đầy yêu thương nhất. Và ở một nơi nào đó, chắc mẹ mỉm cười sung sướng, nhìn gia đình mình quây quần, vui sống bên nhau.

 

Tacoma, tháng Năm 2012

Minh Thy

 

 

Ba Tôi

 

Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh lẻ nghèo khó vùng miền Tây Nam Bộ, tôi đã thấu hiểu hết nỗi khổ cực của Ba Mẹ tôi những ngày đất nước còn khốn khó.

 

Những năm 75 - 80 là những năm tháng khó khăn nhất của cả nước, người dân gần như đói khổ khắp nơi.  Gạo không đủ ăn, phải ăn cơm độn chuối hấp và bobo.  Cả Ba và Mẹ đều phải đi làm, nhưng đồng lương của Ba Mẹ tôi đã không thấm vào đâu với ba “chiếc tàu há mồm” của chị em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, thêm Ông Bà Nội ở cùng để Ba Mẹ tôi tiện bề chăm sóc.

 

“Cái khó nó ló cái khôn,” sau giờ làm việc, Ba tôi đi xin nước dừa ở một xí nghiệp làm dừa sấy (đặc sản của quê tôi) gần nhà. Hàng đêm, Ba Mẹ tôi phải thay phiên nhau canh giữ để những nồi nước dừa này sắc lại thành một thứ nước đặc quánh được gọi là “nước màu”, đem bỏ mối cho những người bán lẻ ngoài chợ, kiếm thêm ít thu nhập cho cái thời buổi lao đao. 

 

Làm việc vất vả lắm, nhưng mỗi đêm đến ca trực ở bệnh viện, Ba tôi chỉ dám ăn ổ bánh mì không cho đỡ đói, vì bánh mì kẹp thịt là thứ xa xỉ với gia đình tôi lúc bấy giờ. Rồi trong mỗi bữa cơm gia đình, Ba tôi rất ít gắp thức ăn cho mình, mà lại gắp những miếng thịt, miếng cá hiếm hoi để vào chén của chị em tôi. Ba tôi bảo: “Con phải ăn thì mới có sức khỏe để đi học.” Mâm cơm mà Mẹ tôi dọn lên mỗi ngày thật tươm tất nhưng không mấy gì thịnh soạn.  Một nồi kho tiêu nước mắm với vài con cá bống, hay ít tép rong mà Ông tôi đã đặt chong và đặt lờ tối qua. Họa hoằn lắm mới có vài miếng thịt do Mẹ tôi ngày hôm đó, không có giờ dạy, xếp hàng nộp sổ để mua.  Duy chỉ có một món được bày ra nhiều nhất và hầu như ngày nào cũng có: rau. Rau là thứ dễ ăn, dễ tiêu hóa, và cũng… rất dễ tìm trong vườn nhà.  Chẳng vậy mà, chị em tôi gầy nhom như mấy cây sậy khô phía sau bờ rào. Tôi thì lại thêm bị sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu tháng tuổi trong bụng Mẹ, nên người yếu nhớt, xanh xao như tàu lá. Chỉ có đứa em trai của tôi ở cái tuổi vô tư, cộng thêm cái háu ăn của thằng con trai, nên trông nó có phần mũm mĩm hơn hai chị em tôi.

 

Mặc dù vất vả lo toan cho những mưu sinh thường ngày, Ba vẫn luôn bên cạnh để dạy dỗ chị em tôi từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống.  Ba thường bảo, con gái thì phải biết “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Ba đã dạy tôi cách rót một tách trà để mời khách, biết cách gác đôi đũa trong bữa ăn, biết xới chén cơm nhìn sao cho đẹp mắt, biết cách phơi quần áo sao cho không bị nhàu… rồi đến cách đi, cách ngồi v.v…  Ba còn dạy tôi biết cư xử với những người xung quanh, cả người mình thương lẫn người mình không thích.  Không thể kể hết biết bao điều Ba đã dạy cho tôi, mà sau này, tôi đã mang nó theo vào đời.

 

Chị tôi vào đại học ở Sài Gòn cũng là bắt đầu những khó khăn mới cho Ba Mẹ tôi.  Ba tôi làm thêm nước đá cục, bỏ mối cho những quán café quanh vùng. Thương Ba, tôi tình nguyện thức dậy sớm chở nước đá đi bỏ mối trên chiếc xe đạp cà tàng.  Những hôm trời mưa và lạnh, người ta ít kêu nước đá, ê sắc…ế, nước đá tan, đồng nghĩa với việc mất sở hụi cho chi phí điện nước, nỗi lo buồn càng hằn rõ hơn trên gương mặt Ba tôi.

 

Ba tôi hiền lắm! Chưa bao giờ Ba tôi đánh con. Tuy vậy, không phải vì thế mà tôi không sợ Ba. Mỗi lần phạm lỗi, nặng nề nhất là giây phút tôi phải đến ngồi vào cái ghế để trống trước mặt Ba tôi sau bữa cơm chiều hôm đó. Bắt đầu của bài thuyết giảng từ Ba tôi, mà thời lượng và thời gian sẽ tùy thuộc vào lỗi lầm tôi đã phạm. Tôi là đứa con gái ít thổ lộ tình cảm nhưng trong thâm tâm, tôi luôn thầm cảm ơn Ba về tất cả những gì Ba đã dạy cho tôi ngày đó, và tôi luôn mang theo như một hành trang quý giá trong suốt cuộc đời mình.

 

Theo sau chị tôi, ngày tôi vào đại học, kể sao hết nỗi khổ nhọc tiếp tục chồng chất lên đôi vai của Ba tôi.  Để có thêm chi phí cho chị em tôi ở đất Sài Gòn đắt đỏ, vào những ngày nghỉ và ngày cuối tuần, Ba tôi phải lội bì bõm dưới những bờ mương để xúc từng gáo bùn non.  Bùn sẽ được trộn với một loại than đá, vắt thành từng viên, phơi khô, đem bỏ mối cho lò bánh mì, hay lò kết tinh đường cát. Vì phải dùng chân nhồi bùn với than, có hôm Ba tôi bị một mảnh miễng chai lẫn trong bùn khứa vào chân.  Máu chảy nhiều lắm. Tôi thấy xót xa quá! Từng giọt máu nhỏ ra từ bàn chân Ba tôi là từng ấy chắt chiu của tình phụ tử, chắt chiu mớ kiến thức mà chị em tôi ngày ngày đang góp nhặt. Ba tôi đã đổi lấy tất cả những gì có thể, bằng chính trí óc và sức lao động của mình, cho tương lai của chị em tôi.  Một bài học nghị lực mà Ba đã dạy cho chị em tôi qua năm tháng lao động cực nhọc của Ba.

 

Mãi đến những năm 90, nhà nước Việt Nam mới chính thức cho phép các bác sĩ mở phòng khám tư, cũng là lúc Ba tôi đến tuổi nghỉ việc ở bệnh viện. Ba tôi tiếp tục làm việc ở nhà để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo đến từ các tỉnh lân cận. Có lần về thăm nhà, tôi thấy một bệnh nhân, sau khi được Ba tôi tiêm thuốc, nói: “Chú ơi con đau quá nên nhờ chú giúp, chú cho con nợ tiền thuốc, mai con đem trả nhe chú.”  Đã bao nhiêu lần như vậy, và rồi Ba tôi cũng không nhớ hết là họ có gởi lại những số tiền thuốc đó hay không? Rồi bao nhiêu người bệnh nghèo trong hoàn cảnh như vậy đã được Ba tôi cứu giúp. Lần khác, tôi thấy Ba hỏi người mẹ của đứa bé sau khi được Ba tôi cho uống thuốc: “Bây có nhiêu tiền?”- Dạ bảy ngàn. “Thôi bây về đi,” Ba tôi nói. Hai mẹ con líu ríu cám ơn rồi ra về. Tôi hỏi Ba, sao Ba không lấy tiền thuốc người ta. Ba tôi buồn: “Nó mần cỏ mướn sớm mơi tới giờ có bảy ngàn, Ba lấy tiền thuốc, lát nữa lấy gì nó mua gạo cho con nó ăn.” Một lần nữa, tôi đã học được ở Ba một tấm lòng bao dung nhân hậu, ở cái tình yêu thương thật là giản dị, giữa con người với con người. Người ta hay nói, “Con gái nhờ đức của cha”. Quả đúng như vậy, để có được như ngày hôm nay, đó là cả một rừng công đức mà Ba tôi đã để lại cho chị em tôi, mà có lẽ tôi cũng sẽ không bao giờ dùng hết. 

 

Năm tháng được ở gần Ba rồi cũng qua đi - tôi đi lấy chồng. Buổi sáng ngày tiễn tôi về nhà chồng, Ba đã căn dặn tôi rất nhiều điều. Ba mong sao tôi sẽ sống tốt với gia đình mới.  Lời nói của Ba bắt đầu nghẹn lại khi Ba tôi nói vài lời gởi gắm tôi cho họ nhà trai.  Rồi Ba quệt dòng nước mắt đã nhòe đi tự lúc nào phía sau đôi kính lão.  Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy Ba tôi khóc. Có lẽ Ba đã khóc vì phải sắp xa tôi? Ồ không, Ba thương tôi, đứa con gái khờ khạo của Ba bắt đầu một đời sống mới - đời sống hôn nhân - “Rồi đây con tôi có được hạnh phúc không?” Nhưng Ba tôi chắc cũng mãn nguyện và tự hào rằng, giờ đây, con gái của Ba đang sống hạnh phúc và luôn sống tốt với những gì Ba đã dạy.

 

Cho đến bây giờ, sinh con ra và nuôi dạy con mình, tôi mới hiểu hết nỗi vất vả và trách nhiệm của Ba Mẹ tôi đã phải gánh vác to lớn đến nhường nào. Đêm đêm, điều duy nhất và trước nhất trong giờ kinh tối, tôi thầm cầu xin Chúa hãy gìn giữ cho Ba Mẹ tôi luôn được bình an.

 

Và tôi luôn rất tự hào vì có Ba…… là Ba của tôi.

 

Tacoma, tháng Năm 2012

Việt Thu

 

 

Ngày Về Của Ba

 

Ba được trở về đoàn tụ với gia đình sau hơn năm năm đi tù ở trại tập trung Cao Bằng - Lạng Sơn. Ba trở về trong những ngày gần Tết. Lúc ấy gia đình tôi đã mòn mi đợi chờ và không biết bao nhiêu lần đã hy vọng là Ba sẽ được trả tự do, được về sống với vợ con như những lá thư Ba đã viết gởi về cho gia đình. Lúc mà mọi người tưởng như là tuyệt vọng vì chờ mong thì Ba lại được tha về.

 

Khuya đó, khuya 29 Tết, khi cả nhà đã đi ngủ bỗng có tiếng đập thật mạnh vào khung cửa rào bằng sắt và có tiếng người la lên thật to:

“Bà Nhơn ơi, ông về rồi đây nè.”

Mấy con chó đang ngủ, nghe tiếng động sủa vang lên làm cả nhà giật mình choàng tỉnh.  Nhảy vội xuống giường, tôi vén màn cửa nhìn ra đường.  Dưới ánh đèn đường hiu hắt chiếu xuyên qua những cành mận, hai bóng người đang đứng trước cửa rào.  Thấy lạ, chị em tôi mở cửa bước ra sân thì tiếng người hàng xóm lại vang lên:

“Ba của con về rồi đây nè.”

Khi chúng tôi còn bàng hoàng như đang nằm mơ, Ba lên tiếng:

“Ba về rồi đây nè.”

Mạ cuống quít hối em tôi chạy vào nhà lấy chìa khoá ra mở cửa rào. Ba bước vào sân cùng với chú hàng xóm. Niềm vui đột ngột làm mọi người sửng sờ, đứng chết lặng nhìn nhau không nói nên lời. Rồi niềm vui chợt vỡ oà, cha con, vợ chồng ôm chầm lấy nhau nước mắt rơi ướt đẫm cả mặt mày!

 

Ba trông thật ốm yếu trong bộ quần áo màu xanh rêu đậm, đầu đội một cái nón vải, tay xách một cái giỏ đệm nhỏ làm bằng lác. Trong giỏ chỉ có hai bộ quần áo cũ đã sờn rách cùng với một xấp thư và một ống điếu để hút thuốc lào. Nhìn Ba tiều tụy, tôi không cầm được nước mắt.  Khi tôi càng cố kìm giữ thì nước mắt không biết từ đâu lại cứ tuôn ra. Thấy mấy chị em tôi khóc nức nở, Ba nén xúc động nói: “Ba về rồi, sao không mừng Ba mà khóc vậy?”

 

Khuya hôm ấy cả nhà tôi thức cho tới sáng để nghe Ba kể chuyện.  Người hàng xóm chạy vào xóm thông báo cho người quen trong xóm biết tin Ba tôi được tha về, nên họ kéo tới nhà tôi để thăm Ba.  Họ muốn chung vui với gia đình tôi và họ cũng muốn đến để xem Ba tôi như thế nào, sau một thời gian đi tù ở một vùng xa xôi tận biên giới miền Bắc.  Ba kể lại Ba chỉ được cho biết là mình sẽ được tha về trước đó vài giờ để thu xếp hành lý.  Nói là hành lý, chứ thật ra chỉ có một hai bộ quần áo cũ và những lá thư của tôi và Mạ đã gởi cho Ba trong thời gian Ba đang ở trong tù. Họ cho Ba mấy chục đồng để đi xe về nhà và một ít lương khô ăn dọc đường.  Họ chở Ba ra trạm xe lửa, mua vé cho Ba về trạm xe lửa Bình Triệu. Đến đó, Ba mới dùng tiền của họ cho để thuê xe ôm về nhà.

 

Đến đầu ngõ cư xá gia đình tôi đang ở, Ba xuống xe đi bộ vào. Có lẽ vì trời tối cộng với tâm trạng nôn nao, lại thêm một phần vì cây trứng cá to ở trong sân nhà đã bị đốn bỏ nên Ba không nhớ ra được căn nhà của mình ngày nào!  Ba đi thẳng lên xóm trên.  May thay, nhờ chú hàng xóm chạy xích lô trên đường về nhà, gặp Ba đang đứng tần ngần trong đêm tối. Người này đã nhận ra Ba và dắt Ba về lại căn nhà của mình.

 

Tết năm đó là một cái Tết hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Có Ba, ngôi nhà của chúng tôi trở nên ấm áp hơn bao giờ hết và Mạ con tôi không còn có cái cảm giác bơ vơ hay lo lắng như đã trải qua trong những tháng ngày vắng Ba. 

 

Minh Nghĩa

Tacoma, tháng Năm 2012

 

 

Công Ba … Nghĩa Nặng

 

“Tình cha ấm áp như vầng Thái Dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn…” Cha mẹ là hai đấng sinh thành kính yêu mà từ xưa đến nay vẫn không ngòi bút nào có thể miêu tả hay ca ngợi đầy đủ được.  Khác với mẹ, tình yêu của người cha dành cho con có vẻ âm thầm lặng lẽ nhưng cũng không kém phần chu đáo và dạt dào.

 

Khác với ý nghĩ của mọi người rằng con gái thường gắn bó và gần gũi mẹ hơn, tôi lớn lên trong tình yêu thương, lời khuyên bảo và rất nhiều những bài học quí báu từ ba. “Khi còn bé thơ, ba bồng ba bế nâng niu, con cưỡi trên lưng ba làm con ngựa nhong nhong.  Một nắng hai mưa, gia đình ba gánh hai vai.”  Từ thuở nhỏ, khi nhà còn rất nghèo, mỗi lần giao được một bộ sơn mài thì những món đồ chơi con thích, hay những món ăn con thèm đều được ba mua ngay về cho con mà không chút đắn đo suy nghĩ.  Ba đã dạy tôi từng lời ăn tiếng nói, đến dáng đi điệu bộ, phải làm thế nào để được xem là một đứa con ngoan.  Tôi còn nhớ hoài những câu nói của ba, khi tôi còn nhỏ, không thích đi mà suốt ngày cứ thích chạy. Ba đã nói rằng: “Con là con gái phải đi đứng cho đằm thắm, không được chạy, rủi con té thì phải làm sao!”


Rồi khi lớn lên một chút, đến tuổi đi học. “Con còn nhớ xưa ba thường đưa con đến lớp.  Ba dạy cho con là tiên học lễ, hậu là học văn.”  Về nhà sau những buổi học, thì con gái lại quấn quít bên ba nào chuyện trường lớp, chuyện bạn bè.  Nhớ hoài những lúc bị điểm kém, thấy ba đến đón mà mặt mày con cứ tái đi vì sợ.  Quan niệm dạy con của ba hoàn toàn khác với mọi người. Ba vừa là người cha lại vừa là người bạn của các con, nơi mà các con có thể thoải mái giải bày tất cả mọi chuyện dù là những chuyện riêng tư nhất.  Ba luôn sẵn sàng lắng nghe rồi đưa ra cho các con những lời khuyên và hướng dẫn vô cùng hữu ích.

 

“Theo ngày tháng trôi, lưng ba còng, mắt kém, tay run.  Ba cõng trên lưng bao nhọc nhằn mưa nắng cuộc đời.”  Tháng năm cứ lặng lẽ trôi qua, nhìn các con của ba ngày một trưởng thành, ba vui mừng lắm nhưng trong lòng con lại lo sợ, lo sợ đến một ngày……. Ba vẫn thường hay nói câu:  “Nếu cuộc đời là 60 năm thì ba đã qua con dốc bên kia lâu rồi.  Nếu cuộc đời là 80 năm thì ba cũng đã ở bên kia con dốc cuộc đời.  Nếu cuộc đời là 100 năm thì ba cũng đã bắt đầu tuột dốc, nhưng đời người có mấy ai sống được 100 tuổi hả con.  Nhưng dù ở bên kia con dốc cuộc đời và đang tuột dốc đi nữa, ba vẫn mong muốn kéo các con lên đỉnh cuộc đời.”  Mỗi lần nghe câu nói này của ba, tôi hiểu rằng ba đã đặt hy vọng rất lớn ở các con, con chỉ có một điều mong muốn rằng con sẽ mãi có ba bên cạnh cùng con chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời.

 

Tất cả những sự hy sinh của ba dành cho các con không thể nào tả hết được, một sự hy sinh âm thầm mà vô cùng thiêng liêng.  Lúc nào con cũng thầm cảm ơn Ơn Trên đã cho con làm con của ba.  Nếu có kiếp sau hay muôn vàn kiếp nữa con vẫn xin được làm con của ba, ba kính yêu. “Ba là vầng Thái Dương rọi cho con bước đường tương lai.  Ba là ngọn núi cao che bão bùng sương gió đời con.  Ba người thầy dắt con, dạy cho con tấm lòng nhân ái.  Ba là một tấm gương trong sáng dù năm tháng tàn phai.”

 

Ngày Hiền Phụ lại đến, hơn bất cứ điều gì, con mong ba được nhiều sức khỏe, cầu mong bình an và vui vẻ sẽ đến với ba. Ba ơi, con tự hào và hạnh phúc nhiều lắm khi được làm con của ba. “Còn đó trong con, những ngày thơ ấu qua mau. Ơn mẹ, công ba nuôi nấng đời con.”

 

 

Phương Anh

Tacoma, tháng Năm 2012