Nhìn Lại Một Chặng Đường
5/22/2009

Đã từ lâu các giáo dân Việt Nam có lòng sùng kính Mẹ Maria thật sâu đậm. Lòng sùng kính này được tỏ hiện qua nhiều câu kinh, tiếng hát và những thực hành đạo đức suốt cả năm. Giáo hội còn dành nguyên cả tháng Năm, tháng đẹp nhất của mùa Xuân, để dâng cho Mẹ. Ở Việt Nam, trong tháng này, các giáo xứ tổ chức những buổi dâng hoa, rước kiệu rất quy mô, và tượng Đức Mẹ được kiệu đi các nhà để giáo dân luân phiên đọc kinh kính Mẹ và cầu bình an. Tôi vẫn còn nhớ rõ những kỷ niệm đi coi múa dâng hoa và rước kiệu tại một xứ nhỏ tại miền Nam thuở trước, nơi các giáo dân hát bài dâng hoa ngũ sắc và các em dâng Mẹ những bó bông dâm bụt, mào gà, vạn thọ và đồng tiền. Các bông hoa ấy mọc đầy dẫy nơi các vùng quê và vì thế chúng rẻ tiền lắm. Tuy vậy, các giáo dân tham dự cuộc rước thật nghiêm trang đạo đức. Giờ đây, nơi xứ lạ quê người, đang là tháng Năm, và cộng đoàn Tacoma vừa chấm dứt một ngày lễ hội đặc biệt với việc rước kiệu, dâng hoa, thánh lễ và văn nghệ mừng kính Mẹ Maria và thánh Giuse, bổn mạng cộng đoàn. Cũng là một nghi thức dâng hoa, nhưng hoa được tiến dâng ngày nay không giống như các loại hoa của ngày xưa. Chúng đẹp hơn, cầu kỳ hơn, và mắc tiền hơn. Còn về lòng mến mộ sùng kính Mẹ, ai cũng nghĩ rằng giáo dân bây giờ vẫn còn mến Mẹ như những ngày xưa. Nhân dịp này, tôi muốn điểm lại những thành quả mà cộng đoàn đã đạt được trong một vài tháng qua, và những mộng ước cũng như những trăn trở của cộng đoàn cho những ngày sắp tới.

Kể từ ngày có ban thường vụ mới vào tháng mười năm ngoái (2008), cộng đoàn thật bận rộn với những lễ lạy và những sinh hoạt đặc biệt của mùa Vọng Giáng Sinh – Tết – và mùa Chay Phục Sinh. Chỉ trong 7 tháng, cộng đoàn đã ra mắt một trang web đẹp với nội dung phong phú và cộng đoàn đã tổ chức được ba buổi tĩnh tâm cho toàn xứ, và gần đây nhất là buổi rước kiệu cung nghinh Đức Mẹ và thánh Giuse, và đại lễ mừng bổn mạng giáo xứ do Đức Tổng Giám Mục Alexander J. Brunett chủ lễ. Theo như nhận xét của nhiều người, kể cả người trong và ngoài cộng đoàn và từ các tờ báo địa phương, buổi lễ đã thành công một cách tốt đẹp về mặt tổ chức lẫn kết quả tinh thần. Đã có hơn hai trăm người đóng góp công sức trực tiếp hay gián tiếp cho buổi lễ này. Được biết rằng tổng số giáo dân thuộc cộng đoàn chỉ tròm trèm hơn năm trăm người. Những con số này nói lên một cách thuyết phục lòng hăng say tham gia công việc nhà Chúa của mọi thành phần già trẻ lớn bé trong cộng đoàn. Thật vậy hơn năm mươi em từ 5 tới 18 tuổi trong các đội trống trắc, dâng hoa, và ca đoàn thiếu nhi Emmanuel khổ luyện ít nhất hai lần một tuần trong suốt hai tháng trời. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh cũng bận rộn không kém trong phần vụ đưa đón và hậu cần. Nhiều bô lão trong cộng đoàn biết không còn đủ sức làm việc nặng, thì các cụ lại góp công bằng cách khuyến khích con cái cháu chắt mình cống hiến sức lực, tài năng cũng như thời gian cho công việc chung của cộng đoàn. Nhờ làm việc chung như vậy mà cộng đoàn ngày càng thấy gần gũi và đồng tâm hiệp ý với nhau hơn.

Nhìn toàn cảnh, cộng đoàn đã đi một buớc dài trong một thời gian ngắn. Càng ngày càng có nhiều người tham gia hơn vào các sinh hoạt trong cộng đoàn. Và cộng đoàn cũng có ngày càng nhiều các chương trình, hoạt động hấp dẫn và thu hút hơn. Điều này tạo nên những lực đẩy đưa cộng đoàn tới một môi truờng sống đạo năng động hơn. Hình ảnh cây nho trong Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh đã minh họa sống động sự thật này: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Gioan, 15,5). Không ai có thể sống đạo cách vẹn toàn khi sống ngoài lề cộng đoàn. Giáo hội, trong ý nghĩa là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, cũng chính là cây nho trong dụ ngôn và các tín hữu là các cành nho. Các tín hữu chỉ có thể trưởng thành –sinh nhiều hoa trái – khi sống đạo, sống theo các lời khuyên Phúc Âm trong lòng cộng đoàn. Đã có nhiều giáo dân làm việc giúp cộng đoàn nhưng rất âm thầm và thật chu đáo như là họ đang làm chuyện nhà. Họ làm việc âm thầm, không vì danh phận, chỉ mong “danh Cha cả sáng và danh Mẹ được mến yêu”. Chính họ là những người đã làm theo lời Chúa dạy: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Gioan 3,18).

Qua việc cung nghinh Đức Mẹ trên đường phố, cộng đoàn đã tuyên xưng niềm tin của mình và lòng mến mộ Đức Mẹ tới dân chúng trong vùng. Thật vậy, có nhiều người không trong cộng đoàn phát biểu là lâu lắm rồi họ mới chứng kiến một cuộc rước kiệu với quy mô lớn như thế. Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam bắt đầu sinh hoạt tại Tacoma vào khoảng năm 1985. Sau gần 25 năm, cộng đoàn này ngày càng phát triển về mặt dân số cũng như về các sinh hoạt đạo, và bắt đầu đi vào dòng sinh hoạt chính mạch của giáo hội Mỹ. Tại cộng đoàn Tacoma, hiện đang có sáu thầy và hai nữ tập sinh đang tu tập tại các tu viện hay chủng viện. Hạt giống mà các thánh Tử Đạo Việt Nam xưa gieo trồng nay đang đơm hoa kết trái. Và dưới sự che chở phù trì của Mẹ Maria, cộng đoàn đang dò dẫm bước đi, sống đạo theo văn hoá Việt Nam trong một môi trường mới. Mẹ từ lâu đã đồng hành với con dân nước Việt từ Lavang, tới Trà Kiệu, rồi tới Fatima Bình Triệu. Điều tuyệt vời nhất về tình Mẹ, là trong lúc con cái Mẹ bị khổ đau cùng cực, Mẹ đã hiện ra bênh đỡ, chở che và cứu thoát. Rất nhiều con cái Mẹ đã có những trải nghiệm cá nhân đó, và nhờ vậy, tình Mẹ con đã được thăng hoa và ngày càng sâu đậm hơn. Qua việc cung nghinh Đức Mẹ, cộng đoàn nay có dịp tỏ bày lòng tri ân Mẹ, và nói lên tình con yêu Mẹ biết bao. Đây chính là động lực cho nhiều người trong cộng đoàn, trước đây vẫn còn ẩn thân, nay đã xuất hiện để giúp cộng đoàn trong việc rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ.

Sống đạo theo truyền thống dân Việt trong lòng xã hội đa văn hóa Mỹ là nỗi băn khoăn của nhiều người Việt Nam sau nhiều năm sống xa quê hương. Dù nay họ có thể ăn hamburger hay hotdog, nhưng họ vẫn thèm ăn cơm, vẫn nhớ mùi nước mắm quê hương. Cũng thế, lòng họ sẽ vẫn mãi xao động chưa thấy được bình an, hay nói một cách khác họ chưa thấy “đã” khi tham dự một thánh lễ cử hành không bằng tiếng Việt. Chỉ hơn một tháng nữa, cộng đoàn sẽ dời về một nhà thờ mới, một giáo xứ mới. Tình cảm chung của nhiều người trong cộng đoàn là lo nhiều hơn vui. Họ biết rằng, có nhiều thách đố đang chờ phía truớc. Họ xin ơn Thánh Thần để soi lòng mở trí cho họ biết việc phải làm. Họ xin Đức Mẹ luôn đồng hành với họ, để vực họ dậy nhưng khi té ngã, để dạy họ biết cách nhường nhịn yêu thương những người anh chị em trong cùng một giáo xứ. Họ biết rằng, là cành nho gắn liền với thân nho, để sinh nhiều hoa trái, họ phải chấp nhận bị cắt tỉa như lời Chúa dạy: ““Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Gioan 15, 2) Xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn này biết tự cắt tỉa những huênh hoang tự đại, những ích kỷ nhỏ nhen, những tham lam đố kỵ giận hờn ganh ghét để được sống chan hòa cùng với tha nhân, cùng nhau thờ lạy một Chúa Trời với hết tấm lòng, hết trí khôn.

Cộng đoàn đang đi trên con đường lữ thứ trần gian. Có những lúc thanh bình yên ắng và có những lúc bão tố phong ba. Hình như trong những lúc gian truân ngặt nghèo, lòng đạo của giáo dân được vững mạnh hơn. Đường lữ thứ của cộng đoàn Tacoma chẳng khác gì con đường về đất hứa của dân Chúa chọn ngày xưa. Đất hứa là một ước vọng, nhưng là một ước vọng có thể nằm mơ thấy và có thể đi tới. Đất hứa của cộng đoàn Tacoma là một nhà thờ cho riêng mình. Đất hứa ấy không cần phải chảy sữa và mật ong, chỉ cần có đủ chỗ để cộng đoàn được sống đạo theo truyền thống văn hoá Việt, để già trẻ lớn bé được sáng chiều ngân nga câu ca: “Mẹ ơi con yêu Mẹ, yêu từ hồi thơ bé, yêu mãi đến tuổi già, yêu tha thiết bao la…” Ước mơ ấy, bao giờ mới thành hiện thực? Đất hứa ấy, bao giờ cộng đoàn mới đi tới nơi? Hãy phó thác những toan tính trong tay Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Vì có khi, sống một đời lữ thứ với những gian truân thách đố giăng giăng, lại chính là điều Thiên Chúa Quan Phòng đã xếp đặt cho cộng đoàn, để cộng đoàn trui rèn đức tin, củng cố đức cậy và gia tăng lòng mến Chúa ngày một hơn. Vâng, nếu thật là ý Chúa định thì chúng con "xin vâng" như Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, đã thưa với Sứ Thần Chúa ngày xưa.

Luke Quang - 05/2009