7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335

Những Dấu Hiệu Báo Trước Ngày Phán Xét Chung

Kinh Thánh đề cập đến một số sự kiện sẽ diễn ra trước khi phán xét cuối cùng. Những dự đoán này không nên được dùng để xác định thời gian chính xác của ngày phán xét, vì "về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi’ (Mc 13, 32). Những sự kiện đó nên được dùng để báo hiệu trước sự phán xét cuối cùng và để giúp các tín hữu luôn nhớ đến thời tận thế, nhưng không khiến họ tò mò vô ích và lo sợ viển vông. [1] Các nhà thần học thường liệt kê chín sự kiện sau đây là dấu hiệu của sự phán xét chung cuộc:

Tin Mừng được rao giảng khắp thế giới

Liên quan đến dấu hiệu này, Chúa Giêsu nói: "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng." (Mt 24:14). Thánh Gioan Kim Khẩu đã cắt nghĩa dấu hiệu trên như là sự hủy diệt của Jerusalem, nhưng, theo đa số các người diễn giải, Chúa nói về sự kết thúc của thế giới ở đây.


Ngày phán xét chung


Người Do Thái tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa

Theo lý giải của các Giáo Phụ, việc người Do Thái tin vào Chúa vào lúc tận thế được thánh Phaolô báo trước trong thư gửi tín hữu Rôma (11: 25-26): “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ núi Xi-on, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà Gia-cóp.” Sách Giáo Lý Công Giáo (số 674) dạy: Việc "người Do Thái trở về đông đủ" (Rm 11,12) trong ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a, sau khi các dân ngoại gia nhập đông đủ (x. Rm 11,25; Lc 21,24 ), sẽ làm cho dân Chúa "đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô " (Ep 4,13) trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài "(1 Cr 15,28).

Kha-nốc và Ê-li-a trở lại

Căn cứ vào một số văn bản của Kinh Thánh, một số Giáo Phụ nhất tin rằng Kha-nốc và tiên tri Ê-li-a, là những người chưa bao giờ nếm cái chết, được cất đi và sẽ xuất hiện vào thời cánh chung; họ là dấu chỉ cho việc Chúa Quang Lâm (về Ê-li-a, hãy đọc Ml 3,23; Hc 48,10; Mt 17,11; về Kha-nốc, đọc Hc 44:16).

Nhiều người bỏ đạo

Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Thêxalônica rằng họ không phải sợ hãi, như thể ngày của Chúa đang đến, (2 Tx 2, 3) vì phong trào bỏ đạo sẽ xảy ra trước (he apostasia). Theo lời chú giải của các Giáo phụ, sẽ có một số lượng lớn Kitô hữu ở nhiều quốc gia bỏ đạo. Để khẳng định niềm tin này, một số nhà chú giải trích dẫn Lời Chúa: "Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" (Lc 18: 8).

Thời của kẻ Phản Kitô

Trong thư Thêxalônica 2 câu 3, thánh Phaolô nói về kẻ tội lỗi, đứa con bị diệt vong như một dấu hiệu khác nữa cho ngày Chúa phán xét. "Kẻ tội lỗi" ở đây thường được xác định là những kẻ Phản Ki-tô mà thánh sử Gioan (1 Ga 2,18) nói họ sẽ xuất hiện vào những ngày cuối cùng. Mặc dù còn nhiều điểm chưa biết rõ và nhiều ý kiến bất đồng về chủ đề này,nhưng nhiều người đồng ý rằng trước khi Chúa quang lâm sẽ có một đối thủ đáng gờm của Chúa Kitô xuất hiện, tên này sẽ dùng những điều lớn lao để mê hoặc các quốc gia, và bách hại Giáo Hội Chúa.

Biến động bất thường của thiên nhiên

Kinh Thánh cho thấy sẽ có những biến loạn khủng khiếp trong vũ trụ xẩy ra trước ngày phán xét (Mt 24,29; Lc 21, 25-26). Nhiều học giả nghĩ rằng những cuộc chiến tranh, giặc giã, đói kém và động đất được tiên báo trong Mt 24, 6 là một số trong những tai họa sẽ xảy ra vào thời cuối cùng.

Trận hỏa hoạn vĩ đại

Trong các thư của các Tông đồ, chúng ta biết rằng một trận hoả hoạn vĩ đại sẽ xảy ra trước khi thế giới đến ngày tận cùng của nó. Tuy nhiên trận hỏa hoạn đó sẽ không tiêu diệt các tạo vật, nhưng sẽ thay đổi hình dáng của chúng, (2 Ph 3, 10-13; 1 Tx 5, 2; Kh 3, 3 và 16,15). Khoa học tự nhiên cho thấy khả năng của một thảm họa như vậy có thể sẽ xảy tới, nhưng các nhà thần học nói chung có xu hướng tin rằng biến cố đó nếu có xảy ra thì hoàn toàn là do quyền năng Chúa tác động đến [1]

Tiếng kèn Phục Sinh

Một số văn bản trong Tân Ước có đề cập đến một giọng nói hoặc tiếng kèn sẽ đánh thức người chết sống lại (1 Cr 15,52; 1 Tx 4,15; Ga 5,28).

"Dấu hiệu Con Người xuất hiện ở trên trời"

“Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời” (Mt 24, 30), Dấu hiệu này sẽ báo trước việc Chúa Kitô đến để phán xét thế gian.

Những Điều Cần Biết về Ngày Phán Xét

Thời gian

Như đã trình bày ở trên, các dấu hiệu báo trước Ngày Phán Xét không đưa ra những chỉ dẫn chính xác về thời gian khi nào ngày đó đến (Mc 13,32) Khi các môn đệ hỏi Chúa: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không? " Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt (Cv 1, 6-7). Chúa và các Tông Đồ muốn dùng việc không biết rõ này như một động lực để mọi người luôn cảnh giác. Ngày của Chúa sẽ đến "như một tên trộm" (Mt 24, 42-43), như một tia chớp đột nhiên xuất hiện (Mt 24,27), như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu (Lk 21,34), như nạn hồng thuỷ (Mt 24,:37 ) [1] Theo Giáo Lý Công Giáo số 1040, “Phán xét chung sẽ diễn ra khi Đức Ki-tô quang lâm. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Người quyết định khi nào sự kiện này sẽ xảy ra. » [2] [4]

Địa Điểm

Tất cả các văn bản, có đề cập đến “Parusia” - việc Chúa Quang Lâm- đều cho rằng Phán Xét Chung sẽ diễn ra trên trái đất. Một số nhà bình luận suy ra từ 1 Tx 4,16, rằng cuộc phán xét sẽ được tổ chức giữa trời, “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên”. Có một số người sau khi đã nghiên cứu những lời của tiên tri Gioen, họ cho rằng Ngày Phán Xét sẽ xảy ra tại thung lũng Gio-sa-phát, “Ta sẽ tập hợp mọi nước mọi dân, đưa xuống cánh đồng Giô-sa-phát” ( Ge 3, 1)[1]

Thẩm Phán

Chúa Giêsu sẽ là Thẩm phán xét xử muôn dân: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người” (Gn 5,26-27). "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27). Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến (Mt, 24,30) [1] . Giáo lý Công Giáo số 1040 dạy rằng: “... Chúa Cha sẽ dùng Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô để ra phán quyết chung thẩm về toàn bộ lịch sử. Bấy giờ chúng ta sẽ thông hiểu ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình sáng tạo, mầu nhiệm cứu độ và những con đường kỳ diệu Thiên Chúa Quan Phòng dẫn dắt mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Phán xét chung cho ta thấy Chúa công chính sẽ chiến thắng mọi bất chính của thụ tạo và tình yêu của Người mạnh hơn sự chết (Dc 8,6) ». [2] [4]

Ai bị phán xét và phán xét về việc gì?

Theo kinh Tin Kính của thánh Athanasiô, tất cả mọi người, cả người lành thánh lẫn người tội lỗi, sẽ chịu phán xét về những hành động tốt hay xấu của họ, về những tội lỗi, về những lời nói vô ích (Mt 12, 36), và về từng ý nghĩ thầm kín (1Cr 4,5). [1] [3]. Sách Giáo Lý Công Giáo số 1038 dạy: “Phán xét chung sẽ diễn ra ngay sau khi mọi người đã chết được sống lại, "người công chính cũng như kẻ có tội" (Cv 24,15) sống lại. Đó sẽ là "giờ các kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người Con và sẽ ra khỏi đó : ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5,28-29). Khi Con Người "vinh hiển quang lâm, có toàn thể thiên sứ theo hầu... Các dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái... Thế là bọn này sẽ phải ra đi vào chốn cực hình muôn kiếp, còn những người công chính sẽ được lên hưởng phúc trường sinh" (x. Mt 25,31.32.46) ».

Nghi thức Phán Xét

Nghi thức Phán Xét được mô tả trong Tin Mừng Mát-thêu như sau: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…" (Mt 25, 31-46). [1]

Nghi thức đó cũng xuất hiện trong sách Khải huyền: “Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách” (Kn 20,12) (xem thêm Giáo Lý Công Giáo số 1039)

Như một lời kết:

Đức Thánh Cha Phanxicô giảng về ngày phán xét chung như sau: “Anh chị em thân mến nhìn vào sự phán xét sau hết không bao giờ làm chúng ta sợ hãi; đúng hơn nó thúc đẩy chúng ta sống hiện tại tốt lành hơn. Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta thời gian này với lòng thương xót và sự kiên nhẫn, để chúng ta học nhận biết Người mỗi ngày nơi các anh chị em nghèo túng và bé nhỏ, để chúng ta làm việc thiện và tỉnh thức trong lời cầu nguyện và trong tình yêu thương. Ước chi vào cuối cuộc đời mình và khi lịch sử kết thúc Chúa có thể thừa nhận chúng ta như các đầy tớ tốt lành và trung tín của Người.” (24.5.2013) [6]

Luke Quang

---------------------------------
[1]. Catholic Encyclopedia 1908-1914 Edition Multimedia: General Judgment. New Advent– 2003. CD.
[2] Shaw, Russed Ed. Encyclopedia of Catholic Doctrine: General Judgment. Indiana: Our Sunday Visitor Inc, 1994.
[3] Drummey, James Jr. Catholic Replies. Massachusettes: C.R Pulblications, 1995.
[4] Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Bản dịch của T.T.Đ/MAC/OPN. Saigon: 1994
[5] Catechism of Catholic Church. United States Catholic Conference, Inc. 1997
[6] http://vi.radiovaticana.va/storico/2013/04/24