7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335


Nên Giải Thích Thế Nào Về Bánh Và Rượu Trở Nên Mình Và Máu Chúa ?


(How Can I Explain Transubstantiation?)


Bài giải đáp bằng tiếng Anh của Cha Cal Christiansen đăng trong Northwest Catholic

số 8 Tháng 10, 2016





 

HỎI: Hôm ấy, con cố giải thích cho một đồng nghiệp không phải Công Giáo học thuyết Thánh Thể về việc bánh và rượu trở nên mình và máu Chúa và con e rằng sau khi con nói xong bà ấy còn bối rối hơn là trước khi con nói! Làm sao có thể giải thích học thuyết này cho những người ngoài Công Giáo để họ có thể hiểu được?

 

ĐÁP: Khi các thánh tông đồ ngồi vào bàn để dự bữa tiệc ly với Chúa Giêsu thì mục đích của họ là để mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái với Ngài. Tuy nhiên lúc ấy Chúa Giêsu còn có một điều gì khác trong tâm trí.

 

Trong khi đang ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình ta.” Rồi Ngài cầm lấy chén, tạ ơn, rồi trao cho họ mà nói: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà uống, vì đây là máu giao ước của ta sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội.’” (Matthêu 26:26-28).

 

Điều xảy ra vào bữa ăn cuối cùng đó, khi Chúa Giêsu mừng lễ với các môn đệ, cũng là điều chưa bao giờ xảy ra trước kia: bánh và rượu bình thường đã trở nên mình và máu Chúa Giêsu, Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi chắc chắn các môn đệ chưa hiểu được một cách đầy đủ điều gì vừa xảy ra, cũng chưa hiểu được điều ấy khi họ tiếp tục cử hành “Tiệc Ly” với các cộng đồng tín hữu thời sơ khai.

 

Tuy nhiên, họ tin tưởng vào lời Chúa nói, dù họ không hiểu được một cách đầy đủ.

 

Những người Công Giáo ngày nay cũng không khác gì lắm. Ta tin rằng trong mỗi thánh lễ, bánh và rượu trở thành Chúa Giêsu – mình, máu, linh hồn và thiên tính của Ngài - mặc dù ta không hiểu được một cách đầy đủ việc ấy xảy ra cách nào. Phép lạ của Thánh Thể là một mầu nhiệm, điều mà lý lẽ và trí thông minh của con người không thể nào thấu hiểu được.

 

Tuy nhiên, đức tin Công Giáo của chúng ta không phải là một điều phi lý và ta không thể để cho màu nhiệm này là một điều bí nhiệm hoàn toàn; ta phải cố gắng hết sức để lý giải điều này, mặc dù không được hoàn toàn. Đó là lý do tại sao bản thể biến hóa là một thuật ngữ quan trọng mà ta phải hiểu để giải thích cho người khác điều chúng ta tin về Phép Thánh Thể.

 

Bản thể biến hóa là một từ ngữ kinh điển để giải thích làm sao bánh và rượu có thể trở nên mình và máu Chúa trong khi không mất đi hình dáng bề ngoài của chúng. Mặc dù tử ngữ này được dùng lần đầu tiên vào thế kỷ 11 bởi  đức Tổng Giám Mục thành Tours, Hildebert of Lavardin, nhưng phải đợi tới công đồng Trent (1545-1563) từ ngữ này mới trở thành một huấn lệnh của giáo hội.

 

Công đồng Trent tuyên bố: “Vì Chúa Kitô đấng cứu chuộc chúng ta đã nói chính mình Ngài đang thật sự được dâng hiến dưới hình thức bánh nên Giáo Hội của Chúa đã luôn tin như vậy nên Công Đồng này giờ đây tuyên bố lại một lần nữa rằng qua sự truyền phép bánh và rượu, đã xảy ra sự biến đổi bản thể bánh thành bản thể mình Chúa Kitô Chúa chúng ta và bản thể rượu thành bản thể máu Ngài. Sự biến đổi này được Giáo Hội Công Giáo gọi một cách thích đáng là bản thể biến hóa (transubstantiation).

 

Muốn hiểu những điều nói trên có nghĩa gì ta cần biết hai ý nhiệm mô thể bản thể của thời trung cổ. Mô thể là hình dáng bề ngoài, những bộ phận và phẩm tính thể lý của một vật hay một người (thí dụ: những ngón tay, tóc, những bàn chân của một người.) Bản thể là phẩm tính đời đời vô hình của một vật hay một người.

 

Hãy nghĩ đến đời sống của một con người: tầm thước bề ngoài của chúng ta luôn thay đổi. Tất cả chúng ta bây giờ đều khác xa với ngày mới sinh ra. Điều không thay đổi là cốt lõi con người chúng ta - một con người cá biệt không ai giống ai.

 

Nói cách khác, mô thể của ta thay đổi, nhưng bản thể của ta vẫn y nguyên.

 

Với Phép Thánh Thể thì hoàn toàn ngược lại. Trong khi mô thể của bánh và rượu (hương vị, sự mềm mại, vị đậm đà, và hình dáng) không thay đổi thì chính bản thể của bánh và rượu lại thay đổi. Bánh và rượu tuy vẫn còn hương vị và hình dáng như cũ, nhưng đã thật sự trở thành Chúa Kitô. Từ ngữ bản thể biến hóa của giáo hội Công Giáo có nghĩa là thế.

 

Nói cho cùng, bản thể biến hóa là một từ ngữ triết học giáo hội dùng để chỉ một phép mầu, nhiệm tích Thánh Thể. Cũng như các thánh tông đồ, chúng ta tin vào lời Chúa nói, tin rằng Ngài nói gì là đúng như thế, nhưng cũng như các thánh tông đồ chúng ta không bao giờ hiểu được những lời nói đó một cách đầy đủ.

 

Xin Chúa chúc lành cho chị hôm nay và mãi mãi.


 

Vương Vũ dịch