Một Vài Chi Tiết Liên Quan Đến Việc Tôn Phong Hiển Thánh Trong Giáo Hội
Quảng Trường Thánh Phêrô ngày đại lễ tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt
Thể thức tổng quát:
Theo thứ tự thời
gian, việc đầu tiên là Hội Dòng hay Giám Mục Giáo Phận, hay hàng Giám Mục thuộc
quốc gia liên hệ đệ đơn, với hồ sơ đính kèm, trình bày về một nhân vật nào
trong hàng giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân nổi danh về đời sống hành đạo, để xin
Tòa Thánh cứu xét và, nếu xứng đáng, nêu cao nhân vật đó làm gương trong sáng
cho toàn dân soi chung, nghĩa là đưa lên danh dự bàn thờ làm mô phạm cho mọi
người tôn kính. Nhân vật đó lần lượt được ghi vào danh sách những bậc sau đây:
Bậc Tôi Tớ Chúa (Servus Dei):
Từ khi hồ sơ được
Tòa Thánh chấp nhận. Tập hồ sơ này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, trong thời gian
lâu dài hay mau chóng, tuỳ Giáo hội địa phương, hay các Dòng tu, có khả năng
cung cấp tài liệu sẽ được đòi hỏi, nhất là được những tài liệu chắc chắn minh
chứng đời sống nhân vật đề cử đó có tầm quan trọng, đích đáng đặc biệt.
Bậc Ðáng Kính (Venerabilis):
Nếu đời sống vị
Tôi Tớ Chúa quả thật xuất chúng, nghĩa là, theo các chứng nhân tham khảo bằng
giấy tờ, đã thực sự tận hiến cho Chúa, hay đã phục vụ tha nhân với mức cao độ:
thí dụ chết thay cho người khác, hy sinh xả kỷ trong bệnh viện, trại phong cùi,
sống thánh thiện khó nghèo, chịu tử đạo... lúc đó Tòa Thánh sẽ công nhận tính
cách anh hùng các nhân đức của Ngài, và ghi nhận vào sổ các bậc Ðáng Kính.
Bậc Chân Phước (Beatus):
Tức là khi vị
Ðáng Kính được nâng lên, xứng đáng danh dự tôn kính trên bàn thờ một cách công
khai. Theo truyền thống của Giáo hội, từ bậc Ðáng Kính sang bậc Chân Phước, thường
ra phải chờ đợi chừng 50 năm, nhất là phải minh chứng bằng hai phép lạ. Thời
gian 50 năm có thể rút ngắn lại, tuy nhiên điều kiện hai phép lạ thế nào cũng
phải có, nhất là khi những vị Ðáng Kính không phải Tử Ðạo. Các phép lạ nói đây
thường là những phép lạ chữa những bệnh tật nguy hiểm, trầm trọng, lâu dài, và
cứu chữa một cách tức tốc, ngoài sự dự trù của con người. Ðể tuyên bố phép lạ
chính xác hay không, phải qua nhiều phen khám nghiệm và điều tra của Ủy Ban Bác
Sĩ được Tòa Thánh chấp nhận.
Bậc Hiển Thánh (Sanctus):
Từ bậc Chân Phước
lên bậc Hiển Thánh cũng cần một thời gian (vài chục năm) và, thêm vào đấy, phải
cần một phép lạ khác nữa. Giáo hội đi trong thời gian, do đó bao giờ cũng đòi hỏi
những bằng chứng thật vững chắc, là vì việc tôn phong Hiển Thánh, được toàn dân
xác nhận, là một việc tôn thờ Thiên Chúa thật cao cả, và tôn kính các bậc Thánh
Nhân là một hành động chính đáng.
Khi nào các tập
hồ sơ hoàn tất và được các Ủy Ban kiểm tra, theo giáo luật, phê chuẩn, Linh mục
Cáo Thỉnh viên đệ lên Ðức Thánh Cha, qua Bộ Phong Thánh, kèm theo một thỉnh
nguyện thư xin Ngài chiếu cố duyệt y, và cho lệnh chuẩn bị buổi họp Cơ Mật Viện
(Consistoire), tức là cuộc họp trên dưới (chừng 60 tới 100) vị Hồng Y, Tổng
Giám Mục thuộc các Cơ Quan guồng máy Trung Ương Tòa Thánh, một số Luật Sư, Thẩm
Phán trong các Tòa án liên hệ đến việc phong Thánh, một số Cáo Thỉnh viên... Cơ
mật viện do Ðức Giáo Hoàng chủ tọa. Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh xin
Ngài duyệt lại một lần sau cùng tất cả những hồ sơ đã đệ lên và đã được nghiên
cứu. Ðức Giáo Hoàng sẽ công khai yêu cầu các vị có thẩm quyền được mời tới bỏ
phiếu chấp nhận và sau đó, theo đề nghị trong Thỉnh Nguyện Thư, Ngài sẽ công bố
ngày phong Thánh cho những nhân vật đã được tuyển chọn.
Radio Veritas Asia
Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu