Vì Sao Linh Mục Mặc Áo Đen
Trong những thế kỷ đầu, các linh
mục không mang trang phục đặc trưng nào. Họ chỉ mang áo quần thường lệ và chỉ
khác biệt khi mặc áo lễ lúc cử hành thánh lễ.
Qua thời gian, những xu hướng thời
trang thay đổi, nhưng các linh mục vẫn giữ lối ăn mặc cũ. Trong thế kỷ XII và
XIII, các linh mục đã xem áo chùng của Roma là kiểu áo thường lệ của mình, phân
biệt các linh mục với giáo dân. Và không lâu sau, Giáo hội đưa ra các quy định
yêu cầu các linh mục mang những trang phục đặc trưng.
Lúc đầu áo chùng chỉ là một áo
choàng cột lại ở nơi thắt lưng, và không có cổ trắng như chúng ta thường thấy
ngày nay. Màu của áo chùng không được quy định rõ, nhưng có lẽ việc sử dụng màu
đen là do tính chất dễ dùng của thuốc nhuộm đen. Trong lịch sử, vải màu đen là
loại vải rẻ nhất nên nó phù hợp với các linh mục quản xứ đơn sơ. Các thành viên
khác trong hàng giáo sỹ dùng các màu khác để phân biệt thứ bậc, và Đức Giáo
hoàng Piô X bắt đầu mang áo màu trắng.
Nhiều linh mục vẫn thường xuyên mặc
áo chùng đen, dù cho hầu hết các hội đồng giám mục khắp thế giới đã cho phép
dùng áo sơmi đen thay thế.
Màu đen tượng trưng cho sự đơn sơ
và khiêm nhượng, nhắc cho các linh mục nhớ noi theo những nhân đức này. Đen
cũng là màu tượng trưng cho cái chết và than khóc, tượng trưng cho cách người
linh mục chết đi bản thân để Thiên Chúa lớn lên trong đời mình. Người linh mục
cũng được kêu gọi mang lấy thập giá Chúa Kitô mỗi ngày, chết đi với tội lỗi để
sống lại trong ân sủng.
Trong khi nhiều linh mục quản xứ
phải mang áo màu đen, nhưng ở nhiều vùng nóng bức, các linh mục được phép mang
áo màu trắng.
Nhưng dù gì, màu sắc riêng biệt của
các linh mục cho các vị khác biệt với toàn xã hội. Nó nhắc chúng ta nhớ lại sứ
mạng phục vụ của linh mục, người chăn chiên trong đồng cỏ. Sự hiện diện của một
linh mục hướng tâm hồn chúng ta về Nước Trời, và đưa Chúa Kitô đến với mỗi người
chúng ta. Màu sắc đó đơn giản là nêu bật sự thật này, và là một “bài giảng nhỏ”
mỗi lần chúng ta gặp các linh mục.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
By phanxicovn - 12/05/2017883
Aleteia | Philip Kosloski