7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335


Ý Nghĩa Mùa Vọng – Biểu Tượng Của Các Cây Nến và Vòng Hoa




Vòng hoa kết bằng nhánh thông được nhiều nhà thờ và gia đình dùng để nhắc nhớ đến Mùa Vọng, là mùa chuẩn bị cho Chúa Giáng Sinh. Vòng hoa cùng với 5 cây nến: có 4 cây nến cho mỗi Chúa Nhật dẫn tới ngày Lễ Giáng Sinh, và cây nến thứ 5 dùng cho chính ngày Lễ Giáng Sinh mầu trắng. Bốn cây kia có 3 cây mầu tím và một cây mầu hồng. 

Việc thống hối được biểu tượng bởi các cây nến mầu tím, trong khi cây nến mầu hồng biểu hiệu cho niềm vui. Cây nến chính giữa được hiểu là cây nến của Chúa Kitô và chỉ được thắp lên vào ngày Lễ Giáng Sinh. Có truyền thống là khi thắp nến, cũng có thể đọc theo một vài đoạn Thánh Kinh liên quan đến ý nghĩa của cây nến, để giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của mỗi cây nến.

Vòng hoa Mùa Vọng được kết bằng các nhánh cây thông biểu hiệu cho đời sống vĩnh cửu. Vòng tròn biểu hiệu cho tình yêu muôn đời của Thiên Chúa, không có lúc khởi đầu và không có lúc chấm dứt, cũng như cho sự bất tử của linh hồn.

Vòng hoa Mùa Vọng hay Vương Miện Mùa Vọng là một truyền thống Kitô biểu hiệu cho việc sống qua 4 tuần Mùa Vọng trong Niên Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội. Thường thì là một vòng hoa trưng bầy theo chiều ngang với 5 cây nến. Khởi đầu với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, việc thắp cây nến đầu tiên được cử hành với một đoạn Phúc Âm và kinh nguyện. Mỗi Chúa Nhật sau đó, lại có thêm một cây nến được thắp lên, cho tới Chúa Nhật cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh, khi cả 4 cây nến đã được thắp sáng. Và cây nến thứ 5, “cây nến của Chúa Kitô” sẽ được thắp lên vào ngày Giáng Sinh. Phong tục phổ thông này được áp dụng trong gia đình cũng như tại nhà thờ trước cộng đoàn.

Các cây nến Mùa Vọng

Cây nến thứ nhất (Cây nến của sự tiên tri và hy vọng)

Cây nến này thường được gọi là cây nến tiên tri. Cây nến này được gọi như vậy vì biểu tượng cho những lời hứa các tiên tri đã rao truyền như những sứ điệp của Thiên Chúa; các lời hứa báo trước việc Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Có người lại coi cây nến này là biểu tượng của niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ được Chúa Kitô xuống thế, cho nên cũng được gọi là cây nến hy vọng.

Cây nến thứ hai (Cây nến của con đường)

Cây nến thứ hai biểu hiệu rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Đường – là ánh sáng soi đường. Các Kitô hữu lạc lối trong tội lỗi và Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng đến với thế gian để chỉ đường cho họ biết lối ra khỏi nơi tối tăm này.

Cây nến thứ ba (Cây nến của niềm vui)

Cây nến thứ ba bầy tỏ rằng niềm vui vĩnh cửu chỉ có thể tìm thấy trong đời sống tại trần gian này là niềm vui trong Chúa Giêsu Kitô, tất cả các niềm vui khác đều phù du và chóng qua.

Cây nến thứ tư (Cây nến của hòa bình)

Cây nến thứ tư bầy tỏ rằng Chúa Giêsu Kitô đến để đem hòa bình cho thế gian và cho tất cả các trái tim con người. Không có Chúa Giêsu Kitô thì thực ra không thể có hòa bình trên thế gian này.

Cây nến thứ năm (Cây nến của Chúa Kitô hay cây nến Giáng Sinh)

Cây nến thứ năm biểu hiệu cho chính Chúa Giêsu Kitô đã sanh ra để cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Đây là niềm hân hoan vì các lời tiên tri đã thể hiện trong việc Chúa Giêsu Kitô giáng trần, và con người có niềm hy vọng nơi ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu Kitô lại đến và mọi Kitô hữu sẽ được sống lại với Người.

Với các cây nến Mùa Vọng, thực ra không phải là mầu của nến mới có ý nghĩa duy nhất, mà là tuần lễ trong đó cây nến được thắp lên mới có ý nghĩa. Mùa Vọng bắt đầu từ tuần lễ thứ tư trước Lễ Giáng Sinh và cao điểm là Ngày Lễ Giáng Sinh. Mỗi tuần một cây nến được thắp lên, với một ý nghĩa đăc biệt dành cho tuần lễ ấy:

Tuần Một: Hy vọng (nến tím)

Tuần Hai: Yêu thương (nến tím)

Tuần Ba: Hân Hoan (nến tím)

Tuần Bốn: Bình An (nến hồng)

Ngày Lễ Giáng Sinh: Chúa Giêsu Giáng Sinh (nến Giáng Sinh mầu trắng)


Bùi Hữu Thư
VietCatholic News