7001 South Park Ave., Tacoma, WA 98408
(253) 475-6335


GIÁO SĨ, TU SĨ và GIÁO DÂN KHÁC và GIỐNG NHAU RA SAO?



 

Hỏi: Xin cha giải thích rõ vai trò và trách nhiệm của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Giáo Hội và tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tích như giáo sĩ?


Trả lời: Nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu Chúa Kitô trở nên “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đẵ gọi anh em ra khỏi miền tối tăm vào nơi ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân. Nay anh em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót của Chúa, nay anh em đã được xót thương.” (1 Pr 2: 9-10)


Trên đây là vinh phúc và là danh hiệu cao quý nhất của người Kitô-hữu với tư cách là Dân mới của Thiên Chúa trong Giáo Hội theo Thánh Phêrô. Không có danh hiệu và vinh phúc nào cao trọng hơn nữa.

 

Tuy nhiên, sống trong Giáo Hội, người tín hữu không có chung một chức năng và nhiệm vụ như nhau. Ngược lại, theo Thánh Phaolô thì: “anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác…” (x. 1 Cor 12: 27-28)

 

Tuy khác nhau về vai trò và trách nhiệm, nhưng mọi thành phần dân Chúa đều bổ túc cho nhau và cùng nhau mở mang Nước Thiên Chúa và xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô giữa trần gian.

 

Theo giáo lý, tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa được mời gọi sống trong ba ơn gọi hay bậc sống khác nhau. Đó là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân. Phân chia như vậy vì ơn gọi riêng biệt của từng người theo kế hoạch của Thiên Chúa chứ không có mục đích phân biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém theo tiêu chuẩn người đời.

 

Nói về ba bậc sống hay ba ơn gọi đặc biệt này, Giáo Lý hiện hành của Giáo Hội dạy như sau: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có những tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật được gọi là giáo sĩ, những tín hữu khác được gọi là giáo dân.  Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có những tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội.” (x. SGLGHCG, số 934)

 

Nói khác đi, một số tín hữu đươc mời gọi để sống và thi hành nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tức là được huấn luyện chuyên môn để nhận lãnh các Chức Thánh (Holy Orders) để phục vụ cho Dân Chúa trong Giáo Hội. Cụ thể như sau:

 

I. Hàng Giáo Sĩ (Clergy)

 

Hàng giáo sĩ bao gồm những người được gọi để lãnh nhận các chức thánh như Phó Tế, Linh Mục và Giám Mục. Đó là thành phần của hàng giáo sĩ thừa tác (ministerial clergy).

 

Nhưng chỉ có linh mục và giám mục được gọi là tư tế (sacerdos) vì có chức tư tế thừa tác (Ministerial Priesthood) và được quyền tế lễ mà thôi.

 

Các Phó Tế là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo Hội, cụ thể là phục vụ bàn thánh, công bố Lời Chúa và được năng quyền giảng lời Chúa, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và rửa tội cho trẻ em (không cho người lớn mới gia nhập Đạo, vì người tân tòng được lãnh 3 bí tích, rửa tội, thêm sức và Thánh Thể một trật trong cùng Thánh Lễ. Do đó, Phó Tế không được rửa tội cho người tân tòng vì không được ban Bí Tích Thêm Sức).

 

II. Hàng Tu Sĩ (Religious)

 

Bậc sống thứ hai là bậc tu trì. Đây là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh (chastity) khó nghèo (poverty) và vâng phục (obedience) trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp theo giáo luật. (x. cans. 573-76). Đây là bậc sống thánh hiến (consecrated life) dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo (spirituality) hay đặc sủng (charism) đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.

 

Thí dụ: Dòng Thuyết Giáo (Order of Preachers, O.P) của Thánh ĐaMinh chuyên về giảng thuyết. Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) của Thánh Ignatius Loyola, thành lập năm 1534, với khẩu hiệu “Ad majorem Dei gloriam = Cho vinh danh lớn lao của Thiên Chúa” chuyên giảng dạy ở Đại Học và hoạt động trong giới trí thức, nhưng nay cũng tham gia làm mục vụ cùng với nhiều Dòng Tu khác để giúp các Địa Phận thiếu linh mục Triều (Diocesan priests) coi sóc giáo xứ.

 

Thật ra, bậc sống tu trì không phải là bậc sống ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân mà là một bậc sống chuyên biệt dành cho những nam nữ Kitô hữu tự nguyện sống ba lời khuyên của Phúc Âm để “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người.” (x .LG. 44)

 

Các nam tu sĩ thuộc nhiều Dòng Tu hay Tu Hội, ngoài 3 lời khấn Dòng, còn có thể học và lãnh chức thánh để trở thành các giáo sĩ có chức linh mục hay giám mục Dòng (đã có nhiều Hồng Y và cả Giáo Hoàng thuộc các Dòng Tu). Như vậy một linh mục có thể là một tu sĩ vì thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội. Thí dụ: các cha Đa-Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên, Tu Hội Tân Hiến ... Nhưng một giáo sĩ (phó tế, linh mục Giáo Phận hay còn gọi là Triều) thì không phải là tu sĩ vì không thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội nào, mà thuộc một giám mục điạ phận.

 

Liên can đến phần thứ 2 của câu hỏi trên, nếu tu sĩ không có chức thánh thì không được cử hành bất cứ bí tích nào, trừ bí tích rửa tội trong trường hợp nguy tử khi không có giáo sĩ có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục). Nghĩa là trong trường hợp bình thường thì tu sĩ (các Thầy, các Sư Huynh, và Nữ Tu) không được phép rửa tội cho ai cả. Trường hợp nguy tử, khẩp cấp thì mọi tín hữu đều được phép rửa tội nhưng phải theo đúng công thức và mục đích của Giáo Hội.

 

III. Giáo Dân (Laity)

 

Theo định nghĩa trong Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium của Thánh Công Đồng Vaticanô II, thì “danh diệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitô-hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận.” (x. LG. số 31)

 

Nói rõ hơn, giáo dân là thành phần Kitô hữu đông đảo nhất không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, như nói ở trên; nhưng nhờ Phép Rửa “đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phần vụ riêng của mình.” (LG. 31)

 

Không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng không có nghĩa là thua kém phẩm chất hay giá trị mà chỉ có nghĩa là không cùng có chung vai trò và trách nhiệm trong Giáo Hội mà thôi. Giáo Sĩ, do ơn gọi và năng quyền (competence) được lãnh nhận từ bí tích chuyên biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh, có nhiệm vụ thay mặt Chúa để tế lễ, giảng dạy, cai trị và thánh hó qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Hòa Giải.

 

Như vậy, trách nhiệm và đối tượng phục vụ của hàng giáo sĩ chính là giáo dân, tức đoàn chiên mà Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành, đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt cho các Tông Đồ xưa và nay cho những người kế tục sứ mạng này là các Giám Mục và hàng Linh Mục, tức những cộng sự viên đắc lực của Giám Muc.

Về phần mình, giáo dân thi hành ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô chủ yếu bằng chính đời sống chứng nhân của mình trước mặt người đời trong các môi trường sống. Cụ thể, khi người giáo dân, cũng là công dân trong một xã hội, sống công bình, thánh thiện, tha thứ và bác ái đúng mức với người khác thì đã hùng hồn rao giảng Chúa Kitô yêu thương, tha thứ và nhân hậu cho họ; đồng thời cũng mang vương quốc bình an, công lý và thánh thiện của Người đến những nơi còn đầy rẫy những bất công, tàn bạo, tội ác và tha hóa.

 

Đây là cách phúc âm hóa thế giới còn hữu hiệu hơn cả những lời rao giảng hùng hồn của giáo sĩ trên giảng đài trong nhà thờ, hay âm thầm cầu nguyện trong các tu viện, mặc dù cầu nguyện cũng thật cần thiết cho sự thành công của sứ mạng Giáo Hội.

 

Tóm lại, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm nhưng cả ba thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết để tất cả đều được cứu độ như lòng Chúa mong muốn. (x. 1Tim 2:4).


 

Tác giải: Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn