NHỮNG QUY LUẬT TỔNG QUÁT VỀ NĂM PHỤNG VỤ VÀ LỊCH CHUNG RÔ-MA
(Trích từ: Lịch Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội năm 2015)
Ngày Phụng Vụ
1. Ngày phụng vụ kéo dài từ nửa đêm cho đến nửa đêm. Nhưng việc cử hành ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng bắt đầu từ chiều ngày hôm trước (AC, 3).
2. Chúa Nhật phải được coi là ngày lễ quan trọng hàng đầu. Vì tầm quan trọng đặc biệt đó, Chúa Nhật chỉ nhường chỗ cho các lễ trọng và các ngày lễ kính Chúa. Nhưng các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh chiếm vị trí ưu tiên trên mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng. Khi gặp các Chúa Nhật này, các lễ trọng sẽ mừng vào ngày thứ Hai, trừ phi các lễ đó trùng với Chúa Nhật Lễ Lá hay Chúa Nhật Phục Sinh (AC, 4-5).
3. Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Có vài lễ trọng có lễ vọng riêng cử hành chiều ngày hôm trước, nếu cử hành Thánh Lễ ban chiều (AC, 11).
4. Lễ kính sẽ mừng trong giới hạn một ngày; vì thế, không có kinh Chiều I, trừ phi những ngày lễ kính Chúa gặp Chúa Nhật Thường Niên và Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh và kinh thần vụ của các ngày lễ kính đó thay kinh thế thần vụ của các Chúa Nhật vừa kể (AC 13)
5. Lễ nhớ gồm có lễ nhớ bắt buộc và lễ nhớ không bắt buộc. Việc cử hành các lễ nhớ được dung hòa với việc cử hành các ngày trong tuần, theo những quy luật trình bày trong Quy Chế Tổng Quát Về Sách Lễ Rô-Ma và trong Quy Chế Tổng Quát Về Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Những lễ nhớ bắt buộc gặp ngày thường trong Mùa Chay thì chỉ có thể mừng như lễ nhớ không bắt buộc thôi.
Nếu trong một ngày có ghi trong lịch nhiều lễ nhớ không bắt buộc, thì chỉ mừng một lễ nhớ thôi và bỏ các lễ nhớ khác (AC, 14).
6. Các ngày thứ Bảy Mùa Thường Niên không có lễ nhớ bắt buộc, có thể mừng lễ nhớ không bắt buộc kính Đức Mẹ.
7. Những ngày sau Chúa Nhật của mỗi tuần gọi là ngày trong tuần. Những ngày đó được cử hành khác nhau, tùy tầm quan trọng riêng của mỗi ngày (AC, 16).
Các ngày Cầu Mùa và Bốn Mùa
Các ngày Cầu Mùa và Bốn Mùa trong năm, Hội Thánh thường cầu xin Chúa cho những nhu cầu khác nhau của con người, nhất là cho ruộng đất sinh hoa quả, cho công ăn việc làm của con người, đồng thời công khai tạ ơn Chúa.
Để những ngày Cầu Mùa và Bốn Mùa trong năm có thể thích ứng với nhu cầu địa phương và tín hữu, các Hội Đồng Giám Mục phải quy định thời gian và cách thức cử hành những ngày đó.
Vì thế, các vị có thẩm quyền cần lưu tâm đến nhu cầu địa phương, mà đặt ra những quy tắc cho việc cử hành các ngày nói trên: kéo dài một hay nhiều ngày, làm một hay nhiều lần trong năm. Để cử hành mỗi ngày lễ nói trên, thì chọn Thánh Lễ nào trong những lễ cho các nhu cầu khác nhau, thích hợp hơn với ý cầu nguyện (AC, 45-47).
Khi có nhiều lễ trùng nhau
Nếu gặp nhiều lễ phải kính trong cùng một ngày, thì cử hành lễ nào có địa vị cao hơn trong bảng ghi ngày phụng vụ (AC, 60).
Nhưng trường hợp một lễ trọng bị ngăn trở vì gặp một ngày phụng vụ ưu tiên, thì lễ trọng ấy được chuyển sang một ngày nào gần nhất, không gặp phải những ngày đã nói trong bảng thứ tự ưu tiên, từ số 1 đến số 8, nhưng phải giữ những điều đã quy định ở Số 5 trong Quy Luật Tổng Quát Về Năm Phụng Vụ (x. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rô-Ma). Các lễ còn lại, thì năm đó bỏ luôn (AC, 60).
Nếu trong cùng một ngày mà Kinh Chiều II của lễ đang mừng trùng với Kinh Chiều I của ngày lễ hôm sau, thì cứ dựa theo bảng ghi ngày phụng vụ trên, mà cử hành Kinh Chiều của lễ nào có ưu tiên; trường hợp hai lễ ngang nhau, thì đọc Kinh Chiều II của lễ đang mừng (AC, 11).
Kính trọng thể
Để phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chúa Nhật Thường Niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chúa Nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên. Có thể mừng các lễ ấy trong mọi Thánh Lễ có đông giáo dân tham dự (AC, 58).
Như vậy, vào các ngày Chúa Nhật Mùa Thường Niên (và cả các ngày Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh nữa) được cử hành ThánhLễ quen gọi là kính trọng thể đương nhiên theo luật (ipso jure) về những lễ liệt kê (ở mục 3, 4, 5) trên đây. Ví dụ: Lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giê-su. Lễ Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, Tông đồ (29/06), lễ Sinh Nhật Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta (24/06), lễ tước hiệu nhà thờ, lễ kỷ niệm cung hiến thánh đường... Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung: lễ Chúa Hiển Dung (6/8), lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9).
CỬ HÀNH THÁNH THỂ - NHỮNG HÌNH THỨC CỬ HÀNH KHÁC NHAU
Khi Giám Mục cử hành
Thánh Lễ tại giáo xứ
1. Trong Giáo Hội địa phương, xét theo ý nghĩa, phải kể đứng đầu là Thánh Lễ do Đức Giám Mục chủ sự và có linh mục đoàn, các phó tế và các thừa tác viên giáo dân bao quanh cùng với sự tham dự cách linh động và đầy đủ của cộng đoàn Dân Chúa. Vì đó là cách chính yếu diễn tả Hội Thánh (IM, 112).
Thánh Lễ cộng đoàn
2. Cũng phải coi trọng Thánh Lễ cử hành cùng với một cộng đoàn nào đó, nhất là cộng đoàn giáo xứ, vì cộng đoàn tượng trưng cho Hội Thánh phổ quát, ở một thời gian và không gian nhất định, đặc biệt trong cử hành Thánh Lễ cộng đoàn ngày Chúa Nhật (IM, 113).
Thánh Lễ đồng tế
4. Việc đồng tế Thánh Lễ diễn tả rõ rệt sự duy nhất của hy lễ và chức vụ Linh Mục, và khi có giáo dân tích cực tham dự, nó nói lên sự hiệp nhất của Dân Chúa một cách cụ thể, đặc biệt nếu Đức Giám Mục chủ sự. Việc đồng tế cũng biểu trưng và củng cố tình huynh đệ giữa các linh mục bởi vì cùng chung trong Bí Tích Truyền Chức Thánh và thừa tác linh mục, tất cả các linh mục liên kết với nhau trong một mối dây huynh đệ gần gũi.
Vì thế, trừ khi gặp ngăn trở bởi nhu cầu của giáo dân (phải coi đây là ưu tiên mục vụ) và mặc dù mỗi linh mục có quyền cử hành Thánh Lễ riêng, đây là điều rất xứng hợp nếu các linh mục cử hành Thánh Lễ với cách thức tuyệt hảo trong đoàn linh mục khi hội họp hay trong các dịp tương tự. Những linh mục sống trong các cộng đoàn hay của cùng một nhà thờ hãy vui vẻ đón tiếp những linh mục khách đồng tế với mình (Eucharisticum Mysterium, ngày 25/5/1967, số 47).
Thánh Lễ cầu cho giáo dân (Missa pro populo)
5. Thánh Lễ cầu cho giáo dân là Thánh Lễ mà Giám Mục Giáo Phận dâng để cầu nguyện cho đoàn dân trong giáo phận (GL 388), hoặc là Thánh Lễ mà Linh Mục Chính Xứ dâng để cầu nguyện cho tất cả giáo dân được trao cho ngài coi sóc (GL 534,1).
“Sau khi đã nhận giáo xứ, Linh Mục Chính Xứ có nghĩa vụ phải dâng Thánh Lễ cầu cho giáo dân được giao phó cho mình vào mỗi ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở chính đáng không cử hành được, thì phải nhờ linh mục khác dâng ý lễ cho trong chính các ngày đó, hay chính mình phải dâng ý lễ bù vào các ngày khác (Gl 534, 1). Cha Xứ không được nhận bổng lễ khi dâng lễ cầu cho giáo dân.
Nếu “Linh Mục Chính Xứ phải coi nhiều giáo xứ, thì vào những ngày nói ở trên, chỉ buộc phải dâng một Thánh Lễ để cầu cho tất cả giáo dân được giao phó cho mình.” (Gl 534, 2)
“Linh Mục Chính Xứ không làm đủ bổn phận nói ở Tiết 1 và Tiết 2, nếu đã bỏ bao nhiêu lễ thì phải lo chỉ cho đủ bấy nhiêu lễ sớm hết sức.” (Gl 534, 3)
Có 4 ngày lễ buộc trong Tổng Giáo Phận Hà Nội:
1. Lễ Giáng Sinh (25/12)
2. Lễ Đức Chúa Giê-su Lên Trời
3. Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời (15/08)
4. Lễ Các Thánh Nam Nữ (01/11)
Thánh Lễ cử hành chiều hôm trước ngày lễ buộc và chiều thứ Bảy
6. Giáo luật, điều 1248, khoản 1, quy định: “Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công Giáo bất cứ ở đâu, vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ.”
Vì thế, Thánh Lễ chiều thứ Bảy (và Thánh Lễ chiều trước ngày lễ buộc) sẽ được sắp xếp với mọi yếu tố phải có (diễn giảng, lời nguyện giáo dân) hay nên có (dân chúng tham dự tích cực hơn bằng lời ca tiếng hát; IM 71-78), như trong Thánh Lễ của chính ngày lễ.
Còn bản văn Thánh Lễ thì theo nguyên tắc chung, tức là luôn luôn phải giữ theo luật buộc, mà không phải quan tâm gì đến bậc phụng vụ của hai lễ cử hành trùng nhau (Not. 1984, tr. 603).
Vì vậy, trong thực tế, nếu chiều thứ Bảy có giáo dân tham dự, thì sẽ cử hành Thánh Lễ về ngày Chúa Nhật, tức là cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật (hay Thánh Lễ trùng ngày) và thay cho Thánh Lễ ngày Chúa Nhật hôm đó.
Để những lễ trọng (trùng vào Chúa Nhật Mùa Vọng, Chúa Nhật Mùa Chay và Chúa Nhật Mùa Phục Sinh) không bị mất Thánh Lễ vào chiều thứ Bảy (vì phải cử hành Thánh Lễ ngày Chúa Nhật) nên Thánh Bộ Phụng Tự (ngày 22/04/1990) đã sửa đổi (AC.5) và cho chuyển các lễ bị ngăn trở đó sang ngày thứ Hai sau, thay vì đưa lên ngày thứ Bảy trước (như AC.5 cũ quy định).
Lựa chọn bản văn Thánh Lễ
7. Vào những ngày lễ trọng, linh mục chọn bản văn Thánh Lễ theo lịch phụng vụ của thánh đường nơi cử hành Thánh Lễ (IM, 353).
8. Trong các Chúa Nhật, các ngày trong tuần Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh, ngày lễ kính và lễ nhớ bắt buộc:
a) Nếu có cộng đoàn tham dự, linh mục phải theo lịch của thánh đường, nơi cử hành Thánh lễ;
b) Nếu không có cộng đoàn tham dự, linh mục có thể chọn: theo lịch của thánh đường hoặc theo lịch riêng. (IM, 354)
9. Trong các lễ nhớ không bắt buộc:
a) Các ngày trong tuần Mùa Vọng từ 17 đến 24 tháng 12, các ngày trong tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh và các ngày trong tuần thuộc Mùa Chay, trừ thứ Tư lễ Tro, và các ngày Tuần Thánh, linh mục phải cử hành Thánh Lễ theo ngày phụng vụ; vào những ngày lễ nhớ có ghi trong lịch chung trùng vào các ngày trên đây, thì có thể đọc lời nguyện nhập lễ của lễ nhớ, miễn là không gặp thứ Tư lễ Tro hay các ngày Tuần Thánh. Các ngày trong tuần Mùa Phục Sinh, có thể lấy toàn thể bài lễ nhớ các Thánh;
b) Trong các ngày trong tuần Mùa Vọng trước 17 tháng 12, các ngày trong tuần Mùa Giáng Sinh từ mồng 2 tháng Giêng và trong Mùa Phục Sinh, linh mục có thể chọn lễ về ngày trong tuần, hoặc lễ về vị thánh hoặc một trong các vị thánh được nhớ, hoặc lễ về vị thánh có tên trong Sách Thư Mục Các Thánh của Giáo Hội Rô-ma (Martyrologium Romanum = sổ bộ các thánh) của ngày đó;
c) Các ngày trong tuần thuộc Mùa Thường Niên, linh mục có thể chọn lễ về ngày trong tuần, hoặc lễ nhớ không bắt buộc nếu có, hoặc lễ vị Thánh nào có tên trong Sách Thư Mục Các Thánh của Giáo Hội Rô-ma (Martyrologium Romanum = sổ bộ các thánh) trong ngày đó, hoặc lễ cho các nhu cầu khác nhau hoặc lễ ngoại lịch.
10. Vào những ngày trong tuần Mùa Thường Niên, các lời nguyện có thể được chọn như sau:
a) Dùng những lời nguyện của Chúa Nhật đầu tuần, hoặc các lời nguyện của một Chúa Nhật khác thuộc Mùa Thường niên, hoặc một trong các lời nguyện của các lễ cho các nhu cầu khác nhau, có ghi trong sách lễ. Nhưng luôn chỉ được phép dùng một lời nguyện nhập lễ lấy từ các lễ đó mà thôi (IM, 363);
b) Lễ về ngày trong tuần, hoặc lễ nhớ không bắt buộc nếu có, hoặc lễ vị Thánh nào có tên trong Sách Thư Mục Các Thánh của Giáo Hội Rô-ma (Martyrologium Romanum = sổ bộ các thánh) trong ngày đó;
c) Lễ cầu cho các nhu cầu hay dịp hoặc lễ ngoại lịch;
d) Lễ cầu cho tín hữu đã qua đời.
Nếu cử hành Thánh Lễ có cộng đoàn, linh mục phải quan tâm trước tiên đến lợi ích thiêng liêng của giáo dân và không áp đặt những ưu tiên thiêng liêng cá nhân của mình. Cụ thể, linh mục phải giữ các bài đọc đã chỉ định cho từng ngày ở sách Bài Đọc dành cho những ngày trong tuần, đừng bỏ thường xuyên và khi không có đủ lý do, vì chưng Hội Thánh muốn dọn cho các tín hữu một bàn tiệc lời Chúa phong phú hơn.
Cũng vì lý do đó, linh mục chỉ nên cử hành lễ cầu cho những người đã qua đời cách chừng mực. Quả thật, trong Thánh Lễ nào cũng cầu cho kẻ sống và người chết, và trong mỗi kinh nguyện Thánh Thể đều có nhớ đến những người quá cố. Nơi nào tín hữu ưa thích cử hành lễ nhớ tùy chọn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hay các Thánh, thì được làm theo lòng đạo đức chính đáng của họ (IM, 355).
Thánh Lễ hôn phối trong Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh
11. Khi cử hành hôn phối trong Thánh Lễ, thì chỉ được cử hành Thánh Lễ hôn phối vào một số ngày trong năm mà thôi.
a. Cấm cử hành Thánh Lễ hôn phối trong những ngày sau đây:
- Các lễ trọng buộc cũng như các lễ trọng không buộc
- Các Chúa Nhật Mùa Vọng, Chúa Nhật Mùa Chay và Chúa Nhật Mùa Phục Sinh
- Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh
- Lễ Cầu cho các tín hữu đã qua đời (2/11)
- Các ngày trong tuần Bát Nhật Phục Sinh
Gặp những ngày đó, phải cử hành Thánh Lễ theo ngày phụng vụ và đọc tất cả các bài Sách Thánh của ngày hôm đó. Vẫn đọc lời cầu nguyện cho đôi tân hôn trong Thánh Lễ, và cuối Thánh Lễ thì có thể dùng công thức ban phép lành cho đôi tân hôn. Nếu không phải là Tam Nhật Vượt Qua hay lễ trọng, thì cũng có thể đọc một bài Sách Thánh về hôn phối.
b. Các Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên:
Cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng trong các bài Sách Thánh, có thể đọc một bài về hôn phối; nếu cử hành hôn phối trong Thánh Lễ không có cộng đoàn giáo xứ tham dự, thì có thể cử hành toàn bộ Thánh Lễ hôn phối (CE, 603 và OCM mới {1990} các số 34, 54 và 56 {OCM cũ số 11}).
Thánh Lễ ngoại lịch kính Đức Mẹ vào các thứ Bảy trong Mùa Thường Niên
12. Các ngày thứ Bảy trong Mùa Thường Niên, khi không có lễ nhớ bắt buộc, có thể cử hành Thánh Lễ kính Đức Mẹ.
Những ngày kỷ niệm của Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục và thụ phong linh mục của chính chủ tế
13. Vào những ngày trong tuần Mùa Thường Niên, được phép cử hành lễ kỷ niệm của Đức Giáo Hoàng, Đức Giám Mục hay thụ phong linh mục của chính chủ tế, hoặc chỉ dùng những lời nguyện hay chỉ dùng tổng nguyện (collecta) trong Thánh Lễ. Nếu có nhu cầu mục vụ, Thánh Lễ cho những dịp kỷ niệm này có thể được cử hành vào những ngày khác, phù hợp với qui tắc về lễ cho các nhu cầu, dịp và ngoại lịch.
Thánh Lễ cầu cho tín hữu đã qua đời
14. Trong những Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, thì đứng đầu là lễ an táng. Có thể cử hành lễ này mọi ngày trừ những lễ trọng buộc, thứ Năm Tuần Thánh, Tam Nhật Vượt Qua, và các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh. Ngoài ra phải giữ mọi điều luật đã quy định (IM 380).
Khi được tin người chết, hoặc trong lần an táng cuối cùng, hoặc trong ngày giỗ đầu, có thể cử hành Thánh Lễ cầu cho người đã qua đời cả trong những ngày thuộc Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, những ngày có lễ nhớ buộc, những ngày trong tuần Mùa Chay và Mùa Phục Sinh mà không phải là thứ Tư Lễ Tro hay Tuần Thánh.
Các Thánh Lễ khác cầu cho những người đã qua đời, gọi là “Lễ Hằng Ngày”, được cử hành vào các ngày trong tuần thuộc Mùa Thường Niên, trong đó, khi có lễ nhớ không bắt buộc hoặc lễ theo ngày trong tuần, miễn là thực sự chỉ lễ cho những người đã qua đời (IM, 381).
Trong Thánh Lễ an táng, thường nên có một bài giảng ngắn, nhưng phải tránh tất cả những lối điếu văn ca tụng người chết (IM, 382).
Cử hành Thánh Lễ có nghi thức riêng, Thánh Lễ tùy nhu cầu và Thánh Lễ cầu cho tín hữu đã qua đời
Chữ viết tắt: (x. IM, 360-386) 380-382)
V1 Thánh Lễ có nghi thức riêng, Thánh Lễ tùy nhu cầu và Thánh Lễ ngoại lịch, do lệnh hay phép của Bản Quyền Địa Phương chỉ định hoặc cho phép, khi gặp một nhu cầu (hay một lợi ích mục vụ) quan trọng.
V2 Thánh Lễ tùy nhu cầu và Thánh Lễ ngoại lịch, theo sự xét đoán của vị phụ trách thánh đường hay của chính chủ tế, nếu thực sự có nhu cầu hoặc lợi ích mục vụ đòi hỏi.
V3 Thánh Lễ tùy nhu cầu và Thánh Lễ ngoại lịch, do chủ tế chọn theo lòng đạo đức của tín hữu
D1 Thánh Lễ An Táng
D2 Thánh Lễ Cầu Hồn (cầu cho người qua đời), sau khi được tin báo tử hoặc trong ngày giỗ đầu
D3 Thánh Lễ Cầu Hồn (cầu cho người qua đời) hàng ngày
Để áp dụng:
1. Cấm tất cả các Thánh Lễ trên, trong những ngày sau:
- Các lễ trọng buộc.
- Các Chúa Nhật Mùa Vọng, Chúa Nhật Mùa Chay và Chúa Nhật Mùa Phục Sinh.
- Thứ Năm Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua.
2. Chỉ được cử hành Thánh Lễ D1, trong những ngày sau:
- Các lễ trọng không buộc, Lễ Các Linh Hồn (2/11)
- Lễ Tro, từ thứ Hai Tuần Thánh đến thứ Tư Tuần Thánh
- Các ngày trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
3. Chỉ được cử hành Thánh Lễ V1, D1 trong những ngày sau:
- Các Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh và Chúa Nhật Mùa Thường Niên
- Các lễ kính
4. Chỉ được cử hành Thánh Lễ V1, D1, D2 trong những ngày sau:
- Các ngày từ 17/12 đến 24/12
- Các ngày trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
- Các ngày thường trong Mùa Chay
5. Chỉ được cử hành Thánh Lễ V1, V2, D1, D2 trong những ngày sau:
- Các lễ nhớ bắt buộc
- Các ngày thường từ đầu Mùa Vọng cho đến hết ngày 16/12
- Các ngày thường trong Mùa Giáng Sinh (từ 2/1)
- Các ngày thường trong Mùa Phục Sinh (sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
6. Được cử hành Thánh Lễ V1, V2, V3, D1, D2, D3 trong những ngày sau:
- Các lễ nhớ không bắt buộc
- Các ngày trong tuần của Mùa Thường Niên
CÁC PHẦN KHÁC NHAU CỦA THÁNH LỄ
15. Kinh Vinh Danh (Gloria) được hát hay đọc trong các Chúa Nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp cử hành đặc biệt khá long trọng (IM, 53).
16. Chỉ có một (01) tổng nguyện (collecta) hay còn gọi lời nguyện nhập lễ được đọc, điều này cũng được áp dụng cho lời nguyện trên lễ vật và lời nguyện hiệp lễ. Lời nguyện cho những nhu cầu cụ thể hay những dịp kỷ niệm được đặt vào trong lời nguyện tín hữu.
17. Trong những Thánh Lễ cho những nhóm riêng, linh mục được phép chọn những bài đọc phù hợp hơn với nhóm (lấy từ Sách Bài Đọc đã được chuẩn nhận) (IM 358).
18. Phụng Vụ Lời Chúa phải được cử hành thế nào để giúp cho cộng đoàn suy niệm, nên phải tránh mọi hình thức vội vã khiến người ta khó hồi tâm. Trong Phụng Vụ Lời Chúa, nên có những lúc thinh lặng ngắn, phù hợp với cộng đoàn đang hiện diện, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, lời Chúa thấm nhập lòng người và chuẩn bị họ đáp lại bằng lời cầu nguyện. Tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng sau Bài Đọc Thứ Nhất và Thứ Hai, cũng như sau Bài Giảng (IM, 56).
19. Kinh Tin Kính phải do linh mục hát hoặc đọc chung với cộng đoàn trong các ngày Chúa Nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những dịp cử hành đặc biệt khá long trọng (IM, 68).
20. Các linh mục buộc phải rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ cử hành, thì cũng rất ước mong là các tín hữu cũng được rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ họ đang tham dự. Trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh (x. số 283), để qua cả những dấu chỉ, họ thấy rõ hơn hiệp lễ là tham dự vào hy tế đang cử hành (IM, 85).