Vai Trò Các Thừa Tác Viên Phụng Vụ Trong Thánh Lễ - Linh Mục Anthony Vũ Hùng Tôn
Thừa Tác Viên Phụng Vụ
Phụng Vụ là toàn thể cộng đoàn giáo
dân cùng thờ phượng tôn vinh cầu xin cảm tạ Chúa, nhưng không phải ai cũng nói,
ai cũng làm, ai cũng đọc, ai cũng giảng giải. Chủ tế là ‘chủ’ điều hành việc tế
lễ, còn mỗi người tuỳ phận vụ mà tham gia. Đó là các thừa tác viên, những người
được uỷ nhiệm, được thừa tác: tác động do người khác chỉ định. Trước kia có những
từ đặc biệt để chỉ từng chức vụ, và có những nghi thức riêng khi lãnh nhận các
tác vụ đó, thí dụ giữ cửa nhà thờ (porter, sacristan), giúp lễ (acolyte), đọc
sách (lector). Ngày nay chỉ có những người chuẩn bị chịu chức linh mục mới lãnh
nhận mấy tác vụ này.
Mỗi giáo phận đưa ra một số tiêu chuẩn
và chỉ thị, rồi mỗi giáo xứ lại có thêm một ít nguyên tắc điều hành nữa. Dù sao
thì nguyên tắc chính là mỗi thừa tác viên phục vụ nhân danh Chúa vì lợi ích của
cộng đoàn với sự hướng dẫn của chủ tế. Không ai được quyền tự ý thay đổi. Tất cả
phải hòa hợp với nhau như những nhạc công dưới sự điều khiển chỉ huy của nhạc
trưởng.
Những thừa tác vụ đó là:
1.- Giúp Lễ (Acolyte) hoặc Giúp
Phục Vụ Bàn Thánh (Altar Server)
Chức vụ giúp lễ (acolyte) dành cho người
lớn, còn giúp phục vụ dành cho trẻ em. Ở đâu cũng thấy trẻ em nhỏ tuổi hăng say
giúp phục vụ một cách sốt sắng, nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian ngắn vài
năm, các trẻ em dễ coi thường bàn thánh, chia trí nói chuyện cười cợt trong giờ
thờ phượng và chán ngán không muốn tiếp tục giúp nữa.
Cách đây ít lâu có vấn đề trẻ em phái
nữ không được vinh dự phục vụ, và hiện nay tuy Hội Thánh cho phép, một số cha xứ
cũng không cho vì đó là quyền của các ngài trong giáo xứ các ngài phụ trách.
2.- Đọc Sách (Reader) hoặc Công
Bố Lời Chúa (Lector)
Công Bố Lời Chúa (Proclaim God’s Word)
là vinh dự và nhiệm vụ của công dân Nước Trời, có nghĩa là những người đã được
rửa tội, thêm sức và rước lễ. ‘Công bố’ tức là người đọc được thừa uỷ nhiệm để
công khai tuyên bố thay người khác (Chúa, chủ tế), chứ không phải chỉ đọc như đọc
báo, đọc bản tin. Do đó không phải ai cũng có quyền công bố Lời Chúa, thí dụ
người không công giáo tham dự Thánh Lễ, trẻ em chưa thêm sức hoặc chưa rước lễ.
Dĩ nhiên cũng có trường hợp đặc biệt như các Thánh Lễ dành riêng như trẻ em, an
táng, hôn phối, nhưng đặc biệt là ngoại lệ chứ không phải thông thường. Không
phải vì thấy ai đó làm mà mình cũng cứ nhắm mắt làm theo. Phải biết việc mình
làm, phải hiểu lời mình nói.
Nhiệm vụ là ‘công bố’ nên chi phải làm
sao để người nghe có thể hiểu được rõ ràng. Nghệ thuật và kinh nghiệm nói trước
công chúng có thể giúp người công bố rất nhiều trong nhiệm vụ cao quý này.
Một chi tiết nhỏ đáng lưu ý: người đọc
là thành phần nghi đoàn nên không được cách xa cung thánh, mà phải ở gần để dễ
dàng tới lui cho đỡ gây nên chia trí.
3.- Thừa Tác Viên Thánh Thể
(Eucharistic minister)
Có người nghĩ rằng mình không xứng đáng
làm Thừa Tác Viên Thánh Thể. Thực ra chẳng ai xứng đáng đến với Chúa hoặc gần
bàn thờ Chúa. Nhưng Chúa vẫn tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta đến với Chúa
và đến với nhau. Hãy coi việc trao Mình Thánh Chúa như là một vinh dự giới thiệu
Chúa cho người anh chị em, cách riêng cho người yếu đau, ở nhà neo đơn. Chúa đã
ghé thăm nhà ông Za-kêu, đã nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri-a bên bờ giếng.
Chúa cũng rất vui mừng được chúng ta đem Chúa đến cho người anh chị em của
Chúa.
Tôi nhớ lại hình ảnh của ông bà Quẹo ở
Phủ Cam, Huế. Hai người bị tàn tật, một người mù một người bị tật quẹo chân
không đi đứng bình thường được và ở trong một cái lều do mấy miếng các-tông
ghép lại mà vẫn còn trống trải. Lần nào tôi đưa Mình Thánh Chúa xong, ông bà
cũng chỉ biết nói lời cảm ơn Chúa, cám ơn cha vì đã đem cho ông bà món quà quý
giá nhất là Mình Máu Thánh Chúa.
4.- Thừa Tác Viên Thánh Nhạc: Ca Đoàn
(Choir, Musicians)
Xin đọc loạt bài ‘Bên Lề Thánh Nhạc’
Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới
tinh thần cầu nguyện qua việc cộng đồng cùng hát. Mục đích của ca đoàn, ca
viên, nhạc công trong phụng vụ là dùng tài năng Chúa ban để phục vụ, giúp mình
cầu nguyện trước và giúp cộng đoàn cùng cầu nguyện sau. Đây không phải là sân
khấu trình diễn nghệ thuật vì chẳng mấy người là ca sĩ nghệ sĩ chuyên nghiệp
trong nhà thờ, nhưng cung cách và trình độ xướng hát cũng phải thích hợp với cộng
đoàn: thí dụ nhà quê thì khác, thành phố thì khác, giới trẻ thì khác, cao niên
thì khác. Hát xướng điêu luyện cũng chưa chắc đã giúp cầu nguyện.
5.- Thừa Tác Viên Tiếp Đón
(Minister of Hospitality)
Đây là những thừa tác viên thi hành
công tác nhân danh cộng đoàn và vì vinh danh Chúa, nên phải có tâm tình đạo đức,
với lòng tin thành thật và lòng yêu mến sâu xa. Ngày xưa chỉ có mấy ông từ chỉ
chỗ cho ngồi. Ngày nay với tiến bộ xã hội, như trong các tiệc tùng tiếp đón, Hội
Thánh khuyến khích phải có những người thừa tác viên tiếp đón con cái tới bàn
tiệc thánh của Chúa, giống như mấy người lễ tân nơi khách sạn. Về điểm này
chúng ta phải cảm phục nhà thờ Tin Lành, lúc nào cũng có người đón tiếp thật
chu đáo lịch sự. Hầu như lần nào tới nhà thờ Tin Lành, người ta cũng nói với
tôi một câu giống nhau: ông là người Công Giáo. Suy nghĩ lui tới tôi mới hiểu rằng
tại vì mình ăn mặc bê bối không giống ai.
Xin quý vị thừa tác viên tiếp đón thực
sự ân cần chào hỏi người anh chị em của mình kể cả khách lạ, nhân danh Chúa và
thay mặt cộng đoàn như thể tiếp đón thiên thần (thư Do-Thái 13: 2), chứ đừng
coi mình như nhân viên trật tự có quyền chỉ huy người khác.
6.- Dâng Của Lễ (Gifts Bearers)
Với canh tân phụng vụ của Công Đồng
Vaticanô II, trong Thánh Lễ Chúa Nhật có thêm việc dâng của lễ: một số người
hay gia đình tự nguyện hoặc được chỉ định. Của lễ chính trong phụng vụ là bánh
và rượu để trở nên Mình Máu Thánh Chúa.
Những thứ khác như hoa trái, tiền bạc,
vật dụng kỷ niệm tất cả là phụ thuộc, vì những thứ đó không thực sự được dâng
hiến cho Chúa, bởi lẽ đưa lên rồi lại đưa về chứ không như bánh rượu được chấp
nhận rồi biến đổi và trao ban đi. Hình như ý nghĩa đó bị mất mát đi ít nhiều
khi người ta chỉ chú ý làm bình hoa cho đẹp, sắp xếp vật kỷ niệm cho dễ thương,
hoặc tranh dành nhau để được vinh dự đó hoặc coi thường không chịu làm gì cả.
Cũng có nơi ngày nào cũng chỉ dâng lễ
vật bánh rượu thôi.
Dù thi hành nhiệm vụ nào trong Thánh Lễ,
chúng ta cũng chỉ là đại diện cho cộng đoàn. Khi không thi hành nhiệm vụ, xin
hãy hiệp thông với người đại diện qua lời nói cử chỉ và nhất là tâm tình. Khi một
người nói lời gì, làm việc gì, biểu lộ qua một cử chỉ nào, chúng ta không nên
chia trí, nói chuyện, hoặc tỏ thái độ khinh thường.
Phụng Vụ là việc chung của tất cả cộng
đồng. Thánh Lễ nào cũng là Thánh Lễ cộng đồng, chứ không phải của riêng ai.
Cố L.M. Anthony Vũ Hùng Tôn